Gặp Tom Harkin, người Mỹ phát hiện "chuồng cọp" Côn Đảo

TOM HARKIN 09/05/2009 00:05 GMT+7

TTCT - Tháng 7-1970, dư luận thế giới chấn động khi tạp chí Life và một loạt cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin về một khu nhà tù đặc biệt có tên "chuồng cọp" tại nhà lao Côn Sơn (tên cũ của Côn Đảo) của chế độ Mỹ - Ngụy.

Phóng to
TNS Tom Harkin - Ảnh: T.Tuấn

Nhà tù với đủ hình thức đày đọa, nơi con người bị tước hết mọi quyền cơ bản nhất của mình tồn tại bí mật trong nhiều năm trời này do Tom Harkin (khi đó là nhân viên trợ lý tại quốc hội Mỹ) phát hiện với sự giúp đỡ của nhà báo Mỹ đang tác nghiệp tại Nam VN Don Luce.

Người trợ lý quốc hội năm nào, Tom Harkin, giờ đã là một thượng nghị sĩ có vai vế với hơn 30 năm phục vụ ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Nhờ sự sắp xếp của một người bạn cũ của ông tại New York năm 2008, TTCT đã gặp thượng nghị sĩ Tom Harkin tại văn phòng của ông ở tòa nhà Hart, thủ đô Washington DC (Mỹ).

Tôi đến sớm chừng 10 phút tại văn phòng của ông ở tòa nhà Hart ngay sát tòa nhà Capitol. Đúng 11 giờ, khi ngài thượng nghị sĩ bước vào, thư ký của ông nhắc ngay tôi sẽ chỉ có 10 phút.

Người bạn sắp xếp cuộc gặp có gửi cho ông một số tài liệu về chất độc da cam nên tôi trao lại cho ông. Điều tôi quan tâm là câu chuyện về việc ông khám phá chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo - câu chuyện từng làm xáo trộn nhiều cuộc sống của ông. Nghe tôi nhắc đến hai từ “chuồng cọp”, ông bật lên: “Ồ, đó là cả câu chuyện dài đấy”. Bằng giọng chậm rãi, ông bắt đầu kể lại câu chuyện cách đây gần 40 năm.

Năm 1970, tổng thống Nixon gửi một phái đoàn gồm 10 nghị sĩ tới VN. Một phần trong chuyến đi là tới thăm một nhà tù ở miền Nam VN. Tom Harkin khi đó là trợ lý của đoàn nghị sĩ này, đã thuyết phục hai nghị sĩ cùng điều tra câu chuyện tra tấn tại khu chuồng cọp ở hòn đảo ngoài khơi VN (người Pháp đã xây nhà tù này từ năm 1939 để giam giữ những nhân vật chính trị đối lập, tương tự như nhà tù nổi tiếng ở Guinea từng lên màn ảnh trong bộ phim Papillon - người tù khổ sai).

“Trong quá trình chuẩn bị, tôi đọc được cuốn sách Vietnam: the unheard voices (Việt Nam: những tiếng nói chưa được biết đến) do Don Luce viết cùng một hai cuốn sách nữa. Khi đó tôi nghĩ còn nhiều điều chúng ta chưa hiểu về VN quá”. Vì lý do này, ông quyết định đến gặp Don Luce. Chính Don Luce là người đặt câu hỏi: “Ông đã nghe về cái gọi là chuồng cọp bao giờ chưa?”. Ông nói chưa thì Don Luce giới thiệu ông với Cao Nguyên Lợi, một trong những thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn vừa được thả khỏi khu chuồng cọp. “Tôi không hoàn toàn tin chuyện này ngay từ đầu nhưng khi gặp Lợi thì tôi tin đây là một chuyện nghiêm trọng. Tôi đã thuyết phục được hai nghị sĩ đi cùng tôi và Don Luce ra Côn Sơn”.

Phóng to
Mô hình dựng lại cảnh tù nhân bị đánh “tứ trụ” ở phòng tắm nắng sát chuồng cọp

Tấm bản đồ và cuộc tìm kiếm

Một năm trước, cũng từng có một đoàn nghị sĩ Mỹ tới VN và cũng nghe những lời đồn về chuồng cọp nhưng chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ nói đó chỉ là lời đồn và là chiêu tuyên truyền của Hà Nội nên việc điều tra ngừng lại. Việc tìm chuồng cọp rất khó vì Mỹ - ngụy liên tục đổi số thứ tự của các trại để che giấu tung tích khu nhà tù bí mật này. Để giúp Harkin và Luce, anh Lợi đã vẽ lại tấm bản đồ cùng các ký hiệu để hai ông có thể nhận ra cánh cửa bí mật dẫn vào chuồng cọp, nơi đi qua bức tường có hai lớp.

Tới Côn Sơn, đoàn nghị sĩ được chúa đảo Nguyễn Văn Vệ nhiệt tình đón tiếp. Vệ mời đoàn đi thăm và mua quà lưu niệm do tù nhân trên đảo làm nhưng đoàn từ chối và nói muốn thăm các trại tù. Một trại, hai trại đi qua nhưng vẫn không thấy dấu vết chuồng cọp đâu. Trung tá Vệ nói sắp hết giờ rồi và yêu cầu đoàn nên chuẩn bị lên đường về sớm. Tom Harkin đề nghị được thăm thêm một trại nữa ngay sát bên cạnh và được Vệ đưa đến trại Phú Tường.

“Tôi thấy một lối đi nhỏ bên phải, tôi hỏi Vệ thì y nói lối đó đến chỗ trồng rau và không có gì để coi cả”. Cả Tom Harkin và Don Luce liền đi theo lối này vì bãi rau chính là một trong những dấu hiệu vào chuồng cọp. Đến nơi, họ thấy bức tường lớn dài cùng một cánh cửa khóa kín. “Chúng tôi hỏi Vệ sau cánh cửa này là gì thì Vệ bảo không có gì, chỉ là một khu trại bên cạnh mà phải đi bằng cửa khác mới được”.

Thật không may cho Vệ. Khi đó có một lính gác ở phía cửa bên kia nghe loáng thoáng giọng của chúa đảo. Lúc nói Vệ lại gõ gõ vào cánh cửa - vô tình giống tín hiệu kêu cửa. “Cạch cạch” chợt cánh cửa được mở ra. “Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt sững ra của Vệ khi đó. Cả tôi và Don Luce lèn qua cánh cửa và trước mắt tôi lúc này chính là khu chuồng cọp”.

Phóng to
Khu chuồng cọp được phục dựng như xưa - Ảnh: T.Tuấn

“Không thua gì Guantanamo”

Đập ngay vào mắt họ là những dãy song sắt xâm xấp mà phía dưới các tù nhân đang bị giam. Nhà tù đặc biệt (còn được gọi là “nhà tù trong nhà tù”) này dành cho những tù nhân Mỹ - ngụy được coi là “cứng đầu nhất”. Gọi là chuồng cọp vì nhà tù được xây với hàng song trần trên nóc. Cai ngục sẽ đi dọc theo hành lang bên trên để kiểm soát, theo dõi người tù nhốt trong cũi phía dưới, không khác gì thú vật.

Don Luce sau này viết lại: “Khuôn mặt của tù nhân trong những chuồng cọp phía dưới đã để lại những dấu ấn không phai trong ký ức tôi. Tôi nhớ rất rõ mùi hôi thối kinh khủng do tiêu chảy và những vết thương lở loét do bị cùm xích cứa vào mắt cá chân của tù nhân. “Donnez-moi de l'eau” (hãy cho tôi nước) họ nói”.

Tom Harkin đã có những bức ảnh nhưng khi trở ra thì một số nghị sĩ yêu cầu ông phải nộp lại. “Có hai nghị sĩ ủng hộ tôi nhưng người nghị sĩ trưởng đoàn lại là một nhân vật diều hâu. Khi đoàn quá cảnh tại Nhật Bản, người này gọi tôi vào phòng và yêu cầu lấy những bức ảnh này vì “những thứ đó thuộc về ủy ban quốc hội”. Tôi từ chối nói rằng đó là máy ảnh của tôi, phim của tôi và cương quyết không chịu giao”.

Phóng to

Cảnh người tù trong một xà lim chuồng cọp - Ảnh: T.Tuấn

Đối đầu ở quốc hội

Trở về Washington, Harkin kịch liệt phản đối khi những phát hiện về chuồng cọp tại Côn Đảo không được đưa vào trong báo cáo của đoàn quốc hội. Ông đưa chuyện này ra báo chí và khi câu chuyện cùng các bức ảnh được đưa lên tạp chí Life ngày 17-7-1970 thì toàn bộ dư luận Mỹ chấn động. Sức ép của dư luận quốc tế khiến chính quyền Sài Gòn phải chuyển 180 tù nhân nam và 300 tù nhân nữ ra khỏi các chuồng cọp. Một số được chuyển tới các nhà tù khác, một số được đưa vào các viện tâm thần.

“Đó là phát hiện thật sự gây sốc đối với tôi. Chúng tôi đã vi phạm Công ước Geneva về tù nhân trong chiến tranh. Chúng tôi đã vi phạm những quyền con người cơ bản nhất ở trong nhà tù đó... Khi nhìn những nhà tù ở Guantanamo, tôi nghĩ “trời ơi, đây y như là ở nhà tù Côn Sơn...”.

Kết cục với chàng trai trẻ Tom Harkin là bị đuổi ngay lập tức ra khỏi văn phòng quốc hội vì tội “phản bội” cùng với lời đe dọa “sẽ không bao giờ trở lại đây được”. Quốc hội Mỹ đưa Tom Harkin ra điều trần để hỏi về vụ việc. “May mắn là tôi đã có một máy ghi âm nhỏ trong chiếc vali nhỏ xách theo để ghi lại toàn bộ sự việc. Tôi không nói với ai về chiếc máy ghi âm này - kể cả với Don Luce - và cuốn băng đã cứu tôi qua được tất cả”. Số phận Don Luce cũng không yên. Nhà cầm quyền Sài Gòn trục xuất ông khỏi VN vào năm 1971.

Với Tom Harkin, ông không trở lại được quốc hội với tư cách nhân viên văn phòng nhưng đã trở lại với tư cách là nghị sĩ sau khi trúng cử vào hạ viện năm 1975 và tiếp tục công việc ở quốc hội cho đến nay. Năm 1995, Tom Harkin có trở lại Côn Đảo sau hơn 25 năm trong một chuyến đi vô cùng xúc động. Nhắc đến chuyện này, vị nghị sĩ của Quốc hội Mỹ mắt đỏ hoe, ông lặng đi và không nói được. “Cứ nghĩ đến biết bao nhiêu người đã bị tra tấn hay chết ở đó, tôi không thể hiểu được. Họ chỉ đơn giản là phản đối cuộc chiến này và phải nhận kết cục đến như vậy”.

Đến lúc này thì ông đã ngồi với tôi hơn 38 phút trong khi các nhân viên của ông đang giận dữ nhìn tôi. Ông đã trễ giờ cho cuộc gặp kế tiếp khá nhiều và không thể nán được lâu hơn. Điều cuối cùng tôi nói với ông là về cuốn sách người bạn ông gửi: “Vấn đề da cam có thể chính là một chuồng cọp mới để ông phát hiện”.

“Ngay sau khi chịu sức ép của dư luận, chính quyền Mỹ - ngụy đã buộc phải cho phá hủy khu chuồng cọp và biến nơi đây thành khu vực nuôi thỏ để làm dịu dư luận phản đối. Điều mà Tom Harkin và nhiều người không biết là ngay trong năm 1970, Bộ Hải quân Mỹ khi đó đã ký hợp đồng với Công ty Raymond, Morrison, Knutson-Brown Root và Jones xây dựng 384 chuồng cọp kiểu mới, chật nhỏ hơn những chuồng cọp cũ. Điều nghịch lý là tiền để xây các chuồng cọp mới này được trích từ chương trình U.S. Food For Peace (Lương thực vì hòa bình).

Khu chuồng cọp với những căn hầm kích cỡ 1,5x2,7m. Mùa nóng các tù nhân bị nhốt từ 5-12 người, còn mùa lạnh chỉ có 1-2 người. Tất cả sinh hoạt ăn uống, tắm giặt, tiểu tiện chỉ trên phạm vi đó. Tù nhân hầu như suy sụp sức khỏe rất nhanh khi vào các nhà tù biệt giam này”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận