Bánh mì Sài Gòn: sandwich thế giới!

BÍCH GIANG 04/05/2009 04:05 GMT+7

TTCT - Sau năm 1975, người Việt đến định cư ở nhiều nước trên thế giới và mang món ăn Việt đến những chân trời xa xôi.

Phóng to
Một cửa hàng thuộc hệ thống Lee’s Sandwiches ở Houston (Texas, Mỹ) - Ảnh: T.L.­
TTCT - Sau năm 1975, người Việt đến định cư ở nhiều nước trên thế giới và mang món ăn Việt đến những chân trời xa xôi.

Ban đầu, những người Việt xa quê hương mở những quán bán món ăn sáng bình dân này chỉ nhằm phục vụ bà con trong cộng đồng. Thế rồi từng bước món sandwich đặc thù của người Việt đã trở thành món ăn ngoại nhập được ưa chuộng bậc nhất và hết sức quen thuộc ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, chẳng khác nào món tacos truyền thống của người Mexico. Bây giờ cũng giống như phở, bánh mì VN, cụ thể hơn là bánh mì Sài Gòn, đã được viết với nguyên ngữ - có cả dấu - trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ cũng như các trang web về ẩm thực. Chỉ cần gõ từ “bánh mì” trên Google, bạn sẽ có được hàng loạt kết quả bằng chữ và những hình ảnh rất đỗi thân quen với bất kỳ người Việt nào sống ở miền Nam.

Món sandwich số 1

Nhà báo Walter Nicholls đã ca ngợi trên Washington Post (ngày 6-2-2008) rằng bánh mì là một trong những món sandwich tuyệt vời nhất trên thế giới. Lần đầu tiên ông được thưởng thức món ăn dân dã này trên chiếc thuyền chở ông đi thăm chợ nổi Phụng Hiệp (Cần Thơ) vào một buổi sáng. Gần đây, khi ăn lại ổ bánh mì thịt tại quán Như Lan ở Falls Church, khu vực có đông người Việt sinh sống của bang Virginia, Walter Nicholls không khỏi bồi hồi: “Tôi cắn một miếng bánh mì thịt nguội. Khi thưởng thức hương vị của patê gan heo, thịt heo, rau ngò và củ cải ngâm chua, tôi nhắm mắt lại và ngỡ mình đang dạo chơi bằng thuyền trên vùng châu thổ sông Mekong như cách đây một chục năm...”.

Quán Như Lan chỉ là một trong nhiều điểm bán bánh mì Sài Gòn ở Virginia và Washington D.C, rộng hơn nữa hầu như khắp các bang của nước Mỹ đều có các địa chỉ dành cho dân khoái món ăn này. Vào trang web “Battle of the Bánh Mì”, có hẳn một danh mục địa chỉ những cửa hàng, quán ăn, nhà hàng có bán bánh mì Việt trên đất Hoa Kỳ (và cả một số nước khác). Đông đảo nhất vẫn là ở bang California, riêng ở quận Cam có hơn 20 địa chỉ, vùng San Francisco - Oakland cũng có khoảng 20 điểm bán.

Ngay tại TP New York vốn có cộng đồng người Việt tương đối nhỏ so với các địa phương khác có đông người Việt sinh sống như California hay Houston (Texas), các cửa hiệu, hàng quán có bán bánh mì Việt hiện diện khắp nơi, từ khu Chinatown đến Manhattan, Brooklyn và Queens, với những cái tên đã quen thuộc với người sành ăn: Bánh mì Saigon Bakery, Sáu Voi, Thanh Đa, Ba Xuyên, Ăn Chơi...

Trong bài có tựa “Another bánh mì in the Oven” trên tạp chí New York Magazine (5-4-2009), hai tác giả Robin Raisfeld & Rob Patronite đặt câu hỏi “Phải chăng bánh mì VN bình dị đã trở thành món sandwich số 1 ở New York?”. Bài báo viết: “Không ai biết chính xác bánh mì Việt lần đầu tiên tới New York khi nào, dù những người am tường về món ăn thanh nhã và khéo léo này ước đoán vào khoảng thời gian ông Edward Irving “Ed” Koch làm thị trưởng thành phố này (1978-1989)...

Nhưng có một điều chắc chắn là kể từ cái ngày “định mệnh” ấy, bánh mì đã trở thành một món ăn độc đáo, vượt qua vị trí khiêm nhường ban đầu ở khu Chinatown để lọt vào những nơi “chọn lọc” như Williamsburg. Hai năm nay, kể từ khi quán Silent H được khai trương ở Williamsburg, thành phố “quý tộc” này đã trở thành một trung tâm của bánh mì. Hơn thế nữa, bánh mì đã đi vào thực đơn của những quán cocktail... Có thể nói bánh mì chính là một loại sandwich mới và cái lò nướng bánh mì (có mặt ở bất cứ nơi nào bánh mì được chế biến, ngay cả trong một chiếc xe bánh mì trên đường phố) là dấu ấn riêng biệt của loại sandwich mới mẻ này.

Rất dễ hiểu tại sao món ăn đặc trưng của Sài Gòn này lôi cuốn đến thế. Nó có mùi vị và những thành phần bên trong thật tương phản khiến bánh mì Việt qua mặt hầu hết các sản phẩm cùng loại... Bánh mì thường có giá rất rẻ, đó có thể là lý do khiến các cửa tiệm bánh mì mới đã và đang mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, với hầu hết những người hâm mộ, món bánh mì kinh điển là một trong những lựa chọn hàng đầu, rất đặc trưng với những lớp nhân bên trong gồm một lát mỏng tựa như xúc xích làm bằng thịt heo, phômai, một lớp tựa như thịt xông khói có viền màu đỏ xung quanh và phổ biến nhất là thịt heo nướng màu hồng hồng có vị rất ngọt ngào.

Để vinh danh món bánh mì kinh điển này, chúng tôi rủ nhau đi ăn bánh mì, thành phần gồm cả những tay xơi bánh mì kỳ cựu và người mới gia nhập phong trào. Tất cả đều đánh giá bánh mì là số 1 bởi kết cấu thành phần của nó, sự hòa quyện và hương vị nói chung”.

Chưa hết, trang web về ẩm thực Epicurious.com còn đi xa hơn khi xếp bánh mì Sài Gòn ở vị trí đầu tiên trong top ten các món ăn đường phố ngon nhất thế giới (sau đó là tacos của người Mexico, sandwich lòng bò ở Florence (Ý), gỏi đu đủ của người Thái ở Bangkok, món bhel puri của người Ấn ở Mumbai...).

Đặc trưng việt

Phóng to

Anh Servaas Desmedt (Bỉ) mua bánh mì Như Lan - Ảnh: T.T.D.

Dù thực khách Mỹ và nhiều nơi khác không xa lạ gì với bánh mì kiểu Pháp và dù bánh mì Việt là một bản sao của bánh mì Pháp nhưng nó có sức hấp dẫn, nét độc đáo riêng. Germaine Swanson - một người Pháp 73 tuổi từng sống nhiều năm ở Hà Nội và vào những năm 1978-1988 đã quản lý nhà hàng Germaine’s rất được ưa chuộng ở Clover Park của New York - nhớ lại: “Trước 1954, năm người Pháp rút khỏi VN, chúng tôi gọi bánh mì là sandwich Pháp. Nhưng bấy giờ chỉ những người giàu có mới đủ khả năng ăn thứ bánh mì Pháp phết bơ cùng patê và thịt heo. Sau khi người Pháp ra đi, chúng tôi bắt đầu thêm các thành phần Á Đông vào bánh mì, các loại gia vị và rau ngò thơm để tăng thêm hương vị cho nó”. Để thay món dưa chuột bao tử nhập khẩu từ Pháp giá rất mắc, người Việt sáng tạo món củ cải và cà rốt thái sợi ngâm chua.

Có thể nói người Việt đã tái tạo món bánh mì đặc trưng Pháp, làm nên món bánh mì Việt thuần túy, và theo Matthew Amster-Burton (tạp chí ẩm thực Gourmet 18-12-2008) thì “Linh hồn của bánh mì VN nằm ở chính giữa ổ bánh mì”, đó là lớp nhân mà các loại sandwich khác trên khắp thế giới không có được: “Phong cách Việt trong các chất liệu được nhét vào ổ bánh.

Sự kết hợp của thịt, rau, đồ chua, gia vị... làm nổi bật những lớp hương vị khác nhau, từ mặn, ngọt đến chua, cay... Vượt ra ngoài phạm vi truyền thống, những người bán bánh mì Việt hiện nay còn sáng tạo thêm nhiều loại sandwich mang phong cách châu Âu hơn hoặc được Mỹ hóa với những thành phần bên trong như thịt băm và phômai, thịt gà tây, chả thịt băm, thịt xông khói, thịt bò nướng và xúc xích Ý. Bao giờ khách hàng còn tràn ngập các cửa tiệm bánh mì này, các thương nhân Việt còn tiếp tục chế biến thêm những lớp nhân mới để cho vào chiếc bánh mì tuyệt vời ấy”.

Trong số những doanh nhân người Việt ở Mỹ mà sự nghiệp kinh doanh gắn với món bánh mì, có người đã thành triệu phú như Chieu Le, ông chủ thương hiệu Lee’s Sandwiches nổi tiếng ở California. Ngày nay Lee’s Sandwiches có vài chục cửa hàng kinh doanh thực phẩm và đồ uống ở nhiều thành phố cùng một hệ thống 500 xe tải chuyên chở thực phẩm. Đến bất kỳ cửa hàng Lee’s Sandwiches nào ở Mỹ, bạn cũng có thể tìm thấy những ổ bánh mì nóng thơm ngon và những ly cà phê đá pha theo kiểu VN. Năm 2006, hệ thống Lee’s Sandwiches đã phân phối khoảng 6 triệu ổ bánh mì và khoảng 4 triệu ly cà phê đá đến người tiêu dùng!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận