Sinh mạng cuối cùng thuộc về ngọn núi

LÂM LÊ 01/10/2015 22:10 GMT+7

TTCT - Cứ bốn người leo lên đỉnh ngọn Everest thành công thì có một người nằm lại vĩnh viễn ở đó, một tỉ lệ khiến người ta phải rùng mình, thế nhưng tại sao người ta cứ đâm đầu vào chỗ chết?

Everest quy tụ một dàn diễn viên hạng A -indiaexpress.com
Everest quy tụ một dàn diễn viên hạng A -indiaexpress.com

Kể từ khi con người khát khao chinh phục đỉnh của ngọn núi Everest cao 8.848m, nóc nhà của thế giới, trong số hơn 1.000 người chạm đỉnh thì có hơn 250 nhà leo núi đã chết trong quan tài băng tuyết.

Cuốn hồi ký xuất sắc và những tranh cãi

Ngày 7-6-1922, có bảy nhà thám hiểm của đội British Mount Everest Expedition nằm lại trên Everest dù chưa lên tới đỉnh, và rải rác cho tới năm 1932, nhiều nhà leo núi chuyên nghiệp nhất thế giới vẫn phải bỏ mạng và chưa chạm tới được giấc mơ chạm tay vào cái mẩu bé xíu bằng ngón tay trên đỉnh cao 8.848m.

Người ta tạm từ bỏ giấc mơ Everest cho đến năm 1952 khi có người đầu tiên leo lên đỉnh thành công và trở về. Từ đó, giấc mơ Everest luôn là thỏi nam châm đối với những tay leo núi kỳ cựu nhất. Sau khi lập kỷ lục leo lên đến đỉnh, người ta còn lập kỷ lục khác là leo lên đến đỉnh mà không cần bình oxy, rồi không chỉ leo lên đỉnh một lần mà nhiều lần.

Đó cũng là lý do khiến người ta nảy ra ý định thương mại hóa việc chinh phục Everest, dẫn đến thảm họa ngày 11-5-1996 làm chết tám nhà leo núi chuyên nghiệp trong một ngày và là “kỷ lục” thảm họa tồi tệ nhất mãi cho đến ngày 18-4-2014 bị phá vỡ bởi cái chết của 16 Sherpas (những người Nepal sống bằng nghề khuân vác và dẫn đường cho những người leo núi lên đỉnh) sau một trận lở tuyết ở Base Camp, và tiếp theo là ngày 25-4-2015 giết chết 19 người sau trận lở tuyết do động đất 7,8 độ (giết chết tổng cộng 9.000 người ở Nepal).

Tháng 4 và tháng 5 trở thành mùa leo núi Everest đẹp nhất và cũng là mùa cúng giỗ các nhà leo núi nhiều nhất.

Dù vậy, ngày 11-5-1996 vẫn là thảm kịch khiến người ta nhắc đến nhiều nhất, bởi đơn giản nó được một nhà viết ký sự xuất sắc hàng đầu thế giới - Jon Krakauer - kể lại trong cuốn hồi ký best-seller toàn cầu Into thin air (bản dịch tiếng Việt là Tan biến) và trở thành đề tài tranh cãi suốt một thời gian dài trên truyền thông Mỹ.

Jon Krakauer là người sống sót trở về từ thảm kịch đó, và những chất liệu sống động, hào hùng, bi thảm cùng những mặt tối của những kẻ leo núi được mô tả lại trong cuốn hồi ký nói trên.

Vốn là một nhà leo núi bán chuyên nghiệp, Jon được tạp chí Outside cử đi theo đoàn thám hiểm của nhóm The Adventure Consultants do Rob Hall dẫn đầu để viết bài ký sự 5.000 từ đăng báo. Và mục tiêu ban đầu của Jon là chỉ cần đặt chân đến Base Camp (trại chính, ở độ cao hơn 5.000m). Nhưng không ngờ bài ký sự cuối cùng lên tới 16.000 từ đăng báo và chưa hết, sau đó trở thành một cuốn ký sự bán chạy toàn thế giới, được tạp chí Time bình chọn là Book of the year và đoạt được rất nhiều giải thưởng khác.

“Everest luôn luôn là thỏi nam châm đối với những kẻ lập dị, những kẻ đi tìm kiếm sự vĩ đại, những kẻ lãng mạn vô vọng hay những kẻ không bám được vào hiện thực”.

Cuốn hồi ký của Jon ngoài việc truyền cảm hứng mạnh mẽ cho bạn đọc, giúp họ được chứng kiến những trải nghiệm sinh động nhất về tinh thần quả cảm, lòng hào hiệp của những người leo núi Everest, còn cho thấy những khía cạnh tiêu cực trong việc thương mại hóa việc leo núi Everest, sự ô nhiễm môi trường trầm trọng do những người leo núi bỏ lại bình oxy rỗng và rác thải trên đỉnh núi.

Tuy nhiên, cuốn sách của Jon gây tranh cãi nhiều nhất chính là mô tả nhà leo núi chuyên nghiệp người Nga Anatoli Boukreev, người dẫn đường trong đội Mountain Madness, cũng là nhà leo núi đầu tiên lên đến đỉnh Everest vào lúc 1g chiều ngày 11-5-1996 và trở về. Trong cuốn sách của mình, Jon cáo buộc Anatoli đã trở về an toàn một mình, bỏ mặc những khách hàng của mình trong cơn bão tuyết.

Trước chỉ trích của dư luận, Anatoli Boukreev sau đó đã viết một cuốn sách - The climb (viết cùng Gary Weston DeWalt), trong đó ông thuật lại một mặt khác của câu chuyện leo núi năm đó, và chính ông là người cứu được nhiều nhà leo núi nhất cũng như đặt lại câu hỏi với Jon Krakauer về việc tại sao những người chết trong mùa leo núi năm đó đều thuộc về đội The Adventure Consultants của Rob Hall mà Jon Krakauer là thành viên chứ không phải đội Mountain Madness của ông?

Trên thực tế, Anatoli là một trong những nhà leo núi vĩ đại nhất và trong khoảng thời gian tám năm từ 1989 - 1997, ông đã 18 lần leo thành công lên đỉnh những ngọn núi cao trên 8.000m mà không cần bình oxy. Tuy nhiên, chỉ một năm sau thảm họa Everest năm 1996, Anatoli lại tử nạn trong trận lở tuyết vào mùa đông năm 1997 ở đỉnh Annapurna cũng tại Nepal.

Có lẽ do những tranh cãi và tính xác thực của chi tiết cũng như góc nhìn mang tính chủ quan của Jon Krakauer, bộ phim Everest của đạo diễn Baltasar Kormákur do hai nhà biên kịch William Nicholson và Simon Beaufoy dựa theo những sự kiện có thật trong thảm kịch này, chứ không phải dựa vào cuốn hồi ký của Jon Krakauer. Và trong bộ phim, Jon Krakauer xuất hiện như một nhân vật phụ và khá mờ nhạt, do nam diễn viên Michael Kelly đóng.

Thỏi nam châm

Bộ phim Everest do đạo diễn người Iceland Baltasar Kormákur dàn dựng với phiên bản 3D và có một dàn sao hạng A diễn xuất. Everest được quay trong khoảng ba tháng từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, trải dài ở nhiều địa danh, từ thủ đô Kathmandu, trại Base Camp phía nam của ngọn Everest đến nhiều địa điểm trên dãy Alps ở Ý và cuối cùng là trường quay ở Anh.

Có lẽ nhờ thế mà phiên bản điện ảnh Everest, đặc biệt với màn hình IMAX, gây ấn tượng mạnh mẽ về mặt thị giác.

Nhiều cảnh hồi hộp đến nghẹt thở trong Everest-Wallpaper
Nhiều cảnh hồi hộp đến nghẹt thở trong Everest-Wallpaper

Nếu những trang sách sống động của Jon Krakauer khiến người đọc run rẩy khi tưởng tượng về hành trình của những nhà leo núi, thì những hình ảnh trong bộ phim của Baltasar Kormákur giúp người xem hồi hộp và căng thẳng như người trong cuộc. Những góc máy xuất sắc, đặc biệt là cảnh quay từ dưới lên hình ảnh một nhà leo núi đang run rẩy từng bước trên chiếc thang sắt mỏng manh bắc qua từ đỉnh hai ngọn núi tuyết trắng xóa.

Hay ở một cảnh khác, góc quay cận ghi lại hình ảnh của những nhà leo núi bị tuyết chôn lấp nằm bên bờ vực thì góc quay toàn lại biến những nhà leo núi như những chú kiến tí hon đang chinh phục cả đỉnh núi tuyết đồ sộ - một hình ảnh tương phản gây choáng ngợp.

Nếu những hiệu ứng về mặt thị giác giúp bộ phim ghi điểm thì về mặt xây dựng nhân vật, do quá nhiều nhân vật trong thời lượng chỉ hai tiếng đồng hồ, đạo diễn khó mà mô tả những nhà leo núi đặc sắc như cách Jon Krakauer viết về họ trong cuốn hồi ký. Và cũng vì thế, bộ phim không tạo được cảm xúc mãnh liệt như cuốn sách đã từng, khi người đọc phải chứng kiến từng cái chết của những nhà leo núi quả cảm trong cố gắng và nỗ lực tuyệt vọng.

Câu hỏi được đặt ra từ đầu bài viết, tại sao tỉ lệ sống chết ở Everest quá mong manh mà người ta vẫn không ngừng đâm đầu vào chỗ chết? Nói như Jon Krakauer đã lý giải phần nào: “Everest luôn luôn là thỏi nam châm đối với những kẻ lập dị, những kẻ đi tìm kiếm sự vĩ đại, những kẻ lãng mạn vô vọng hay những kẻ không bám được vào hiện thực”.

Còn trong bộ phim Everest, đạo diễn Baltasar Kormákur cũng mang đến một câu trả lời khi các nhà leo núi được hỏi về việc tại sao họ lại khát khao chinh phục Everest đến vậy. Như Yasuko Namba (Naoko Mori đóng), một nữ doanh nhân người Nhật, ở tuổi 47 và nặng chỉ 43kg, đã chinh phục thành công sáu đỉnh núi cao nhất thế giới nên bằng mọi giá bà phải đặt chân lên đỉnh Everest để hoàn thành ước nguyện “Thất đỉnh” (Seven Summits) và trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất đầu tiên chinh phục trọn vẹn “Thất đỉnh”.

Như Beck Weathers (Josh Brolin đóng), một bác sĩ ở Texas, có một gia đình hạnh phúc với người vợ xinh đẹp và hai đứa con ngoan, vẫn luôn có cảm giác có một đám mây đè nặng trên đầu, rơi vào trầm cảm, cho đến khi đặt chân lên Everest và “có cảm giác như được tái sinh”.

Hay như Doug Hanse (John Hawkes đóng), một người đưa thư mơ ước cả đời được đặt chân lên đỉnh Everest, sau một lần thất bại khi đã gần lên đến đỉnh, Doug vẫn không từ bỏ giấc mơ và nhờ sự quyên góp của một nhóm học sinh, anh quyết định chinh phục một lần nữa “chỉ để truyền cảm hứng cho đám trẻ và chứng minh cho chúng thấy rằng anh có thể làm được điều mà người ta cho rằng không thể”…

Tuy nhiên, mỗi khi đã đặt chân lên Everest, nỗ lực để chinh phục nóc nhà của thế giới đối với Yasuko Namba, Beck, Doug và những nhà leo núi kỳ cựu khác như Rob Hall, Scott Fischer không còn là cuộc chiến của chính họ nữa, bởi “sinh mạng, cuối cùng thuộc về ngọn núi”!

Nếu những trang sách sống động của Jon Krakauer khiến người đọc run rẩy khi tưởng tượng về hành trình của những nhà leo núi thì những hình ảnh trong bộ phim của Baltasar Kormákur giúp người xem hồi hộp và căng thẳng như người trong cuộc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận