Vô tư mua bán da thú

KHƯƠNG VĂN - NGỌC KHẢI 08/08/2011 21:08 GMT+7

TTCT - Thú rừng quý hiếm bị thợ săn sát hại không bỏ đi thứ gì, từ thịt, xương đến bộ da. Loại hàng “độc” từ da thú được các mối cung cấp có khi rao bán với giá cả trăm triệu đồng.

Read this on Tuoitrenews.vn

Phóng to

Những bộ da thú rừng nhồi bông được ông Kiên rao bán tại “cửa hàng di động” ở quốc lộ 1A, quận 12, TP.HCM - Ảnh: N.K.

Sáng 24-7, sau khi nghe tin một “chiến hữu” săn thú ở Đắk Lắk “bắn rớt” một con voọc chà vá chân đen, giọng ông Nghĩa, một đầu nậu cung ứng các mặt hàng da thú (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), hối hả qua điện thoại: “Chỉ trong tuần lễ nữa bộ da voọc này sẽ thuộc xong, sẵn sàng gửi xuống cho khách mua. Chắc giá hai chai (1 chai = 1 triệu đồng) không nhiều lời”.

Một bộ da trong vòng tuần lễ

Mới đây, thông tin hai thợ săn vừa bắn chết 15 con voọc bị cơ quan kiểm lâm (tỉnh Ninh Thuận) bắt giữ khiến giới đầu nậu da, lông thú rừng tỏ ra dè dặt hơn trong việc tiếp chuyện với mối hàng mới. Do chúng tôi được mối quen giới thiệu, ông Nghĩa không ngần ngại: “Voọc hay bất cứ thú gì quý hiếm khi săn về là xài tất, từ xương, thịt đến cả bộ da không bỏ thứ gì”.

Tương tự, ông Tiến, một đầu nậu cung cấp da thú ngụ tại xã Cư Ni (huyện Ea Kar, Đắk Lắk), cho hay: “Hiện một số thợ săn đang vào vụ làm nương rẫy nên hơi hiếm nguồn cung cấp. Vài ngày nữa sẽ có một voọc chân đen và một voọc chân xám”.

Các đầu nậu cho rằng voọc ngày càng vắng bóng nên thịt, xương và nhất là bộ da đang được đẩy giá cao hơn trước. Họ có những chân rết rảo bước trên các khoảnh rừng, nghe ngóng tiếng voọc để thể hiện tài thiện xạ của mình. Ông Tiến nói: “Bắt sống voọc rất khó, hàng này chỉ có thể bắn lấy thịt, xương làm mồi nhậu, nấu cao, còn bộ da thì làm kiểng. Gia chủ có voọc thuộc da trong nhà coi như tài lộc xum xuê”.

Phóng to
Bà Vinh giới thiệu bộ da báo hoa mai xuất xứ từ châu Âu với giá 300 triệu đồng - Ảnh: K.V.

Nhiều người đi đường không khỏi ngỡ ngàng trước hàng chục thú nhồi bông của ông Kiên (quê Đắk Lắk) xếp ngổn ngang bên quốc lộ 1A (Q.12, TP.HCM): voọc chân đen, voọc chân xám, nai rừng, sóc bay… Tất cả đều là da thật, theo lời ông Kiên, được xe khách quen chuyển từ Buôn Ma Thuột về. Hàng “độc” nhất là một bộ da hổ.

Cầm cuốn album ảnh, ông Kiên giới thiệu: “Bộ da này mới lột từ con hổ qua mối bạn hàng quen, nếu anh có nhu cầu tôi sẽ dọ giá giùm rồi báo lại. Nói trước hàng không dưới 100 chai”. Theo các đầu nậu, trung bình một bộ da thú hoàn chỉnh “ra lò” phải mất gần tuần lễ sau khi được sơ chế, ngâm trong hóa chất, phơi khô…

Sáng 27-7, ông Thụy (ngụ khu phố 5, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), một chân rết tiêu thụ hàng thú thuộc da, lấy ra một mèo rừng giới thiệu: “Hàng này chỉ còn một con giá 1,5 triệu đồng, nhưng trên tôi (Đắk Lắk) còn nhiều với số lượng lớn”. Ông Thụy dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh nhà, giới thiệu chiếc đầu con mang còn dính lớp da ở cổ gắn trên bảng gỗ. Ông Thụy cho biết mối hàng trên khá ổn định. “Có đêm có đến vài con mèo rừng, khỉ… được lột da” - ông nói.

Phóng to
Con voọc chà vá chân đen nhồi bông được rao giá 1,5 triệu đồng - Ảnh: N.K.

Nhiều đường dây cung cấp hàng “độc”

Hàng “độc” là những bộ da thô đã thuộc được các tay buôn lậu chuyển từ nước ngoài về. Tiếp chuyện với chúng tôi tại một quán cà phê trên quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn, TP.HCM), ông Hùng (quê Trảng Bàng, Tây Ninh), một đầu nậu thường đánh hàng từ Campuchia, vào thẳng vấn đề: “Khách có nhu cầu cứ gọi điện, chỉ vài ngày đến một tuần là có hàng. Dân làm ăn với nhau, đôi bên đều hiểu là việc bán buôn hàng nhạy cảm. Nếu là bạn hàng lâu dài thì không thể làm giá hơn”. Chỗ ông nhận cung cấp các loại từ thịt thú rừng đến da, lông thú.

“Hổ sống tôi còn có hàng huống gì là da hổ” - ông Hùng khẳng định.

Ông Tâm - một đầu nậu cung cấp da hổ, báo tại Hà Nội - nói: “Người trong miền Nam rất chuộng mua da hổ và tôi đã “ship” (vận chuyển hàng) nhiều lần vào trong Sài Gòn nên anh cứ yên tâm”. Ông Tâm cho biết da hổ có kích thước 30x12cm để làm ví tiền rất bền. “Hiện hàng tạm hết, nhưng nếu anh cần thì tôi có thể mua lại của đồng nghiệp với giá phải cao hơn từ 1,5 triệu đồng/miếng, đã bao gồm cả phí vận chuyển. Bộ da hổ tầm trung chỗ tôi khoảng 180 triệu đồng”.

Theo tay buôn này, lâu lắm mới có con hổ chết bị rách da nên mới phải xẻ nhỏ ra để bán. Không biết xài “hàng hổ” có may mắn theo như lời rao của ông Tâm hay không nhưng ông Hai (P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM), người sở hữu chiếc ví da hổ, gặp chúng tôi tại quán cà phê ven lộ than ngắn thở dài: “Tôi đang rơi vào tình cảnh không còn đồng nào dù đang xài ví da hổ. Không biết là hàng thiệt hay dỏm mà chưa thấy may mắn tài lộc gì như lời người bán chào mua”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TP.HCM có trên 10 đầu mối cung cấp da thú quý hiếm. Từ một tay sưu tầm da thú, chúng tôi liên lạc với bà Vinh, ngụ trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp), một mối cung cấp các mặt hàng da, lông thú.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng trưa 26-7, bà Vinh lên gác lấy một túi vải màu đỏ, lôi một bộ da lông vàng mướt xen lẫn những đốm đen trải lên nền nhà. Trên bộ da mượt mà nhô lên một đầu báo hoa mai, hai mắt nhắm. Sau khi lấy thước ra đo, bà Vinh nói: “Hàng thật 100% mang từ châu Âu về, còn nguyên vẹn, mấy anh cứ việc xem hàng kỹ lưỡng”.

Chỉ vào hai lỗ thủng nhỏ trên cổ và đầu da con báo, bà Vinh giải thích: “Lỗ này do đạn bắn xuyên thủng. Hàng này của tôi không có giấy tờ mới có giá 300 triệu đồng chứ nếu có giấy tờ không có mức giá đó đâu. Bữa trước bạn tôi bán bộ da hổ hơn tỉ đồng”.

Người mua đã “chung tay” sát hại thú rừng

Các loài động vật hoang dã (thuộc nhóm 1B, 2B hoặc phụ lục I, II, III) nói chung và những bộ phận của chúng nói riêng (lông, da) khi khai thác sử dụng mà không chứng minh được nguồn gốc đều là bất hợp pháp nên phải xử lý, xử phạt hành chính theo nghị định 99CP. Mức xử lý hành chính tối đa 500 triệu đồng. Việc mua bán động vật hoang dã cũng tùy vào tính chất, mức độ mà có thể xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Thời gian qua, chi cục kiểm lâm phối hợp với quản lý thị trường, công an tiến hành kiểm tra, xử lý, xử phạt nhiều đối tượng mua bán da, lông thú, sản phẩm làm từ da, lông thú. Phần lớn các trường hợp này là hành vi buôn bán loại da thú rừng nhồi bông. Các mặt hàng này khi xử phạt, xử lý đều áp dụng hình thức tiêu hủy.

Thực tế trên thị trường “đen” hiện nay, việc buôn bán da, lông vẫn còn xảy ra ở mức độ tinh vi lén lút. Trong đó tồn tại một lượng hàng da, lông thú giả rất nhiều. Số người mua về sử dụng, tàng trữ các mặt hàng không có nguồn gốc đều là vi phạm pháp luật. Và như vậy họ đã tiếp tay cho giới buôn bán động vật hoang dã, có nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng một số loài (hổ, tê giác...).

Đồng thời những mặt hàng, sản phẩm từ da, lông thú (đặc biệt là lông thú quý hiếm) từ nước ngoài nhập vào Việt Nam vì mục đích thương mại nếu không có giấy tờ chứng minh đều được coi là bất hợp pháp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận