"Phê" với popping

VŨ THANH BÌNH 22/06/2007 16:06 GMT+7

TTCT - Trong tiếng nhạc giật sôi động, những thân hình say sưa uốn lượn tạo sóng, chuyển động như nhân vật phim hoạt hình quay chậm, hoặc mô phỏng động tác người máy...

Phóng to
Trung Hiếu đang biểu diễn một điệu popping
TTCT - Trong tiếng nhạc giật sôi động, những thân hình say sưa uốn lượn tạo sóng, chuyển động như nhân vật phim hoạt hình quay chậm, hoặc mô phỏng động tác người máy...

Chẳng ai ngờ Nhà văn hóa phường Đa Kao, quận 1 (TP.HCM) lại ầm ào đến như thế ở lầu ba. Khoảng 40 bạn trẻ đang thỏa sức múa may theo những động tác lúc giật, lúc nảy (popping) nhờ sự cử động của các khớp xương, đặc biệt là cổ tay, chân. Các thành viên chính của các nhóm nhảy Alien Crew và Free Style là người hướng dẫn họ.

"Nóng" cùng cảm hứng mới

Trung Hiếu - 23 tuổi, trưởng nhóm nhảy Alien Crew, người mảnh khảnh với quần jean lưng xệ, biểu diễn động tác tạo sóng từ hai cánh tay, phối hợp đường lượn của thân hình, khiến cả cơ thể mềm oặt như... cọng bún. Rồi bỗng nhiên người Hiếu trở nên cứng đờ khi nhạc chuyển tông, cổ tay tạo thành những góc chuyển động tuần hoàn như diễn viên kịch câm... Đến lúc này các bạn trẻ thấy “nóng”, chân tay ngứa ngáy quá không chịu được liền chạy vào sàn để nhảy theo Hiếu. Tuy nhiên, chàng vũ sư trẻ không vừa lòng: “Chưa được, mấy bạn phải nghe nhạc trước để bắt nhịp đã, tay chân phải như vậy... như vậy... như vậy nè...”.

Có mặt ở VN đã mấy năm, nhưng vì sao nhảy popping mới nổi lên trong mùa hè này? Trung Hiếu giải thích: “Bây giờ có nhiều người tìm hiểu hơn về popping nên kiểu nhảy này định hình rõ nét, không bị lẫn với các điệu nhảy khác”. Còn Việt Tonny (nhóm Big South Crew): “Vì nhảy popping khó nhưng không có những động tác mạo hiểm và đỡ mệt hơn so với breaking”.

Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, người thở phì phò mệt nhọc, nhiều người bực mình khổ sở vì có động tác làm mãi không xong. Nhưng không khí chung thì thật vui nhộn và thư giãn tối đa. Những nguồn năng lượng trẻ trung được giải phóng khỏi những cơ thể đầy sức sống. Đồng thời những bước nhảy mê hoặc khiến thân hình như không trọng lượng làm người nhảy cảm thấy “phê”. Không có gương như sàn tập ở các trường múa, những popper (người nhảy popping) ở Đa Kao nhìn vào kính cửa sổ để điều chỉnh các động tác của mình cho vừa đúng vừa đẹp.

Nhạc nổi lên từ máy iPod qua bộ loa vi tính nhỏ gọn đủ khiến sàn tập chao đảo khi mọi người luân phiên biểu diễn theo sở trường của mình: người tạo sóng, người chơi kiểu phim hoạt họa, người bắt chước robot hoặc bước đi như đang ở trên Mặt trăng, người khoa chân múa tay dạng kingtut (cảm hứng từ múa Ai Cập cổ, tạo dáng và chuyển động dạng hình học)... Thế rồi khi cả nhóm cùng hòa vào một bài tập thể và hiểu ý nhau để đi trọn một bản nhạc thì nhìn thật đã con mắt.

Tại sàn nhảy popping ở hồ bơi Nguyễn Tri Phương (quận 10), nhóm nhảy Big South cũng đang tạo cảm hứng cho khoảng 30 bạn trẻ nam nữ. Hôm chúng tôi đến, Việt Tonny - thành viên “chuyên trị” popping của Big South, đang giới thiệu về các kiểu nhảy popping:

“Điều quan trọng là các bạn phải phân biệt được các kiểu nhảy, tập cho được những bước cơ bản. Khi đó cảm hứng sẽ đến thật tự nhiên và mạnh mẽ khiến cơ thể bạn chuyển động theo ý muốn”. Trên hai cánh cửa sắt ở sàn nhảy, Việt vẽ sơ đồ các kiểu nhảy popping. Chàng trai mới 20 tuổi có mái tóc xõa điệu nghệ này vừa giảng bài vừa múa minh họa khiến mấy bạn trẻ vừa cười bò vừa thán phục.

Mùa hè xả hơi

Phóng to
Các bạn trẻ nhảy popping tại Nhà văn hóa phường Đa Kao
Suốt mấy năm nay, nếu nhảy breaking như một cơn lốc ào vào VN khiến nhiều bạn trẻ bị cuốn ngay vào với những động tác cảm giác mạnh của nó, thì popping như những làn gió nhẹ âm thầm, để đến hè năm nay tích tụ lại thành “bão” lớn. Popping, một dạng nhảy funk style ra đời ở Mỹ thập niên 1970, cùng với breaking tạo nên thể loại breakdance. Giờ đây tại hồ bơi Nguyễn Tri Phương hay sàn tập Đa Kao, popping và breaking đang “sánh bước bên nhau”, bổ sung cho nhau.

Trong khi breaking thời gian qua trầm lắng xuống, đi ngoài đường ít gặp cảnh những bạn trẻ lấy cánh tay hay đầu làm trụ xoay người trên vỉa hè, thì popping lại đang rộ lên. Những popper đi đầu như Hiếu, Trí, Tuấn, Việt Tonny... đều là dân chơi breaking trước, nhưng rồi vì đam mê, tò mò nên họ không chỉ nhảy múa mà còn lên mạng tìm hiểu về thể loại popping. Rồi họ tự mày mò tập theo băng đĩa, đến khi định hình thành những điệu nhảy cụ thể rồi thì lôi kéo thêm những bạn trẻ khác.

Trong một cuộc thi break dance cuối năm trước, Trung Hiếu đoạt giải cá nhân xuất sắc nhất bằng một bài popping khiến dân chơi trầm trồ. Liên tục sau đó các nhóm nhảy thường xuyên biểu diễn ở các tụ điểm những bài popping chuyên biệt khiến nó trở nên thu hút, và đến cao điểm là mùa hè này thì popping vươn mình đứng dậy.

Sàn Đa Kao đỏ đèn hằng đêm, sàn hồ bơi Nguyễn Tri Phương cũng vậy. Nhiều học trò lớp 11, 12 vừa chớm vào ngày hè đã chọn popping để giải tỏa sức ép từ những ngày học hành căng thẳng, chân tay bó buộc bên bài vở hay máy tính... Họ toàn là sinh viên học sinh nên chơi với nhau rất hợp “gu”. Tuấn, học trung học hàng hải, người mập nhưng chơi popping rất uyển chuyển, nói: “Mập cũng là một lợi thế. Có da có thịt diễn popping sẽ “nảy” hơn”.

Trí, sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế TP.HCM, tóc xù, gương mặt ngây thơ, người nhỏ con, là popper chính của Alien Crew, cho biết: “Có em mới học lớp 7 cũng thích chơi popping, hằng đêm được cha mẹ chở đến đây tập với chúng tôi”. Còn chàng trai Việt Tonny mới từ Hà Nội vào Sài Gòn được bốn tháng thì muốn giúp mọi người nắm rõ những bước cơ bản của popping trong lớp học break dance.

Nhà văn hóa phường Đa Kao thấu hiểu được nhu cầu giải trí lành mạnh của các bạn trẻ nên đã cho nhóm của Trung Hiếu chơi miễn phí hằng đêm ở đây (chỉ phải đóng tiền điện nước). Các bạn lại rất vui mỗi khi được mời biểu diễn trong các chương trình văn nghệ của phường, quận. “Dù số phận break dance cũng như nhảy hiphop ở VN khá là thăng trầm, nhưng với popping nói riêng và break dance nói chung, khi đã có đam mê và thật sự cảm thấy “phê” với nó, thì các bạn trẻ sẽ gắn bó với nó lâu dài”, Việt Tonny nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận