San sẻ bữa ăn ở đồng bằng

TẤN ĐỨC 16/06/2013 10:06 GMT+7

TTCT - Trong thời buổi “gạo châu củi quế”, khắp các tỉnh miền Tây đã ra đời những quán ăn miễn phí hoặc chỉ thu tiền tượng trưng, giúp những người thu nhập thấp no bụng ấm lòng qua cơn khó khăn.

Bữa ăn sáng miễn phí ở xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên - Ảnh: Tấn Đức

Mới hơn 3g sáng, hai chị Mỹ Hạnh và Dạ Thảo (ngụ ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, An Giang) đã cặm cụi vo mấy chục lít gạo đổ vào hai nồi cơm to đùng. Cắm điện xong, hai chị quay sang cắt gọt đống bí đao, dưa leo, đậu que… rồi nhóm bếp để làm tiếp mấy món canh, xào.

Bữa điểm tâm lúc hừng đông

Vừa làm, chị Hạnh vừa liếc nhìn đồng hồ: “Phải nhanh tay lên mới kịp, người quê thường dậy rất sớm để ghé qua đây điểm tâm trước khi ra thành phố làm việc”. Đúng 5g sáng, những thực khách đầu tiên đã xuất hiện. “Bữa nay có món gì vậy chị Út, cho em một đĩa, cơm nhiều chị nhá” - hai thanh niên đi trên chiếc Wave đã bong cả bửng, trên tay khệ nệ mớ dụng cụ xây dựng, gọi cơm. Hai đĩa cơm bốc hơi nghi ngút nhanh chóng được dọn ra. Thực khách vội vàng “lùa” sạch rồi đứng dậy ra xe đi tiếp, nhường chỗ cho những người đến sau.

Đây là một trong những bếp ăn sáng miễn phí cho người thu nhập thấp đầu tiên ở miền Tây, nằm ngay chân cầu Y Tế, trên con đường độc đạo từ xã Mỹ Khánh ra trung tâm TP Long Xuyên. Người “khai sinh” bếp ăn là ông Trương Quang Ký, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Khánh. “Xã chúng tôi thuộc địa bàn vùng ven của TP Long Xuyên, đại bộ phận người dân sống bằng nghề nông, một số hộ mua bán nhỏ, số còn lại làm thuê làm mướn, thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày.

Trong khi đó chi phí cho bữa ăn sáng bét lắm cũng 15.000-20.000 đồng. Bởi vậy nhiều lao động có thói quen nhịn ăn sáng để dành tiền mang về lo cho gia đình, họ đâu biết ăn sáng quan trọng thế nào. Vì lẽ đó, chúng tôi quyết định hỗ trợ cho người nghèo có được bữa ăn sáng, giúp họ nâng cao sức khỏe và hiệu suất lao động ” - ông Ký kể về nguyên nhân ra đời bếp ăn.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động, điểm ăn sáng miễn phí này đã đắt khách bất ngờ. Từng tốp công nhân bốc vác của trạm thu mua lương thực Mỹ Khánh (trực thuộc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang), những thợ hồ, thợ “đụng” (tức đụng việc gì cũng nhận làm) từ nhà ra TP Long Xuyên, mấy bác chạy xe ôm, chị bán vé số... và cả những học sinh gia đình khó khăn trên địa bàn xã kéo tới dùng điểm tâm sáng. Vô mùa thu hoạch lúa hoặc lúc có đông học sinh, bếp phục vụ trên 300 suất mỗi ngày.

Tiếng lành đồn xa, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, rồi những doanh nghiệp có sử dụng lao động ở Mỹ Khánh đã nhiệt tình hỗ trợ tài chính và thực phẩm để bữa điểm tâm ngày càng tăng cả chất lẫn lượng, sau khi thấy rõ hiệu quả của việc cho nhân công ăn sáng đầy đủ.

Mâm cơm từ thiện tươm tất sẵn sàng phục vụ khách - Ảnh: Tấn Đức

No bụng, ấm lòng

Quá 13g30. Quán cơm trưa từ thiện trên đường Nguyễn Trãi, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên chuẩn bị đóng cửa. Bất chợt một thanh niên tên Tâm mồ hôi nhễ nhại, tay chân lấm lem hớt hải chạy vào. “Còn cơm không bác Tư, cho cháu một phần. Bữa nay cháu làm công trình cách đây cả chục cây số nên về hơi trễ. Đói quá!”.

Nghe vậy, ông Hồ Mông Thọ (còn gọi là Tư Thọ), trưởng ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo phường Mỹ Long, kiêm trưởng ban tổ chức bếp ăn từ thiện, vội giục nhà bếp tìm xem còn phần cơm nào mang ra cho khách. Nhận mâm cơm từ những người phục vụ bếp, anh thanh niên tay run run đỡ lấy rồi nhanh chóng ngồi vào bàn ăn ngấu nghiến.

Anh Tâm chỉ là một trong số hơn 1.000 người được dùng cơm miễn phí mỗi ngày từ “tiệm cơm chay miễn phí giúp đỡ học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp”, do ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo phường Mỹ Long tổ chức từ tháng 8-2012. “Thật ra chúng tôi không phân biệt giàu nghèo, thành phần xuất thân, bất cứ ai vào quán đều được phục vụ chu đáo, vì giúp được một người no bụng là chúng tôi thấy ấm lòng” - ông Tư Thọ giải thích.

Để có thể phục vụ cả ngàn thực khách mỗi ngày, nhóm sáng lập tiệm cơm từ thiện (gồm bảy người) và những nhà hảo tâm đóng góp cả trăm triệu đồng để đầu tư mua sắm lò nấu cơm bằng điện và bằng gas cùng nhiều trang thiết bị nhà bếp hiện đại. Ban tổ chức bếp ăn cũng thành lập được mười tổ nấu cơm thiện nguyện, mỗi tổ 15 thành viên, luân phiên đảm nhiệm công việc. Chưa kể hàng chục sinh viên tình nguyện phục vụ việc dọn dẹp, vệ sinh quán.

“Đa số người phục vụ tại quán là nông dân, nhiều người trong số đó còn khó khăn trong cuộc sống, nhưng mỗi tháng họ dành ra năm bảy bữa đến đây góp công góp sức, rồi lại trở về nhà tất bật với việc đồng áng để mưu sinh. Mọi người san sẻ bữa ăn cũng là san sẻ niềm vui sống” - bếp trưởng Trần Ngọc Tươi nói.

Bếp trưởng Dạ Thảo (trái) và bếp phó Mỹ Hạnh bên bếp lò đỏ lửa từ 3g sáng lo bữa cơm từ thiện cho thực khách lúc rạng đông - Ảnh: Tấn Đức

Khi thành công nhớ đến người khác

Không kể những quán cơm được miễn phí hoàn toàn, cách đây ba năm tại TP Cần Thơ chỉ có một quán cơm 2.000 đồng do diễn đàn “Người tôi cưu mang” khai sinh. Giờ đã có thêm hai quán khác cũng thu một phần chi phí. Tại sao lại thu khoản tiền không đáng và con số đó có ý nghĩa gì?

“Đó là khoản tiền tượng trưng, thực khách dễ trả, mà chúng tôi không phải thối lại. Nhưng quan trọng hơn nó sẽ nhắc nhở chúng tôi phải hết lòng chăm lo cho khách hàng, đồng thời cũng là để khách hàng có ý thức phấn đấu vươn lên, không ỷ lại, trông chờ vào cái tự nhiên mà có” - chị Bạch Thị Kim Quyên, người trông coi quán cơm 2.000 đồng tại Cần Thơ, đặt tại hẻm 3T2, đường 30-4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, giải thích.

Cách đây ba năm, qua một người bạn Quyên tình cờ biết tới diễn đàn “Người tôi cưu mang”. Công việc thiện nguyện vì cộng đồng đã khiến cô gái 31 tuổi bỏ công việc kinh doanh tại nhà ngay chợ Ô Môn, khăn gói về ở luôn tại tiệm cơm để tiện cho công việc. Lúc đầu, ba mẹ chưa hiểu hết việc làm của cô con gái duy nhất nên mấy lần đến tận nơi “bắt” cô về. Nhưng dần dà cha mẹ cô cũng chiều, để Quyên làm việc xã hội theo ý cô.

Hằng ngày, Quyên cùng với những tình nguyện viên khác khi thì xắn tay vào bếp, bưng bê dẹp rửa, lúc thì đi gặp các tiểu thương ở các chợ An Bình, Tân An, Xuân Khánh xin thực phẩm cho bếp ăn. Ngoài Quyên còn có nhiều cộng tác viên khác, trong đó có những người từng là “khách hàng thân thuộc” của quán khi còn là sinh viên. Nay ra trường đi làm, có điều kiện họ lại góp công, góp của chăm lo cho bếp ăn.

Và không chỉ chăm lo cho sinh viên, người nghèo đến với quán, Quyên và các bạn đang ráo riết chuẩn bị vài ngàn suất cơm giao tận nơi cho học sinh con em gia đình khó khăn trong hai đợt tuyển sinh của Đại học Cần Thơ vào đầu và giữa tháng 7 sắp tới.

Tại quán cơm 2.000 đồng ở Cần Thơ có lời nhắc, ghi ở vị trí trang trọng nhất: “Khi thành công, xin các bạn hãy nhớ đến anh em còn khó khăn”. Những cộng tác viên của quán cơm nói rằng: “Đó không chỉ là chuyện vay - trả, mà sâu xa hơn là lẽ sống ở đời, là truyền thống của người dân Việt”.

Phải chăng vì lẽ sống đó mà những bếp ăn từ thiện đang nở rộ ở miền Tây?

Hàng chục ngàn người no bụng nhờ cơm từ thiện

Tại An Giang, theo ước tính sơ bộ đã có hàng chục bếp ăn từ thiện ra đời ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh do các tổ chức, đoàn thể, tôn giáo hoặc các nhà hảo tâm tại địa phương đứng ra thành lập và điều hành. Tại các bệnh viện, trung tâm y tế như BV Đa khoa trung tâm An Giang, BV Đa khoa khu vực Châu Đốc, BV Đa khoa Tân Châu, Phú Tân, Tri Tôn… đều có điểm cấp phát miễn phí cơm, cháo, nước sôi cho người bệnh và thân nhân, với khoảng 5.000 khẩu phần/ngày.

Ngoài ra còn có sáu bếp ăn, tiệm cơm từ thiện ngoài cộng đồng, tập trung tại TP Long Xuyên và thị xã Châu Đốc cung cấp khoảng 6.000-8.000 bữa ăn miễn phí cho người thu nhập thấp.

Tương tự tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... đều có hàng chục điểm cung cấp suất ăn miễn phí. Các điểm cấp phát quy mô lớn như BV Đa khoa trung ương Cần Thơ, BV Hữu Nghị (Đồng Tháp), BV Đa khoa trung tâm Sóc Trăng… mỗi ngày cấp trên 2.000 suất ăn. Nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn này chủ yếu do các nhà hảo tâm và người dân địa phương đóng góp.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận