Nói được tiếng lòng dân?

QUỐC VIỆT THỰC HIỆN 13/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Người đại biểu nhân dân nhiệm kỳ mới phải làm gì để đáp ứng được mong mỏi của nhân dân?

Đó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với ba nhân vật luôn trăn trở trước thời cuộc là nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết; bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và giáo sư luật Nguyễn Vân Nam...

Ảnh: chinhphu.vn

 

Kinh tế thị trường đúng nghĩa

Dân giàu, nước mới mạnh, nâng được vị thế quốc gia, bảo vệ tốt chủ quyền Tổ quốc. Theo ông, người đại biểu nhân dân khóa tới phải tập trung vào những gì để cùng Chính phủ thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia?

- Ông Lê Văn Triết: Theo tôi, đại biểu Quốc hội khóa tới cần đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề chính trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia.

Thứ nhất, phải thoát ra khỏi sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc. Việt Nam chắc chắn sẽ không thể phát triển bền vững được nếu lệ thuộc quá nặng vào Trung Quốc như hiện nay, từ nguyên liệu đầu vào, đầu ra, đến đất nước đang thành thị trường khổng lồ cho họ.

Thứ hai, phải tập trung khai thác đúng lợi ích từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ TPP, do xuất phát chúng ta còn thấp nên nước ngoài sẽ đổ vào làm ăn. Quốc hội khóa tới phải sửa đổi luật lệ, xây dựng môi trường kinh tế minh bạch, đặc biệt là chính sách thuế để mời gọi nhà đầu tư mà vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia...

Tôi tin rằng nếu Việt Nam thực hiện tốt hai nội dung trên thì sẽ có ngày thực sự lớn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế chúng ta đang gặp khó khăn có phần quan trọng là do còn chưa xác quyết rõ ràng kinh tế thị trường, khối quốc doanh không có hiệu quả tương xứng với đặc quyền đặc lợi được hưởng. Theo ông, đại biểu Quốc hội khóa mới nên nhận lãnh trách nhiệm trước vấn đề này ra sao?

- Ông Lê Văn Triết: Quốc hội với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phải “để mắt” giám sát nền kinh tế quốc doanh đang tồn tại quá nhiều vấn đề. Tôi nói thẳng, không ít đơn vị được Nhà nước như nuôi ong tay áo, chỉ lo thu lợi cho mình mà bất chấp cái hại quốc dân.

Thậm chí, một số doanh nghiệp quốc doanh vốn đã được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi rồi mà vẫn dám “đe dọa” cả Nhà nước: “Nếu không cho tôi thêm cái này cái nọ thì tôi sẽ đóng cửa, nghỉ làm”...

Để nền kinh tế phát triển được, chúng ta phải dũng cảm đi theo con đường kinh tế thị trường đích thực, không mập mờ hai chân, và dứt khoát phải xử lý các vấn đề trầm trọng của khối quốc doanh. Tôi có cơ sở tin rằng đây cũng là điều nhân dân mong mỏi.

Để xây dựng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, không thể tách rời khỏi công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình địa chính trị khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp. Người đại biểu nhân dân khóa tới cần có thái độ trước vấn đề này thế nào?

- Ông Lê Văn Triết: Về mặt ngoại giao, chúng ta nên tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước lớn, giữ thế cân bằng. Quốc hội ủng hộ đường lối này.

Tuy nhiên, người đại biểu nhân dân cũng hiểu rằng không bao giờ có sự trung lập tuyệt đối, kể cả những nước nổi tiếng trung lập như Thụy Sĩ vẫn phải tận dụng mối quan hệ với cường quốc có lợi cho mình.

Chúng ta không ngả theo nước này, lệ thuộc nước này, đối đầu với nước khác. Nhưng tôi tin rằng tuyệt đại đồng bào mong mỏi chúng ta biết khai thác đối tác hữu ích để giảm thiểu nguy cơ từ đối trọng đang rình rập làm điều xấu với mình. Đại biểu Quốc hội phải thể hiện ý chí, nguyện vọng này của nhân dân.

- Giáo sư Nguyễn Vân Nam: Đối với vấn đề hết sức nghiêm trọng, phức tạp và rất nhạy cảm thuộc về chủ quyền lãnh thổ, nhân dân trông mong vào các đại biểu Quốc hội để tạo nên tiếng nói chính thức của Quốc hội, cũng chính là tiếng nói của toàn thể dân tộc ta.

Tôi mong rằng tình hình Biển Đông và chủ quyền đất nước sẽ được các đại biểu nhắc đến thường xuyên tại Quốc hội, mong rằng Quốc hội sẽ có những nghị quyết thích hợp cho mỗi một biến cố xảy ra trên Biển Đông của chúng ta.

Chống tham nhũng, đem lại công bằng xã hội

- Giáo sư Nguyễn Vân Nam: Việt Nam đã hình thành các nhóm quyền - lợi rất có thế lực. Họ không chỉ ảnh hưởng đến chính sách, chiến lược phát triển, mà còn có thể quyết định cả nội dung lẫn việc ban hành các văn bản, quy định pháp luật sao cho có lợi cho họ.

Bản thân việc hình thành các nhóm quyền - lợi trong xã hội để tác động đến chính sách là một chuyện bình thường ở bất kỳ quốc gia nào. Nó chỉ thành vấn nạn, gây thiệt hại nghiêm trọng về mọi mặt - đặc biệt về an ninh chủ quyền - cho đất nước khi trở thành các nhóm lợi ích độc quyền: chỉ vài ba nhóm, mỗi nhóm chia nhau thống trị một lĩnh vực riêng để xâu xé, khai thác lợi ích kinh tế của đất nước.

Vì vậy, các quốc gia phát triển đều có luật về hoạt động liên quan - trực tiếp và gián tiếp - đến nhóm quyền - lợi.

Khi chưa có các bộ luật như vậy, Quốc hội nên và cần trở thành một cơ quan mang tính trọng tài độc lập cao nhất để: a) ngăn chặn hình thành các nhóm lợi ích độc quyền; và b) giữ cho các nhóm quyền - lợi cạnh tranh bình đẳng với nhau trên cơ sở nhóm nào làm cho dân, cho đất nước được lợi nhất thì mới được chọn.

Vì vậy, đại biểu Quốc hội trước hết cần biết rõ về từng nhóm quyền - lợi; công khai quan điểm của các nhóm này đối với từng dự án, chương trình, kế hoạch cụ thể đang được Quốc hội xem xét.

Với vai trò giám sát, trách nhiệm người đại biểu nhân dân khóa tới trong vấn đề này như thế nào?

- Giáo sư Nguyễn Vân Nam: Trong vai trò một cơ quan giám sát, Quốc hội cũng không phải là người có khả năng giải quyết ngay và dứt điểm các nghi án hối lộ, tham nhũng.

Tuy vậy, đại biểu Quốc hội lại có khả năng rất lớn để giúp nhanh chóng giảm bức xúc của người dân về tham nhũng, hối lộ. Thay vì chỉ chất vấn hoặc nêu câu hỏi về các nghi án tham nhũng như trước đây vẫn làm, đại biểu Quốc hội cần thông báo công khai cho Quốc hội về kết quả tìm hiểu, thu thập thông tin liên quan, nhiều và kỹ lưỡng đến mức cao nhất có thể được về nghi án tham nhũng, đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý.

Chắc chắn, để đại biểu Quốc hội thực hiện được vai trò và trách nhiệm như vậy, Quốc hội cần sớm ban hành nghị quyết hoặc luật cho phép đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ tìm hiểu, thu thập thông tin về tham nhũng.

- Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Quốc hội khóa tới cần tiếp tục rà soát lại Luật phòng chống tham nhũng, tìm cho ra những lỗ hổng, sơ hở nào để người ta lợi dụng. Đây không chỉ là luật mà cần xem lại cả những nghị định, hướng dẫn, thông tư về phòng chống tham nhũng...

Đồng thời, tôi cũng rất mong các đại biểu Quốc hội khóa tới tiếp tục hết sức quan tâm giám sát việc phòng chống tham nhũng. Đó là trách nhiệm lớn lao mà nhân dân mong mỏi người mình bầu ra nói được và làm được, chứ hiện nay tham nhũng tệ hại quá, nhân dân vô cùng phẫn nộ.

Có những người rõ ràng là lương bổng chỉ có bao nhiêu đó mà nhà xe, biệt phủ khắp nơi, con cái đi du học tiền tỉ, rồi còn đem tiền đi xây chùa chỗ này chỗ kia...

Giải quyết các nỗi lo của dân

Nhân dân đang đối mặt với quá nhiều hiểm họa (tệ nạn xã hội, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại...), người đại biểu Quốc hội khóa tới phải tiếp tục hành động như thế nào?

- Giáo sư Nguyễn Vân Nam: Chúng ta có khá đủ các đạo luật về giao thông, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Vấn đề ở đây là thẩm quyền và trách nhiệm thực thi của cơ quan công quyền rất chồng chéo, vì vậy mở ra cho họ cơ hội đùn đẩy trách nhiệm và có lý do biện hộ khi không thực hiện hoặc thực hiện trách nhiệm của mình một cách nửa vời, kém hiệu quả.

Bên cạnh việc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn nữa các bộ luật, văn bản luật, đại biểu Quốc hội cũng cần dũng cảm “chỉ mặt đặt tên” cán bộ, công chức, cơ quan không nghiêm túc thực hiện trách nhiệm, đồng thời công khai vụ việc vi phạm an toàn giao thông, thực phẩm độc hại, phá hủy môi trường... kèm theo đề nghị xử lý cụ thể của mình.

- Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Quốc hội giám sát hành động, chứ không chỉ lời nói. Chúng ta không chỉ mong chờ vài trăm đại biểu Quốc hội mà là cơ quan chức trách có đầy đủ từ trung ương xuống địa phương. Bây giờ sự bất an ghê gớm quá.

Đây là trách nhiệm trực tiếp của chính quyền, bàn tay mình dơ thì làm sao rửa sạch mặt được. Quốc hội với chức năng làm luật của mình cũng phải nghiên cứu ban hành thêm luật và thực thi giám sát để ngăn chặn các tình trạng bất an xã hội nóng bỏng này.■

Tức nước thì vỡ bờ, nguy hiểm lắm

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Ông bà nói rồi: con giun xéo lắm cũng quằn. Tôi đi thực tế thấy nhiều em công nhân bé tí, gầy rộc, xanh xao vì sáng thì nhịn đói, trưa ăn bậy bạ qua bữa, chiều chỉ dám mua những thứ rẻ tiền, thiu thối, kém chất lượng, tẩm ướp đầy thứ độc hại.

Các em không đủ đồng lương để sống, phải làm thêm chuyện này chuyện nọ, kể cả chuyện bậy bạ, rồi phải phá thai... Thật lòng tôi không giận mà tôi đau cho các em, đau cho cả chế độ chúng ta. Đồng lương các em như vậy, chất lượng sống các em như vậy, làm sao năng suất lao động cao hơn được mà so với nước này nước nọ...

Chúng ta có nhiều đại gia là đáng tự hào, nhưng còn phải xét lại đại gia đó lấy tiền từ đâu, có phải từ chính mồ hôi nước mắt minh bạch, sòng phẳng không. Tôi muốn tất cả thực tế này phải đi vào trái tim, đi vào tư duy lãnh đạo. Đại biểu Quốc hội cũng phải nhận lãnh trách nhiệm lương tâm này. Chúng ta không nói suông, không khẩu hiệu nữa, mà phải hành động. Tức nước thì vỡ bờ, nguy hiểm lắm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận