Sân khấu sẽ chết nếu không đổi mới!

CÁT VŨ 01/12/2008 18:12 GMT+7

TTCT - Sau hai liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế được tổ chức tại Hà Nội trong hai năm 2004 và 2006, năm nay Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã quyết định lùi cuộc liên hoan mang tính quốc tế dự kiến tổ chức hai năm một lần để nhường sân cho cuộc chơi nội địa.

Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần 1 (tại Hà Nội từ ngày 1 đến 8-12-2008) sẽ quy tụ khoảng trên mười vở diễn trong cả nước. TP.HCM chuẩn bị đem đi ba vở: Trong hào quang bóng tối (kịch nói, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B), Oan hồn (cải lương, Trung tâm Sân khấu thử nghiệm phía Nam của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phối hợp với Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) và Sanh vi tướng, tử vi thần (tuồng, Nhà hát Nghệ thuật hát bội).

Vì sao phải làm kịch thử nghiệm và sân khấu TP.HCM đã đóng vai trò gì trong bước đi tiên phong này? Cuộc trò chuyện với nhà viết kịch Lê Duy Hạnh - phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, đồng thời là thành viên ban giám khảo Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ 1 - sẽ giải đáp phần nào những câu hỏi trên.

Phóng to

Huyền thoại cuộc sống, vở kịch VN được đánh giá cao nhất trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 2 tại Hà Nội năm 2006

* Theo ông, cái cũ cần đổi mới ngay của sân khấu chúng ta hiện nay là gì?

- Đó là cấu trúc kịch bản, là phương pháp phản ánh nội dung. Cùng một câu chuyện, lẽ ra phải có nhiều cách kể nhưng ở đây chúng ta đang làm ngược lại, nhiều câu chuyện mà chỉ có một cách kể. Những người làm sân khấu đất nước ta đang nắm trong tay hai hệ thống “kể” của hai nền văn hóa Đông - Tây.

Sân khấu kịch nói lâu nay được hình thành dựa theo luật tam duy nhất của Aristote với sự đồng nhất của ba yếu tố không gian, thời gian và hành động. Trong khi đó, sân khấu dân tộc lại có một cấu trúc mở, cho phép khai thác tối đa cả ba yếu tố trên, giúp người làm kịch có thể dịch chuyển không gian, thời gian cũng như khai thác hành động một cách tối đa. Trước kia, sân khấu của chúng ta thường đi theo một chuẩn mực có sẵn của từng phương pháp trên. Và tôi đã thử nghiệm tạo sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây nói trên trong hai vở Nguyệt hạ và Nỗi đau nhân loại.

Những kịch bản thử nghiệm gây tiếng vang của tác giả Lê Duy Hạnh:

Những vở kịch một người diễn: Diễn kịch một mình (kịch nói), Hoàng hậu hai vua (cải lương), Độc thoại đêm (diễn cùng lúc ba thể loại kịch, tuồng, cải lương), Hồn thơ ngọc (kịch, cải lương). Những vở kịch kết hợp nội dung văn hóa Đông - Tây: Nguyệt hạ, Nỗi đau nhân loại. Kịch bản đưa đề tài hiện đại vào nghệ thuật tuồng: Người cáo, Cội nguồn. Thử nghiệm hình tượng lãnh tụ trên sân khấu tuồng: Mặt trời đêm thế kỷ, Sáng mãi niềm tin, Hồn tuồng, Trần Cao Vân, Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Trời Nam...

* Gần đây, nói đến sân khấu thử nghiệm, người ta hay nghĩ đến kịch hình thể. Phải chăng đây chính là sự đổi mới mà sân khấu chúng ta đang nhắm đến? Và ông nghĩ sao về sự thờ ơ của khán giả VN đối với loại hình này trong thời gian qua?

- Xét về ngôn ngữ biểu diễn, trên thế giới người ta đã thay đổi với nhiều hình thức phong phú, trong đó kịch hình thể là một loại hình tương đối phổ biến.

Đối với khán giả VN, kịch hình thể được xem là mới vì đó là kịch không lời. Muốn xem nó, người ta phải hiểu hệ thống triết học của môn vũ đạo. Ngôn ngữ hành động của kịch hình thể biểu hiện qua động tác. Người VN, đặc biệt người Kinh, thường hiểu múa là tạo dáng đẹp, múa hay là tạo dáng đều, trong khi ngôn ngữ múa trong kịch hình thể là xuất phát từ bên trong mà ra và sự khác biệt trong các hình thức thể hiện giữa các diễn viên mới được coi là phong phú.

Thời gian vừa qua, hầu hết những vở kịch hình thể xuất hiện như những vở kịch thử nghiệm bởi đối với khán giả VN nó vẫn còn khá mới. Sự thờ ơ của khán giả xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, kịch hình thể là loại hình mà những quy ước của nó còn khó hiểu hơn việc nói chuyện với người khiếm thính. Không nắm được những quy ước này khác gì người ta nói chuyện không cùng ngôn ngữ. Lẽ ra trước đó người xem phải được giới thiệu hệ thống mã hóa của kịch hình thể để hiểu ý nghĩa của từng động tác như khi xem hát bội vậy.

Mặt khác, bản thân các diễn viên cũng cho người ta cảm tưởng một đám người ra múa may quay cuồng mà không thấy có gì xuất phát từ bên trong nên càng không hiểu. Kịch hình thể là một dạng kịch du nhập nhưng ngôn ngữ hình thể là thứ đã có sẵn trong sân khấu dân tộc (tuồng, chèo...). Vậy kết hợp giữa cái có sẵn và cái du nhập như thế nào mới ra thử nghiệm?

* Là người tiên phong trong việc làm sân khấu thử nghiệm với khá nhiều vở diễn tạo được tiếng vang trong gần 20 năm qua, theo ông, dựa vào đâu để có thể đánh giá hiệu quả của sự thử nghiệm?

- Thử nghiệm luôn là khát khao của người sáng tạo. Làm ra một vở kịch đông khách ai cũng thích, nhưng được sáng tạo cái mới là một nhu cầu cũng bức thiết không kém. Còn gì hơn là có một vở vừa ăn khách vừa có dấu ấn sáng tạo. Do đó, khi cảm thấy việc thử nghiệm quá khó hiểu với khán giả là ta phải ngưng giữa chừng. Những người trí thức hay đòi hỏi việc thử nghiệm phải đi đến cùng nhưng công chúng đại trà thường yêu cầu sự dễ hiểu, đơn giản. Người làm nghề hiện nay bị rơi vào giữa hai cực đó.

Theo tôi, mặc dù bản chất của thử nghiệm là diễn ra trong một phạm vi nhỏ nhưng chỉ thật sự hiệu quả khi nó chịu được sự chi phối của quy luật thị trường, đáp ứng được yếu tố cung cầu. Thử nghiệm cao siêu khiến khán giả không đến nữa thì thử nghiệm để làm gì! Thử nghiệm không chỉ đơn thuần là vấn đề học thuật mà còn nhằm đến được với công chúng. Đó là mục đích của việc thử nghiệm.

Lâu nay, sân khấu chúng ta tồn tại hai dạng: sân khấu bao cấp tạo ra cung mà không biết cầu ở đâu, còn sân khấu xã hội hóa phần nào thỏa mãn cầu nhưng chất lượng cung lại không cao. Quá trình đó khiến việc thử nghiệm có giới hạn của nó. Tìm lối ra cho sản phẩm sân khấu phải xác định tính mục đích của các sản phẩm này là gì. Nếu đầu tư cải lương bạc tỉ, lợi nhuận thu lại cũng bạc tỉ tương ứng như Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga... thì nên làm.

“Trong quá trình đi vào cơ chế thị trường, sản phẩm sân khấu đã được đem ra mua bán, tức mang tính hàng hóa, có giá trị tiêu dùng. Nhưng hàng hóa trong lĩnh vực văn hóa là thứ hàng đặc biệt, mang yếu tố tinh thần, sự sáng tạo, ngoài việc giải trí còn mang tính giáo dục.

Thứ hàng hóa này luôn có khuynh hướng kích thích sự sáng tạo, thử nghiệm tìm kiếm sự đổi mới. Thật ra trên thế giới việc tìm kiếm sự đổi mới trong sân khấu đã được làm từ lâu và làm thường xuyên. Nó được gọi bằng nhiều tên như sân khấu thực nghiệm, sân khấu tiên phong, sân khấu thử nghiệm, sân khấu nhỏ...

Nói chung là những hình thức mới khác với hình thức sân khấu hộp vốn đã quá quen thuộc, bởi người làm sân khấu lâu năm ai cũng biết không đổi mới sân khấu sẽ chết”.

* Nói rằng không đổi mới sân khấu sẽ chết, thế nhưng lâu nay những cuộc liên hoan sân khấu thử nghiệm do vấn đề kinh phí, chỉ có những nhà hát quốc doanh được Nhà nước tài trợ mới tham gia, còn hoàn toàn vắng bóng những sân khấu tư nhân, thế nhưng thực tế ngược lại, những sân khấu xã hội hóa vẫn sáng đèn hơn nhiều đơn vị quốc doanh. Ông lý giải điều này như thế nào?

- Không có mặt trong các cuộc liên hoan không có nghĩa là không thử nghiệm. Thật ra TP.HCM xưa nay vốn đã được xem như là cái nôi của sân khấu thử nghiệm. Việc thử nghiệm đó đã khởi đầu từ khi có Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm 5B dưới sự quản lý của Hội Sân khấu TP.HCM (tiền thân Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ).

So với sân khấu trước năm 1975, sàn diễn ở Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm 5B đã tạo ra nhiều điều mới mẻ trong phương pháp biên kịch, dàn dựng, biểu diễn, thiết kế sân khấu... Những thành tựu này đã được dư luận ghi nhận thông qua hai cuộc liên hoan sân khấu nhỏ năm 1989 và 1991 với hàng loạt vở diễn mới mẻ và được người xem yêu thích.

Công tác thử nghiệm của sân khấu TP.HCM đã đem lại nhiều thành quả và những thành quả này dần dần được vận dụng vào trong các vở diễn, trở thành đại trà không còn ở dạng thử nghiệm nữa. Tố chất thử nghiệm đã dừng lại ở mục tiêu đi tìm công chúng.

Nói rằng các sân khấu tư nhân không mặn mà với việc thử nghiệm là không đúng. Hơn ai hết, những người làm sân khấu bằng đồng vốn của mình hiểu rằng một sản phẩm mới được đưa ra công chúng nếu không có gì mới, không chất lượng sẽ nhanh chóng bị quay lưng và kéo theo sự tổn thất về kinh tế. Vì vậy, ở đây sự thử nghiệm được hiểu như một sự hòa tan nhuần nhuyễn giữa những sáng tạo của bên cung và sự thỏa mãn của bên cầu. Và từ đó ta hiểu rằng chất lượng vở diễn chính là giá trị của thử nghiệm.

* Nhưng hầu hết những người làm sân khấu sung sức nhất hiện nay đều than phiền sự yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật đã làm bó tay người sáng tạo, nhất là khi nhìn sang sân khấu hiện đại, tân tiến của nhiều nước trên thế giới?

- Đúng vậy. So với thế giới, cơ sở vật chất của sân khấu mình rất hạn chế. Giống như ngày xưa khi ở rừng, không có nước biển người ta truyền nước dừa cho bệnh nhân, hoặc nói rằng rau muống cũng bổ như thịt bò! Hoàn cảnh cơ sở vật chất của sân khấu VN không thúc đẩy con người ta sáng tạo. Từ hạn chế đó, nhiều người nghĩ viết lè phè cũng sống được nên không tạo được những tác phẩm chất lượng thật sự. Vì vậy theo tôi, song song với việc đổi mới về các mặt nội dung, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội để sân khấu nhanh chóng được nâng cấp về mặt cơ sở vật chất kỹ thuật. Chỉ có sự đồng bộ mới tạo được một sản phẩm hoàn chỉnh. Đó cũng là một yếu tố quan trọng kích thích sự sáng tạo.

Ngoài vở kịch Trong hào quang bóng tối của đạo diễn Lý Khắc Lynh thử nghiệm dùng ánh sáng trong thiết kế mỹ thuật, hai vở còn lại của TP.HCM là vở cải lương Oan hồn và vở hát bội Sanh vi tướng, tử vi thần đều do Trần Ngọc Giàu đạo diễn. Oan hồn nhằm thử nghiệm về tính chất tài tử trong sân khấu cải lương và tính sân khấu trong đờn ca tài tử. Sân khấu trống trơn và diễn viên sẽ diễn ngẫu hứng với những vật dụng bắt gặp như một đạo cụ.

Việc thử nghiệm này nhằm đề cao vai trò trung tâm của diễn viên, đồng thời báo động một nguy cơ đang xảy ra là sự hạn chế năng lực của diễn viên thế hệ mới. Sanh vi tướng, tử vi thần là vở hát bội không có tiếng hát, chỉ có âm nhạc và những trình thức nhằm thử nghiệm nâng cao vai trò vũ đạo, âm nhạc và ánh sáng. Xưa nay lời của hát bội rất khó nghe, vậy người xem có thể hiểu được nội dung vở nếu không có lời? Đó cũng là cách yêu cầu tế nhị về việc cấp thiết phải nghiên cứu viết lại những ca từ dễ hiểu hơn trong hát bội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận