10/05/2024 11:23 GMT+7

Quyết định khó khăn

Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ cũng là quyết định rất khó khăn đối với người đứng đầu Đảng ta, và Tổng bí thư đã chọn vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng.

Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng hình ảnh 12.000 người tham gia diễu hành, diễu binh và hàng vạn người dân đứng ngồi chật kín các tuyến phố đoàn diễu binh, diễu hành đi qua đã làm sống lại không khí hào hùng những tháng ngày lịch sử.

Nhớ về Chiến thắng Điện Biên Phủ là nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định mà Đại tướng từng chia sẻ là "quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy".

Khi ấy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để đảm bảo chắc thắng và ít thương vong nhất, Đại tướng đã thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Đối với người chiến sĩ cách mạng trong cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, có lẽ quyết định khó khăn luôn là những quyết định vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân, bởi nó đã vượt lên, chiến thắng những toan tính vị kỷ, danh lợi cá nhân.

Lịch sử đã chứng minh những quyết định đó luôn luôn giành thắng lợi, vì đó là quyết định của chân lý, của lẽ phải.

Lớp thế hệ cán bộ, đảng viên sau chiến tranh đã kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của cha anh, đưa con thuyền cách mạng của Đảng ta, đất nước ta vượt qua sóng to gió cả, bước vào thời kỳ đổi mới, "chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tuy nhiên, đáng buồn là vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, nhiều trường hợp là cán bộ lãnh đạo, quản lý, có cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, cán bộ chủ chốt của địa phương không còn tiên phong, gương mẫu, không chịu tu dưỡng, mà suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Đứng trước cám dỗ vật chất, địa vị, danh lợi, họ đã bị chủ nghĩa cá nhân chi phối. Giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và tập thể, họ đã quyết định chọn chủ nghĩa cá nhân.

Những cán bộ, đảng viên sai phạm thời gian qua chỉ là những con người cụ thể, không thể hiện bản chất của Đảng, Nhà nước ta như các thế lực thù địch, phần tử xấu vẫn thường lợi dụng xuyên tạc.

Nhưng họ mang danh hiệu đảng viên, là những người đại diện cho Đảng, nên đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Đảng. Đây là điều rất đáng suy ngẫm, khiến cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân băn khoăn.

Hiểu được băn khoăn này, vì lợi ích chung, Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh đấu tranh, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với phương châm kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cấp có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật 118 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý (gấp hơn 10 lần nhiệm kỳ Đại hội XI và cao hơn số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật của cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

Cho từ chức, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ đối với 23 cán bộ diện trung ương quản lý; đã xử lý hình sự 53 cán bộ diện trung ương quản lý (cao gấp gần 3 lần số cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự của cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh "không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy, cắt một vài cành sâu mọt để cứu cả cái cây".

Điều đó cho thấy quyết định xử lý kỷ luật cán bộ cũng là quyết định rất khó khăn đối với người đứng đầu Đảng ta, và Tổng bí thư đã chọn vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân.

Theo quy luật, quyết định đó sẽ mang lại kết quả mong muốn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên trong dư luận cũng lo lắng, việc xử lý nhiều cán bộ như vậy liệu có đảm bảo sự ổn định của bộ máy, có làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp "sợ trách nhiệm" không dám làm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội?

Nguyên tắc của chúng ta là "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể", nên việc xử lý cán bộ cấp cao sai phạm không làm thay đổi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại...

Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, tăng cường niềm tin của nhân dân, mang lại động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đó là lợi ích lớn, lợi ích lâu dài, không phải là "đấu đá nội bộ", "phe cánh" như các đối tượng xấu xuyên tạc.

Lập nên kỳ tích Điện Biên Phủ mớiLập nên kỳ tích Điện Biên Phủ mới

Giữa biển người tụ hội về thành phố Điện Biên Phủ trong ngày 7-5 lịch sử, ai nấy đều hô vang "Việt Nam Hồ Chí Minh", cất lên lời ngợi ca tình yêu quê hương đất nước đầy tự hào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên