Giải mã "hoàng tử bé"

HỮU MẠNH 26/03/2008 22:03 GMT+7

TTCT - Ngày 31-7-1944, chiếc máy bay mang số hiệu F-5B-LO kiểu Lockheed Lightning P38 của Antoine cất cánh từ phi trường Borgo trên đảo Corse với nhiệm vụ thu thập thông tin về quân đội Đức ở thung lũng sông Rhône.

Phóng to
Văn hào Antoine de Saint - Exupéry

Màn hình rađa đã theo dõi chuyến bay đến khi nó vượt qua bờ biển nước Pháp lúc 9g30. Theo kế hoạch, chuyến bay của Antoine de Saint - Exupéry sẽ trở về lúc 12g30. Nhưng chiếc máy bay đã không bao giờ quay về nữa. Vào 3g30 hôm đó, người ta đã thông báo ông mất tích. Tháng 4-1945, tang lễ chính thức được cử hành mặc dù không thấy thi thể, lúc đó nhà văn mới 43 tuổi.

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: Tại sao máy bay rơi? Có phải quân Đức đã bắn? Máy bay bị hỏng hóc? Nó đã rơi ở đâu? Hay đây là một vụ tự sát ngoạn mục được tính toán trước? Tất cả đều không có lời giải đáp.

Sau chiến tranh, qua nhiều tìm kiếm, xác của nhiều máy bay đồng minh, kể cả mấy chục chiếc máy bay loại mà Antoine điều khiển hôm mất tích, đã được tìm thấy dọc bờ biển nước Pháp thuộc khu vực mà người ta nghi là chiếc máy bay của ông đã rơi. Tuy nhiên, không có chiếc nào được xác nhận là của Antoine. Sau đó, chính gia đình và bạn bè ông đã khuyên ngăn không nên tìm kiếm nữa. Điều này có vẻ trái với lẽ thường tình. Lý do? Cái chết bí ẩn của ông đã khiến ông trở thành hoàng tử trong tác phẩm Hoàng tử bé nổi tiếng - một nhân vật truyền kỳ vốn được xem như người hùng của nước Pháp.

Tìm ra chiếc máy bay sẽ tìm ra được tai nạn, nhất là giả thuyết cho rằng nhà văn tài ba này đã tự sát bằng cách đâm máy bay xuống biển vì tuyệt vọng. Nếu được chứng minh là thật thì nó sẽ giết chết huyền thoại Antoine. Lúc đó, mọi người, kể cả Chính phủ Pháp, dường như cũng đều muốn duy trì huyền thoại này để nước Pháp phần nào xóa tan đi nỗi nhục thất trận và bị Đức chiếm đóng.

Mặc dù vậy, người ta vẫn tiến hành tìm kiếm xác chiếc máy bay. Mãi đến năm 1998, một ngư dân ở Marseille tình cờ vớt được một chiếc thẻ bài bằng bạc bị mắc vào lưới. Chiếc thẻ có khắc tên Saint - Exupéry, tên vợ ông là Consuelo và Teynal & Hitchcock, New York - tên nhà xuất bản lần đầu tiên xuất bản cuốn Hoàng tử bé năm 1943. Thay vì xem đó là khám phá đầy ý nghĩa trong việc tìm ra lời giải đáp về cái chết của nhà văn, thì nó lại dấy lên một cuộc tranh cãi mới về tính xác thực của nó cùng với những giả thuyết xoay quanh cái chết của nhà văn giữa những người chống đối và những người ủng hộ cuộc tìm kiếm.

Khám phá này đã dẫn đến những tìm kiếm khác tại vùng biển đã tìm thấy tấm thẻ bài do những tay thợ lặn chuyên nghiệp, trong đó có Luc Vanrell. Sự nhiệt tình của người thợ lặn này cuối cùng đã được đền đáp. Năm 2000, ông đã tìm thấy một chiếc Lightning cùng với chiếc máy bay của Đức quốc xã nằm sâu dưới đáy biển 80m, thuộc phía nam Marseille. Hai năm sau, ông lại tìm thấy một mảnh kim loại có con số 2734L mà sau các thử nghiệm chuyên môn thì đây chính là một phần của động cơ Lockheed Lightning P38. Vui mừng với kết quả này, năm 2003 Vanrell vận động tích cực và được Chính phủ Pháp cho phép tiếp tục tìm kiếm và ông đã tìm kiếm được hơn mười mảnh vỡ của máy bay thuộc loại Lightning P38.

Phóng to
Hoàng tử bé, tác phẩm kinh điển của Antoine de Saint - Exupéry, đã xuất bản hơn 80 triệu bản từ năm 1943 tới nay
Đầu năm 2004, được sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Pháp, một đội tìm kiếm chuyên nghiệp do Patrick Grandjean đứng đầu đã tiến hành tìm kiếm trên khắp vùng biển dài 1km và rộng 400m. Họ đã tìm thấy và xác định được nhiều mảnh vụn thuộc phần động cơ máy bay của chiếc Lockheed Lightning P38, đúng nơi mà người ngư dân đã tìm thấy chiếc thẻ bài. Các chuyên gia đã xác định chúng đều thuộc về chiếc máy bay mà văn hào Antoine đã lái cách đó hơn 60 năm.

Tất cả những mảnh vụn đã được tách biệt và lau chùi sạch sẽ. Những nghiên cứu tỉ mỉ cho thấy máy bay rơi hoàn toàn thẳng đứng với tốc độ rất nhanh khi rơi xuống nước. Người ta không thấy một dấu vết bị bắn nào và cũng không có bằng chứng cho thấy có hỏng hóc máy móc. “Chúng ta không biết tại sao và sẽ không bao giờ biết được bí mật đó” - đây là kết luận của Patrick Grandjean. Như vậy câu hỏi tại sao máy bay rơi vẫn còn là một bí ẩn.

Tưởng chừng bức màn bí mật vẫn còn bỏ ngỏ thì ngày 16-3-2008, sau hơn 60 năm im hơi lặng tiếng, viên phi công người Đức tên là Luftwaffe, 88 tuổi, đã chính thức lên tiếng khẳng định chính ông là người đã bắn hạ chiếc phi cơ của nhà văn. Theo lời kể của Horst Rippert, vào ngày 31-7-1941, từ trên chiếc phi cơ ở ngoài khơi Địa Trung Hải, ông phát hiện chiếc phi cơ lạ bay phía dưới và ông đã nổ súng. Bị trúng đạn, chiếc phi cơ này đã rơi xuống biển và không có ai nhảy dù ra cả. Vài ngày sau viên phi công Đức mới biết đó là chiếc máy bay của Antoine de Saint - Exupéry, ông đã sửng sốt và coi đó là một thảm họa bởi vì ông rất hâm mộ văn hào này.

Ông cho biết thời niên thiếu ông đã đọc rất nhiều truyện của Antoine, đặc biệt là cuốn Hoàng tử bé. Giờ đây, khi viết cuốn sách mang tên Saint - Exupéry, The final secret (Saint - Exupéry, Bí mật cuối cùng), ông đã thanh minh cho những hành động của mình rằng từ trên máy bay, ông không nhìn rõ phi công đối phương và nếu biết rõ đó là Saint - Exupery thì ông đã không nổ súng. “Chính những tác phẩm của văn hào người Pháp này đã tạo cảm hứng cho nhiều thanh niên như tôi trở thành phi công - Horst Rippert cho biết - Giờ đây xin mọi người hãy dừng tìm kiếm, chính tôi là người đã bắn hạ Exupéry”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận