Công nghiệp vũ trụ tư nhân: cuộc đua bắt đầu!

TTCT - Sự kiện tàu vũ trụ Dragon của SpaceX đáp xuống Thái Bình Dương sau khi hoàn thành chuyến bay đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) thành công đã kích ngòi cho cuộc chạy đua công nghiệp vũ trụ tư nhân.

Mô phỏng hoạt động của tàu vũ trụ SpaceShipTwo của Virgin Galatic - Ảnh: Virgin Galactic

Hôm 31-5, tàu vũ trụ không người lái Dragon đã đáp xuống Thái Bình Dương, kết thúc sứ mệnh lịch sử kéo dài chín ngày đưa hàng hóa lên ISS.

Chuyến đi đầu tiên vào vũ trụ này của Dragon được quan tâm không kém gì chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên nửa thế kỷ trước. Đó là bởi nó được gán mác “thương mại” và cũng chính thức mở ra kỷ nguyên kinh doanh vận tải vũ trụ của các công ty tư nhân. Nhờ đó, con người sẽ có nhiều cơ hội bay vào vũ trụ hơn chứ không bị giới hạn như khi các chính phủ độc quyền lĩnh vực này.

Sau khi chương trình tàu con thoi của Mỹ được cho về hưu hồi năm ngoái, Mỹ phải phụ thuộc Nga để đưa người lên ISS với giá cho một chiếc vé là 60 triệu USD/người. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang có những bước tiến nhanh trong công nghiệp vũ trụ.

Tuần trước, ba phi hành gia của họ (bao gồm phi hành gia nữ đầu tiên của Trung Quốc) đã trở về Trái đất sau sứ mệnh kéo dài 13 ngày trên quỹ đạo, ráp nối với môđun Thiên Cung 1. Đây là tiền đề để Trung Quốc xây dựng trạm vũ trụ vào năm 2020. Chính vì vậy, sự kiện phóng tàu vũ trụ tư nhân Dragon lại càng có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm này.

Hình ảnh minh họa tên lửa đẩy Falcon 9 đưa tàu Dragon vào quỹ đạo

Vạn sự khởi đầu nan

Ngày 22-5, tên lửa đẩy Falcon 9 đã đưa tàu vũ trụ tư nhân Dragon rời bệ phóng đến với ISS. Mười phút sau khi phóng, Falcon 9 đã đưa Dragon vào quỹ đạo. Trước đó, việc phóng tàu Dragon đã bị trì hoãn không dưới hai lần vì các trục trặc về tên lửa đẩy. Nhà sáng lập và cũng là CEO của SpaceX là Elon Musk thở phào nhẹ nhõm khi Dragon mở được hai tấm pin năng lượng mặt trời lúc vừa lên quỹ đạo.

Sứ mệnh đầu tiên của Dragon cũng là một màn thử nghiệm cho chính Công ty vũ trụ tư nhân SpaceX và cả Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) với định hướng mới của mình. Đó là việc cho khối tư nhân tham gia việc đưa tàu lên quỹ đạo thấp của Trái đất.

Tuy nhiên, trước khi tàu Dragon được phóng vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về thành công của chiến lược tư nhân hóa công nghiệp không gian này. Trong một bài xã luận đăng trên trang tin Orlando Sentinel, cựu phi hành gia và cơ trưởng tàu không gian Mark Kelly thừa nhận ban đầu ông đã lo lắng về chiến lược trên. Chỉ đến khi tàu Dragon được phóng vào không gian, ông mới tin rằng quyết định của tổng thống là quyết liệt và đúng đắn.

Dragon đang bay trong không gian

Khi tàu Dragon đáp an toàn xuống Thái Bình Dương, nhà sáng lập SpaceX Elon Musk đã thốt lên mừng rỡ. “Khi bạn dấn thân vào việc thiết kế cỗ máy phức tạp này, khi bạn nhìn nó vận hành, bạn sẽ biết tất cả rủi ro có thể xảy ra. Có vô vàn trục trặc chực chờ - ông Musk cho hay - Khi bạn thấy nó vận hành thành công, bạn sẽ cảm thấy chút kinh ngạc”.

Bản thân việc tư nhân tham gia công nghiệp vũ trụ đã là một việc vô cùng hiếm hoi và tiến bộ. Đó là bởi không mấy ai chấp nhận rủi ro hàng tỉ USD để đầu tư nghiên cứu, phát triển các cỗ máy, phần mềm có thể gặp tai nạn và nổ tung bất cứ lúc nào. 

Đó là chưa kể rủi ro về nhân mạng và tiêu tốn thời gian phát triển vô cùng nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc để đầu tư vào công nghiệp vũ trụ, một công ty không chỉ phải có tiền mà cần phải có rất rất nhiều tiền. 

Những người dám mạo hiểm như Elon Musk không nhiều nhưng không có nghĩa SpaceX không có đối thủ cạnh tranh. Nhiều công ty tư nhân khác cũng đang rục rịch với các kế hoạch của riêng mình.

...Dragon kết nối với ISS

Không còn độc quyền

Sau tai nạn tàu không gian Columbia năm 2003, tổng thống Mỹ George W. Bush và sau này là Tổng thống Obama đã chỉ đạo NASA giao việc vận chuyển hàng hóa và người lên ISS cho các công ty tư nhân. 

Cho đến nay NASA đã ký các hợp đồng trị giá tới 3,5 tỉ USD với hai nhà chế tạo tên lửa đẩy là SpaceX và Orbital Sciences Corporation và chi thêm 270 triệu USD đầu tư ban đầu cho bốn công ty khác để phát triển các công nghệ vận chuyển phi hành đoàn. Mùa hè này, NASA dự định bơm thêm tiền cho các công ty vũ trụ tư nhân để phát triển các hệ thống du hành toàn diện.

Và dù là chở người hay chở hàng, trong trường hợp này NASA đóng vai trò là một khách hàng chứ không phải chủ điều hành các tàu vũ trụ. Thay vào đó, NASA tập trung nhiều hơn vào mục đích lớn lao khác như đưa người vượt ra khỏi quỹ đạo thấp của Trái đất, vào sâu trong không gian hay thậm chí là đến các hành tinh khác.

Bằng việc ký hợp đồng với NASA, SpaceX cũng được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quá trình phát triển tên lửa đẩy Falcon 9 và tàu Dragon, được hưởng các dịch vụ khác mà NASA cung cấp trong suốt sứ mệnh.

Cụ thể, NASA đã cho phép SpaceX truy cập vào hệ thống vệ tinh theo dõi và truyền dữ liệu trong việc kết nối thông tin với tàu Dragon. SpaceX cũng phải phối hợp hoạt động với trung tâm điều khiển tại sân bay vũ trụ Johnson ở Houston, Mỹ.

Sau khi được đưa vào đất liền, tàu Dragon sẽ được NASA tiến hành gỡ hàng hóa và đồ đạc gửi từ ISS về, rồi sau đó con tàu này tiếp tục được đưa về căn cứ của SpaceX. Đến đây thì sứ mệnh mới thật sự hoàn tất 100%. 

Và nếu tất cả các bước này được hoàn tất trôi chảy và tốt đẹp, NASA sẽ chính thức bật đèn xanh để SpaceX thực hiện 12 sứ mệnh vận tải đến ISS theo một thỏa thuận trị giá tới 1,6 tỉ USD với công ty vũ trụ tư nhân này.

...Trở về Trái đất

Việc cho tư nhân tham gia lĩnh vực vũ trụ sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Một phân tích của văn phòng kiểm toán Chính phủ Mỹ cho thấy một chương trình không gian tương tự dưới sự quản lý của NASA sẽ tốn kém từ 4-10 lần so với tư nhân làm.

Nhiều công ty khác cũng đang rục rịch chạy đua trong lĩnh vực không gian hái ra tiền này. Hiện có ít nhất tám công ty đang phát triển công nghệ để tham gia cuộc đua, nhiều hơn số hãng hàng không lớn đang hoạt động ở Mỹ.

Ngoài ra cũng đã có tám sân bay vũ trụ được cấp phép khác ở Mỹ, nơi các công ty có thể phóng tàu và hầu hết công ty này không liên quan gì đến các dự án của NASA. Đơn cử như Công ty du lịch không gian Virgin Galatic hiện đang hoạt động độc lập với NASA và tất nhiên chẳng liên quan gì đến ISS.

Về mặt quản lý, Phòng vũ trụ thương mại thuộc Cơ quan Hàng không liên bang là nơi cấp phép cho các hoạt động bay vào vũ trụ của tư nhân. Cơ quan này cũng kết hợp với NASA để đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn.

Các đối thủ tiềm năng của SpaceX

- Tập đoàn Orbital Sciences: kinh doanh việc vận tải hàng hóa. Đây là công ty sẽ có chuyến bay vào vũ trụ sớm nhất sau SpaceX. Công ty này đã ký với NASA một hợp đồng 1,9 tỉ USD để thực hiện tám chuyến bay chở hàng đến ISS. Chuyến bay thử nghiệm đến ISS sẽ được thực hiện vào tháng 11 năm nay.

- Alliant Techsystems: công ty này không được NASA tài trợ nhưng đã tự phát triển tên lửa Liberty và hệ thống tàu vũ trụ chở người. Chuyến bay không người lái của hãng này sẽ được thử nghiệm vào năm 2014. Một năm sau đó, chuyến bay có người lái sẽ được thử nghiệm. Năm 2016, hãng này dự định phóng tàu chở người và hàng hóa cho các phi hành gia của NASA lên ISS.

- Boeing: công ty này đã được NASA cấp 113 triệu USD để phát triển tàu vũ trụ chở phi hành đoàn. Các chuyến bay thử nghiệm của Boeing, bao gồm cả chở hàng và chở người, sẽ được thực hiện trong năm 2015 và 2016.

- Tập đoàn Sierra Nevada: đây là công ty nhận được 106 triệu USD từ NASA để chế tạo một tàu vũ trụ có người lái mini với chuyến bay đầu tiên vào năm 2016 hoặc 2017.

- Blue Origin: vận hành bởi nhà sáng lập trang thương mại điện tử Amazon là Jeff Bezos, được NASA cấp 22 triệu USD. Phi thuyền mang tên New Shepard của họ dự tính chở hàng hóa, phi hành đoàn, thậm chí là cả khách du lịch lên quỹ đạo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận