Rock Việt nhìn từ Hà Nội

NGUYỄN MẠNH HÀ 11/01/2004 07:01 GMT+7

TTCN - Đêm 28-9-2002 tại Cung văn hóa - thể thao Thanh niên ở Hà Nội đã qui tụ 13 ban nhạc và 4.000 khán giả. Sự kiện này mang ý nghĩa điểm mặt các ban nhạc rock Hà Nội hôm nay và đã có người đứng ra tổ chức rock!

Phóng to

Ban The Light

TTCN - Đêm 28-9-2002 tại Cung văn hóa - thể thao Thanh niên ở Hà Nội đã qui tụ 13 ban nhạc và 4.000 khán giả. Sự kiện này mang ý nghĩa điểm mặt các ban nhạc rock Hà Nội hôm nay và đã có người đứng ra tổ chức rock!

Kể từ 26-8-2003 là chương trình giới thiệu album đầu tiên của nhóm The Light sau 10 năm có mặt - cho đến cuối năm 2003 chưa bao giờ dân mê rock Hà Nội được xem tận mắt nhiều rock đến thế: năm chương trình trong vòng hai tháng.

Thật ra từ cuối những năm 1980 nhóm Những Bậc Thang và các ban lần lượt ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu “chơi lại những gì đã nghe”. Sân chơi là Trung tâm phương pháp câu lạc bộ (16 Lê Thái Tổ) với các cuộc dạ hội sinh viên - thêm tí rock. Từ 1991, nhà thi đấu Trung Tự đã có những đêm toàn heavy metal - mạnh đến độ giữa chừng phải nghỉ 15 phút. Nhưng rồi do những đêm “thi đấu” tổ chức không xin phép, rock Hà Nội có thời gian yên lặng chỉ còn nương náu tại các quán cà phê rock như Vọng, Hương Đầu Mùa...

Mãi đến đầu 1998, VTV3 tổ chức Liên hoan ban nhạc trẻ Hà Nội, mời ba ban nhạc: The Light, Đại Bàng Trắng và The Wall. Đêm ra mắt, The Light với phần trình bày ấn tượng: một bài rưỡi - khi giữa chừng ca sĩ đổ gục. Với những định kiến sẵn có, một số người vu cho rocker giả vờ ngất để… kích động! Thật ra, đó là hậu quả sau một ngày làm việc ở công ty, buổi tối nhịn ăn cộng vài hớp rượu.

Cho đến cuối 2001, sự kiện rock thâu đêm trên quảng trường Ngân Hàng vào thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ làm các rocker Hà Nội như cởi tấm lòng.

Đam mê vô điều kiện?

Phóng to

Ban Small Fire

Những sinh viên, công chức chơi rock ngoài giờ là thú giải trí lành mạnh nhưng xa xỉ. Hai, ba ngày thay một bộ dây, trong khi một năm có được bao nhiêu buổi biểu diễn? Hà, cây lead guitar của The Light, chỉ: “Cây đàn kia 1.700 đô, dàn máy này 2.000 đô… Còn catxê cho nhạc rock được bao nhiêu? Gạt những The Light, Da Vàng, Bức Tường…, các ban đã có album sang một bên, trung bình mỗi ban nhạc rock được trả 2-3 triệu/chương trình. Tôi đánh giá đây là sự coi thường công sức của ban nhạc, lợi dụng đam mê của người ta”.

Hà cũng như nhiều rocker Hà Nội khác không hẹn mà đồng thanh: chơi rock hiện nay chỉ để giải trí! Và họ đều ôm giấc mơ có đủ sáng tác và đủ tiền ra album. Thủy Triều Đỏ thành lập năm 1999, vừa ra mắt Nắng mới cuối tháng 12-2003. Buratinox (1997) cũng “dọa” ra CD đầu tay. Còn Gạt Tàn Đầy (1996), giải khuyến khích Đĩa nhạc xanh 1997: “Thèm (ra album) bỏ xừ! Nhưng tiền đâu?”, đành đưa lên mạng để làng nước biết mình chưa bỏ cuộc.

Ai muốn nghe Người hóa cáo - ghi âm mới nhất của ban - hãy vào www.badguydesign.com. Họ còn có bài Phàn nàn, lời lẽ như sau: Mấy tháng lương dành dụm đàn sao đắt thế/ Có guitar chưa xong lại còn pedal lích kích/ Lắm khi tôi hay bị cằn nhằn nhạc kia bé xuống…/ Tuy mệt nhưng mà vui/ La la la…

Rock trên đôi chân chính mình

Các rocker VN (trước đây) thường đi sâu vào rèn luyện kỹ thuật mà ít quan tâm tới sáng tạo. Về mặt này The Light thuộc loại bứt phá sớm. Họ pha được chất Tây nguyên vào Mong đợi mặt trời và nhờ có thành viên tốt nghiệp nhạc viện, đưa e giao hưởng vào Giấc mơ hoang tàn. Chưa hé lộ gì về những sáng tạo kế tiếp nhưng Hà dám khẳng định: “Chầu văn thậm chí có thể cho ngay vào death metal!”.

Rock Hà Nội đang trên đà đa dạng hóa. Nam, sinh viên năm cuối Học viện Quan hệ quốc tế - ca sĩ của Meteoric, nhóm duy nhất theo đòi death-metal, cho biết đang thai nghén loạt bài khai thác đề tài trẻ em bị AIDS. Ở quán Rock Bụi, có anh còn rủ Nam lập nhóm chơi brutal-metal nhưng Nam lắc đầu quầy quậy: nặng quá! Đưa lời Việt nội dung phù hợp vào những thể loại rock này là cả một thách thức. Những sáng tác dạng alternative như Đám cưới chuột vẫn dễ “đi vào lòng người” hơn. Dù chỉ lèo tèo dăm bài nhưng khá chắc tay, lời lẽ gọn và vui, Gạt Tàn Đầy vẫn được dân mê rock kỳ vọng. Mới đây, tại buổi duyệt chương trình Đại hội rock Việt, sau khi nghe mỗi ban chơi 1-2 bài đã không có phàn nàn gì, ngoài chuyện tên ca khúc gì lại Ngổn ngang (của Small Fire)… Về đại thể, người duyệt đều động viên các ban rock bám sát các vấn đề xã hội. Hà đồng tình: “Theo tôi, nội dung mỗi ca khúc cần triển khai như một đề tài báo chí!”

Thế hệ rock đàn anh “hơi bị rụt rè”, ít sáng tác, nếu có thường là hòa tấu hoặc không phải rock - điển hình là Minh “xù”. Từ biệt Những Bậc Thang và rock, anh đi tu nghiệp guitar hai năm (sau đại học) ở Kazakhstan. Ba năm sau ra đĩa blues - country và đang tính ra cái thứ hai. Thế hệ rock bây giờ không cần học nhiều như vậy. Họ đến với rock dễ dàng và mạnh dạn sáng tác, xem ra họ thích lên sân khấu hơn là tập luyện.

Từ người chơi đến người nghe rock tại Hà Nội hôm nay đều có xu thế giảm về độ tuổi - tưởng chừng rock đang là mốt trong giới học sinh! Có cả những tín hiệu chuyên nghiệp hóa tiếp cận “công nghệ”. Tờ Rock Vision số 5, mục Tin đồn cho biết: ban rock “thế hệ mới” Fewel ngay từ khi thành lập đã có một ông bầu lo về marketing, phòng thu, bài tập, “thậm chí còn phụ trách cả phần chửi bới trên mạng”! Một mô hình boyband rock đã vào ứng dụng.

Các nhà tổ chức rock cũng ngày càng tỏ ra mạnh tay. Để có một đêm như Đại hội rock Việt, ban tổ chức bỏ ra không dưới 350 triệu đồng, non nửa trong đó để thuê âm thanh, ánh sáng… The Light “không phải lo một cái gì, chỉ việc chơi nhạc”! Trăm sự nhờ RVWG (Rock Vision Working Group) và các tình nguyện viên, trong đó nghe nói có cả việc lo mang Giấc mơ hoang tàn sang Mỹ mix lại. Trước mắt, fanclub The Light đang được xúc tiến; website do cựu thành viên Tuấn Evil thiết kế cũng sắp xong…...

Làm sao để trở thành chuyên nghiệp, theo kiểu toàn tâm toàn ý và sống được với rock? Theo Đạt - ca sĩ của Gạt Tàn Đầy: “Cần thay đổi nhất là tư duy của người nghe, kể cả xác định người ta nghèo. Nếu nói tiền bỏ ra mua album của anh, em dập được 10 cái đĩa cho bọn bạn em, thì chịu rồi!”. Cho đến hết 2003, CD của The Light mới bán được hơn 1.000 bản. Nhưng Bức Tường và hard rock (*) cho thấy đã “có đất sống” với tổng cộng hai album bán khoảng 40.000 bản.

Nhìn lại hơn 10 năm nhạc rock ở Hà Nội mới thấy biến chuyển không phải là chậm. Nhạc rock còn có vẻ được chấp nhận nhanh hơn so với lo lắng của nhiều người trong cuộc. Đương nhiên, từng người, từng ban sẽ còn cảm thấy đơn độc trên con đường đã chọn. Hành trình sáng tạo có bao giờ đông vui! Chắc từng bước đi mới được chặng đường dài... Rock ở Hà Nội đã đạt tới độ dung hòa đáng kể với môi trường xung quanh, giờ đây không ai khác ngoài rock quyết định sự phát triển và tầm vóc của chính mình.

______________

(*) Theo một điều tra “nội bộ” trên mạng Trí tuệ VN (tháng 12-2003), có tới 24% bạn trẻ ưa thích hard rock, trong khi chỉ 14% thích pop và 2,4% thích nhạc nhảy (techno).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận