Phân ly không gian đô thị

LÊ MINH TIẾN 18/04/2008 18:04 GMT+7

TTCT - Trong phát triển đô thị, các nhà quản lý luôn phải đối diện với một trong những câu hỏi rất quan trọng: phải tổ chức không gian đô thị như thế nào? Có nên tổ chức không gian đô thị theo các phân khu khác nhau dựa trên các điều kiện kinh tế - xã hội - văn hóa và sắc tộc hay phải tổ chức đô thị một cách hỗn hợp cho mọi thành phần dân cư?

Gần như đa số đô thị lớn trên thế giới đều phân bố không gian đô thị thành các khu vực sống khác biệt nhau dựa trên những khác biệt về sắc tộc, thu nhập, lối sống, nghề nghiệp và cả văn hóa. 

 
 Ảnh: Teen Vogue

Việc tổ chức không gian đô thị theo kiểu phân ly này xuất phát từ triết lý cho rằng người ta không thể “nhốt chung cừu với sói”, và quá trình tách rời các nhóm dân cư trong đô thị có thể được thực hiện một cách có chủ ý mang tính công khai thông qua các chính sách của nhà nước hoặc gián tiếp thông qua chính sách về đất đai và bất động sản. 

Chẳng hạn tại Nam Phi thời kỳ apartheid đã có hẳn bộ luật phân ly không gian đô thị giữa người da trắng và người da đen; hoặc như tại Chile chính phủ độc tài Pinochet trong giai đoạn 1979-1985 đã “bứng” hơn 2.000 gia đình thu nhập thấp tại thủ đô Santiago ra khỏi các khu vực của người giàu. 

Tại Mỹ, người ta sử dụng thị trường nhà ở để phân chia thành các khu dân cư có điều kiện kinh tế và sắc tộc khác nhau, từ đó hình thành các khu vực riêng biệt cho những người thuộc các sắc tộc khác nhau như khu của người da đen, người Hoa, người Việt...

Nhiều ý kiến cho rằng phân ly đô thị sẽ giúp quản lý dễ dàng hơn, giúp các nhóm sắc tộc hay các nhóm có nền văn hóa và lối sống riêng bảo tồn được những nét riêng có của mình. 

Thế nhưng, những hệ quả không mong muốn cũng hết sức to lớn. 

Trước hết, nó sẽ tạo nên sự bất bình đẳng giữa các nhóm dân trong cùng một đô thị, mà bất bình đẳng rõ nhất là bất bình đẳng về cơ hội thụ hưởng các dịch vụ công như điện, nước, giáo dục, y tế.

Thường khu vực của những nhóm dân cư có ưu thế sẽ được nhà nước quan tâm nhiều hơn, có những ưu tiên nhiều hơn là các khu vực của các nhóm trung bình và thấp. 

Từ đó tại các khu vực trung bình và thấp sẽ nảy sinh sự bất bình bởi họ ngày càng nhận ra sự thiên vị của nhà nước đối với các khu vực “có ưu thế”. 

Sự bất bình này có thể khơi nguồn cho những bất ổn lớn trong xã hội mà việc nổi loạn của các nhóm thanh niên nghèo ở các vùng ngoại ô của Pháp cách đây không lâu là ví dụ rõ nhất. 

Và nhìn chung, nhà nước thường tìm cách “làm sạch” các khu dân cư xuống cấp “có địa thế tốt” trong các đô thị để biến thành nơi cư ngụ cho tầng lớp có ưu thế. 

Các nhà nghiên cứu gọi đây là quá trình “xâm chiếm” đô thị, một biểu hiện của sự bất bình đẳng trong thụ hưởng không gian đô thị.

Bên cạnh đó, sự phân ly đô thị cũng đi ngược lại tiến trình hội nhập văn hóa mà xã hội hiện đại đang hướng tới. 

Ngày nay, các nền văn hóa khác biệt càng cần giao lưu và tiếp xúc với nhau nhằm thu ngắn những khác biệt, tạo nên sự thông cảm và khoan dung. 

Thế nhưng sự phân ly đô thị lại không thúc đẩy sự tiếp xúc, giao lưu đó. Sự “khoan dung văn hóa” không thể xuất hiện được bởi ai cũng cố thủ trong sự khác biệt của mình. 

Chính đây cũng lại là một trong những ngòi nổ cho những xung đột trong xã hội.

Do cái giá của sự phân ly không gian đô thị là không thể lường trước nên cần phải tính đến kiểu tổ chức không gian “hội nhập” cho mọi thành phần cư dân trong xã hội. 

Kiểu tổ chức này đòi hỏi nhà chức trách phải có sự đầu tư và đối xử công bằng với mọi thành phần dân cư bất kể sắc tộc hay thu nhập của họ. 

Cách tổ chức không gian như vậy sẽ tạo nên sự liên kết cộng đồng giữa các nhóm dân cư, sự khoan dung văn hóa cũng có cơ hội được hình thành và vì vậy những xung đột xã hội ít có nguy cơ bùng nổ hơn.

Ở TP.HCM, khuynh hướng tổ chức không gian đô thị hiện như đang dần hiện rõ sự phân ly dựa trên thu nhập; chẳng hạn, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được thiết kế, qui hoạch không nhằm dành cho mọi thành phần cư dân đô thị mà chỉ dành cho những người có thu nhập cao mà thôi. 

Cách thức tổ chức này có thể sẽ hợp lý trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, những hệ quả xã hội và văn hóa sẽ là điều mà chắc chắn chúng ta phải đối diện trong tương lai. 

Vì vậy, việc thiết kế đô thị, qui hoạch đô thị không chỉ nhằm tối đa hóa hiệu năng về mặt kinh tế hay hợp lý hóa về mặt kỹ thuật - kiến trúc, mà còn phải hài hòa về mặt văn hóa - xã hội nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận