Tát biền ăn tết

PHI TÂN 26/01/2016 18:01 GMT+7

TTCT - Tôi vẫn nhớ và cảm giác thèm món chả cá thát lát chiên và món cá tràu kho tộ của mạ nấu trong mâm cỗ cúng tất niên chiều cuối năm. Nhớ đến nỗi nhiều khi gặp lại những món này trong bữa ăn nào đó là nghe như tết đang về…

Tranh: Nguyễn Hoàng Huy
Tranh: Nguyễn Hoàng Huy


Ngày trước ở quê tôi, phải bước qua ngày hăm của tháng chạp mọi người mới bắt đầu chuẩn bị đón tết. Tết chầm chậm về trong tiết trời se se lạnh, mưa lất phất bay và cây lúa ngoài đồng bắt đầu chớm ngọn xanh.

Chuyện đồng áng tạm ổn, người quê tạm thời gác sang một bên những vất vả nhà nông để lo chuyện ăn tết. Cũng dễ hiểu vì sao dân gian hay gọi là ăn tết mà không gọi là chơi tết hay mặc tết chẳng hạn...

Ngày tết ai cũng muốn có một tà áo mới, nhất là mấy đứa trẻ con; nhưng ở những miền quê nghèo hồi ấy chẳng mấy ai được có những bộ cánh mới đón năm mới. Có điều áo quần mới có thể thiếu nhưng không thể thiếu những miếng ngon trong ba ngày tết.

Nói cách khác, với người Việt mình ngày tết là phải được ăn ngon và ăn no...

Cũng như bao dòng sông quê hương đất Việt, dòng Ô Lâu quê tôi gắn chặt với đời sống của con người. Sông là nguồn nước tưới mát ruộng đồng những ngày hè, là những cơn lụt nơm nớp nỗi lo nhưng cũng lấp lánh niềm vui phù sa bồi đắp đồng ruộng. Cũng trong những lần con nước ngập tràn, sông đã hào phóng mang biết bao nhiêu cá tôm cho đời sống con người.

Những đợt gió mùa đông bắc tràn về cũng là thời điểm nước bắt đầu rút dần đến khi cánh đồng chỉ còn lấp xấp nước, loang loáng màu nâu của những lớp bùn non. Chỉ còn những cánh đồng sát với bờ sông là nước vẫn còn sâu. Đó cũng là nơi trú ngụ của những loài cá đồng theo con nước bơi về mùa lụt. Người làng gọi đó là ô, biền.

Trước ngày tiễn ông Táo về trời, những người làng vác tròn trào (gồm cái gàu bằng nhôm gọi là tròn và ba cây tre khô chụm lại để treo cái tròn lên mỗi khi tát nước gọi là trào) ra biền tát cá. Cho dù trời mưa hay nắng, lạnh hay ấm thì năm nào cũng vậy, người đi tát cá và cả người đi xem tát cá cuối năm thiệt đông vui.

Mỗi người mỗi việc, người be bờ, kẻ tát nước cứ hì hà hì hụp như thế từ sáng sớm đến gần trưa thì nước ở những ô biền cạn dần. Những chú cá tràu láu cá bắt đầu tìm cách trườn lên bờ thoát thân, thỉnh thoảng một chú cá diếc vẫy mình lao khỏi lên mặt nước trong tiếng reo của mấy đứa trẻ con đang đứng xem hai bên bờ.

Rồi nước cạn hẳn, lũ cá chen nhau vùng vẫy vào những đám lau lách. Công việc cuối cùng là bắt cá cũng là lúc vui nhất. Cá tràu, cá rô, cá diếc, cá trê rồi thì thát lát, thia tho, rùa, rạm cứ thế từng con bị tóm gọn. Thỉnh thoảng lại có một tiếng reo vui khi tóm được một chú cá tràu to tướng núp kín dưới bùn. Rồi cũng có người mặt nhăn nhó la lên oai oái vì bị một chú cá trê nẹt một phát đau điếng vào tay...

Cá bắt đầy oi, đầy thúng, đầy bao trong niềm vui của người lớn và sự hả hê của lũ con nít. Thường ở xóm tôi cá được mang về sân nhà bác Toàn, đổ ra cả một khoảng sân để chia cho những người tham gia đi tát biền. Đã thành một tình cảm ấm áp trong niềm vui đón tết, đó là những hộ gia đình neo người hay cao tuổi trong xóm, tuy không tham gia tát cá nhưng cũng được chia phần gồm một con cá tràu, một con cá trê, vài con cá diếc, cá rô...

Tối hăm ba tháng chạp, một nồi cháo cá được bắc lên cùng mấy xâu cá trê nướng bếp than hồng. Đàn ông ngồi nhấm rượu gạo với cá trê nướng cùng dưa môn chấm nước mắm; phụ nữ, con nít được ăn cháo cá. Đó cũng là bữa liên hoan đầu tiên của mùa tết quê tôi. Còn những phần cá được chia về cho từng nhà là món không thể thiếu trong mâm cúng tất niên.

Tôi vẫn nhớ và cảm giác thèm món chả cá thát lát chiên và món cá tràu kho tộ của mạ nấu trong mâm cỗ cúng tất niên chiều cuối năm. Nhớ đến nỗi nhiều khi gặp lại những món này trong bữa ăn nào đó là nghe như tết đang về…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận