Nếu không có số 0?

TTCT - Có lẽ người ta vẫn còn đếm như người Ai Cập cổ, nghĩa là sử dụng một hệ thống “cộng” không có số 0. Trong hệ thống này, mỗi que trị giá bằng 1. Khi đến số 10 người ta thay đổi ký hiệu, rồi thay đổi tiếp tục khi đến số 100...

Phóng to

Phép cộng tương đối đơn giản: thêm các ký hiệu, bắt đầu bằng số nhỏ nhất. Nếu quá 10 ký hiệu, người ta xóa đi và thay vào bằng ký hiệu ở tầng trên. Với toán nhân, người ta giải quyết bằng cách cộng. Dài dòng, nhưng có thể hiểu được.

Hoặc như người La Mã. Cách đếm của người La Mã rất phức tạp. Một ký hiệu là cộng, cũng có thể là trừ, tùy thuộc vị trí. Giữa số XLVII (47) - thì X là trừ của L, và XXXIV (34) - X là cộng thêm các số đứng sau. Tha hồ mò mẫm! Làm toán trừ hay toán nhân còn rối rắm hơn nữa.

- Hoặc theo người Babylon cổ (ở khu vực Iraq ngày nay), nghĩa là dùng một số ký hiệu giới hạn có giá trị thay đổi khi vị trí thay đổi. Hệ thống này giống với chúng ta hiện nay. Chẳng hạn, trong số 101, thì số 1 đầu trị giá 100, số 1 sau trị giá 1. Nhưng vì người Babylon không có số 0, để mô tả hàng chục hay trăm người ta để trống cột nên rất dễ gây lẫn lộn. Như số 15, có thể hiểu là 15, nhưng cũng có thể là 105 hay 1005! Phải dựa vào cả văn bản để phỏng đoán và như thế rất nguy hiểm. Để khắc phục rắc rối này, các nhà bác học Babylon đã phát minh tiền thân của số 0, đó là hai dấu chéo nhỏ biểu thị các khoảng trống.

Nhưng với chúng ta, số 0 không chỉ để đánh dấu khoảng trống mà còn là một con số như mọi số khác. Không có nó, chúng ta thiếu “lượng không” và không sử dụng số âm được. Cũng không thể sử dụng số “không phẩy” (0,123 chẳng hạn), mà chỉ có thể dùng phân số.

Con gà ra đời từ lòng đỏ hay lòng trắng?

Không phải lòng đỏ cũng chẳng phải lòng trắng! Con gà ra đời từ sự kết hợp của hai tế bào: trứng của gà mái và tinh trùng của gà trống. Khi đã hòa nhập vào nhau hai tế bào này tạo ra mầm, là một vệt nhỏ xíu nằm trên mặt lòng đỏ trứng, từ đó hình thành gà con. Còn lòng trắng là protein dạng keo, là thức ăn và giáp đỡ chấn động cho nó.

Tại sao chim hồng hạc và vịt ngủ có một chân?

Vì nếu đưa cả hai chân lên chúng sẽ ngã! Người ta thường trả lời vui như thế.

Thật ra, tư thế đứng một chân cho phép chúng giữ được bộ lông khô và ít nhất một chân được ấm và được nghỉ ngơi nhờ xếp vào thân, chui vào lớp lông. Như thế chúng giới hạn được sự mất năng lượng. Hơn nữa đứng như thế chúng có thể bay nhanh hơn trong trường hợp nguy hiểm.

Trái cây nào chứa nhiều đường nhất?

Phóng to
Đó là quả chà là tươi: 27gr fructose và glucose trong 100gr quả, tức tỉ lệ đường 27%, cao gần gấp hai lần các trái cây khác. Tiếp sau là nho, chuối và anh đào - 15-20% (tất nhiên là khi quả chín), các quả có hạt và quả có hạt mềm (lê, mận...) - 10-15%, táo tây - 12%. Cam, quít, bưởi, chanh và các quả màu đỏ (dâu...) chỉ chứa khoảng 7-10% đường mà thôi.

Cần bao nhiêu người để ôm trọn một vòng Trái đất?

Chu vi Trái đất là 40.000km (40.000.000m). Tính bình quân, mỗi người dang tay rộng khoảng 1m, thì chỉ cần 40 triệu người là đủ!

Như vậy 80 triệu dân Việt Nam có thể bao quanh Trái đất hai vòng!

Có thể nhét được bao nhiêu người trong một khối vuông mỗi cạnh 1km?

Khoảng 1/3... nhân loại. Khó tin?

Thử xây dựng những tầng lầu cách nhau 2m (vì con người ít khi cao quá 2m) và chúng ta có 500 tầng trên diện tích 1km2 (1.000.000m2). Bốn người có thể đứng trong một ô rộng 1m2 (thoải mái hơn đứng trên xe buýt). Như vậy, tổng số người có thể chứa là: 4 x 1.000.000 x 500 = 2 tỉ người.

Săn mưa

Phóng to

Bắc Kinh sẽ áp dụng công nghệ cao ngăn không cho trời đổ mưa trong ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Theo bà Zhang Qiang - giám đốc Sở Điều chỉnh thời tiết Bắc Kinh thuộc Hàn lâm viện Khí tượng Trung Quốc, theo số liệu khí tượng trong các năm qua, xác suất mưa là 50% trong ngày đó.

Để bảo đảm bầu trời trong xanh, sở đang nghiên cứu tác dụng của các hóa chất khác nhau trên các dạng mây ở các cao độ. Mục đích là can thiệp sớm, buộc các đám mây tan trước khi lễ hội diễn ra. Bà cho biết việc can thiệp chỉ hữu hiệu đối với mưa bụi hoặc mưa phùn, còn mưa rào và mưa to thì đành chịu.

Đối với một đất nước mà nông nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn như Trung Quốc, thời tiết là điều vô cùng quan trọng và không thể phó mặc cho thiên nhiên. Do đó, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu cách làm mưa nhân tạo từ năm 1958, sử dụng các hóa chất như iốt bạc hoặc tuyết khô để làm các đám mây ẩm ướt hơn giúp mưa có thể rơi xuống. Phương pháp là bắn đạn pháo hóa học làm thay đổi trạng thái mây và tốc độ bay của mây tích nước ở phạm vi nhất định, khiến mưa có thể đến sớm, hoặc giữ nguyên trạng thái mây không đổ mưa, hoặc đẩy mây tích nước sang vùng khác.

Tân Hoa xã cho biết trong thời gian 1999-2006, Trung Quốc đã tạo mưa nhân tạo với khối lượng 250 tỉ tấn nước mưa, đủ để rót đầy sông Hoàng Hà nhiều lần. Tuy vậy, việc làm mưa nhân tạo cũng bị nhiều người chỉ trích ở Trung Quốc. Người dân quan ngại về ô nhiễm môi trường, mặc dù Sở Điều chỉnh thời tiết nhấn mạnh rằng iốt bạc được dùng với số lượng rất ít, nên không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận