Phiên chợ tro

VŨ CÔNG ĐIỀN 10/11/2008 22:11 GMT+7

TTCT - Trời chưa hửng sáng mà tiếng mái chèo khua nước làm ông lão lái đò nơi bến hạ lưu sông Thu Bồn chồm dậy. Hôm nào cũng vậy, ông kéo thuyền vào bờ rồi buộc lại khuân giúp từng bao tro lên bờ. Rồi những bao tro đó được xếp lên những chiếc xe đạp đơn sơ không có màu sơn để những người phụ nữ trườn mình đẩy lên theo con dốc của bến làng, kịp chở đi cho phiên chợ sớm. Chính những người phụ nữ ấy tạo ra phiên chợ này đã hơn 30 năm.

Phóng to
Chia tro theo yêu cầu của khách hàng

Tôi đến thăm làng rau Trà Quế ở Hội An, thấy bà Sáu Như - chủ nhân của vườn rau xanh mướt như nhung - đang rải từng dúm phân màu gi cho luống cải bắp bà vừa trồng tuần trước. Tôi hỏi: “Mình rải phân này có đảm bảo gọi là rau sạch không hở bác?”. Bà trả lời: “Rau tôi trồng không bón phân hóa học bao giờ, chỉ có bánh dầu và tro bếp. Tro tôi vừa mua tại chợ Nồi Rang sáng nay. Không tin chú cứ qua đó mà hỏi hàng chục bà bán tro, ai mà không biết tôi”.

Nghe bà, chiều đó tôi về Cửa Đại, qua đò. Đêm, ở lại nhà của người đồng nghiệp tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Mong trời mau sáng tôi ra chợ Nồi Rang, để đi phiên chợ tro tàn.

Tuổi xuân theo bếp tro tàn

Chợ Nồi Rang hình thành gần 300 năm, trước đây ở gần bến đò. Mỗi lần lũ về, những túp lều lô nhô đó trôi đi. Rồi chiến tranh tàn phá, dân làng ly tán. Hòa bình, họ trở về cũng tụ họp tại đây. Nhưng lũ lụt không thể hòa bình, và điệp khúc đó mỗi năm càng hung dữ hơn. Mỗi lần lũ đi, những người buôn bán tại đây lại dựng tạm lều trên nền bùn nhão để có chợ trở lại cho bà con tụ họp mua bán. Trước sự khốn khó, huyện trích kinh phí cùng với dân góp, chợ được chuyển vào trung tâm xã, xây mới hơn. Và chữ “Chợ Nồi Rang” được vinh danh, khắc trên cao, ngay lối cổng vào, của những ngày giáp tết năm 2001.

Tôi bước vào chợ, ngoài những hàng hóa đủ thứ, còn có loại hàng đặc biệt do lửa “sản xuất”, gọi là tro tàn, được đóng bao xếp từng hàng theo lối bên trái cuối chợ. Trong màn sương lạnh của buổi sáng tinh mơ, ẩn hiện những người phụ nữ, với đôi tay trần nhem nhuốc hốt tro cho vào từng bao theo nhu cầu của khách hàng cần mua. Cột xong bao tro, một người phụ nữ nhìn tôi mời: “Tro khô lắm, chú mua đi!”. Nhưng tôi mua tro làm gì, tôi chỉ đi xem phiên chợ tro tàn này có từ bao giờ thôi. Người phụ nữ mời tôi mua tro có tên Võ Thị Kết, 62 tuổi, ở thôn 4, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. Bà cùng với bà Hai Thôn (65 tuổi, ở xã Duy Nghĩa) là hai “già làng” làm nên phiên chợ kỳ lạ này.

Thấy tôi đang bắt chuyện, bà say sưa kể. Một phụ nữ đi mua tro liền nói: “Chu choa, bữa ni bà Kết có Việt kiều về thăm..., thôi nghỉ nghề bán tro đi!”. Sau câu nói đùa, người phụ nữ đó đưa cho bà 40.000 đồng để mua hai bao tro lớn và hẹn bà tí nữa quay lại lấy. Vừa kéo hai bao tro qua một bên, bà trở về, để kể sự tích bán tro. Hai tay bà đặt trên bao tro, trời bắt đầu mưa nhẹ, nhìn đôi tay bà nứt nẻ, tôi thầm nghĩ: “Phải chăng đây là di chứng của một đời hốt tro!?”. Đúng vậy! Bà sinh ra trong gia đình nghèo lắm, và dân làng cũng nghèo chẳng hơn gì cha mẹ bà. Năm 20 tuổi bà có chồng, sinh con. Nhưng cái nghèo cứ đeo bám, chẳng buông tha. Đồng chua nước mặn, cộng với lũ lụt triền miên, vợ chồng bà làm đủ nghề mà chẳng đủ ăn.

Hôm nay bà có được “nghề” bán tro tàn cũng chính là nhờ bà Hai Thôn giúp đỡ. Thời đó chiến tranh, dân làng ly tán, sau giải phóng trở về làng cũ, ai cũng khai hoang để tăng gia sản xuất nên rất cần tro để bón cho cây trồng, trừ khử chua phèn trong đất. “Cứ mỗi chiều, cô Hai lặn lội vào bếp từng nhà hốt tro rồi đem bán lại cho từng hộ trồng trọt. Thấy tôi thời đó nghèo khó quá, bà mới rủ tôi cùng đi hốt tro, đem qua chợ Nồi Rang bán kiếm tiền mua gạo!” - bà tâm sự. Và phiên chợ tro tàn do hai bà khởi xướng từ thời đó tồn tại đến ngày nay.

Xong phiên chợ họ vội vã về, đến từng nhà của từng thôn trong các xã Duy Vinh, Duy Nghĩa tranh thủ hốt tro. Có nhà thì họ cho, có nhà cũng lấy tiền. Cách đây hơn 10 năm, mỗi bao 700-1.000 đồng, còn hiện nay mỗi bao mua 10.000 đồng. Để được một bao tro phải hốt hơn 20 bếp, nhà nào có nuôi heo thì tro nhiều, chỉ năm bếp đủ một bao. Hốt xong, không chờ chủ về để trả tiền mà bỏ tiền vào ống thổi lửa vắt lên chái bếp, sau công việc đồng áng tối về chủ lấy.

“Khi mô lũ lụt, nước ngập làng, chợ không đông thì chị em tôi không đi hốt tro, còn lại ngày mô cũng hốt!” - bà Kết vừa dứt lời, cơn mưa nhẹ cũng bắt đầu tạnh. Bà nhìn qua những dãy “hàng thị trường” đủ màu rực rỡ, người đi chợ đã bắt đầu đông dần, nhưng người mua tro thì quá khiêm tốn. Vì mùa này miền Trung đã đi vào mưa lũ, nông dân không còn sản xuất nông nghiệp bao nhiêu nên họ cũng ít mua tro. Trừ những nơi cao không ngập nước, sản xuất chuyên canh rau như làng rau Trà Quế chẳng hạn, thì mua thường xuyên. Trưa đã gần kề, phiên chợ sắp tan, tro tàn còn nhiều, những người phụ nữ vác đi gửi ở từng lều chợ để ngày mai bán tiếp.

Tình người trong tro tàn

Phóng to
Chợ sắp tan, tro còn nhiều, người bán đang mong có người mua

Trước khi trở về, để chiều tỏa đi từng bếp của hàng trăm hộ dân với nghề hốt tro tàn, các bà say sưa kể về cái nghiệp của họ, kể về phiên chợ. Sau hơn 30 năm, phiên chợ bán tro lúc đầu chỉ có hai người, bây giờ tăng lên gấp 10 lần. Người cao tuổi nhất là bà Kết, bà Lâm Thị A, còn người nhỏ nhất cũng đã 49 tuổi là chị Đoàn Thị Tuyển ở xã Duy Vinh.

Chị vào nghề này đã hơn mười năm rồi! Gia đình chị đời sống cũng khó khăn như những đàn chị trong phiên chợ này. “Vào vụ mùa trồng trọt, mỗi ngày kiếm cũng được 30.000 đồng, như mưa lụt ni, ngày có được 5.000-10.000 đồng là cùng!”- chị Tuyển cho biết thu nhập của người bán tro tại đây như vậy. Biết thu nhập rất thấp, đời sống còn khó khăn, nhưng họ rất thương yêu, đùm bọc nhau như một gia đình có 20 chị em toàn là phụ nữ.

Đặc biệt sau khi bà Hai Thôn “sinh nghề tử nghiệp” cách đây gần 10 năm, họ lại càng gắn bó hơn. Còn nhớ, lúc đó vào mùa mưa lụt, bà Hai chở tro qua sông Thu Bồn để kịp phiên chợ Nồi Rang. Trời còn tối, thuyền vướng phải dây chằng rớ, thuyền úp, tro trôi, thi thể bà Hai dạt về Cửa Đại, năm ngày sau mới tìm được. Những người bán tro tạm nghỉ hơn một tuần để lo làm đám tang cho “già làng” của phiên chợ tro. “Kiếp người rồi cũng như tro tàn chú ơi! Chị em chúng tôi đây miễn răng khỏe mạnh, làm đủ sống qua ngày là được rồi! Hơn thua làm chi rồi cũng về với đất!” - bà A nói trong tiếng ho khặc khặc... Vì suốt ngày họ tiếp xúc với tro, nên bà nào không nhiều thì ít cũng bị bệnh viêm phế quản, bệnh mắt, tro “ăn” tay.

Cũng nhờ đôi tay của những người phụ nữ này bị tro “ăn” mà những cánh đồng của vùng đông huyện Duy Xuyên bớt đi chua mặn, cho mùa vàng bội thu. Rồi những vườn rau sạch, củ quả xanh mượt cũng từ tro tàn của phiên chợ kỳ lạ này.

Bây giờ ruộng vườn không còn “cò bay thẳng cánh” như xưa, dần bị thu hẹp để ưu tiên cho phát triển khu công nghiệp, sân golf... Rơm rạ cũng không nhiều bằng trước, nếu có thì người dân cũng ít dùng để đun nấu vì họ chuyển qua dùng bếp gas. Và phiên chợ tro tàn rồi sẽ đến lúc không còn, nếu còn chăng chỉ là hoài niệm của các bà, các chị. Còn tôi, chẳng bao giờ nguôi quên phiên chợ lạ đời này khi tro tàn trở thành hàng hóa!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận