Trở lại Cát Tiên

ĐỨC TUYÊN 27/12/2011 21:12 GMT+7

TTCT - Theo quốc lộ 1A rồi rẽ vào quốc lộ 20 hướng về TP Đà Lạt, chúng tôi vượt qua khoảng 150km từ TP.HCM để một lần nữa về thăm vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, nơi được xem là điểm nóng về đa dạng sinh học bởi tác động của những dự án thủy điện được nhắc đến nhiều trong năm 2011.

Phóng to
Ảnh: Đức Tuyên

Trước trụ sở của ban quản lý VQG Cát Tiên (huyện Tân Phú, Đồng Nai), tấm biển khắc hình con tê giác một sừng vẫn là biểu tượng của vườn, dù con thú hiếm cuối cùng này chỉ còn là bộ xương được phát hiện từ tháng 4-2010.

Ông Trần Văn Thành, giám đốc VQG, cho biết không có ý định thay đổi hình ảnh biểu tượng này bằng một con thú khác. “Tôi nghĩ vẫn cứ để như vậy để nhắc nhở mọi người và con cháu mai sau rằng nơi đây từng có loài tê giác một sừng sinh sống và đã bị tuyệt chủng. Từ đó ý thức bảo vệ những loài động thực vật khác sẽ tốt hơn” - ông giải thích.

Bàu Sấu ngập nước ít hơn

VQG Cát Tiên bao trùm lên khu vực liên tỉnh gồm tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông và Lâm Đồng. Phía bắc của VQG gồm các huyện Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) gọi là khu Cát Lộc; khu vực phía nam gọi là Nam Cát Tiên gồm các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai); cuối cùng là khu Tây Cát Tiên nằm trên địa bàn huyện Bù Đăng (Bình Phước) và một phần thuộc huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông).

Đã có trên mười lần đến VQG Cát Tiên, nhưng tôi chưa được đặt chân đến Bàu Sấu, vùng đất ngập nước thứ 1.499 của thế giới được ban thư ký Công ước Ramsar quốc tế tại Gland (Thụy Sĩ) công nhận vào ngày 4-8-2005 (Việt Nam còn có khu đất ngập nước Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và mới đây có thêm khu Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn).

Diện tích đầm nước ngọt Bầu Sấu rộng tối đa 2.668ha vào mùa mưa và bị thu hẹp còn khoảng 151ha vào mùa khô. Thảm thực vật ở đây rất đặc trưng của đồng cỏ, hệ thực vật nổi và rừng đầm lầy. Đây là nơi trú đông cho các loài chim nước di cư, và là nơi cư trú của một số loài khác đang bị đe dọa trên toàn cầu. Đặc biệt nơi đây có một quần thể cá sấu xiêm đang sinh sôi phát triển.

Từ trung tâm điều hành của ban quản lý, chúng tôi đi xe vượt khoảng 9km đường rừng rồi đi bộ thêm 5km để đến Bàu Sấu. Chi chít vết chân thú tìm về uống nước bên Bàu Sấu còn để lại. Bơi thuyền trên bàu, chúng tôi bắt gặp những con cá sấu xiêm ngóc đầu, quẫy đuôi đuổi theo đàn cá con tìm thức ăn. Trên bờ từng đàn khỉ, voọc, chim trời… làm náo động những tán cây cổ thụ. Chiều, nằm trên chòi canh chúng tôi nghe rõ tiếng cá quẫy nước, tiếng đập cánh của đám le le, sếu, mòng két… Phóng tầm mắt trên những trảng cỏ lau, lác ngút ngàn của mặt bàu, chúng tôi nhanh chóng quên đi cuộc sống tất bật, chen chúc nơi đô thị.

Mùa mưa vừa dứt là thời điểm thích hợp để tham quan, nghiên cứu VQG Cát Tiên. Trên đường đi, chúng tôi gặp một đoàn sinh viên Úc gồm 18 người. “Nơi đây có khu rừng nhiệt đới quá tuyệt vời với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Bàu Sấu thật ấn tượng với phong cảnh đẹp, còn hoang sơ. Đi từ sáng đến trưa mà tôi đã chụp ảnh gần hết cái thẻ 2GB” - anh John Wilson, thành viên của đoàn, nói.

Anh cho biết trong chuyến đi thực tế này đoàn đã chọn VQG Cát Tiên trước khi ghé qua Campuchia. Đoàn lưu lại VQG Cát Tiên ba ngày. Khi được hỏi, hầu hết các thành viên đều muốn lưu lại lâu hơn để được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, có cơ hội ngắm thú rừng ăn đêm trong VQG Cát Tiên.

Phóng to
Một con voọc chà vá gần nơi dự kiến xây đập thủy điện Đồng Nai 6 - Ảnh: Đức Tuyên

Bàu Sấu bị ngăn cách với vùng ngập nước sông Đồng Nai bởi các dãy đồi núi. May thay, thiên nhiên đã sản sinh ra dòng suối Đắc Lua để kết nối giữa Bàu Sấu với sông Đồng Nai, giúp điều tiết nước cho Bàu Sấu vào mùa mưa cũng như mùa khô.

Ngoài ra, dòng Đắc Lua còn là con đường di chuyển của một số loài cá đến nơi đẻ trứng tại Bàu Sấu, theo đánh giá của bà Phan Thị Cẩm Nhung - điều phối viên về chính sách thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, mà chúng tôi đã gặp trong chuyến đi hồi tháng 8. Hẳn “con đường sinh sản” này sẽ bị đứt mạch nếu mọc lên các đập thủy điện chắn dòng chảy, đồng thời khu Bàu Sấu sẽ không còn nhận đủ nước để duy trì hệ sinh thái độc đáo và cũng rất dễ bị tổn thương này.

Đứng trên chòi canh, khoác tay chỉ ra Bàu Sấu, trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bàu Sấu Phạm Văn Tuấn có hơn bốn năm công tác tại đây nói: “Những năm gần đây vào mùa khô, diện tích mặt nước của Bàu Sấu ngày càng bị thu hẹp lại so với trước. Năm nay mới đầu tháng 12 mà diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 150ha”.

Sống bao năm giữa rừng và có những lúc nhớ thế giới bên ngoài, thế nhưng anh Tuấn và các đồng nghiệp cảm thấy hạnh phúc khi được hít thở bầu không khí trong lành, đêm đến ngắm nai, hoẵng, heo rừng… về bàu tìm thức ăn, uống nước. “Không phải ai cũng có được hạnh phúc như chúng tôi. Chúng tôi “du lịch” không những không mất tiền mà còn được trả lương đấy!” - anh cười.

Phóng to

Các em nhỏ dân tộc Châu Mạ trên đường vào thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên - Ảnh: Đức Tuyên

“Đập thủy điện có lấy đất nhà mình không?”

Đường vào xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng được chính thức thành lập năm 2003 sau những thất bại của nỗ lực di dời cộng đồng khỏi vùng tê giác sinh sống nhằm bảo tồn khu Cát Lộc cho loài này - thường xuyên lầy lội đất đỏ bazan sau những cơn mưa cuối mùa. Hơn trăm nóc nhà quanh những khu núi đồi là của đồng bào dân tộc S’Tiêng, Châu Mạ sống cùng bà con dân tộc Kinh. Họ sống chủ yếu bằng nghề rẫy và đánh bắt cá trên sông. Dù còn khó khăn nhưng cuộc sống nơi đây thật thanh bình.

Năm 1985, các cán bộ trẻ của Nhà bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện một quần thể di tích nằm trên địa phận xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên. Từ đó, các nhà khoa học, khảo cổ đã trải qua nhiều lần khai quật được những hiện vật, di chỉ của một nền văn hóa Óc Eo có từ khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 8. Quần thể di tích này trải dài trên 15km dọc hai bờ thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc địa phận cả hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Từ năm 2007, công tác khai quật bị dừng lại vì thiếu kinh phí. Đã có khoảng 1.140 hiện vật được phát hiện, riêng bộ sinh thực khí linga - yoni được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay trong khu vực Đông Nam Á.

Anh Điểu Kha, nhà ngay trên đường vào chân đập thủy điện Đồng Nai 6 dự kiến được xây dựng, bộc bạch: “Mấy năm nay nhà mình có đủ gạo, bắp ăn rồi, chưa dư tiền nhưng không đói nữa”. Hỏi anh có biết chuyện dự án đập thủy điện ở đây không, Điểu Kha thật thà: “Mình chưa biết đâu, nhưng mà đập thủy điện có lấy đất nhà mình không?”.

Theo các nhà khoa học đi thực địa và đánh giá, dự án thủy điện Đồng Nai 6 được xây dựng tại bờ phải thuộc xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, còn bờ trái thuộc xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, do đó nương rẫy của bà con đồng bào dân tộc không bị mất. Theo quan sát của chúng tôi, chân đập của dự án thủy điện này chỉ cách xa những vườn điều, nương bắp hơn 1km.

Chị Điểu Thị Thanh, dân tộc S’Tiêng, ở thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, cho biết mấy năm nay nguồn cá trên sông Đồng Nai giảm nhiều. “Hai vợ chồng mình đánh bắt cá trên sông này đã mười năm rồi. Trước những con cá lăng, cá chép cả 10kg bắt được nhiều, nhưng nay không còn nữa. Nếu thủy điện được xây thì sông hết cá, mình hết cách sống rồi” - chị Thanh than. Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, có hơn 20 năm nghiên cứu về đa dạng sinh học cũng như văn hóa của đồng bào bản địa - từng cảnh báo có khả năng người dân sẽ tổ chức một đợt di cư mới sâu vào trong rừng nếu như họ bị mất nguồn sinh kế tại khu vực hiện nay.

Cùng với di tích khảo cổ giá trị chưa phát lộ hết những bí ẩn và VQG Cát Tiên trở thành khu dự trữ sinh quyển của thế giới, ban giám đốc vườn đang làm hồ sơ để được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, ông Trần Văn Thành bức xúc: “Nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A được xây dựng thì ngay cả Bàu Sấu cũng bị đe dọa, có nguy cơ phải rút khỏi danh sách các khu Ramsar của thế giới chứ nói gì đến việc mong VQG Cát Tiên trở thành di sản thiên nhiên thế giới”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận