Đọc sách của GS Lê Thành Khôi: “Không bị gò bó, không cực đoan hóa”

HÀ HƯƠNG 18/09/2014 17:09 GMT+7

TTCT - “Cuốn sách Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX thể hiện một phương pháp nghiên cứu đa ngành, khoa học, khách quan và tiến bộ”. PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, người hiệu đính cuốn sách này chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ - Ảnh: Hà Hương
PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ - Ảnh: Hà Hương

PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, người hiệu đính cuốn sách Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của giáo sư Lê Thành Khôi, chia sẻ với TTCT khi ấn bản tiếng Việt lần đầu tiên được phát hành tại Việt Nam (*)

PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ nói: “Cần nhớ rằng một phần của cuốn sách được viết vào đầu những năm 1950, tức là cách đây hơn nửa thế kỷ”. 

Tôi được biết năm 2013, khi GS Lê Thành Khôi được trao giải thưởng Phan Châu Trinh, đã có nhiều người đề cập đến việc dịch các công trình của ông ra tiếng Việt. Lê Thành Khôi là một học giả nổi tiếng ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì ít người biết đến.

Anh Nguyễn Nghị, một dịch giả khá nổi tiếng, từ nhiều năm nay đã dịch thô bản này. Nhưng Nguyễn Nghị không phải chuyên ngành sử, có nhiều chỗ cần phải hiệu đính vì liên quan đến khảo cổ học, văn chương, văn hóa, lịch sử... 

Tôi nhận hiệu đính vì đây là quyển sách có ảnh hưởng đến tôi trong những ngày đầu học tại khoa sử khóa 1 của ĐH Tổng hợp Hà Nội. Cuốn bằng tiếng Pháp Le Viêt-Nam Histoire et Civilisation bấy giờ rất nổi tiếng.

Khi viết quyển này, GS Lê Thành Khôi mới gần 30 tuổi, văn phong có sự lãng mạn của một người trẻ tuổi. 

Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, gồm cuốn sách Histoire du Viet-Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến năm 1858, xuất bản năm 1982) và mục V (chương VII) và chương IX cuốn Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và văn minh, xuất bản năm 1955). 

Sau hơn nửa thế kỷ tiếp cận lại công trình của GS Lê Thành Khôi, ông đánh giá như thế nào về công trình vừa mới được chuyển dịch này?

- GS Lê Thành Khôi là một nhà văn hóa đa ngành, liên ngành. Tiếp cận liên ngành là cách tiếp cận hiện đại mà hiện giờ nhiều người đang áp dụng, tức là phải đặt vấn đề trong một tổng thể nhiều mặt liên quan: sử học, kinh tế, văn hóa, khảo cổ, dân tộc học...

Ông có vốn kiến thức đa ngành, kinh tế, giáo dục, phát triển... vì bản thân ông từng là chuyên viên của UNESCO và UNDP. 

Lê Thành Khôi sang Pháp từ lúc 24 tuổi và sống ở đó đến bây giờ. Ông nhiệt tình với Việt Nam, yêu Việt Nam bằng lòng yêu nước chân chính. Giữa thế kỷ XIX, trên thế giới nói chung mà đặc biệt là Pháp, phái tả rất nổi. Họ mơ ước một xã hội mới. Lê Thành Khôi cũng là một trong những người như thế, ông đứng về phe tả. Ông là một học giả, như nhiều người nói là cầu nối giữa Đông và Tây.

Lê Thành Khôi viết theo kiểu chủ nghĩa thực chứng, tức là phải dựa trên tư liệu có thật. Cho nên ở đây kênh dẫn chứng, tài liệu rất đầy đủ, đặc biệt là nguồn tư liệu từ Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. 

Thứ hai, GS Lê Thành Khôi theo quan điểm tư duy phức hợp. Trong cuốn sách này, Lê Thành Khôi phân tích có tình, có lý. Tôi nói Lê Thành Khôi là thân Việt Nam, thân cộng sản, nhưng ông không viết theo kiểu một chiều... 

Thứ ba, Lê Thành Khôi có một lý thuyết hệ thống, tức là xét trong toàn cảnh những hệ thống lớn, hệ thống nhỏ và trong đó có những thành tố tác động qua lại với nhau. Lê Thành Khôi nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ thượng tầng, hạ tầng, từ kinh tế, chính trị, văn hóa... đều có mối liên quan đến nhau.

Hơn nữa, ông còn đặt trong mối quan hệ so sánh với Đông Nam Á, Trung Quốc, khu vực và thế giới. Cái mới của Lê Thành Khôi chính là sự tiếp cận hệ thống, tiếp cận đa ngành, liên ngành.

Người khắt khe sẽ cho rằng quyển sách này đọc có những đoạn phóng ra vì ông viết say sưa như nhà văn, không thật cô đọng như sử, lại còn dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ.

Sự thật, bấy giờ văn sử bất phân, người ta dùng nhiều hình tượng để nói về lịch sử. Và điều đó kích thích người đọc, chứ một quyển sách sử khô cứng khiến người đọc chán. Chính điều này khiến quyển sách là cổ nhưng lại mới. 

Từ những quan điểm của GS Lê Thành Khôi, theo ông, cha ông ta đã đặt ra vấn đề “thoát Hán”, “thoát Trung”, giữ độc lập tự chủ như thế nào?

- Một mặt Lê Thành Khôi nhìn nhận ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam và khẳng định ảnh hưởng đó sâu đậm. Mặt khác ông công nhận tinh thần dân tộc chống lại sự áp chế. Hai cái đó không mâu thuẫn.

Việt Nam là sự tổng hợp, hỗn dung của hai bên văn hóa Trung Quốc và Champa. Đó là sự kết hợp giữa yếu tố bản địa - Lê Thành Khôi gọi từ Phú Thọ đến Quảng Trị - với ảnh hưởng từ Trung Quốc xuống, Champa lên, tạo nên căn cước văn hóa của dân tộc chúng ta. 

Tôi lấy làm lạ là bây giờ vẫn bàn “thoát Trung” hay không. Chuyện Trung Quốc ảnh hưởng Việt Nam là chuyện rất bình thường. Ví dụ nói về Hi Lạp - La Mã, có ai ở phương Tây chối cãi sự ảnh hưởng của đế chế này đâu.

Chúng ta có hai lần đốt sách, một lần đốt sách chữ Tây, lần hai đốt sách chữ Trung Quốc, chữ Hán, cả hai lần đều rất ấu trĩ, phá hoại văn hóa không kém gì nhau. Vấn đề của chúng ta là có dám vượt thoát chính mình, bỏ qua cái cũ, tự lột xác mình không. 

(*): Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, Nhã Nam & Nhà xuất bản Thế Giới, 2014.

 Tôi có nghe những tranh luận quanh cuốn sách là không cập nhật. Những lời phê phán này, tôi cho là nó trượt. Đứng về mặt chi tiết, quyển này là thông sử. Độc giả bình thường thấy hay nhưng đối với các nhà chuyên môn, độ sâu của nó không bằng các chuyên khảo. 

Nhưng nó hay ở chỗ là cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh chứ không phải đưa ra những điều hàn lâm, những luận điệu, những chi tiết thật mới. Giá trị của cuốn sách là ở góc nhìn, ở tình cảm, kết hợp giữa văn và sử, lòng yêu nước trên một sự thật khách quan.  

Tôi đánh giá cao cuốn này ở phương pháp, không bị gò bó theo khuôn khổ nào, cũng không bị cực đoan hóa. Đó là một ví dụ tốt cho sử học ngày nay. Tôi cho rằng không phải độc giả Việt Nam không biết những hạn chế của cuốn sách.

(PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ)

.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận