Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, tham vọng đặt sai chỗ

NGUYỄN VẠN PHÚ 15/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Trong báo cáo tổng kết năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục - đào tạo đã đề ra một nhiệm vụ đầy tham vọng: “Tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam”.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Có lẽ đã có một sự nhầm lẫn đâu đó chứ nhiệm vụ này, ghi như thế, là một nhiệm vụ bất khả thi.

Tất cả đã khác xưa

Bởi tiếng Anh chỉ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong một số trường hợp đặc biệt. Ví dụ với người nhập cư hay du học sinh, tiếng mẹ đẻ là tiếng Thái, tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha... đến nước Mỹ để học tiếng Anh - lúc đó tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai đối với họ.

Tức một người học tiếng Anh trong môi trường tiếng Anh được sử dụng rộng rãi bên ngoài lớp học thì tiếng Anh mới được xem là ngôn ngữ thứ hai.

Cũng vậy, chỉ ở những nước như Ấn Độ, Singapore, Philippines... nơi tiếng Anh được dùng trong giảng dạy, trong tòa án, trong công sở, trong kinh doanh... thì nó mới được xem là ngôn ngữ thứ hai.

Cứ tạm thời bỏ qua việc chưa phân biệt được ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, việc Bộ GD-ĐT dành một phần khá nhiều trong báo cáo để bàn về việc “Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo” là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Nhưng các nhiệm vụ liệt kê trong báo cáo khó lòng giúp nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh được bởi báo cáo đã bỏ qua hai yếu tố quan trọng.

Đầu tiên, việc học một ngoại ngữ ngày nay đã khác xưa nhiều lắm. Đã có những bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ.

Với các cặp ngôn ngữ khác, người ta đã có thể nhờ máy dịch nguyên cả trang web, cả đoạn văn trong nháy mắt với độ chính xác ngày càng cao.

Nhưng với cặp ngôn ngữ Anh - Việt thì không được như thế, máy dịch ngây ngô, đầy sai sót ngớ ngẩn đến nỗi người ta hay dùng cụm từ kiểu “Google dịch” là người nghe hiểu chất lượng bản dịch tồi lắm.

Đó là bởi trong nhiều năm rồi, không có ai, không có cơ quan nào đứng ra làm công việc chuẩn hóa tiếng Việt như thời xưa để bây giờ một khái niệm tiếng Anh lại có hàng chục cách dịch, cách diễn đạt, không ai chịu thua ai. Hàng chục năm rồi mà vẫn không có một cuốn từ điển cập nhật từ mới hay từ cũ dùng theo nghĩa mới.

Ngữ liệu không chuẩn làm sao việc học ngoại ngữ theo đúng chuẩn cho được. Nói cách khác, muốn học sinh học giỏi tiếng Anh, các em phải được dạy một loại tiếng Việt chuẩn mực trước đã.

Điều đó dẫn đến yếu tố quan trọng thứ hai: Muốn nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh, bộ phải mạnh dạn nhìn lại Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, xem thử vì sao triển khai nhiều năm rồi mà chất lượng giáo viên không có chuyển biến, chất lượng học sinh (qua phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT) ngày càng sút kém.

Một đề án mà cứ chăm chăm vào chuyện tiêu tiền vào máy móc đắt tiền, vào việc tổ chức thi cử cho đạt chuẩn này chuẩn kia, vào việc soạn hết bộ sách giáo khoa này đến bộ sách tham khảo khác... mà không thất bại mới là chuyện lạ.

Dấu ấn của ông bộ trưởng

Mỗi đời bộ trưởng mới, mọi người lại kỳ vọng những dấu ấn mới. Nhưng xin đừng tạo dấu ấn bằng cách đưa ra các chương trình hoành tráng hơn, đầy tham vọng hơn. Xin tạo dấu ấn bằng các dự án cụ thể. Với chuyện học tiếng Anh, các dự án như thế rất đa dạng, không tốn kém, lại dễ làm.

Chẳng hạn, chọn một bộ sách giáo khoa học tiếng Anh của nước ngoài đã được tin dùng ở nhiều nước. Học tiếng Anh là học tiếng của người ta, đòi đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai mà vẫn tự mình soạn sách do người không phải là bản ngữ viết thì làm sao hay cho được, làm sao chuyển tải các khác biệt văn hóa làm nền tảng cho việc đọc hiểu được.

Hay một dự án khác: Chọn vài phần mềm có sẵn hay tổ chức biên soạn phần mềm ở dạng ứng dụng di động để hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh, nhất là để máy đọc các đoạn văn trong sách cho học sinh đọc theo.

Xin đừng tạo điều kiện để bất kỳ ai đòi nhảy vào trường bán máy tính bảng hay bảng tương tác cho học sinh. Chỉ cần có ứng dụng, còn phần cứng tự thân học sinh sẽ lo tìm hiểu, nếu ứng dụng có hiệu quả, các em sẽ sử dụng nó còn thành thạo hơn các thầy cô.

Hàng loạt dự án như thế, có cái bộ làm, có cái để các tổ chức hay cá nhân khác làm, bộ tạo điều kiện thuận lợi nhất như soạn một từ điển cập nhật cho học sinh, thay đổi cách ra đề thi, để giáo viên tự chịu trách nhiệm “chuẩn hóa” theo các chứng chỉ quốc tế chứ đừng đẻ ra các loại chứng chỉ Việt Nam nữa...

Chúng thiết thực hơn nhiều so với tham vọng “Tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận