Nguyễn Thế Vinh, liều lĩnh với J. Joyce?

TUẤN NGỌC 18/09/2008 18:09 GMT+7

TTCT - Nguyễn Thế Vinh là một kẻ liều lĩnh. Đang chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải thì đùng một cái, anh bỏ dở để dịch sách.

Phóng to
Nguyễn Thế Vinh - Ảnh: Tuấn Ngọc

Khi cuốn sách ra đời được giới chuyên môn đánh giá khá tốt, anh lại bỏ ngang con đường văn học mới bén duyên để đi làm cho một công ty nước ngoài có trụ sở tại VN. Hơn ba năm kể từ khi cuốn Chân dung một chàng trai trẻ (A Portrait of the Artist as a Young Man) của nhà văn Ireland nổi tiếng James Joyce ra mắt độc giả, cái tên Nguyễn Thế Vinh gần như biến mất khỏi văn đàn.

Năm 2004, duyên nợ với Joyce tình cờ đưa Vinh đến gặp cô Susan J. Adams (đại diện thường trú cao cấp Quỹ Tiền tệ quốc tế tại VN) - một người Mỹ rất mê James Joyce và muốn đưa các tác phẩm của ông quảng bá rộng rãi hơn nữa.

Thật ra, trước đây một số truyện ngắn của James Joyce đã được dịch ra tiếng Việt. Cuốn tiểu thuyết đầu tay A portrait of the artist as a young man đã được dịch ở Sài Gòn trước năm 1975 với tên gọi Chân dung một nghệ sĩ trẻ, nhưng bản dịch này không được phổ biến rộng rãi. James Joyce được biết đến như một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 với hàng loạt tác phẩm như The Dubliners (Tập truyện ngắn) và các tiểu thuyết Finnegans wake, A portrait of the artist as a young man, Ulysses...

Những tác phẩm của Joyce mang nhiều giá trị hiện thực và tư tưởng nhưng tương đối khó đọc. Việc đọc các tác phẩm của ông được ví như bóc củ hành tây, mỗi lần bóc tách người đọc lại tìm thấy một tầng ý nghĩa khác nhau. Khi viết tác phẩm Ulysses (tác phẩm nổi tiếng nhất của James Joyce), Joyce từng nói: “Tôi viết Ulysses để cho các nhà phê bình văn học thế giới có cả thế kỷ bận rộn”. Và quả thật, ông đã làm được điều đó.

Một nhà thơ có tiếng của VN đã nói rằng tác phẩm của Joyce làm sang cho giá sách của nhiều người nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực để đọc hết tác phẩm của ông, chứ chưa nói đến chuyện hiểu được chúng. Đó chính là lý do khiến nhiều dịch giả có tiếng ngại dịch các tác phẩm của ông.

Phóng to

Khi bắt đầu dịch Chân dung một chàng trai trẻ, Vinh ý thức được tất cả những điều đó, nhưng không vì thế mà anh từ bỏ mong muốn đưa Joyce đến gần hơn với độc giả yêu văn chương ở VN. Vinh hiểu mình chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng cái mạnh của anh là sức trẻ và sự liều lĩnh mà những người đi trước không có. Vào thời điểm ấy, anh đang chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp đại học. Không thể làm hai việc cùng một lúc, Vinh quyết định tạm hoãn đồ án tốt nghiệp đến năm sau và lao vào dịch sách.

Suốt ba tháng, mỗi ngày Vinh chỉ ngủ 3-4 giờ. Tất cả tâm sức anh dồn vào cuốn sách: đọc đi đọc lại bản gốc nhiều lần, dịch đi dịch lại những đoạn không ưng ý, tham khảo ý kiến của nhiều người. Đến khi cuốn sách hoàn thành, Vinh sút mất gần 10kg. Dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau về độ chín của Vinh trong bản dịch Chân dung một chàng trai trẻ, nhưng đây là cuốn sách đầu tiên của Joyce danh chính ngôn thuận đến với độc giả VN cùng với dịp ra mắt Đại sứ quán Ireland tại Hà Nội vào năm 2005.

Nhiều cơ hội đến với Nguyễn Thế Vinh sau khi cuốn Chân dung một chàng trai trẻ ra đời. Anh được tham dự một khóa học về James Joyce tại Ý (nơi Joyce từng sống mười năm), đi nhiều nước trên thế giới, gặp gỡ những người trong Hội James Joyce ở nhiều quốc gia khác nhau. Trong suốt quãng thời gian đó, Vinh ít nhận trả lời phỏng vấn của báo chí vì anh luôn cho rằng mình là kẻ “ngoại đạo” với giới văn chương. Trong mỗi bài phỏng vấn, anh luôn cẩn thận dặn dò người viết thay chữ “dịch giả” trước tên anh bằng hai từ “người dịch”.

Phóng to
James Joyce (1882-1941) được thừa nhận là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đồng thời là biểu tượng cho tinh thần hiện đại của đất nước Ireland.

Trong cuốn tiểu thuyết Ulysses nổi tiếng, có những đoạn James Joyce viết một mạch dài tới 25.000 từ mà không hề dùng đến bất kỳ một dấu chấm, dấu phẩy nào. Đây là một cá tính trong phong cách của James, nhưng cũng trở thành một thử thách rất lớn đối với dịch giả các nước.

Nhân vật chính của cuốn Chân dung một chàng trai trẻ là một nghệ sĩ. Và anh ta trẻ. Anh ta phải vượt qua những ràng buộc, những sợi dây vô hình níu giữ như gia đình, xã hội, tôn giáo... để sống với niềm đam mê của mình. Vinh tâm sự: “Nhiều người trẻ ở VN nhìn thấy mình trong nhân vật của cuốn sách”. Tôi cũng thấy Vinh có khá nhiều điểm tương đồng với nhân vật chính Dedalus trong cuốn sách.

Sau sự xuất hiện khá ấn tượng đó, những tưởng Nguyễn Thế Vinh sẽ gắn bó với văn chương, nhưng anh đột ngột chuyển sang làm cho một công ty nước ngoài chuyên về xây dựng tại VN. Song hiện nay, Vinh vẫn đều đặn tham gia các hoạt động liên quan đến James Joyce tại VN.

Tấm bằng đại học vẫn bỏ ngang lơ lửng và Vinh cũng không có ý định lấy nó. Anh tâm niệm rằng mình vẫn còn nhiều duyên nợ với văn chương nhưng thời điểm hiện tại chưa phải là thích hợp. Anh muốn tích lũy thêm cho mình vốn sống và cả kinh tế để đến một thời điểm nào đó có thể dành trọn niềm đam mê cho văn chương, cho Joyce.

Tuy nhiên, với những người “ngoại đạo” như Nguyễn Thế Vinh, mối lo cơm áo gạo tiền từng ngày đè nặng sẽ là một trở lực trên con đường đến với văn chương nếu như tình yêu văn chương không đủ lớn. Anh cũng nợ văn chương khi nó đã cho một người trẻ như anh rất nhiều cơ hội. Nếu như không có văn chương, có lẽ giờ này anh đã là một kỹ sư cầu đường đang rong ruổi dặm trường ở một nơi nào đó. Với nền tảng đã có, độc giả có quyền hi vọng và chờ đợi một sự liều lĩnh tận cùng ở Vinh, giống như nhân vật chính trong Chân dung một chàng trai trẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận