Một đời lắng nghe dân

QUỐC VIỆT GHI 04/07/2010 19:07 GMT+7

TTCT - “Ấn tượng lớn nhất của tôi về anh Mười Cúc là sự lắng nghe của anh. Hồi đi kháng chiến, rồi làm thủ trưởng trực tiếp của tôi và sau là tổng bí thư, anh luôn lắng nghe người khác, đặc biệt là tiếng lòng nhân dân, để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất...”

Ông Nguyễn Thành Thơ, nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP.HCM - đã xúc động nhớ lại những ngày gần gũi, làm việc với cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Nguyễn Văn Linh - người tạo luồng sinh khí mới
“Anh Mười Cúc trong tim tôi”
Chòm cây xanh trong sa mạc

Phóng to

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (người đứng hàng đầu, thứ ba từ trái qua) xem máy cắt lúa trên đồng ruộng của HTX Phước Tú (đơn vị Anh hùng lao động năm 1985), huyện Bến Lức (Long An) trong chuyến thăm Long An tháng 1-1988 - Ảnh: Xuân Lâm - TTXVN

Rưng rưng hồi tưởng từng kỷ niệm đặc biệt của mình với cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ) kể lại lần gặp gỡ tình cờ đầu tiên với ông Nguyễn Văn Linh từ những năm trước 1940, cuộc gặp mà hơn 70 năm sau ông vẫn không thể nào quên.

Buổi đầu không quên

Hồi đó ông Mười Thơ còn nhỏ, làm nhiệm vụ giao liên. Một hôm, ông được phân công đến cơ sở cách mạng ở nhà công tử Bảy Lời tại Vĩnh Long để dẫn đường cho ông Vũ Thiện Tấn về làm bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ở nhà công tử Bảy Lời, ông gặp một thanh niên ít nói, được mọi người gọi thân mật là Mười Ti. Chính anh ta đã cởi trần nấu cơm, leo cây hái trái cho chú nhóc Mười Thơ ăn.

Sự giản dị, chân tình của anh đã tạo ấn tượng đặc biệt nơi Mười Thơ. Chú nhóc Mười Thơ suốt ngày luẩn quẩn bên anh Mười Ti, chưa hề biết đó chính là Nguyễn Văn Linh với tên thật Nguyễn Văn Cúc. Nhà công tử Bảy Lời có mấy tủ sách rất lớn. Ngoài thời gian bí mật bàn bạc công việc với anh em, anh Mười Ti hay ngồi trầm ngâm đọc sách. Mười Thơ thỉnh thoảng xem ké, rất phục anh.

Hơn 20 năm sau, năm 1961, ông Mười Thơ về chiến khu R dự họp. Suốt buổi họp, ông Mười Thơ cứ ngờ ngợ gương mặt, giọng nói quen quen của bí thư xứ ủy Nguyễn Văn Linh. Họp xong, bí thư Nguyễn Văn Linh thân mật dẫn mọi người đi ăn xôi, chè.

Nhìn gương mặt chân tình với đôi lông mày rậm hay nhướn lên khi nói chuyện, ông Mười Thơ hỏi: “Khoảng năm 1937-1938 anh có ở nhà công tử Bảy Lời phải không?”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh bật lên hỏi: “Anh là thằng nhỏ?” rồi ôm ông Mười Thơ. Nhắc đến công tử Bảy Lời, người đã cưu mang những người làm cách mạng, đồng chí nói: “Địa chủ Nam bộ đặc biệt quá há”.

Những lần ngủ gần nhau ở chiến khu R, ông Linh thường khơi gợi để mọi người trò chuyện, tâm sự. Tính ông Linh sâu sắc, ít nói, thường chỉ cất lời khi cần thiết nhưng rất biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người khác. Thời gian đi kháng chiến, ở nhiều cơ sở cách mạng nông dân, trong đó có nhà ông Bảy Lời, ông Nguyễn Văn Linh đã lắng nghe và hiểu được rất nhiều tiếng lòng chân tình của họ. Những điều đó có ảnh hưởng quan trọng đến các quyết sách phù hợp với thực tiễn và lòng dân sau này của ông.

Khi về làm bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, ông Linh đã rút ông Mai Chí Thọ và ông Mười Thơ về làm phó bí thư. Nơi ở của ông Linh cặp bờ sông Sài Gòn, hai phó bí thư ở cách đó khoảng 500m. Ông Linh thường xuyên kêu hai người lên làm việc. “Ảnh vẫn giữ tác phong trầm ngâm, ít nói như ngày nào, luôn nghe hai người phó của mình trình bày cặn kẽ mọi vấn đề rồi mới đưa ra những quyết định chính xác”.

Thấu hiểu lòng dân để đổi mới

Ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, ông Mười Thơ tiếp tục làm phó bí thư Thành ủy, phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách nông nghiệp và có nhiều dịp gần gũi với đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trong một hội nghị cán bộ tại T78, ông Nguyễn Văn Linh đã trầm ngâm nói với Mười Thơ: “Anh thấy cải tạo công thương, công nhân lao động không tham gia, họ sợ thất nghiệp. Hàng hóa khan hiếm, ta không có xà bông xài. Công nhân lao động mua hóa chất từ nhà máy không sản xuất để về nấu xà bông, đem ra chợ bán. Ta có xà bông. Họ có tiền để sống. Tình hình thế đấy”.

Ông Mười Thơ hiểu sâu sắc câu nói ấy chính là sự ưu tư của đồng chí Nguyễn Văn Linh trước hoàn cảnh thực tế và nguyện vọng của người dân. Nhiều lần, ông Mười Thơ thấy ông Linh lặn lội đi thực tế xuống nhân dân. Những buổi đi họp tập đoàn ở ngoại thành TP.HCM, ông lặng lẽ quan sát tỉ mỉ và chú tâm lắng nghe nông dân nói. Một hôm trong cuộc họp cán bộ, ông nói thẳng với Mười Thơ: “Anh thấy tội của anh làm đại trà tập đoàn chưa? Kết quả Nam bộ không có gạo ăn”. Để cho ông Mười Thơ trình bày xong, ông mới nói tiếp: “Đó là duy ý chí, ham xã hội chủ nghĩa hình thức. Không chỉ nông nghiệp, công nghiệp cũng thế. Hàng tiêu dùng rất xấu mà không có”.

Nhận lời trách cứ, ông Mười Thơ hiểu những gì ông Linh nói ra không phải từ kết luận báo cáo trong hội nghị, mà chính từ quan sát thực tế và lắng nghe dân.

Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông Mười Thơ đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh là thời gian đồng chí làm tổng bí thư sau Đại hội Đảng VI. Một tối, khoảng 19g, tổng bí thư bất ngờ gọi ông Mười Thơ đến phòng riêng. Đến nơi, ông Mười Thơ thấy đồng chí Linh ngồi bó gối trên giường suy tư, rồi nói: “Anh báo cáo tình hình nông dân cho tôi nghe”. Suốt thời gian ông Mười Thơ kể hết những gì ông quan sát, nghe được từ thực tế trong nông dân, từ những mặt tốt về chính trị, xã hội đến khó khăn trong đời sống kinh tế, ông Linh vẫn lặng lẽ nhíu trán, ưu tư...

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói với ông Mười Thơ: nền kinh tế nông dân bị sập thì làm sao xây dựng được nền kinh tế nào khác. Rồi ông đề nghị ông Mười Thơ phải đi gỡ ngay những vấn đề đang bó buộc nông dân. “Tôi ra về với tâm trạng bần thần, thấy đồng chí Linh đã xoáy đúng vào điểm yếu của nền kinh tế. Công cuộc đổi mới để phát triển đất nước phải đặt trọng tâm vào nông dân, nông nghiệp, nhưng đó cũng là thử thách rất lớn từ cả điều kiện khách quan lẫn nhận thức chủ quan của không ít người” - ông Mười Thơ nhớ lại.

Cũng có những lần ông Mười Thơ chứng kiến đồng chí Linh giận, kể cả giận ông, nhưng chưa bao giờ ông thấy người đồng chí của mình ứng xử thiếu tình thiếu lý, oan uổng cho ai. Ông luôn để mọi người trình bày hết hoàn cảnh, lý do của mình. Với cách sống và làm việc gần dân, luôn lắng nghe và tôn trọng dân, coi sức mạnh của nhân dân là hàng đầu, những chủ trương, chính sách của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh luôn được lòng dân ủng hộ. Chính điều đó đã phát huy sức mạnh dân tộc để xây dựng, phát triển đất nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận