TTCT - Được nghe tin lại sắp có đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ. Nghe qua thật mừng vì có lẽ rồi đây trình độ khoa học của nước nhà sẽ tiến rất xa. Nhưng ngẫm lại cũng có phần lo vì những lẽ sau đây:

Bộ Giáo dục và đào tạo đã có khảo sát nào về những đóng góp của các vị tiến sĩ cho nền khoa học nước nhà chưa?

Bao nhiêu phần trăm các vị tiến sĩ chỉ đang làm công việc quản lý đơn thuần mà không liên quan đến ngành khoa học?

Bộ có qui chế nào qui định sau khi đậu tiến sĩ, mỗi người mỗi năm phải có bao nhiêu đề tài nghiên cứu ứng dụng, hay là học tiến sĩ xong chỉ để có cái mác tiến sĩ và để hợp thức hóa chức vụ nào đó?

Bộ cần gì ở những tiến sĩ? Danh xưng hay là đóng góp cho khoa học? Vì bây giờ gần như người ta chỉ biết một người nào đó qua những công trình khoa học mà người đó đã làm hơn là học vị mà người đó có. Giải thưởng khoa học chỉ xét đến tầm quan trọng của công trình khoa học chứ không ai xét học vị cả.

Đã có khảo sát nào về những đóng góp, nghiên cứu khoa học được ứng dụng từ những người không phải là tiến sĩ, nhưng vẫn là chuyên gia trong lĩnh vực của mình nhờ vào sự nỗ lực học hỏi không ngừng của họ hay chưa?

Và để nhìn lại mục tiêu đào tạo tiến sĩ có lẽ cũng không thừa khi cần nhìn lại từ “tiến sĩ” có nghĩa là gì. Tiến sĩ đồng nghĩa với bác học chăng? Hay là tấm bằng chứng nhận một người có khả năng thực hiện một nghiên cứu khoa học độc lập để giải quyết một câu hỏi chưa được giải đáp trong khoa học, trong cuộc sống hằng ngày?

Nếu chỉ là nghĩa thứ nhất thì e rằng mục tiêu khó với tới. Nếu với nghĩa thứ hai thì điều thực tiễn hơn là nên dành tiền để cải cách lối học vẹt của đại học ngay từ bây giờ. Vì nếu ngay từ thời sinh viên người ta đã học theo kiểu đọc - chép - học thuộc lòng để trả bài thì khó có thể tin rằng sẽ có được những tiến sĩ tài năng. Cây khó có thể cho trái ngọt khi ngay từ gốc đã bị èo uột.

Chúng ta nói nhiều đến hội nhập, nhưng để tấm bằng tiến sĩ của chúng ta có thể hội nhập với thế giới khoa học cần phải có nền giáo dục tương tự với các quốc gia tiên tiến. Nên mạnh dạn cải cách thời gian học, chương trình học, các danh xưng trong các ngành nghề cho phù hợp với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến và được công nhận toàn cầu, hơn là Việt hóa một cách kỳ dị các chương trình đào tạo của người ta.

Đào tạo y khoa là một ví dụ hết sức điển hình: chúng ta có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 y khoa rồi thêm thạc sĩ, tiến sĩ y khoa. Trong khi đó ở các nước Âu, Mỹ chỉ có một danh xưng duy nhất là bác sĩ chuyên khoa lâm sàng học liên tục trung bình 15 năm (tương đương tiến sĩ của ta). Học vị tiến sĩ chỉ dành cho nghiên cứu cận lâm sàng. Do vậy, khi chúng ta cố gắng cử người đi học tiến sĩ y khoa về lâm sàng thì trên thực tế chỉ làm trong labo. Y khoa là ngành đào tạo đặc biệt liên tục và suốt đời, không ai ngắt khúc đào tạo như ta. Phải đào tạo làm sao để khi một người trở thành bác sĩ thực thụ thì tự bản thân họ có thể độc lập nghiên cứu và giải quyết những vấn đề sức khỏe của cộng đồng, chứ không phải lúc nào cũng phải chuyển bệnh nhân đi chỗ khác để rồi tạo nên một làn sóng bệnh nhân đổ dồn về các thành phố lớn như hiện nay.

Có lẽ nên có một cuộc tranh luận thật sự trong giới khoa học về đề án này nói riêng và cách thức đào tạo từ bậc đại học trở lên nói chung.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận