Chuyện đạo văn và tác quyền

TRẦN HUIỀN ÂN 13/01/2016 19:01 GMT+7

TTCT - Ngày xưa, chuyện đạo văn ít nghe nói, chuyện tác quyền cũng vậy. Đâu có báo để đăng thơ! Mấy người có tác phẩm được khắc in! Hầu hết là những bản viết tay rồi chuyền nhau chép lại, tam sao thất bổn sự thường. Độc giả cứ tự hiểu theo cảm nghĩ của mình.

Minh họa: Phương Hoa
Minh họa: Phương Hoa

 Trước năm 1954, chúng tôi chuyền nhau Bài ca lưu biệt của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Kẻ nói: Non Côn Lãnh, nước Lư Hà. Giang sơn đó vẫn chờ ta thêu dệt. Người nói: Này núi Ấn, nọ sông Đà (hoặc sông Trà). Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt. Không cãi nhau, vì đâu có bản gốc làm căn cứ. Côn Lãnh, Lư Hà, hay núi Ấn, sông Đà, sông Trà, non sông hay giang sơn... đều để tỏ chí lớn của Mính Viên tiên sinh: chờ ta thêu dệt.

Sau năm 1954, tư liệu thơ văn tiền chiến của Trung học tư thục Tân Phương Gia Định, của Nhà xuất bản Hoa Tiên... phổ biến quá hạn chế, các số báo Văn đặc biệt cũng không nhiều, chúng tôi lại chép tay chuyền nhau những Màu tím hoa sim, Nhà tôi, Trường tình...

Bài Hồ trường, người này đọc xé gan, bẻ cật, người kia nói trên Nam Phong in là xé gan, bẻ cột, theo điển tích ngày xưa có vị trung thần bị vua tuyên án tử hình, khi đao phủ kéo đi chém nhất định ôm lấy cây cột triều đình kêu oan đến nỗi gãy cột, vua thấy vậy cho thẩm tra lại, kết quả vô tội.

Kẻ trượng phu xé gan để tỏ lòng trung, cũng phải biết bẻ cột khi bị xử sai, chứ không nên cúi đầu cam chịu. Nói là nói vậy, nhưng với đa số thì cậtcột đều có nghĩa, và âm thanh mạnh mẽ, đọc lên gần giống nhau, quan trọng là chuyện Trời Nam mù mịt... gió chạy cát bay... trong cõi mang mang này ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

Người xưa, khi viết ra rồi, coi như đó là của chung thiên hạ. Thích một câu của bằng hữu, có thể đưa vào bài của mình. Kẻ hậu sinh đối với tiền bối cũng vậy. Chữ Nôm đâu có cái ngoặc kép, cái hoa thị để đánh dấu, ghi chú. Không ai nói hoa đào năm ngoái còn cười gió đông là đạo văn.

Đến thời quốc ngữ, đọc Đêm mưa đất khách, thấy hai câu Thời lai đồ điếu thành công dị. Vận khứ anh hùng ẩn hận đa, không ai nói Nguyễn Bính đạo văn Đặng Dung. Trên báo Tuổi Trẻ trang tưởng niệm GS Hoàng Như Mai, trong một bài thơ của cụ có câu Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy, không ai nói cụ đạo văn TchyA.

Tôi cũng có lần sợ dính đạn đạo văn. Hôm làm bài Một thời Xuân Thu, trong khung cảnh ấy chợt nhớ Sóng hồ Ba Bể của Đinh Hùng, có câu: Hữu tình áp má bông lau. Chợt nghe con sóc trên đầu mưa hoa. Chuyện con sóc... mưa hoa thì không có gì, nhưng lúc ấy tôi thật xúc động với hữu tình áp má bông lau, không thể viết khác hơn nên đưa ngay câu thơ vào, ghi chú “thơ Đinh Hùng”.

Một hôm trời mưa, buồn quá, sách cũng không muốn đọc, tìm tờ báo cũ để xem hình ảnh cho qua buổi, gặp tờ Nghệ Thuật có bài Trời mưa đêm xa nhà của Tô Thùy Yên, tâm trạng thật giống mình, tôi viết Những cơn mưa, dùng hai câu cuối của Tô thi sĩ làm hai câu cuối của tôi: Lật tờ báo cũ xem hình. Gặp bài thơ hợp ý tình, cũng hay. “Làm gì đây để giải khuây. Ngắm tay mới biết mình gầy hơn xưa”. Cũng cho cái hoa thị: thơ Tô Thùy Yên.

Năm 1985, gặp cụ Lưu Trọng Lư, tôi nói với cụ: “Theo ý cháu, bài Giang hồ của bác là một trong số bài thơ Việt Nam hay nhất”. Trong bài có câu: Đêm ấy rượu nàng ta không uống. Từ sau thề không uống rượu ai... Sau tôi cũng gặp cảnh tương tự, và không thể khác, đành viết: Ta đã thề không uống rượu ai. Đêm nay rượu người lại uống. Có ghi “Theo ý thơ Lưu Trọng Lư”, nhưng bị vị biên tập xóa đi, nói: “Theo ý... thì không phải chú thích”. Chuyện này dễ bị các vị Lưu Trọng... hàng hậu duệ “cho một bài học”.

Tôi có nhận mấy lần thư đề nghị đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Nghe đăng ký đã ngại, không biết có lệ phí hay không nữa, thủ tục này nọ, thêm ngại, đành im lặng. Với tôi, tác quyền không quan trọng lắm. Tranh chấp lùm xùm, đòi bồi thường... cũng chẳng tới đâu.

Một lần tôi đi photocopy mấy quyển sách (của tôi), khi nhận lại, người chủ tiệm nói: “Có vài người thích, muốn photo cho họ một bản mà tôi không dám”. Tôi trả lời: “Không sao cả! Tôi không có sách tặng, không có sách bán, ai đó muốn photo coi như giúp phổ biến rộng rãi thêm, cũng tốt vậy”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận