Trồng vani trên đất trọc

THEO SNV.JUSSIEU 27/01/2010 09:01 GMT+7

TTCT - Sau ông Tây nước mắm Didier Corlou - đầu bếp Pháp nổi tiếng ở Hà Nội từng dành nhiều thời gian tìm hiểu và viết tài liệu về nước mắm, hay ông Tây rượu vang Daniel Carsol - chủ vườn nho ở Tà Nung, Đà Lạt... nay có thêm một ông Tây gắn với sản xuất nông nghiệp - Frédéric Lacroix.

Phóng to
Fred giải thích cách phân biệt hoa đã được thụ phấn hay chưa - Ảnh: Q.T.

Trên con đường mòn quanh co dài 2,5km từ đường nhựa vào đến trại vani (Vanilla Farm), chiếc xe một cầu chở chúng tôi nhồi liên tục trên đất cát mấp mô. Nhưng anh Sơn tài xế vẫn phang tới nhờ quen đường và có kinh nghiệm ba lần lún cát phải chờ Fred - tên gọi thân mật của Frédéric - lái máy cày ra kéo vào.

Mùa nắng ở vùng đất cát thuộc xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đang bắt đầu nhưng chưa đến mức khó chịu nhờ thời tiết lạnh cuối năm. Và cái lạnh cũng khởi phát mùa vani nở hoa.

Năm năm gầy dựng trên đất trọc

Ngoài ẩm thực (dùng trong chế biến bánh ngọt, sôcôla và hương liệu cho một số món ăn), vani được sử dụng nhiều trong chế biến nước hoa. Các nhà nhập khẩu vani nhiều nhất là Mỹ, các nước châu Âu và Nhật.

Nhưng tính theo bình quân đầu người thì Đan Mạch dẫn đầu với 4,75g vani/năm, theo sau là Mỹ (3,85g). Cũng cần lưu ý rằng hương vani sử dụng trong công nghiệp phần lớn là loại tổng hợp.

“Vani có thể trồng được ở độ cao dưới 1.000m, nhưng phải có nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm từ 10-120C. Trồng vani phải có nhiều nắng ban ngày và khí hậu mát lúc về đêm. Thời tiết ban đêm khoảng 16-170C là lý tưởng nhất” - Fred giải thích. Yếu tố quan trọng của thời tiết khiến Fred phải vất vả tìm địa điểm trồng thích hợp. Anh và vợ - chị Mai - không quên thời gian đầu của năm 2005, khi họ phải “cày” trên con đường mòn lún cát để lập trại vani.

Khu vực này vốn là đất rừng kéo dài từ mặt sau của chân núi Tà Cú, nhưng đã bị dân khai thác từ lâu để trồng hoa màu. “Lúc làm đất, chúng tôi phát hiện có những rễ cây rất to và ăn sâu, phải dùng xe xúc móc lên” - Fred kể và chỉ đống rễ cây to chất trong sân.

“Nhân chứng sống” còn lại của rừng cây xưa là một cây rúi có thân to gần hai vòng tay người ôm trong vườn vani. “Các nhân viên thấy cây to trong vườn choán chỗ nên đề nghị chặt bỏ. Nhưng họ không biết khi chúng tôi đến đây, đó là cái cây duy nhất giúp chúng tôi có bóng mát để dựng chòi bên dưới bắt đầu công việc. Chúng tôi chỉ trồng cây chứ không chặt cây” - chị Mai giải thích. Khi đến thăm, cán bộ xã rất ngạc nhiên vì thấy vườn vani mọc tốt. “Họ rất ủng hộ vì như anh thấy đó, xung quanh người ta chỉ trồng rừng tràm bông vàng hoặc khuynh diệp, chẳng trồng được thứ gì khác. Cũng có người trồng mè, đậu phộng trong vài tháng, thời gian còn lại chỉ là đất trọc”.

Khó khăn kế tiếp là tìm nước ở vùng đất bán sa mạc cách bãi biển hơn 4km tính theo đường chim bay. Fred nói: “Lúc đầu chúng tôi hơi lo vì người dân bảo vùng này không có nước. Phải khoan sâu xuống hơn 70m chúng tôi mới phát hiện nước. Vấn đề còn lại là xử lý độ pH”.

Thời gian chuẩn bị đất mất khoảng một năm rưỡi. Sau khi trồng tốt cây vani ở bancông nhà tại TP.HCM, Fred mới cho nhân giống trong ống nghiệm ở labo, rồi chuyển sang vườn ươm trồng dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Khi được thông báo có người nào đó sẵn sàng mua lại toàn bộ số cây nhân giống với giá thật cao, anh chỉ nói: “Đúng là không đàng hoàng chút nào”.

Fred không phải là người đầu tiên nghĩ đến việc trồng vani ở Việt Nam, nhưng đến nay có lẽ chỉ anh làm được. Nếu trồng vani phải có chuyên gia thì Fred là người như thế. Anh học nghề tại Tahiti nhờ những đứa con của ông chủ trang trại không chịu theo nghề cha truyền.

Dáng người to đậm và hơi lè phè của Fred khiến người ta dễ nghĩ anh là dân đảo dù anh sinh trưởng ở thành phố Toulouse, miền nam nước Pháp và có thời gian dài sống ở Đức. Cũng chính bộ dạng này của Fred khiến các nhà đầu tư không tin vào dự án trồng vani mà anh trình bày khi đến Việt Nam từ năm 1995. Sự động viên của bạn bè và gia đình đã giúp anh nuôi dưỡng ước mơ.

Phóng to
Ảnh: Q.T.

“Được 3.000 hoa tất cả”

Anh trưởng nhóm báo cáo với Fred khi chúng tôi vừa vén màn che bước vào vườn. Chuyến đi khởi hành từ trung tâm TP.HCM muộn 20 phút so với ấn định lúc 5g nên khi chúng tôi đến nơi, các nhân viên “hôn phối” (tạm dịch từ marieur, theo cách gọi của Fred) vừa kết thúc công việc giúp hoa thụ phấn. Do hoa nở lần lượt trên nhánh nên sau khi thụ phấn, người ta phải làm dấu để tránh không lẫn lộn với hoa nở ngày hôm sau hoặc nhờ vào kinh nghiệm quan sát.

Mùa vani nở hoa kéo dài khoảng ba tháng, Fred kỳ vọng đạt 10.000 hoa/ngày. Vấn đề là làm sao cho hoa nở đều chứ không để nở rộ cùng lúc, nhờ đó công việc thụ phấn sẽ đỡ vất vả hơn và tỉ lệ trái đậu cao hơn. Hoa nở tự nhiên cần có thời tiết lạnh. Cũng có thể kích thích cho cây đâm chồi nở hoa bằng phân bón thích hợp, hoặc tạo stress cho cây để khi đó bản năng sinh tồn sẽ thúc cây ra hoa. Kẻ thù của vani, ngoài thời tiết thất thường như dông bão, còn có côn trùng. Vụ thu hoạch đầu tiên tháng 3-2009, Fred mất đến 80% sản lượng do côn trùng.

Vani là loài phong lan dây leo nên để phát triển phải nương nhờ một thân cây chủ (tràm bông vàng, mimosa...). Một dây vani có thể dài cả chục mét. Lớp lưới che trên cao là để tạo bóng mát và sẽ được tháo dỡ sau năm năm, thời gian đủ để cây chủ phát triển tạo bóng mát cho vani. Từ lúc cuống hoa đậu trái cho đến lúc thu hoạch mất khoảng chín tháng, “y như một đứa bé” - Fred nói đùa. Khi trái chuyển sang màu hạt dẻ thì bắt đầu thu hoạch.

Sau gần năm năm, con đường mòn dẫn vào trại vani vẫn còn khó di chuyển do cát lún mùa khô, nhưng trại vani hứa hẹn sản lượng khả quan từ năm 2010. Một cây vani cho tối đa 4kg trái xanh, nếu phơi khô còn khoảng 800g. “Với 200g là tôi đã hài lòng” - Fred khẳng định.

Phóng to

Sau khi thụ phấn thành công cuống hoa sẽ phát triển thành trái và chờ chín tháng để chín. Trái vani phơi ngoài nắng 2-3 tuần và trong bóng râm cũng ngần ấy thời gian - Ảnh:Q.T.

Ưu tiên chất lượng

Là quốc gia xuất khẩu vani hàng đầu thế giới, đảo quốc Madagascar đang bị cạnh tranh từ các nước có điều kiện khí hậu thích hợp để trồng vani, chẳng hạn Indonesia (đảo Bali). Nhưng vani Indonesia có chất lượng mùi thơm không bằng vani ở Hàm Thuận Nam, theo đánh giá của Laurent Séverac - nhà sản xuất rượu mùi và hương liệu ở Hà Nội.

Một trái vani có đến 150 thành phần khác nhau. Vani Tahiti cho trái nhỏ nhưng chất lượng thuộc hàng cao nhất và đắt giá nhất, chủ yếu dùng trong nấu ăn trực tiếp và kỹ nghệ nước hoa. Vani Madagascar có trái to đẹp nhưng hương thơm không bằng, thường được chiết xuất tinh chất, dù nó được xem là giá tham chiếu của thị trường thế giới, tương tự cà phê robusta. Trong khi giá vani Madagascar giảm mạnh còn 50 USD/kg, vani Tahiti có mức giá 350 USD/kg.

Trên diện tích 30ha của gia đình, Fred dành 10ha cho vani Tahiti và Madagascar. Anh trồng các loại hoa màu khác như bắp, hoa hibicus, măng tây (thử nghiệm)... vừa để cải thiện vừa tránh độc canh. Diện tích 10ha, theo anh, là để có thời gian theo dõi nghiêm ngặt sự phát triển của vườn vani, đồng thời đảm bảo tính chất thủ công của nghề này. “Tôi muốn ưu tiên làm ra sản phẩm chất lượng cao chứ không nhắm đến số lượng và diện tích trồng” - anh giải thích.

Trái vani phơi ngoài nắng 2-3 tuần và phơi trong bóng râm cũng ngần ấy thời gian tùy kích thước trái. Sau đó, trái được xếp vào thùng gỗ có lót giấy đặc biệt để ủ từ 1-3 tháng. Gỗ phải là loại không có mùi để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. “Tôi hút thuốc lá nên trước khi đụng đến trái vani, tôi buộc phải rửa sạch tay” - Fred vừa nói vừa chỉ những trái vani đang phơi trên giàn.

Từng năm trái vani được Fred cho vào ống thủy tinh đậy kín bằng nút bần rồi cung cấp cho hệ thống khách sạn Victoria bán cho du khách nước ngoài. Song song đó, anh cũng có những ống trái vani dán nhãn Vanilla Farm, bước đầu tạo thương hiệu cho một sản phẩm lâu nay chỉ có trong danh mục hàng nhập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận