TTCT - Một buổi sáng, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân tên N.T.Minh, 39 tuổi. Cô Minh nói bị đau dữ dội ở lưng và đi lại rất khó khăn. Sau thăm khám không thấy dấu hiệu của đau thần kinh tọa, kết quả chụp X-Quang cột sống bình thường, chẩn đoán lâm sàng: đau lưng cấp tính do giãn dây chằng cột sống.

Phóng to
Ảnh: swimfit.com.au
TTCT - Một buổi sáng, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân tên N.T.Minh, 39 tuổi. Cô Minh nói bị đau dữ dội ở lưng và đi lại rất khó khăn. Sau thăm khám không thấy dấu hiệu của đau thần kinh tọa, kết quả chụp X-Quang cột sống bình thường, chẩn đoán lâm sàng: đau lưng cấp tính do giãn dây chằng cột sống.

Cô Minh phải uống thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, giãn cơ và nằm nghỉ một chỗ trong vòng năm ngày. Hỏi thăm thêm thì được biết cô Minh là nhân viên văn phòng, vì ngồi lâu mỏi cổ nên cô đi tập yoga. Tập mới được hai tuần thì bị đau dữ dội như vậy.

Tập yoga không đúng: càng tập càng đau

Nhiều nguồn thông tin gần đây cho thấy chấn thương do tập yoga ngày càng tăng do sự bùng nổ số lượng học viên. Tại TP.HCM, chúng tôi đã khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị hội chứng đau cổ - vai, đau lưng cấp... sau tập yoga trong khi cột sống đã quá tải do làm việc suốt ngày.

Chấn thương do tập yoga gần đây có xu hướng tăng nhanh bởi các nguyên nhân như: người hướng dẫn thiếu kinh nghiệm, bằng cấp và hiểu biết, đặc biệt các kiến thức về an toàn và khả năng chấn thương do yoga gây ra. Ví dụ ở tư thế kéo giãn cột sống, người tập thường cố gắng cúi xa như mọi người cùng lớp, khi không cúi xa được thầy hướng dẫn “giúp đỡ” bằng cách đẩy vào đúng tư thế. Ngay lập tức người tập bị đau.

Theo tiêu chuẩn, một giáo viên được cấp chứng chỉ dạy yoga phải hoàn tất 200 giờ học và vượt qua kỳ thi cả lý thuyết và thực hành, tuy nhiên nhiều lớp học quá đông, thầy giáo không đủ thời gian hướng dẫn cho từng người học. Về phía học viên, tâm lý học nóng vội, mang tính ganh đua, cố gắng thực hiện các tư thế khó quá sức, học từ xa, tự học... cũng có thể không làm đúng cách, dễ gây chấn thương.

Phóng to
Ảnh: thucucbeauty.com
Theo Hiệp hội An toàn sản phẩm người tiêu dùng ở Mỹ, có hơn 5.500 người đã tới khám bác sĩ vì các chấn thương do tập yoga trong năm 2007 và tiêu tốn gần 108 triệu USD để điều trị. Chấn thương khi tập yoga là do tình trạng căng cơ (strain) lặp đi lặp lại, hoặc do kéo giãn quá mức (overstretching) các gân cơ dây chằng. Các vùng thường gặp chấn thương nhất là cột sống lưng, cổ, vai, đầu gối, cẳng chân...

- Đau lưng: Yoga có rất nhiều tư thế cúi hoặc ngửa tối đa làm các dây chằng dọc đốt sống và các cơ cạnh sống lưng bị căng giãn quá mức. Nguy hiểm hơn, chấn thương đĩa đệm cột sống cũng có thể xảy ra nếu thực hiện các tư thế không đúng (ví dụ tư thế cúi - vặn người - forward bends twist poses).

- Chấn thương vùng vai: Vai là một vùng có cấu tạo và vận động phức tạp gồm nhiều khớp và hệ thống gân cơ dây chằng xung quanh. Do khớp vai có thể xoay tròn với tầm rất rộng, cũng có nghĩa “chênh vênh”, nên rất dễ bị trật khớp hoặc giãn dây chằng khi ở vào vị trí không thuận lợi (thí dụ khi chuyển từ tư thế chaturanga sang upward dog trong yoga). Hơn nữa, do có nhiều cơ xung quanh nên nếu tập quá nhiều một động tác mà không có các tư thế đối nghịch dễ gây ra tình trạng mất cân bằng giữa các nhóm cơ. Triệu chứng thông thường là đau vùng vai, biểu hiện của viêm gân cơ, hội chứng chạm của cơ vào xương hay mất vững khớp vai.

- Chấn thương vùng cổ: Đa số các động tác yoga giúp ngửa tối đa để phục hồi độ cong của cột sống cổ và tập mạnh các nhóm cơ ngửa, cơ thang ở phía sau. Tuy nhiên nếu đang bị đau cổ hoặc chấn thương cổ cấp tính (thí dụ chấn thương gập cổ do tai nạn xe hơi - whiplash), một vài động tác (đặc biệt kiểu gập cổ) sẽ làm tổn thương nặng thêm.

- Cổ chân: Dây chằng phía ngoài cổ chân dễ bị kéo căng quá mức khi thực hiện không đúng các tư thế như ngồi chéo chân (cross-legged), đứng một chân... Dây chằng bị giãn là nguy cơ của bong gân cổ chân khi chạy nhảy.

- Một số chấn thương khác như giãn dây chằng bên ngoài đầu gối, rách cơ đùi sau (hamstring), hội chứng ống cổ tay (tê tay)... đều đã được ghi nhận.

10 điều cần biết khi tập yoga

Phóng to
Luyện yoga tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Giống như mọi thứ trên đời, cái lợi không bao giờ đến một mình mà không có những cái hại đi kèm. Để hạn chế tối đa chấn thương do tập yoga, Tổ chức Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình hàn lâm Hoa Kỳ (AAOS) đưa ra các lời khuyên sau:

- Nếu đang có bất kỳ bệnh hay chấn thương nên báo với bác sĩ trước khi tham gia tập yoga.

- Học với thầy hướng dẫn giỏi, nên hỏi về kinh nghiệm và quá trình làm việc của họ.

- Làm nóng kỹ lưỡng trước buổi tập, gân cơ dây chằng “nguội” dễ bị tổn thương.

- Ăn mặc thích hợp để thực hiện đúng các tư thế vận động.

- Những người mới nên bắt đầu từ từ, tập các bài căn bản, chẳng hạn như tập thở, không nên cố gắng kéo giãn quá mức từ đầu.

- Nếu bạn không hiểu rõ một tư thế hay một vận động nào đó, nên hỏi kỹ càng người hướng dẫn.

- Nhận biết đâu là giới hạn. Không cố gắng thực hiện một động tác quá mức kinh nghiệm của bản thân hay khi cảm thấy bị gò ép.

- Hiểu rõ đang tập loại yoga nào. Có hàng trăm loại khác nhau, loại này có thể có mức kéo căng hơn loại khác, điều quan trọng là chọn kiểu yoga nào phù hợp nhất với nhu cầu của bạn.

- Giữ cơ thể không mất nước bằng cách uống nhiều nước, đặc biệt nếu tập các loại bikram hay “hot” yoga.

- Lắng nghe cơ thể của bạn, nếu cảm thấy đau hay kiệt sức khi tập nên ngưng tập, nghỉ ngơi, nếu vẫn còn đau nên đến bác sĩ để được tư vấn.

Tóm lại, từ khi du nhập và trở nên phổ biến tại VN, yoga đã mang đến cho mọi người một phương pháp mới luyện thể chất, dưỡng tâm trí và mở ra con đường “không giới hạn” cho các yogi (người tập yoga) muốn đắc đạo. Tuy nhiên, ở mức độ căn bản, yoga không mang lại những kết quả bất ngờ hay kỳ diệu cho một cơ thể bình thường, càng không phải là cách tập vật lý trị liệu để chữa bệnh, ngược lại còn có thể bị chấn thương mới. Với mục đích rèn luyện sức khỏe, nên xem yoga là một phương cách tập luyện với tất cả lợi ích (nếu tập đúng) cũng như tác hại (nếu tập sai) mà bất kỳ một môn thể dục thể thao nào cũng có.

Lợi ích của yoga

Về triết lý sâu xa, yoga sử dụng ba phương tiện: điều thân (asana), điều tức (pranayama) và điều tâm (ekgrata) làm căn bản.

Điều thân là hình thành các tư thế đặc thù, kết hợp một số động tác và co cứng cơ tập trung vào một vùng cơ thể nhất định.

Điều tức là hít thở theo một số cách thức nhằm tích lũy sinh năng (gọi là khí hay prana). Sinh năng này được xem là nguồn năng lượng của sự sống, có thể chữa bệnh hoặc làm tăng cường nội lực cơ thể.

Điều tâm còn gọi là chế cảm, tức kiểm soát và làm chủ các giác quan, các bộ phận nhạy cảm, xung thần kinh và các bộ phận thi hành.

Người tập yoga sẽ đạt được hiệu quả mỹ mãn khi thực hành được cả ba phương pháp trên. Khi đã tạo ra được sinh năng, người tập yoga sẽ dùng tâm dẫn sinh năng đó đi đến các vùng cơ thể nhất định mà tư thế asana đang tập trung vào. Sinh năng này sẽ giúp chữa hoặc phục hồi các chức năng tại những nơi đó. Tuy nhiên để đạt được cấp độ này thì phải “tu luyện” nhiều năm, thậm chí cả đời mà vẫn chưa đạt tới.

Yoga phổ biến tại VN hiện nay là hatha yoga gồm 84 tư thế. Giai đoạn đầu tiên của luyện tập yoga chủ yếu là tập thực hành tư thế asana, kết hợp hít thở và tập trung tư tưởng để giữ thăng bằng. Một asana là một thế đặc biệt được giữ cố định trong một khoảng thời gian và được cho là có hiệu quả cụ thể lên các tuyến nội tiết, các khớp, cơ bắp, dây chằng và dây thần kinh.

Lợi ích của yoga đem lại đã được minh chứng từ lâu nếu thực hiện đúng và vừa sức của từng người. Yoga giúp tăng cường sức mạnh, khả năng cân bằng, độ dẻo dai, chống stress... và chữa trị được bệnh tật (Yoga Therapy, Restorative Yoga).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận