Vấn đề tiếp nhận những quan điểm sử học khác

PHẠM HOÀNG QUÂN 17/09/2014 12:09 GMT+7

TTCT - Le Viet-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, lịch sử và văn minh, 1955) từng được The Cambridge History of Southeast Asia (1992) đưa vào phần thư mục tham khảo.

Giáo sư Lê Thành Khôi - Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân
Giáo sư Lê Thành Khôi - Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân

Nguyên tác tiếng Pháp hai công trình sử học của giáo sư Lê Thành Khôi được xuất bản từ năm 1955 và 1982, bản dịch tiếng Việt với tên Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của dịch giả Nguyễn Nghị công phu thực hiện đã đem đến cho đa số người đọc Việt Nam một sử phẩm từ lâu chỉ thấy, chỉ nghe mà không biết. 

Nguyên tác sách này được học giới phương Tây thường xuyên trích dẫn, xem nó như một tài liệu cơ bản về lịch sử Việt Nam trong thế giới ngoại ngữ, có thể sánh nó với Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim trong thế giới Việt ngữ.

Chương tiêu biểu

GS Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội. Ông sang Pháp năm 1947 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về kinh tế học ở Paris năm 1949, lấy bằng cử nhân văn chương, hoàn thành luận án tiến sĩ về công nghệ giáo dục, tiến sĩ nhà nước về văn khoa và khoa học xã hội.

 

GS Lê Thành Khôi giảng dạy tại Đại học Paris, Viện Khoa học kinh tế và ứng dụng, Đại học Caen, Đại học Nanterre, Trường cao đẳng Thực hành. 

Từ năm 1963, ông làm cố vấn cho UNESCO, Cục Hợp tác văn hóa và kỹ thuật các nước Pháp ngữ, Trường ĐH của Liên Hiệp Quốc ở Tokyo, Chương trình UNDP. 

Năm 1971, ông được bầu làm giáo sư Đại học Paris V. Lê Thành Khôi là tác giả của 25 công trình nghiên cứu khoa học, đồng tác giả của 33 công trình đã xuất bản. 

“Sự hình thành tính cách dân tộc Việt Nam” (chương II) là một chương sách hấp dẫn và có nhiều điều đáng suy gẫm.

Vấn đề nguồn gốc dân tộc được đặt ra trong tiến trình lịch sử Việt Nam từ trước tới nay đã nhiều, nhưng đặt vấn đề tìm hiểu tính cách dân tộc được hình thành như thế nào trong sâu xa lịch sử thật sự khá hiếm, làm sao có một lập luận hay một lý giải vừa khoa học vừa hợp với tâm tư tình cảm của số đông và khái quát chúng thành đặc trưng như một tính cách thật sự là một vấn đề không dễ.

Tác giả đã giải quyết vấn đề này một cách khá thỏa đáng khi phối hợp phân tích đầy đủ các yếu tố tác động đến tính cách cộng đồng, từ hoạt động xã hội kinh tế đến sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, việc tiếp thu các tư tưởng tôn giáo, tình trạng dung hợp nòi giống, đặc trưng vùng địa lý đa dân tộc hay kể cả những trường hợp cá nhân cắt đứt quan hệ nguồn gốc xuất xứ chọn vùng đất sinh trưởng để tự lập... trong khoảng ngàn năm, từ khởi đầu đến hết thời Bắc thuộc.

Tuy không xác quyết nội hàm như một định nghĩa, nhưng xuyên suốt toàn chương, người đọc sẽ thấy tác giả gợi nhiều điểm nhấn khẳng định đây là một dân tộc mang tinh thần độc lập, và tinh thần độc lập này cũng là, cũng trở thành tính cách dân tộc. 

Kết luận cho tiểu mục 1 “Sự du nhập các thiết chế Trung Hoa”, tác giả viết: “Ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam như vậy tương tự như ảnh hưởng của Roma trên xứ Guale, nhưng không nên quên rằng mảnh đất này đã được nền văn hóa cổ từ thời các vua Hùng chuẩn bị trước. Cuộc nổi dậy của Hai Bà, khúc dạo đầu cho nhiều cuộc nổi dậy khác, biểu lộ ý chí dân tộc này muốn làm chủ vận mệnh của mình, bất chấp mọi thử thách. Mặc dù mang dấu ấn của Trung Quốc, Việt Nam vẫn luôn giữ được ngôn ngữ và bản sắc văn hóa của mình” (tr.106).

Giữ được ngôn ngữ và bản sắc văn hóa là tiền đề của một dân tộc độc lập, việc sau ngàn năm bị đô hộ mà vẫn duy trì được cá tính dân tộc, GS Lê Thành Khôi giải thích bằng hai nguyên nhân: sự tồn tại của một cơ sở kinh tế là châu thổ sông Hồng và cơ cấu của các cộng đồng làng xã:

Cắm rễ sâu trong đất vào buổi bình minh của lịch sử, làng xã Việt Nam ở đằng sau lũy tre, được quân xâm lược để yên không đụng đến, là nơi cố thủ vô danh và vô hình của tinh thần dân tộc càng ngày càng cô đặc. Chính trong cái chân trời đơn điệu và trong cái đồng điệu màu xanh mướt của những thửa ruộng lúa mà dân tộc, vào những khoảnh khắc khủng hoảng, đã khép mình lại và thu gom lực lượng cho những khởi đầu mới” (tr.138).

Đây là một chương khá đặc biệt, vốn không chỉ dành cho giới nghiên cứu người Việt, mà GS Lê Thành Khôi còn muốn làm sáng rõ với các tác giả châu Âu rằng họ đã hiểu sai khi cho rằng Việt Nam chỉ vay mượn Trung Quốc các thể chế và văn tự chính thức hay nhìn nhận quyền tôn chủ của Trung Quốc. 

Le Viet-Nam, Histoire et Civilisation bản in năm 1955, NXB Minuit, Paris
Le Viet-Nam, Histoire et Civilisation bản in năm 1955, NXB Minuit, Paris

Những kiến giải thâm trầm và độc đáo

Trong suốt quyển sách, ở mỗi chương đều có nhiều kiến giải độc đáo và thâm trầm sau khi trình bày tư liệu hay dẫn dụng kết quả nghiên cứu của tác giả khác hoặc phản biện trên tinh thần khoa học triệt để, tỉ như khi nhận định về chính sách thương mại triều Nguyễn, tác giả cho là: “Quả là sai lầm khi nghĩ rằng nhà Nguyễn không thấy được những ích lợi họ có thể rút ra từ việc tiếp nhận các kỹ thuật của phương Tây. Tiếc thay, việc tiếp nhận này lại chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự (hiện đại hóa quân đội, làm tàu bè và xây thành kiểu châu Âu) nhằm củng cố quyền hành, trong khi chính khoa học và kỹ thuật sản xuất mới góp phần tạo nên tương lai, tiến bộ của dân tộc” (tr.430). 

Tính khoa học của công trình mà độc giả bình thường cũng có thể nhận thấy là sự thiết lập các phụ lục ở cuối sách, gồm 1) Bảng niên biểu lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến 1954), 2) Bảng các đơn vị đo lường và tiền tệ, 3) Thư mục tham khảo, 4) Thư mục tổng quát, 

5) Bản đồ Việt Nam vào các thời điểm tiêu biểu. Các phụ lục này là chỗ cần phải dừng lại để xem sự khác biệt của chúng so với phần lớn hay hầu hết các sách sử Việt Nam do các sử gia trong nước biên soạn.

“Bảng niên biểu lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến 1954)” được trình bày đối chiếu ba lĩnh vực: lịch sử chính trị, lịch sử văn minh và sự kiện lớn các nước, được thiết lập công phu, cho một cái nhìn cục diện rộng lớn xuyên suốt.

“Bảng các đơn vị đo lường và tiền tệ” lại cho thấy sự tỉ mỉ cần thiết, nếu không muốn nói là quan trọng, đây cũng có thể nói là khoa học cơ bản mà các sử phẩm phương Tây nói chung đặt mối quan tâm đặc biệt, và cũng là sự thờ ơ của đa số sử quan và sử gia trong nước.

“Thư mục tham khảo” với ba tiểu mục “Việc định hướng thư mục”, “Nguồn tư liệu của Việt Nam”, “Nguồn tư liệu nước ngoài” mang tính chất đánh giá tổng quan tình hình sử liệu, trước khi trình bày “Thư mục tổng quát”.

Phần “Bản đồ Việt Nam vào các thời điểm tiêu biểu” với 16 bức qua các thời kỳ, tuy trình bày đại cương nhưng đã cho một cái nhìn toàn cảnh, nhanh và sinh động quá trình hình thành, mở mang cương vực quốc gia. 

Những ưu - khuyết điểm nổi bật

Dựa vào tư liệu ghi chép của các tác giả phương Tây và các công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực của các tác giả phương Tây là đặc điểm nổi bật và cũng là ưu thế của sử phẩm Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ xx. Tuy nhiên, việc căn cứ trên nền tư liệu phương Tây nói chung cũng có ưu điểm và khuyết điểm của nó. 

Các thống kê, hệ thống hóa và sự tinh tế trong việc phân tích về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của các tác giả phương Tây được tác giả rút tỉa phần tinh túy, qua đây, bằng những chú giải nguồn gốc tài liệu cẩn thận, sẽ gợi mở rất nhiều cho những nghiên cứu về sau.

Về sử chuyên đề, rõ ràng tác giả có lợi thế và rất công phu trong việc thâu thập các kết quả, tỉ như để tìm hiểu về nền nông nghiệp của vương quốc Âu Lạc, ngoài những kết quả khảo cổ tại Việt Nam, tác giả đã liên hệ mở rộng vấn đề, tham khảo công trình của N. L. Swan về tình hình “Thực phẩm và tiền tại Trung Quốc xưa” (1950), hay của A.G. Haudricourt về “Con người và cái cày trong thế giới” (1955), việc tìm hiểu kinh tế nông nghiệp cổ đại ở một vùng đất nhỏ bé, bởi vậy, được gắn kết với một không gian rộng lớn, và sự hình thành của nó được định vị một cách khá chân thực; trong giai đoạn cận đại lại rất quan trọng, bởi các tác giả bên ngoài phân tích vấn đề/sự kiện lịch sử với tầm khái quát cao, nhờ liên kết các thông tin đa quốc gia, đa chiều và quan trọng hơn hết là tác giả đã không bị trói buộc bởi cảm tính khi tuyển chọn các nguồn tư liệu này.

Việc trích lục và hiểu theo cách hiểu của các học giả phương Tây về các sử liệu Trung Hoa có thể tiện lợi cho tác giả, nhưng đối với dịch giả lại là một khó khăn. Có nhiều đoạn văn trích lục sử liệu vốn đã một lần chuyển ngữ từ Hán sang Pháp, đến lượt dịch giả phải chuyển đoạn văn/sử liệu ấy từ Pháp sang Việt.

Trong công việc này, giải pháp “hoàn nguyên” cho mẩu sử liệu hết sức cần thiết, việc truy tìm ngay mẩu sử liệu gốc Hán để đối chiếu giúp hạn chế hoặc khắc phục các sai sót, thậm chí còn có thể điều chỉnh cách hiểu không thích hợp trong bản văn dịch sang tiếng Pháp.

Thí dụ, tư liệu sử cổ đại từ Sử ký của Tư Mã Thiên qua bản dịch của Maspero, hay tư liệu lịch sử văn hóa, dân tộc học từ Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm (Ma Duanlin) qua bản dịch Pháp văn của D’Hervey Saint-Denis. Những lỗ chỗ trong tên phiên âm ở nhiều đoạn văn hai lần dịch này khiến bản dịch rất hay vướng những hạt sạn nho nhỏ. 

Vấn đề tưởng chừng ngoài sách

Trở lại vấn đề tiếp nhận những quan điểm sử học hay việc có nên chấp nhận hay không đối với các phương pháp luận sử học khác với lối mòn mấy mươi năm qua.

Trong khi hiện nay phần lớn sách lịch sử Việt Nam giai đoạn cổ trung đại (từ khởi thủy đến năm 1858) thuộc loại giáo trình vẫn bám sát theo tiến trình phát triển của các hình thái kinh tế xã hội từ công xã nguyên thủy qua phương thức sản xuất châu Á hay chế độ phong kiến, bản dịch tiếng Việt Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ xx có thể là bước khởi đầu khả quan cho môi trường học thuật nói chung và biên soạn hay nghiên cứu lịch sử nói riêng.

Qua dịch phẩm này, như một dấu hiệu khả quan, độc giả có thể chờ đón sự xuất hiện nhiều hơn những công trình biên soạn, nghiên cứu lịch sử Việt Nam, lịch sử Đông Nam Á dày dặn và chuyên sâu khác, như The Birth of Viet Nam (1983) của K.W.Taylor, The Ancient History of Việt-Nam (1976) của Nguyễn Phương hay The Cambridge History of Southeast Asia (Lịch sử Đông Nam Á do Đại học Cambridge soạn, Nicholas Tarling biên tập, 1992). 

Văn sử đề huề

Những vấn đề tưởng chừng hết sức khô khan trong lịch sử vốn đã khô khan như đất đai, khí hậu, tiêu thổ kháng chiến... được tưới mát bởi ngòi bút tài hoa, sang trọng và lão luyện, chúng chợt ẩn hiện không chỉ để đuổi đi cơn buồn ngủ mà còn để thấy rằng lịch sử không chỉ là mảnh đất được khai quật lăn lóc những mưu toan chính trị, là những trang giấy đầy rẫy những con số ngày tháng năm, thu bao nhiêu thuế, xuất nhập khẩu nhiều ít, số tiền gạo lương bổng của quan lại trong một thời xa xưa, hay bao nhiêu quân đã chết trong trận ấy năm ấy.

Nhận định về sự thành công của Việt Nam dân chủ cộng hòa, tác giả cho rằng chế độ này đã “dựa trên một học thuyết và một tổ chức thích ứng với các điều kiện của đất nước cùng tính chất của cuộc chiến”.

Đứng ngoài những biến cố chính trị, như một người dân Việt theo đuổi sự nghiệp khoa học ở trời Tây, quan sát của ông thấm đượm trong tình cảm quê hương và niềm mong mỏi một nền độc lập cho đất nước và hi vọng cuộc thái bình phát triển dài lâu của dân tộc: “Việt Nam dân chủ cộng hòa thâm nhập vào chiều sâu đất nước, đất nước của làng mạc và ruộng đồng, những mắt lưới được dệt dần từ biên giới Trung Quốc tới mũi Cà Mau đã tạo nên nước Việt Nam lịch sử. Không thấy được nhưng vẫn có mặt, bám vào núi và sông ngòi, hòa với cảnh quan, trộn lẫn với đất và bùn, không ngừng được khuấy động, nhào nặn trong nỗ lực từ nghìn năm để những bó lúa đầy sức sống triển nở hai mùa vụ một năm. Chính sự gắn kết với đất đai và sự trỗi dậy của dân tộc từ khắp nơi giúp họ có được sự đảm bảo của một tương lai lâu dài”.

Tinh thần khoa học, tình tự dân tộc và tính nhân bản như hòa quyện cùng tài nghệ trong sử phẩm này.

Một sơ suất thuộc trách nhiệm của Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế Giới không thể không nhắc đến, cũng nhằm góp ý cho công tác biên tập nói chung.

Khâu kỹ thuật đã gắn những bản đồ Việt Nam thu nhỏ (có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) vào một góc các bản đồ được vẽ với mục đích nghiên cứu tổng quan của Gs Lê Thành Khôi. Một sự gượng ép về tư duy thẩm mỹ và cả ý thức chính trị.

Trong bản đồ với mục đích nghiên cứu học thuật, thông thường và cẩn thận, người ta chỉ cần phàm lệ bằng câu đại khái “các bản đồ trong sách này không biểu thị biên giới hành chính quốc gia”.

Đằng này, ban biên tập nhà xuất bản đem những bản đồ Việt Nam thu nhỏ gắn vào cả những chỗ không cần gắn, như bản đồ “Đông Nam Á thế kỷ XIII-XIV” (tr.211) và bản đồ “Nam Á vào khoảng năm 750” (số 6 - trong phụ lục cuối sách), ngược lại bản đồ cần gắn nhất trong tất cả các bản đồ là bức “Vương quốc của vua Minh Mạng” (tr.429) lại bị bỏ sót. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận