TTCT - Game show (trò chơi trên truyền hình) là một trong những kênh giải trí quan trọng của công chúng từ nhiều năm qua. Game show đem lại nhiều tiếng cười, mở ra nhiều chân trời mới nhưng đồng thời cũng gợi mở nhiều điều trớ trêu, đôi khi là những nụ cười mếu xệch...

Phóng to
“Vượt lên chính mình” - một trong những game show có tính cộng đồng - Ảnh do công ty Lasta cung cấp

Game show đang trở thành thứ không thể thiếu trên sóng truyền hình, bởi chúng đang giúp 108 kênh truyền hình có trong nước hái ra tiền. Khung giờ vàng của các đài truyền hình hiện nay hầu hết đều ưu tiên cho game show, từ đài truyền hình trung ương đến địa phương, đâu đâu cũng thấy các định dạng trò chơi truyền hình mới, quảng cáo rầm rộ để thu hút khán giả.

Thậm chí, có những tháng người ta đếm được hơn 50 game show các kiểu xuất hiện trên các đài mà một khán giả bình thường, dành hết thời gian ngồi ở nhà cũng khó thưởng thức hết được. Nhưng cũng chính vì thế mà việc thiếu các phiên bản mới đang là chuyện thúc hối ngày đêm những người sản xuất chương trình.

Đi săn ý tưởng

Phóng to
Thần tượng âm nhạc - phiên bản của American Idol - Ảnh: Gia Tiến

Tìm một phiên bản mới, định dạng mới, ý tưởng mới... của trò chơi truyền hình đang là cuộc đua ráo riết của nhiều nhà sản xuất. Người nhiều tiền và muốn nhanh chóng thì chỉ cần bỏ vốn mua các chương trình truyền hình đang ăn khách.

Cho tới giờ phút này, gần như không có phiên bản trò chơi truyền hình lừng danh nào chưa ghé qua Việt Nam. American Idol thì đã có Thần tượng âm nhạc. X-Factor thì có Bệ phóng tài năng. Who wants to be a millionaire thì có Ai là triệu phú... nói chung là đủ mặt anh hào, không thiếu một ai. Thậm chí chương trình mới nhất và đang ăn khách dành cho các siêu mẫu là American next top model đã được một công ty sản xuất chương trình truyền hình ở phía Bắc thỏa thuận xong, tuy nhiên chưa biết ngày giờ nào thực hiện.

CBS - công ty mẹ nắm bản quyền chương trình này, được biết là “chảnh” đến mức phải duyệt xem công ty nào, quốc gia nào có đủ khả năng mới bán bản quyền - đã giật mình khi nhìn thấy sự xuất hiện của quốc gia hình chữ S, phía nam Thái Bình Dương trong danh sách muốn mua bản quyền thực hiện. Thậm chí sự tha thiết của công ty thuộc quốc gia này (đeo bám gần hai năm) khiến CBS xiêu lòng và đồng ý.

Nhưng nếu “yếu cơ” một chút, các nhà sản xuất truyền hình lại chuyển sang việc mượn ý tưởng, thay đổi kiểu cách, “chôm” chút ít... để tạo ra một kiểu trò chơi truyền hình riêng cho mình. Những nhà sản xuất này luôn đề cao quyền “modify”, tức là quyền được vay mượn, săn ý tưởng từ chương trình của ai đó, chỉnh sửa để tạo ra cái của mình. Thường những chương trình như vậy do thiếu bộ khung kịch bản hoạt động bản lề nên dễ vấp, dễ gãy và bị đào thải nhanh chóng.

Tìm điểm mà buồn, chắc không khó qua các trò chơi truyền hình nhan nhản trên tivi bấy lâu nay. Chẳng hạn gần đây người ta thấy một game show săn tìm cầu thủ mới, na ná thi ca nhạc, thi thể hình... mọi thứ được diễn ra trong một khung cảnh nghèo nàn, ánh sáng tạm bợ đến mức kinh ngạc. Thậm chí người đoạt giải được đội một vương miện kém mỹ thuật và bèo nhèo không khác gì đồ chơi trẻ con bán trong Thảo cầm viên!

Trò chơi mà hổng vui!

Dù các nhà sản xuất truyền hình từ năm 2007 đã dự báo game show sẽ bước vào giai đoạn thoái trào, thay vào đó sẽ là reality show (trò chơi thực tế) và talk show (trò chuyện trực tiếp), nhưng đến giờ phút này các thăm dò cho thấy game show vẫn là thể loại số một thu hút khán giả, nhà tài trợ cũng như các nhà sản xuất trên màn ảnh nhỏ.

Hiện các loại game show giải trí và thách đố cá nhân chiếm ưu thế hơn các loại game show có khuynh hướng gia đình hay giá trị cộng đồng. Giá trị tiền thưởng cao đã trở thành yếu tố thu hút người chơi và người xem. Tuy nhiên, theo nhiều khán giả, dẫu đơn thuần là trò chơi có tiền thưởng đi chăng nữa thì hiện game show Việt Nam vẫn chưa khai thác hết các giá trị của thể loại này.

Đôi khi trò chơi không vui chút nào, dù đó là chuyện người ta muốn bày ra trước ống kính truyền hình.

Nhiều thí sinh tham dự game show kể chuyện họ từng thấy dàn xếp kết quả ở hậu trường, nhưng cũng chỉ biết than thở mà thôi. B., một camera ở phim trường, kể trong các game show thi việc đội A thắng nhiều quá đã được đề nghị để phần kế tiếp cho đội B thắng là chuyện rất thường xảy ra. “Để khách mời bị ít điểm quá thì họ giận, mà cũng là để trên truyền hình nhìn thấy ai cũng thắng, như vậy kích thích khán giả nhiều hơn trong lần sau, sơ suất bất ngờ vậy mà” - B. giải thích.

T. là thí sinh tham dự trò chơi tranh giải giữa hai đội chơi thi hát trên truyền hình. T. kể có lần đội A của anh thắng nhờ chọn được bài hát thích hợp, bất thần đạo diễn từ đâu phóng ra thì thầm vào tai người dẫn chương trình, thế là phần ghi hình được làm lại và đội A được yêu cầu không chọn bài hát đó, nhường cho đội B để đội B thắng giải. “Chỉ là game show thôi mà đã như vậy rồi” - T. nói. Từ đó T. cũng như những người bạn biết chuyện của anh khi theo dõi các kết quả game show thường cười, nụ cười mếu xệch.

Do xếp đặt như vậy nên những sơ suất vì quá vội, chủ yếu để rượt cho kịp tiến độ phát hình hoặc do khả năng của những người sản xuất, là chuyện dễ bắt gặp trong hậu trường. Chuyện kể trong một cuộc thi đố nhau giữa hai đội, ban tổ chức đưa ra câu hỏi hãy liệt kê tất cả các con vật có tên bắt đầu bằng chữ H. Cả hai nhóm hăng hái điểm danh, nào là hải mã, hổ, hươu, heo...

Cuối cùng khi các đáp án đã được ban tổ chức kết luận là hoàn tất và chuẩn bị sang phần khác, một thành viên cuộc thi mới sực nhớ: “À, chúng ta vẫn còn thiếu con hoẵng”. Những người biên tập chương trình chết lặng, nhưng dĩ nhiên phải bỏ qua vì mọi thứ đã xong rồi. Người nghĩ ra “con hoẵng” còn chưa hết ấm ức thì không lâu sau đó, một người trong ban tổ chức đến gần dè dặt hỏi “nhưng con hoẵng là con gì vậy?”. Nghĩ xem, vui sao nổi?

Đâu có dễ như bạn nghĩ

Phóng to
Game show Nào ta cùng hát trên HTV7 - Ảnh: Gia Tiến

Đúng như những nhà sản xuất nói, tìm khuyết điểm thì dễ nhưng có làm trò chơi truyền hình mới biết là không dễ, đôi khi cách nghĩ máy móc và đơn giản của nhiều nhà sản xuất, biên tập viên đã khiến cuộc chơi không tránh khỏi một số tình huống khó xử.

Cũng chuyện hậu trường kể lại trong một game show cho thiếu nhi, các nhà sản xuất dặn dò nhau, ra lệnh cho phụ huynh “cứ để tự nhiên nha, dễ thương là được”. Thí sinh A xuất hiện, tự giới thiệu, thuộc lòng như cháo: “Dạ con tên Hồng, bởi vì mẹ con thích bông hồng nên đặt tên con là Hồng”. Người phụ trách hào hứng vỗ đùi một cái: “Đúng rồi, y như vậy đi, cho tụi nó làm y như vậy là hay nhất”. Thí sinh B xuất hiện: “Dạ con tên Bê, do mẹ con thích con bê nên đặt con tên Bê”. Tiếng vỗ tay rần rần, náo nhiệt. Thí sinh C xuất hiện: “Dạ ở nhà gọi con là thằng Cu, bởi vì...” thì tiếng người phụ trách chương trình quát lên ra lệnh cắt làm lại, còn lớn hơn cả tiếng trong micro mà bé trai đang giới thiệu. Khỏi nói thêm thì ai cũng hiểu!

Dĩ nhiên, chuyện tán gẫu hậu trường luôn gây cười, thực hư chưa rõ thế nào, nhưng cũng là một cách để người nghe hiểu được tính máy móc trong hậu trường trò chơi truyền hình. Nguyên tắc của game show là phải “dụ khị”, phải luôn làm công chúng nhìn thấy có vẻ dễ ăn để thu hút được nhiều người xem, nhiều người chơi. Nhưng đôi khi dễ mà vẫn không ăn được, lại làm người xem buồn rười rượi.

Trong một game show hỏi đáp, tiền thưởng ngất trời, người dẫn chương trình hỏi rằng: “Trong bốn phụ nữ dưới đây, ai là công chúa và từng được gả cho vua Chiêm Thành”. Tội nghiệp người dẫn chương trình đã cố ý gằn giọng vào tên của đáp án Huyền Trân công chúa nhưng thí sinh vẫn đăm chiêu, đau khổ. Giải pháp xin trợ giúp được đưa ra, thí sinh này hào hứng “em gọi về nhà là biết ngay, chị em là cô giáo dạy môn lịch sử mà”. Điện thoại reo và giọng người phụ nữ rất tự tin đón nhận câu hỏi của thí sinh. Sau một phút im lặng, cô này thở dài bực dọc: “Chịu, ai hỏi mà khó thế?”.

Trò chơi truyền hình còn nhiều và sẽ còn nhiều điều lạ lùng, thú vị xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, nhưng vẫn có không ít điều đáng suy nghĩ... đến từ hậu trường của công nghệ giải trí đang ăn khách này.

Trong lĩnh vực giải trí, truyền hình là một trong những hình thức có ảnh hưởng đến tính cách, lối sống và nhu cầu giải trí của một bộ phận công chúng thành phố. Mới phổ biến vài năm trở lại đây nhưng trò chơi truyền hình ở TP.HCM đã thu hút, lôi cuốn nhiều tầng lớp công chúng tham gia hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, nếu thời lượng xem tivi chiếm khá nhiều thời gian nhàn rỗi của thanh niên thì ít nhiều cũng tác động đến việc hình thành, phát triển nhân cách của thanh niên.

Nếu các trò chơi truyền hình chỉ có tính chất giải trí, bổ sung kiến thức... thì đáng được phổ biến, nhân rộng. Thế nhưng dư luận lại cho rằng nhiều trò chơi truyền hình nặng về quảng cáo, thu hút người xem bằng những giải thưởng lớn, rất dễ đạt được bằng những câu hỏi và câu trả lời nhiều khi vô nghĩa và có cả đáp án sai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận