SEA Games: Câu chuyện quan trọng hơn tấm huy chương

HUY ĐĂNG 15/12/2019 02:12 GMT+7

TTCT - SEA Games có lẽ sẽ mãi chỉ là một kỳ đại hội ao làng nếu nhìn từ góc độ của công tác tổ chức và thành tích thi đấu. Nhưng thể thao không chỉ có vậy.

Tú Chinh (phải) chiến thắng ngoạn mục Kristina Knott. Ảnh: The Inquirer
Tú Chinh (phải) chiến thắng ngoạn mục Kristina Knott. Ảnh: The Inquirer

“Câu chuyện quan trọng hơn huy chương” - trưởng ban tổ chức SEA Games 2015, ông Lim Teck Yin, tuyên bố khi người Singapore đăng cai kỳ đại hội thể thao khu vực cách đây 4 năm. Và từ đó đến nay, đó là khẩu hiệu chung của những người tổ chức SEA Games.

Chiến thắng bản thân - chiến thắng quý giá nhất

Năm nay ở Philippines, khẩu hiệu và tựa bài hát của kỳ đại hội cũng phản ánh sâu sắc tinh thần thượng võ thể thao vượt lên trên thành tích: “We win as one” (Chúng ta là một khi chiến thắng).

Thành tích, với rất nhiều VĐV và cả người hâm mộ, không phải là điều quan trọng nhất ở SEA Games. Ví dụ khi Ánh Viên đã về đích, kình ngư của Indonesia vẫn còn lóp ngóp thua đến tận một vòng hồ. Hay Vương Thị Huyền nâng cao mức tạ 172kg thì cô gái Muhammad Afiqah hài lòng với con số khiêm tốn 136kg. Nhưng khi rời khỏi sàn thi đấu, Afiqah giơ tay đắc thắng và nhận cái ôm chúc mừng của HLV.

“Cô ấy đến từ Malaysia - nơi phụ nữ không có nhiều cơ hội chơi thể thao. Cô ấy đến đây để chứng minh với người Malaysia rằng phụ nữ có thể chơi thể thao. Đó là mức tạ tốt nhất trong sự nghiệp của cô ấy” - Ryan Aquino, đồng nghiệp người Philippines từng có thời gian dài làm việc ở Malaysia, chia sẻ với tôi.

Cũng giống như Afiqah, Aquino “đi săn” những câu chuyện mang ý nghĩa cơ bản nhất của thể thao, của tinh thần Olympic, đó là cuộc chiến với giới hạn của bản thân. Nếu mọi VĐV đến SEA Games đều chỉ vì mục tiêu huy chương, mỗi nội dung có lẽ chỉ có vài người thi đấu.

Tất nhiên, những người giành HCV, chiến thắng tất cả cũng là những người chiến thắng bản thân. Rất nhiều HCV của thể thao Việt Nam là các câu chuyện đầy cảm hứng. Như Lê Tú Chinh - người giành chiến thắng ở đường đua tốc độ 100m nữ sau một cuộc đua nghẹt thở. Ở SEA Games 2017, Tú Chinh giành đến 3 HCV (100m, 200m và 4x100m tiếp sức).

Còn ở kỳ SEA Games này, cô chỉ có 1 HCV, nhưng đó lại là tấm HCV thật giàu cảm xúc. Trước thềm giải đấu, việc chủ nhà Philippines nhập tịch các VĐV người Mỹ hùng mạnh khiến cơ hội bảo vệ thành tích của Tú Chinh gần như bằng không. Cô thua xa Kristina Knott ở mọi thông số. Khi bước vào nội dung 200m, dự báo về thất bại của Chinh trở thành hiện thực khi cô bị Knott bỏ xa gần cả giây. Đến vòng loại 100m, Chinh một lần nữa xếp dưới VĐV chủ nhà.

Tú Chinh là minh chứng rõ rệt cho khẩu hiệu “câu chuyện quan trọng hơn huy chương”. Năm 2017, Chinh thật ra không đạt đến thành tích tốt nhất của mình. Cô áp đảo mọi đối thủ trong khu vực đến mức với phong độ trung bình vẫn giành chiến thắng. Năm đó, 3 tấm huy chương của Tú Chinh đơn thuần chỉ là thành tích.

Đến năm 2019, tấm HCV 100m của cô trở thành câu chuyện ngoạn mục. Vào thời điểm ai cũng nghĩ Tú Chinh sẽ phải chấp nhận HCB 100m thì cô bất ngờ bùng nổ. Để đánh bại Knott, Tú Chinh bước qua rào cản của bản thân, của nỗi sợ hãi, của vị thế kẻ yếu hơn, và còn bao nhiêu điều khác mà chỉ cô mới hiểu.

Khoa học… bó tay

Có vô số câu chuyện về nghị lực tập luyện và thi đấu phi thường ở SEA Games 2019. Nguyễn Thị Oanh - cô gái từng đối chọi căn bệnh thận để giờ đây giành 3 HCV điền kinh (1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật), trong đó thậm chí có hai nội dung thi đấu diễn ra cùng một ngày. Phạm Thị Hồng Lệ, người phải đi cấp cứu sau khi hoàn tất môn marathon và giành HCĐ, nhưng hai ngày sau đã bước vào cuộc thi 10.000m và đoạt HCB.

Kỳ lạ nhất có lẽ là những tấm huy chương của các bà mẹ. Người đầu tiên mang HCV về cho đoàn thể thao VN là một bà mẹ - cuarơ Đinh Thị Như Quỳnh với nội dung xe đạp băng đồng. Một trong những người cuối cùng khóa sổ danh sách HCV cũng là một bà mẹ - Nguyễn Thị Huyền của các nội dung chạy 400m. Như Quỳnh mới trở lại tập luyện chưa đầy hai năm sau khi sinh con, còn Nguyễn Thị Huyền vừa vượt cạn được chừng một năm.

Phụ nữ sau khi sinh con gặp vô số khó khăn trong việc tập thể thao - từ chuyện giảm cân, cho con bú cho đến các vấn đề tâm sinh lý khác. Nhưng thế giới đã chứng kiến rất nhiều bà mẹ trở lại và bùng nổ mạnh mẽ hơn cả thời còn son rỗi.

Shelly-Ann Fraser-Pryce - “nữ tia chớp” của làng điền kinh thế giới là ví dụ. Chỉ hai năm sau khi sinh con, VĐV người Jamaica trở lại và đoạt HCV 100m ở Giải vô địch thế giới, với thành tích vào loại tốt nhất trong sự nghiệp. Thế giới có Shelly, và Việt Nam có Nguyễn Thị Huyền, Như Quỳnh, cùng rất nhiều bà mẹ VĐV khác.

Roger Casugay (áo trắng) dù không đoạt huy chương nhưng được người hâm mộ tặng “tấm huy chương cao cả”. Ảnh: GearJunkie
Roger Casugay (áo trắng) dù không đoạt huy chương nhưng được người hâm mộ tặng “tấm huy chương cao cả”. Ảnh: GearJunkie

Những hình ảnh đẹp

Nhắc đến những câu chuyện nằm ngoài tấm huy chương, hành động anh hùng của VĐV lướt sóng người Philippines Roger Casugay khiến mọi người phải ngả mũ. Theo nhiều nhân chứng, lúc đang thi đấu, VĐV Indonesia Arhip Nurhidayat bị rớt khỏi ván lướt sóng và chới với trong cơn sóng dữ. Casugay đang có mặt gần đó đã lập tức dừng thi đấu, quay lại đối mặt sóng lớn để cứu đối thủ. Sau đó, hai người cùng đứng trên tấm ván của Casugay để vào bờ an toàn.

Hành động nghĩa hiệp đó khiến Casugay mất luôn cơ hội giành HCV, nhưng anh được tôn vinh còn nhiều hơn thế. “Tấm huy chương cho sự cao cả”, nhiều CĐV gửi lời khen tặng đến VĐV lướt sóng người Philippines.

Trần Hưng Nguyên và Nguyễn Hữu Kim Sơn, hai kình ngư trẻ của tuyển bơi lội Việt Nam, cũng mang đến một hình ảnh đẹp. Làng bơi Việt Nam nhiều năm qua vẫn ẩn chứa các đợt “sóng ngầm” với tình cảnh “quân anh, quân tôi” trên đội tuyển, và cả những màn giành giật VĐV về cho đơn vị. Kim Sơn và Hưng Nguyên đến từ hai đơn vị khác nhau, là đối thủ ở nội dung hỗn hợp.

Tại kỳ SEA Games này, Hưng Nguyên - chàng trai 16 tuổi mới nổi - là người giành chiến thắng với hai tấm HCV, còn Kim Sơn sa vào một câu chuyện bi kịch của thần đồng. Anh suýt bị HLV Đặng Anh Tuấn đuổi khỏi đội tuyển trước thềm SEA Games, dù hai năm trước còn là VĐV trẻ sáng giá bậc nhất của làng bơi Việt Nam.

Nhưng trên bục nhận huy chương, Kim Sơn ôm chầm Hưng Nguyên chúc mừng, còn cậu em út của đội bơi Việt Nam thì năn nỉ đàn anh bước lên bục trao thưởng để cùng hát quốc ca. “Dưới nước chúng tôi là đối thủ, còn trên bờ lại là anh em”, Kim Sơn nói.

Những bất ổn nội bộ tuyển bơi Việt Nam có lẽ vẫn tồn tại, nhưng nó không thể ảnh hưởng đến tinh thần thể thao thực sự. Nhận thua một cách cao thượng chính là tiền đề cho quá trình chiến thắng bản thân sau này.

SEA Games có thể rối ren trong khâu tổ chức, yếu kém về chuyên môn, nhưng vẫn là một kỳ đại hội thể thao để người hâm mộ tìm thấy những câu chuyện vượt trên tấm huy chương.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận