Tiếng Việt êm ái tỏa đi...

THỤY ANH 07/06/2023 04:30 GMT+7

TTCT - Câu chuyện về những em nhỏ Việt kiều thế hệ thứ 4,5 theo học tiếng Việt.

- Thầy ơi, mình không biết thanh ngãthanh hỏi khác nhau thế nào!

- Cô ơi, cháu có thể không nói tiếng Việt bây giờ được không? Cháu mệt quá!

- Thầy nói "cái muỗng" là cái gì? Mẹ con ở nhà nói là "cái thìa" cơ!

- Con không biết cái chữ này đội mũ bình thường hay mũ ngược?!

“Trường phù thủy Stuttgart”- Lớp học tiếng Việt đi khắp năm châu diễn ra tại thành phố Stuttgart (Đức) tháng 4 vừa qua.  Nguồn ảnh: Câu lạc bộ đọc sách cùng con

“Trường phù thủy Stuttgart”- Lớp học tiếng Việt đi khắp năm châu diễn ra tại thành phố Stuttgart (Đức) tháng 4 vừa qua. Nguồn ảnh: Câu lạc bộ đọc sách cùng con

Đấy là những câu hỏi thường vang lên trong các lớp học tiếng Việt mà tôi may mắn được tham dự hoặc tham gia tổ chức trong hơn thập niên qua. Nhưng trong mỗi câu hỏi đơn giản ấy đôi khi lại là cả một "bầu trời tâm sự" của em nhỏ, của bố mẹ em, của cộng đồng người Việt ở nước sở tại…

Những rào cản tâm lý trong câu chuyện học tiếng Việt

Tháng tư vừa rồi, tôi cùng các cô giáo CLB Đọc sách cùng con phối hợp với Hội người Việt ở Stuttgart và Paris tổ chức trại tiếng Việt mùa xuân cho các em nhỏ, sau đó ghé Thụy Sĩ, Hà Lan để chia sẻ cùng các nhóm học tiếng Việt ở đây. 

Ở nơi nào tôi cũng cảm nhận được sự mong mỏi của các bậc phụ huynh: giữ gìn tiếng Việt cho con.

Một bé gái trong trại hè Vui cùng tiếng Việt - Warszawa 2013

Một bé gái trong trại hè Vui cùng tiếng Việt - Warszawa 2013

Trên thực tế, đó là nhu cầu giữ gìn tiếng Việt cho chính mình của các bậc cha mẹ, vì nhiều đứa trẻ hòa nhập hoàn toàn với cuộc sống sở tại, không phải em nào cũng muốn học tiếng Việt, nếu có học cũng học đối phó, miễn cưỡng chỉ vì "bố mẹ muốn!". 

Đó là rào cản thứ nhất. Người thân càng thúc ép, các em càng sợ học. Khi đến trại tiếng Việt, nhiều em òa khóc khi nghĩ sẽ phải nói tiếng Việt cả ngày, trong suốt 7-8 ngày trại hè.

Rào cản thứ hai là các vấn đề về kiến thức ngôn ngữ và phương pháp dạy học. Trong quá trình dạy tiếng Việt nơi xa xứ, các thầy cô giáo, các bố mẹ gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ tham gia dạy không nhiều người có chuyên môn sư phạm hoặc ngôn ngữ dù sự nhiệt tình và kiên nhẫn của họ là vô bờ bến.

 Nhiều bố mẹ tự dạy con nhưng không biết bắt đầu từ đâu, sắp xếp thứ tự nội dung thế nào, làm sao để con tập trung nghe mình giảng…

Các nhóm lớp học tiếng Việt nếu phân loại theo trình độ ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn vì sự không đồng đều về lứa tuổi, và về mức độ nhận thức xã hội, rất khó tổ chức hoạt động học chung trên cùng một ngữ liệu nếu không được thiết kế phù hợp.

Ngược lại, nếu phân loại theo lứa tuổi thì trình độ ngôn ngữ lại chênh lệch, cũng là một rào cản lớn đối với công việc của các thầy cô.

Thái độ của các bậc cha mẹ đối với việc học tiếng Việt của con cũng nằm ở hai thái cực. Một là quá sốt sắng dẫn đến ép buộc, thiếu phương pháp gợi mở khiến con trở nên sợ, ngại nói tiếng Việt. 

Ở chiều ngược lại, nhiều cha mẹ buông xuôi, chấp nhận việc con chỉ coi tiếng Việt là tiếng của cha mẹ, ông bà chứ không còn là "của mình".

Rào cản thứ ba là những đặc điểm khác biệt của tiếng Việt so với ngôn ngữ các em thường dùng. Các em thường gặp khó nhất ở các thanh điệu, không phân biệt được thanh ngang và thanh huyền; thanh ngã và thanh hỏi. Những âm "ă", "â", "ơ", "h", "ng" cũng khiến các em bối rối…

Những khó khăn của người học là trẻ Việt kiều khác hẳn các khó khăn của trẻ học tiếng Việt ở Việt Nam, vì thế nếu dùng sách dạy tiếng Việt trong chương trình giáo dục ở Việt Nam sẽ có thể tạo thêm rào cản nữa đối với trẻ.

Chúng ta sẽ cùng vượt qua

Trong trại tiếng Việt ở Paris, em bé Khuê 7 tuổi cứ gặp cô giáo ở đâu là đề nghị: "Cô ơi, cô đố toán con đi!" đến mức mỗi sáng cô giáo luôn phải chuẩn bị sẵn một câu đố, một bài toán. 

Cô bé thích thú cười khi được nghe bài toán hóc búa, cố gắng hiểu nó bằng tiếng Việt và giải khá nhanh. Bé yêu thích môn toán và học tiếng Việt qua chính môn mình yêu thích.

Tác giả bài viết và các em nhỏ ở trại hè tiếng Việt tại Stuttgart (Đức).  Nguồn ảnh: Câu lạc bộ đọc sách cùng con

Tác giả bài viết và các em nhỏ ở trại hè tiếng Việt tại Stuttgart (Đức). Nguồn ảnh: Câu lạc bộ đọc sách cùng con

Một bạn nhỏ khác lại từ chối học, đôi khi thể hiện bất hợp tác nhưng khi nói đến việc diễn kịch, bạn hồ hởi, xung phong nhận vai diễn. Bạn nghĩ ngợi, thêm bớt lời thoại và chỉnh sửa cách diễn sao cho thú vị, ghi sẵn lời thoại bằng tiếng Việt vào mẩu giấy để học. Bạn còn sốt sắng hướng dẫn các bạn khác cách làm sao… khóc ra nước mắt!

Chơi ô ăn quan ở trại hè tiếng Việt Stuttgart 2019 (Ảnh: CLB Đọc sách cùng con)

Chơi ô ăn quan ở trại hè tiếng Việt Stuttgart 2019 (Ảnh: CLB Đọc sách cùng con)

Nhóm các bạn nhỏ yêu thích hội họa lại hí hoáy tô mặt nạ giấy bồi, sơn màu cho chuồn chuồn tre, vẽ tranh theo chủ đề dựa trên màu quốc kỳ của các nước… 

Cậu bé Bin thích đàn thì mày mò các nốt nhạc của những ca khúc được học trong trại như Sắc huyền hỏi ngã nặng (nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm), Mau mau tỉnh dậy (nhạc sĩ Phạm Tuyên), Bống bống bang bang (Only C)…

Và đó cũng là phương án của chúng tôi: dẫn dắt tiếng Việt đến với bạn nhỏ qua các hoạt động yêu thích của từng bạn. Ở Stuttgart hay Paris, bạn thì thích nhảy múa, vẽ, thiết kế thời trang, bạn thích đàn, hát, làm đồ thủ công, đan lát, làm bánh, pha nước quả… 

Thật hạnh phúc khi nghe tiếng Việt vang lên một cách nhiệt tình, ngọng nghịu đáng yêu khi các bạn tham gia hoạt động. Nhóm khâu vá đan lát: "Kéo ơi, kéo đâu rồi?!". "Cho cháu một cái len, à quên, một cuộn len!",

Nhóm múa quạt: "Cô ơi, con không mở được quạt, à... xòe quạt ra…".

Nhóm pha nước: "Làm trà gọi là pha trà, đúng không cô? Cho con một cái gừng! À một mẩu gừng… Cắt… gọt… thái…".

Ban nhạc Xủng Xoảng thì phân công nhau mô phỏng tiếng gió thổi ù ù, ào ào, tiếng suối chảy róc rách, tiếng mưa rơi lộp độp, tiếng sỏi đá va vào nhau lóc cóc… Một bạn nhỏ thán phục nói: "Tiếng Việt nhiều từ hay quá!!!".

Cứ như vậy, chúng tôi nương vào nhu cầu của chính các em để xây dựng hoạt động và bài học. Động lực học tiếng Việt của các em cũng tăng lên mỗi ngày từ sự chia sẻ ấy!

Cuối trại, các em viết những lời cảm ơn ấm áp. Có em tặng mẹ câu: "Cá chuối đắm đuối vì con" làm người mẹ rưng rưng. Đó là câu thành ngữ học được trong vở kịch Cá chuối con chúng tôi chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Xuân Quỳnh để các em trình diễn. 

Cảm nhận được câu này, hẳn đứa trẻ cũng đã có thêm phông nền cảm xúc để tiếp nhận tiếng Việt thân thương của mẹ, của cha, để rồi một ngày sẽ tìm được "tiếng Việt của mình!".

Và, một buổi sáng thứ bảy trong veo ở Thụy Sĩ, mọi người dường như còn đang thư giãn, ngủ nướng ở đâu đó thì giọng ca non nớt ngọng nghịu của nhóm bạn nhỏ Trường Bình Minh vang lên, nghe vừa rộn rã như lời giục giã hạnh phúc vừa cho cảm giác bình an:

"Tiếng con chim ri

Gọi dì gọi cậu

Tiếng con sáo sậu

Gọi cậu gọi cô

Mau mau tỉnh dậy

Mà đi ra đồng…"

(Ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên)

Tiếng Việt du dương đang nhẹ nhàng, êm ái lan tỏa đi khắp năm châu từ những buổi sớm như vậy ở nơi xa…■

Nguồn ảnh: Câu lạc bộ đọc sách cùng con

Nguồn ảnh: Câu lạc bộ đọc sách cùng con

Khi chúng tôi tổ chức một trại tiếng Việt mang tên "Trường phù thủy tiếng Việt", các anh chị trong Hội người Việt ở Stuttgart và Paris đã hết lòng ủng hộ. Họ phân công nhau bám sát trại, cổ vũ các cháu, thay nhau nấu nướng chăm chút từng bữa ăn, giờ ngủ trong suốt quá trình diễn ra các hoạt động cùng tiếng Việt.

Hội người Việt Stuttgart, các nhóm Cánh diều, Về nguồn ở Paris, các nhóm tiếng Việt ở Thụy Sĩ, Hà Lan… đều có nhiều thầy cô sẵn sàng dành trọn thời gian nghỉ ngơi của mình để hướng dẫn, lôi cuốn các bạn trẻ đến với tiếng Việt mỗi cuối tuần.

Ở Zurich, tôi cảm động khi thấy cô Dung, hiệu trưởng Trường Bình Minh, ở tuổi 70 nhưng vẫn nhanh nhẹn sắp xếp lịch học, chạy đôn chạy đáo mượn phòng ốc, mở thêm cơ sở để trường dễ dàng tiếp cận nhiều học sinh hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận