Sĩ Hoàng: đồng hành cùng sân khấu

CÁT VŨ 19/09/2008 05:09 GMT+7

TTCT - Trong vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt sắp ra mắt công chúng (dự kiến ngày 20-9 sẽ diễn phúc khảo), lần đầu tiên Nhà hát kịch TP.HCM chơi sang khi cho thiết kế cả thảy 135 bộ trang phục sân khấu. Người thiết kế và thực hiện toàn bộ phục trang cho vở diễn trên là họa sĩ Sĩ Hoàng.

Phóng to
Trang phục nhân vật Triệu Đà, Trọng Thủy trong vở Chiếc áo thiên nga - ảnh: T.T.D.
TTCT - Trong vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt sắp ra mắt công chúng (dự kiến ngày 20-9 sẽ diễn phúc khảo), lần đầu tiên Nhà hát kịch TP.HCM chơi sang khi cho thiết kế cả thảy 135 bộ trang phục sân khấu. Người thiết kế và thực hiện toàn bộ phục trang cho vở diễn trên là họa sĩ Sĩ Hoàng.

Ngay khi nhận được lời mời, Sĩ Hoàng liền đi Huế tìm tư liệu về nhà Nguyễn, tra cứu, ghi chép sắc phục triều đình ở các bảo tàng, và tìm gặp những người từng may quần áo trong cung nhà Nguyễn khi xưa (chỉ còn lại vài người lớn tuổi và bệnh tật).

Theo ý đồ đạo diễn, Sĩ Hoàng sẽ thiết kế trang phục mang hai màu tương phản: “phe” Lê Văn Duyệt với những nhân vật thân cận như con nuôi Lê Văn Khôi, phó tổng trấn Gia Định thành Trương Tấn Bửu, phu nhân Đỗ Thị Phận... mang các sắc màu đỏ; phía triều đình gồm vua Minh Mạng, quan bố chánh Bạch Xuân Nguyên, Hoàng Huệ phi, Huỳnh Công Lý (cha vợ vua)... sẽ xuất hiện với áo quần màu đen. Kiểu dáng, màu sắc không mấy dị biệt, song điểm nhấn nhằm giới thiệu phẩm trật của người mặc chính là sự khác nhau ở họa tiết trong vuông vải thêu đính trước ngực áo (gọi là bổ tử) với các hình rồng, lân, sư tử, hổ, báo, chim lạc...

Thử thách lớn nhất đối với Sĩ Hoàng là khi anh thực hiện trang phục cho vở cải lương Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Trần Hữu Trang vào dịp Tết Mậu Tý. Nếu như quần áo của phe An Dương Vương dựa vào văn hóa Đông Sơn có trong sử sách nước nhà, thì trang phục của phe Triệu Đà vào thời điểm năm 252 lại không có tư liệu gì trong tay. Sĩ Hoàng bèn phải gửi yêu cầu của mình đến Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM để được cung cấp tư liệu về thời Triệu Đà và trang phục nhiều triều đại của Trung Quốc từ cổ chí kim. Theo anh, làm thiết kế trang phục cho những vở diễn mang tính lịch sử thì phải “làm đúng cái đã, trước khi làm đẹp”.

Phóng to
Trang phục các nghệ sĩ trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt - ảnh: Hoàng Thạch Vân

Có thể nói Sĩ Hoàng là nhà thiết kế thời trang duy nhất của VN hiện nay chịu đồng hành với sân khấu. Sân khấu lâu nay vốn được coi là một sân chơi nghèo khó. Số vốn đầu tư cho một vở diễn thường ít đến kinh ngạc nên phần trang phục vẫn ít được chi tiền nhất. Với Sĩ Hoàng, sân khấu là bạn bè.

Vào đầu thập niên 1990, Thành Lộc dựng vở Lôi vũ tại Sân khấu nhỏ 5B cho bài thi tốt nghiệp đạo diễn của mình. Dựng xong, phục trang cũng may xong, lấy màu xám với độ đậm nhạt khác nhau làm chủ đạo, thế nhưng anh chưa cảm thấy hài lòng, bèn nhờ Sĩ Hoàng vẽ thêm họa tiết để “nhìn vào biết ai là người nghèo, ai là kẻ giàu”. Vốn là một fan của Thành Lộc nên khi được mời, Sĩ Hoàng hăng hái làm và từ chối nhận thù lao.

Khi Thành Lộc dựng vở Bí mật vườn Lệ Chi, Sĩ Hoàng cũng nhận được yêu cầu tương tự: trang phục của các nhân vật trong vở toàn màu đen nhưng nhìn vào hình vẽ thì biết ai quan, ai quân. Sĩ Hoàng phải vào Bảo tàng Lịch sử trong Thảo cầm viên lấy hoa văn trên gốm Chu Đậu của thế kỷ 15 để áp dụng vào thiết kế phục trang của mình.

Khi nghệ sĩ Khánh Hoàng về nhậm chức giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM trong hoàn cảnh khó khăn tứ bề, Sĩ Hoàng lại nhận được lời mời thiết kế trang phục cho vở kịch thử nghiệm mang tính giả định Huyền thoại cuộc sống (đạo diễn Lê Quí Dương).

Vốn ái mộ Khánh Hoàng, Sĩ Hoàng hoan hỉ nhận lời vừa thiết kế vừa thực hiện toàn bộ trang phục cho vở diễn nhằm giúp Khánh Hoàng vượt qua cơn khốn khó. Rồi khi Ái Như dựng vở Bàn tay của Trời cũng nhờ anh giúp về trang phục. Kinh phí dành cho vở diễn nghe đâu rất thấp nên Sĩ Hoàng lại không lấy tiền.

Nhưng rồi “nhà sản xuất” vở là nghệ sĩ Mỹ Uyên cứ một hai đòi “bù tiền vải” nên anh đành nhận và đó chính là lần đầu tiên anh nhận thù lao từ công việc thiết kế phục trang cho sân khấu. Sau đó Sĩ Hoàng còn cộng tác với đạo diễn Ái Như trong một vở khác mà phần thiết kế phục trang tạo nhiều ấn tượng, đó là vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Trong vở này, quần áo của các vị tiên thánh trên thiên đình được phỏng theo những hình nhân hàng mã với một màu bạc ẩn chứa nhiều ý nghĩa.

Phóng to
Trang phục nhân vật An Dương Vương Thục Phán và Mỵ Châu trong vở Chiếc áo thiên nga - ảnh: T.T.D

Với Sĩ Hoàng, lần đem lại cho anh nhiều cảm xúc nhất là khi thực hiện phục trang cho vở cải lương Kim Vân Kiều. Chưa làm thiết kế phục trang cho cải lương lần nào nên lúc đầu anh không dám nhận, nhưng đạo diễn Hoa Hạ quá tha thiết anh đành phải nhận lời và chấp nhận lao vào thử thách. Để thiết kế trang phục cho Thúy Kiều, Sĩ Hoàng phải giở lại lịch sử điêu khắc thời... Nguyễn Du ở thế kỷ 18. Và với số lượng 435 bộ phục trang thực hiện cho vở Kim Vân Kiều, Sĩ Hoàng đã được đưa vào sách kỷ lục VN.

Sĩ Hoàng nói rằng anh là người được nghề chọn chứ không chủ động chọn nghề, cả việc thiết kế phục trang sân khấu mới mẻ hiện nay cũng như thiết kế thời trang áo dài mà anh đã đeo đuổi suốt hơn 20 năm qua.

Chính tấm lòng dành cho bạn bè đã dẫn anh tới với nghề thiết kế phục trang sân khấu. Anh xem đây như là một “nhiệm vụ mới” của mình bên cạnh sự nghiệp thiết kế áo dài. Từ một công việc làm giúp, nay anh nâng nó lên thành chuyên nghiệp với một dự án thành lập xưởng thiết kế phục trang sân khấu điện ảnh, sẽ được xây dựng vào đầu năm 2009.

Trong khi chờ đợi giấy phép xây dựng nhà hát có tên Điểm một thời trong khuôn viên dinh Thống Nhất (với mục đích giới thiệu hằng đêm nghệ thuật truyền thống ca múa nhạc “nguyên gốc”) do anh chủ trương, Sĩ Hoàng vừa thực hiện một chuyến xuôi về Cà Mau để nghe đờn ca tài tử trên ghe, lội vô chợ quê gặp nhà văn miệt đồng Nguyễn Ngọc Tư để tìm tư liệu và cảm hứng chuẩn bị việc thiết kế phục trang cho vở kịch Cánh đồng bất tận của đạo diễn Minh Nguyệt.

“Cái đẹp nhất vẫn là sự thật”. Câu nói mới đây của nhà phê bình Vương Trí Nhàn nhân sự kiện lùm xùm xung quanh chuyện hoa hậu VN Thùy Dung chưa tốt nghiệp THPT là điều Sĩ Hoàng vốn tâm đắc. Anh nói làm nghệ thuật phải thật từ trong trái tim, bởi sứ mạng nghệ thuật là truyền cảm xúc để con người được thăng hoa và người ta không ai có thể thăng hoa trước sự giả dối. Điều đó lý giải vì sao anh luôn cẩn trọng trong từng chi tiết dù nhỏ nhặt nhất khi thiết kế phục trang sân khấu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận