Vài hình ảnh về chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước

HỮU NGHỊ 23/06/2007 17:06 GMT+7

TTCT - Có nhiều cách nhìn về chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (như quan hệ Việt - Mỹ được nâng thêm một bước...), nhưng có lẽ tựa đề bài báo của Amy Kazmin trên Financial Times 15-6-2007 là sát sườn nhất: “Nguyễn Minh Triết - khuôn mặt thân thiện với kinh doanh của Việt Nam”.

Phóng to

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (trái) và phó chủ tịch Sở chứng khoán New York (phải) trong chuyến thăm sàn chứng khoán New York của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, ngày 19-6-2007

TTCT - Có nhiều cách nhìn về chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (như quan hệ Việt - Mỹ được nâng thêm một bước...), nhưng có lẽ tựa đề bài báo của Amy Kazmin trên Financial Times 15-6-2007 là sát sườn nhất: “Nguyễn Minh Triết - khuôn mặt thân thiện với kinh doanh của Việt Nam”.

Thật vậy, nếu như trong quan hệ Việt - Mỹ còn có những “khoảng cách tự nhiên”, thì quan hệ kinh tế chính là đột phá khẩu. Tờ Financial Times nhìn Chủ tịch Nguyễn Minh Triết như “một sứ giả thích hợp cho một Việt Nam đang “đâm chồi” về mặt kinh tế, đang thu hút óc tưởng tượng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vốn thèm khát có một chỗ hoạt động trong nền kinh tế tăng trưởng nhất châu Á này”.

Lý do để tờ Financial Times nhận xét như trên được giải đáp qua bản lý lịch mà tờ báo này đã khắc họa: “Là một sinh viên khoa toán thuộc Viện Đại học Sài Gòn vào đầu những năm 1960, Nguyễn Minh Triết, con một gia đình nông dân, đã tham gia phong trào sinh viên cánh tả.

Phóng to
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon
Những năm sau khi tốt nghiệp, ông Triết đã hoạt động đấu tranh trong phong trào sinh viên rồi ra chiến khu... Nay khi Việt Nam đang tập trung cho “cuộc chiến thị trường”, ông Triết, thân thiện với kinh doanh và thiết tha trách nhiệm với công chúng, là một trong những nhà lãnh đạo Việt Nam đang ra sức lèo lái đất nước trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế và phát triển...”.

Đó không phải là những lời khen có cánh. Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn “đâm chồi” về kinh tế dù là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nhắc đến việc VN ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ như một sự dấn thân vào chính trường thế giới. Sau hội nhập kinh tế, đến hội nhập ngoại giao và chính trị.

Quan hệ Việt - Mỹ

1995:

11-7: Tổng thống Bill Clinton tuyên bố “bình thường hóa quan hệ” với VN.

6-8: Ngoại trưởng Warren Christopher thăm Hà Nội và chính thức mở Đại sứ quán Mỹ tại VN. VN mở Đại sứ quán tại Washington.

7-4-1997: Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc VN trả lại khoản nợ 145 triệu USD của chính quyền miền Nam VN cũ.

11-3-1998: Tổng thống Bill Clinton miễn áp dụng tu chính án Jackson - Vanik đối với VN, mở đường cho hoạt động của nhiều tổ chức thương mại Mỹ tại VN.

25-7-1999: Đại diện thương mại Mỹ Richard Fisher và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về Hiệp định thương mại song phương (BTA) tại Hà Nội.

2000:

13-3: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen trở thành bộ trưởng quốc phòng đầu tiên tới thăm VN kể từ khi chiến tranh kết thúc.

13-7: Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và đại diện thương mại Mỹ Barshefsky ký BTA tại Washington.

16-11: Tổng thống Bill Clinton tiến hành chuyến thăm lịch sử tới VN.

1-2001: Quốc hội Mỹ thiết lập đạo luật Quĩ Giáo dục VN, cho phép cung cấp mỗi năm 5 triệu USD đến năm 2019 cho các sinh viên VN sang Mỹ du học.

3-3-2002: Hội thảo khoa học đầu tiên giữa Mỹ và VN về vấn đề chất độc da cam diễn ra tại Hà Nội.

8-11-2002: Bộ Thương mại Mỹ quyết định VN là nước có nền kinh tế phi thị trường với mục đích xem xét các vụ kiện chống bán phá giá.

2003:

17-7: Hiệp định dệt may Việt - Mỹ được ký kết tại Hà Nội.

10-11: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà thăm Lầu Năm Góc, thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld về việc thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.

12-12: Đàm phán song phương với Mỹ về việc VN gia nhập WTO khởi động tại Geneva, Thụy Sĩ.

2004:

2-4: Nhóm nghị sĩ thân VN của Quốc hội Mỹ thành lập.

23-6: Tổng thống George Bush đưa VN vào danh sách các nước nhận hỗ trợ từ quĩ trị giá 15 tỉ USD để đối phó với HIV/AIDS.

15-9: Mỹ đưa VN vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo.

11-12: United Airlines mở chuyến bay thẳng đầu tiên giữa TP.HCM và San Francisco.

19-6-2005: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ. Hai nước ký thỏa thuận quốc tế về con nuôi, các thỏa thuận song phương về hợp tác giữa quân đội.

2006:

20-2: Hai nước nối lại đối thoại về nhân quyền sau ba năm gián đoạn.

31-5: Mỹ và VN ký tại TP.HCM thỏa thuận song phương về việc VN gia nhập WTO.

16-8: Đại sứ lưu động của Mỹ về các vấn đề tôn giáo toàn cầu John Hanford thăm VN và khẳng định sự phát triển tôn giáo tự do ở VN.

Tháng 11: Tổng thống Mỹ G. Bush dự hội nghị APEC tại Hà Nội, thăm chính thức VN.

8-12: Hạ viện Mỹ thông qua việc trao Qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với VN.

9-12: Thượng viện Mỹ thông qua PNTR.

29-12: Tổng thống G. Bush ban hành đạo luật áp dụng qui chế PNTR đối với VN.

18-6-2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiến hành chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ cùng 100 doanh nghiệp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận