Về nước... nuôi gà

VÂN TRƯỜNG 19/02/2006 21:02 GMT+7

TTCN - Sau 24 năm sống trên đất Mỹ và nuôi dạy bảy đứa con thành tài, hai vợ chồng chị Phạm Thị Bạch Mai quyết định trở về nước với mong muốn làm một việc gì đó cho quê hương (xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Phóng to
Chị Mai cho gà ăn
TTCN - Sau 24 năm sống trên đất Mỹ và nuôi dạy bảy đứa con thành tài, hai vợ chồng chị Phạm Thị Bạch Mai quyết định trở về nước với mong muốn làm một việc gì đó cho quê hương (xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Tôi biết chị Mai đầu năm 2004. Ngay khi hay tin Bộ NN&PTNT yêu cầu tạm dừng tiêu hủy gia cầm trong phạm vi bán kính 3km tính từ ổ dịch, tôi vội đến Phú Phong để xem bà chủ trang trại lớn nhất tỉnh Tiền Giang đón nhận tin này như thế nào. Nhưng trước mắt tôi là trại vắng ngắt chẳng còn con gà nào. Miễn cưỡng tiếp khách với đôi mắt sưng húp vì khóc, chị Mai nghẹn ngào: “Số tôi đen quá, mới vừa tiêu hủy 53.000 con gà và 1,5 triệu quả trứng. 6 tỉ đồng tiền vốn đã theo gà xuống hố!”.

Sống giữa tâm bão cúm gia cầm

Năm 2000, chị Mai mang tiền về nước lập trại nuôi gà hiện đại theo mô hình của những người bạn định cư ở bang California. Đó là một quyết định chẳng giống ai. Khi công việc làm ăn của chị đang ổn định thì ngày 1-1-2004 dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Long An rồi sau đó hoành hành trong cả nước. Hơn một tháng chống chọi, tai họa đột ngột đổ ập xuống: chính quyền địa phương liên tục hối thúc buộc chị phải tiêu hủy toàn bộ trại gà theo chủ trương của Bộ NN&PTNT.

Năn nỉ hết lời không được, anh Lư Văn Trung - chồng chị - đành ký tên vào biên bản tiêu hủy toàn bộ trại gà trị giá hơn 6 tỉ đồng (nhưng chỉ được Nhà nước hỗ trợ hơn 500 triệu đồng). Bảy giờ tối, khi những con gà cuối cùng được đưa xuống hố chôn, Đài truyền hình VN đưa tin: “Tạm ngưng việc tiêu hủy gia cầm (chưa nhiễm bệnh) trong phạm vi bán kính 3km từ ổ dịch”. Nghe đến đây, chị Mai đổ sụp xuống sàn nhà bất tỉnh. Kể từ hôm đó chị Mai bắt đầu sử dụng thuốc ngủ.

Hết vốn, định bỏ nghề nhưng vì không nỡ tháo dỡ chuồng trại bán phế liệu, không nỡ để hơn 50 lao động thất nghiệp, chị Mai bán nhà, bán đất và hỏi xin tiền các con để “thử lần nữa”. Lần này, chị đầu tư hẳn máy ấp trứng để chủ động nguồn con giống, giảm chi phí đầu tư. Vài tháng sau đàn gà được 50.000 con, hai vợ chồng rất phấn khởi.

Anh Trung bảo anh rất mừng vì đã có nhiều đêm chị Mai không cần uống thuốc ngủ. Nhưng một lần nữa bi kịch lại đến: dịch cúm gia cầm tái xuất hiện khi đàn gà chuẩn bị rớt trứng. Thị trường đóng băng, mọi người nghe nói tới gà đã sợ xanh mặt và tránh càng xa trại gà càng tốt. Dù cơn bão cúm lần thứ hai này diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng cũng đủ “cướp” đi của hai vợ chồng chị Mai thêm 4 tỉ đồng nữa.

Rồi dịch cúm cũng qua đi. Trang trại của chị Mai lúc này chỉ còn 3.000 con gà giống siêu thịt và 1.500 con gà thương phẩm giống Đức. Làm gì? Bỏ hay gầy dựng lại? Những câu hỏi cứ dằn vặt chị Mai suốt hai tháng trời. Chị nói: “Tôi nghĩ chẳng lẽ ông trời không thương sự cố gắng của mình hay sao, thế là tôi quyết định tiếp tục nuôi. Chỉ có cách này mới hi vọng giải được bài toán nợ tứ giăng sau hai đợt dịch”. Chị lại điện thoại tỉ tê với mấy người con ở Mỹ nhờ chúng hỗ trợ một ít tiền, rồi đem cầm cố những tài sản ít ỏi còn lại để vay vốn ngân hàng.

Đến giữa năm 2005, trại gà của chị đã có trên 100.000 con. Cuối tháng 9-2005, khi đang chuẩn bị xuất chuồng toàn bộ trại gà để lấy tiền trả nợ và nghỉ ngơi một thời gian thì dịch cúm lại xuất hiện. Phải năn nỉ hết lời một doanh nghiệp ở TP.HCM mới chịu mua hơn 20.000 con gà thịt với giá... 4.000 đồng/kg (lỗ 20.000 đồng/kg). 60.000 con còn lại không bán được, chị cho vặt trụi lông và giảm tới 70% thức ăn để cầm cự chờ qua dịch cúm. Trận dịch lần thứ ba này đã cuỗm đi của chị thêm 5 tỉ đồng mồ hôi nước mắt. Lần này thì cả hai vợ chồng chị Mai suy sụp thật sự. Và những lọ thuốc ngủ lại thường trực trong túi áo chị.

Khi Việt kiều gom tiền lẻ!

Phóng to
Chị Mai cùng nhân công đóng gói trứng gà đã kiểm dịch chuẩn bị đưa ra thị trường
Những ai biết chị Mai vài năm trước đây đều bất ngờ khi nhìn thấy chị đứng bán từng con gà, quả trứng ở chợ Mỹ Tho góp nhặt từng đồng xu lẻ rồi cẩn thận ghi chép vào sổ. Qua ba cơn bão cúm gia cầm, cái “mác” Việt kiều có tiền tỉ của hai vợ chồng chị đã trở thành quá khứ. Giờ đây họ chẳng khác gì những nông dân chân lấm tay bùn của vùng quê Nam bộ này. Từ một “đại gia”, chị Mai trở thành con nợ chỉ sau ba trận dịch cúm gia cầm liên tiếp trong hai năm 2004 và 2005.

Chị Mai bảo từ trước tết đến giờ chị phải chạy ngược chạy xuôi lo vay vốn, lo xin giấy phép xuất gà con cho nông dân các tỉnh nuôi trở lại, đến mức gần như không có thời gian để nghỉ ngơi. “Nếu hai năm nay không có thuốc ngủ chắc là tôi đã chết vì kiệt sức”. Mang tiếng là chủ trang trại gà lớn nhất tỉnh, nhưng tờ mờ sáng là chị Mai đã quần quật cùng công nhân cho gà ăn, làm vệ sinh chuồng trại rồi lo đưa trứng gà đi bán, ấp trứng, chạy xe máy hơn 20km đến cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP Mỹ Tho đứng bán từng con gà, quả trứng.

Nửa đêm về sáng chị có mặt ở lò giết mổ để kịp giao thịt gà sạch cho các siêu thị ở TP.HCM, Tiền Giang, Long An, Bến Tre theo đơn đặt hàng. “Lúc này tình hình có vẻ êm nên tôi phải tranh thủ từng phút để kiếm tiền trả nợ, trả lương cho công nhân”.

Vì không có đủ gà thịt để cung cấp cho thị trường, chị Mai quyết định thịt luôn cả gà mái đang bắt đầu cho trứng. Mặc dù giá thành một con gà mái đẻ lên tới 70.000 đồng/kg, nhưng chị chỉ bán ra 35.000 đồng rồi sau đó 45.000 đồng/kg trong khi giá thịt gà sạch ở TP.HCM lúc này đã lên tới 70.000 đồng/kg. “Dân mình còn nghèo lắm, làm sao có tiền mua nổi con gà ăn nếu tôi bán đúng giá. Vấn đề là làm cho bà con mình biết ở Tiền Giang có gà sạch Phú Phong giá cả hợp lý, an toàn là được rồi”.

Cũng những ngày đó chị Mai phải chạy ngược xuôi để xoay hơn 1 tỉ đồng trả nợ. Trước tết, nghe tin Nhà nước cho vay khắc phục hậu quả cúm gia cầm mà không cần thế chấp, chị Mai gõ cửa Ngân hàng NN&PTNT hỏi vay 50 triệu đồng. Tuy nhiên, chị đã bị nhân viên nơi này giội một gáo nước lạnh: “Ở đây không có cho vay cúm gia cầm!”. 50 triệu chỉ bằng tiền mua thức ăn cho trại gà một ngày. Chị lại bấm điện thoại cầu cứu con và họ phải cầm cố nhà cửa để gửi tiền về VN cho chị trả nợ. Chị bảo: “Tôi chỉ tổ làm khổ con mà thôi”.

Chị bảo rằng UBND tỉnh rất ủng hộ mô hình chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ khép kín của trang trại chị và hứa sẽ hỗ trợ tối đa. “Anh Khang - giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang - khuyên tôi phải duy trì trang trại này bằng mọi giá. Nếu gặp khó khăn gì cứ nói tỉnh sẽ giúp đỡ liền. Còn Chi cục Thú y giúp tôi rất nhiều về chuyên môn. Tỉnh quan tâm như thế nên tôi không nỡ bỏ nghề. Cứ thử một lân nữa xem sao”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận