Đã thấy tín hiệu của chuyển biến về chất

ÔNG PHAN THANH BÌNH 16/01/2011 06:01 GMT+7

TTCT - Tại Đại hội Đảng toàn quốc XI khai mạc hôm 12-1, đại biểu PHAN THANH BÌNH - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - chia sẻ với TTCT mong muốn được thấy quốc sách giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ thật sự trở thành câu chuyện của thực tế.

Phóng to
Thế hệ trẻ mong được thấy quốc sách giáo dục - đào tạo trở thành câu chuyện của thực tế - Ảnh: Như Hùng

Phóng to
Ông Phan Thanh Bình - Ảnh: Quốc Thanh

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 nói giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ “phải được xem là quốc sách hàng đầu”, nay dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng khẳng định: “là quốc sách hàng đầu”, tôi cho đây là một bước chuyển lớn và cũng chính là cái ngưỡng của sự chuyển chất. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã lựa chọn ba khâu đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, tôi thấy tín hiệu tất cả đều có chuyển chất.

Chúng ta nhấn mạnh: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thay đổi vị trí của cụm từ “dân chủ” được đặt trước “công bằng” cũng là một sự chuyển chất. Ở đây cho thấy có sự chuyển chất về bản chất xã hội của chúng ta, quan trọng là đã đặt vấn đề dân chủ đúng tầm mức, đồng thời khẳng định quốc sách phải được trở thành câu chuyện của thực tế.

“Nhận thức như thế nào về “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, tôi cho rằng đây là vấn đề cần được các nhà lý luận tiếp tục hoàn thiện, làm rõ”

* Đại học Quốc gia TP.HCM, một trung tâm lớn về đào tạo nhân lực và khoa học, đã có những chuẩn bị gì để đón nhận sự chuyển chất như ông vừa nói?

- Những năm qua Đại học Quốc gia TP.HCM đã “đi trước” một chút, đơn cử như lập Trung tâm xuất sắc (đầu tiên của Việt Nam), nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch, trung tâm nghiên cứu vật liệu mới... Thực chất đó là những việc làm để chuẩn bị cho sự chuyển chất thật sự nhằm phát triển bền vững.

* Ông thấy đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh có những đặc điểm gì đáng lưu ý?

- Tôi thấy ở đây có hai vấn đề được giải quyết, trước hết là nhận thức được sự chuyển chất và sự chuyển chất này rất quyết liệt, diễn ra trong thời kỳ cạnh tranh của thế giới đã được nói đến 10 năm nay. Hình như đã có sự chuyển đổi về “thế trận” trên thế giới, Trung Quốc đã bước lên vị trí quốc gia có tổng sản phẩm xã hội đứng thứ hai thế giới, Hàn Quốc cũng cố gắng vượt lên... Trong tình hình đó đòi hỏi cần nhận thức rõ sự chuyển chất của Việt Nam. Hoặc vượt lên trở thành con hổ thật sự, hoặc chỉ có thể ở mức trung bình, Việt Nam cần có lựa chọn cho mình trước bối cảnh ấy.

Có thể giải quyết vấn đề này bằng nhiều cách, nhưng dưới góc độ một người làm về giáo dục tôi cho rằng có hai vấn đề quan tâm: trước hết là dân chủ được nhìn nhận rõ ràng, đương nhiên đấy là “dân chủ xã hội chủ nghĩa”; kế đến là giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ “phải là quốc sách”. Có được những điều như vậy mới có thể tạo điều kiện cho chúng ta đi xa hơn và có nền tảng hơn.

Một nhiệm vụ quan trọng tại Đại hội XI là chuẩn bị một ban chấp hành trung ương khóa mới và các vị trí lãnh đạo cấp cao. Tôi tin rằng với trách nhiệm của Đảng trước đòi hỏi phát triển của đất nước, đại hội sẽ chuẩn bị được những nhân sự đáp ứng yêu cầu và phải là những nhân sự tốt nhất có được trong điều kiện cụ thể của chúng ta. Trẻ hóa đội ngũ cũng là một yêu cầu lớn.

* Nhưng thưa ông, làm sao để thực tiễn hóa những điều như ông vừa đề cập, thực hành dân chủ trong xã hội được nhiều người quan tâm?

- Nhận thức như thế nào về “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, tôi cho rằng đây là vấn đề cần được các nhà lý luận tiếp tục hoàn thiện, làm rõ. Xã hội mà chúng ta đang sống không có những quyền lực đối lập và đối kháng nhau. Rõ ràng ở đây có sự phân công và giám sát để đất nước phát triển tốt nhất.

Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ và giám sát tối cao của Quốc hội cần nhịp nhàng và hỗ trợ nhau. Văn kiện của Đại hội XI đã nhấn mạnh hơn quyền con người và cải cách tư pháp. Ngoài vấn đề lý luận cần tiếp tục giải quyết để rõ hơn, nhận thức và thực hành dân chủ cũng là một quá trình. Không phải ai cũng có thể nhìn nhận hết được mọi chuyện về dân chủ. Đây là thói quen cần được tập dần. Học trò ngày nay có quyền phát biểu khác với phát biểu của thầy.

* Ông có thể cho biết Đại học Quốc gia TP.HCM thực hành dân chủ như thế nào?

- Trước hết thực hiện ở góc độ giữa nhà quản lý với nhà khoa học, giữa nhà quản lý với người thầy. Đại học Quốc gia TP.HCM đang cố gắng minh bạch hóa mọi hoạt động của mình. Việc công bố báo cáo thường niên là thật sự chúng tôi muốn công bố rõ ràng về nhiều hoạt động, cũng nhằm hướng đến môi trường khoa học và sự tự do sáng tạo thật sự của các thầy cô. Hi vọng từ đó sẽ có tác động tích cực đến sinh viên. Chúng ta phải chuyển từ từ, không thể áp đặt và cũng không thể qua một đêm là tất cả mọi người đều nhận thức về dân chủ như nhau.

* Trở lại với Đại hội XI, ông thấy các giải pháp được đưa ra có đủ để thúc đẩy thực hành dân chủ tốt hơn, điều mà ông vừa nhấn mạnh?

- Tại Đại hội X của Đảng, tôi đã phát biểu rằng để một trường đại học bước lên vị trí đẳng cấp thế giới phải mất hàng chục năm, thậm chí lâu hơn, không thể gấp gáp được. Bây giờ, theo tôi, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cũng cần những bước đi như thế. Nên nhớ rằng nền dân chủ tư sản bắt đầu từ năm 1789 đến bây giờ vẫn liên tục phát triển hoàn thiện. Còn ở nước ta, như tôi đã nói, mình đang nhận thức và đang làm. Cùng với cải cách tư pháp, vai trò và trị trí của Quốc hội cũng ngày càng rõ nét.

“Thực hiện từng bước”

* Đời sống của những thầy cô giáo còn quá nhiều trăn trở, là người gắn bó với đội ngũ này và là đại biểu chính thức của Đại hội XI, ông sẽ nói gì về vấn đề này ở đại hội?

- Hiện đầu tư cho giáo dục chiếm 20% tổng chi ngân sách mỗi năm là một tỉ lệ cao. Tôi cho rằng không thể đòi hỏi hơn được nữa. Chỉ còn có hai cách: dựa vào nguồn lực xã hội hay người học; hoặc là vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế cả hai cách giải này đều có làm nhưng đang gặp những cái khó. Phải nói rằng đây là vấn đề chưa nước nào có được lời giải trọn vẹn.

Đây là vấn đề cần phải giải trên các giác độ nhận thức, kinh tế, xã hội. Trước hết về nhận thức đã đặt được vấn đề tại Đại hội XI của Đảng, còn giải như thế nào phải thực hiện từng bước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận