Cuộc trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Raoul Salan năm 1946

PHAN VĨNH (TỪ BRUXELLES, BỈ) 06/09/2016 16:09 GMT+7

TTCT - Từ tháng 9-1946 đến cuối năm 1946 là thời kỳ vô cùng khó khăn của chính quyền Cách mạng Việt Nam vừa tuyên bố độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đối đầu hàng loạt giặc ngoài và thù trong ngay trên đất nước vừa giành được mà chưa giữ được.

Sách của Tướng Salan cho xuất bản ngày 30 - 4- 1975. Hình trên đây do Bác Hồ tặng Salan năm 1946

Trong số “giặc ngoài” hiện diện có thể kể tới vài chục ngàn lính Nhật chưa hồi hương, 200.000 lính Trung Quốc có nhiệm vụ giải giới Nhật ở Bắc vĩ tuyến 16, hàng ngàn lính Anh có nhiệm vụ giải giới Nhật từ vĩ tuyến 16 vào Nam, hàng chục ngàn lính Pháp còn lại, thêm vào đó là hàng ngàn lính Pháp mới đổ bộ vào miền Nam do tướng Le Clerc chỉ huy.

Tướng Raoul Salan mà bài này đề cập là một trong những tướng Pháp lão luyện trên nhiều chiến trường thế giới.

Ông này có mặt khắp Việt, Lào, Campuchia từ năm 1924, sau khi đã tham gia đánh bại Đức trong Thế chiến I năm 1919, rồi qua chiến trường Bắc Phi năm 1923. Lúc gặp Bác Hồ lần đầu vào tháng 2-1946, tướng Salan là tư lệnh quân đội Pháp toàn lãnh thổ Trung Quốc và chỉ huy ở miền Bắc Việt Nam.

Ông ta có trách nhiệm đưa quân đội Pháp vào lấy lại chính quyền và lập lại chế độ của Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam như trước ngày 9-3-1945, có nghĩa là đuổi Chính phủ Việt Nam do Bác Hồ lãnh đạo ra khỏi Hà Nội.

Trích đoạn sau từ nguyên văn buổi gặp do tướng Salan ghi lại bằng bản đánh máy và lưu giữ tại Hội những bạn của Raoul Salan ở Bourges (Pháp).

Ngày 8 tháng 2 năm 1946, từ 17g đến 18g30 (1)

Raoul Salan: Trong tư cách tư lệnh quân đội, tôi đến thăm Ngài để đáp lễ hành động xã giao của Ngài ngày 2-2-1946 đã đến thăm và chúc sức khỏe các thương binh Pháp ở Bệnh viện Lạng Sơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi là người bạn trung thành với nước Pháp. Hôm đó là ngày tết. Tôi rất sung sướng nhân dịp này bày tỏ tình bạn của tôi với nước Pháp.

Raoul Salan: Khi trở lại Hà Nội, tôi được biết người Việt đã bảo vệ người Pháp bị bao vây vào ngày 10 và 11-1 vừa rồi. Tôi cho đó là một dấu hiệu tốt. (2)

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vâng, nói cho cùng thì đa số người Đông Dương không bài xích Pháp. Nhưng những sự cố ở miền Nam cũng như phản ứng Pháp đã đào thêm hố sâu giữa các ông và chúng tôi.

Raoul Salan: Hố cách biệt này sẽ sớm được san bằng. Ông có nghĩ rằng tốt hơn là để chúng tôi lập lại trật tự và an ninh vì chúng tôi có thừa phương tiện. Như vậy cả nước sẽ mang ơn ông, và tôi cho rằng trong trách nhiệm chủ tịch nước, ông có thể để cho quân đội chúng tôi đến nơi cần thiết. Qua đó mọi người thấy ông có thực quyền và biết điều khiển lực lượng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi chỉ làm khi không phản bội Tổ quốc.

Raoul Salan: Không phải là phản quốc nếu đem lại sự sung túc và tự do cho dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Pháp là một quốc gia lớn. Chúng tôi yêu nước Pháp nhưng chúng tôi không muốn sống nô lệ. Các ông có lực lượng đông và vũ trang kỹ. Chúng tôi có ít người có khí giới. Một người Pháp có thể giết 10 người Việt, 10 người Việt chỉ giết một người Pháp, nhưng chúng tôi có số lượng. Nếu Việt Nam bị thất bại dưới tay Pháp thì đó là thắng lợi nhỏ.

Ngược lại, với sức mạnh tập trung của chúng tôi, nếu chúng tôi thắng nước Pháp thì đó là một thắng lợi vô cùng lớn. (3)

Tôi nghe nói nước Pháp đang thay đổi và muốn đổi mới hơn.

Raoul Salan: Nước Pháp sẵn sàng chứng minh cho thấy việc đó. Ông sẽ phản ứng ra sao với hảo ý đó?

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Với tôi, chữ “Độc lập” phải đầy đủ nghĩa. Chúng tôi không muốn là nô lệ. Chữ “Độc lập” không quan trọng, nhưng nội dung của nó rất quan trọng.

Chắc chắn chúng tôi muốn hợp tác kinh tế nhiều mặt, quan hệ văn hóa rộng rãi hơn. Muốn nhiều tài năng và chuyên viên kỹ thuật người Pháp trong nhiều lãnh vực nhưng chúng tôi phải là người chủ đất nước này.

Raoul Salan: Tôi tiếp tục nghĩ rằng nếu ông không phản đối sự trở lại của chúng tôi, chúng ta sẽ dễ hiểu nhau hơn. Cuộc đổ bộ của chúng tôi sẽ diễn ra trong thời gian rất gần và chúng tôi rất mạnh. Tại sao không nhìn nhận sự thật? (Khi nghe chữ đổ bộ, Hồ Chí Minh tỏ vẻ lo lắng hiện rõ trên mặt). (4)

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi không bao giờ là người phản quốc. Tôi đã sống lâu trong rừng sâu. Chúng tôi đã đuổi người Nhật trong khi người Pháp ở yên trong nhà.

Nếu các ông đổ bộ, bây giờ tôi không có khả năng cản trở. Nhưng máu sẽ chảy nhiều. Là một sự đau khổ vì tôi không muốn thấy đàn bà và trẻ em Pháp ở đây bị thiệt hại. Tôi sẽ không kiềm chế được sự căm phẫn của người dân. Sẽ rất đáng tiếc.

Raoul Salan: Vâng, không ai tha lỗi cho việc đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi biết tôi sẽ không kiềm chế được mọi phản ứng, vì đó là phản ứng của những người không bị xiềng xích.

Raoul Salan: Trung Quốc có nhiều trách nhiệm với cả hai nước chúng ta. Trách nhiệm với cả thế giới qua Hiệp ước Potsdam. Họ sẽ trung thành với hiệp ước đó không?

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi nghĩ như vậy. Nhưng tôi giữ quan điểm là kể cả khi thế giới không đồng ý với chúng tôi, chúng tôi không chấp nhận làm nô lệ. Nước Pháp là nước của tự do. Tôi mong nước Pháp sẽ để lại tự do cho chúng tôi.

Cuộc nói chuyện kết thúc và Hồ Chí Minh mời tôi uống trà nhiều lần. Khi đưa tôi đi xuống cầu thang, Hồ Chí Minh nói: “Ông là người có tình. Chiều nay chúng ta là bạn. Ngày mai có thể chúng ta là kẻ thù. Nhưng tôi mong chúng ta sẽ mãi là bạn”.

bản đánh máy buổi gặp do tướng Salan ghi lại và lưu giữ tại Hội những người bạn của Raoul Salan ở Bourges, Pháp

 Đọc lại biên bản ghi chép này của một trong những đối thủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ở đây là một tướng Salan đầy kinh nghiệm - ta có thể qua đó thấy tầm nhìn chiến lược và chiến thuật của vị lãnh tụ trong hoàn cảnh có thể cho rằng khó khăn nhất của chính quyền Việt Nam sau hơn 80 năm mất nước.

Đó là sự kiên định với mục đích đầu tiên của nhân dân mà Bác Hồ đại diện là phải làm chủ đất nước, với khẳng định: “Chúng tôi không muốn sống nô lệ” và một nền “Độc lập với đầy đủ ý nghĩa...” cho Việt Nam. Đối thoại này cũng cho thấy niềm tin của Hồ Chủ tịch rằng dù phải có chiến tranh, cuối cùng Pháp sẽ thua.

Từ tháng 2-1946, Bác Hồ thấy trước được là có thể có chiến tranh với Pháp và nhân dân Việt Nam sẽ thắng. Vào thời điểm đó, tướng Salan, vị chỉ huy quân đội Pháp, và sau đó kể cả các tướng Le Clerc, De Lattre, De Tassingly... không ngờ rằng tám năm sau, lời nói của vị chủ tịch gầy ốm này đã thành sự thật với chiến công Điện Biên Phủ tháng 5-1954.

Cả thế giới bắt đầu tập trung chú ý đến Việt Nam. Trước tháng 8-1945, không có chữ Việt Nam trên bản đồ thế giới, chỉ có Indochine Française, Đông Dương thuộc Pháp.

Cuộc đối thoại cũng cho thấy Hồ Chủ tịch luôn là người muốn “thêm bạn bớt thù”. Người khẳng định mình “là người bạn trung thành của nước Pháp”, nhưng cũng thể hiện rõ ý chí chống chính sách và biện pháp của Pháp trong việc đô hộ Việt Nam.

Đó là sự thật vì cho đến khi qua đời, Nguyễn Ái Quốc ở Pháp những năm 1920 vẫn giữ liên lạc thường xuyên với những đồng chí ở Đảng Cộng sản Pháp như Paul Vaillant Couturier, Maurice Thorez và nhiều người quen như Raymond Aubrac, Jean Lacouture, kể cả những người đối đầu nhưng sau trở thành bạn của Bác là Jean Sainteny, người đã đe dọa và khuyên Bác đừng làm cách mạng là Albert Saraut lúc làm bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp.

Những lời lẽ ôn hòa nhưng khẳng khái ấy chứa đựng rất nhiều thông điệp. Người chấp nhận tình thế là chính quyền cách mạng lúc ấy còn yếu kém về quân sự nhưng được sự ủng hộ của nhân dân qua những câu đơn giản: “Chúng tôi có ít người có vũ khí” và “Nhưng chúng tôi có số đông”.

Bác Hồ tin vào nhân dân và nói rõ, lâu dài sẽ dựa vào nhân dân. Bác luôn tránh đổ máu qua câu: “Nếu các ông đổ bộ, chúng tôi không có khả năng cản trở. Máu sẽ chảy nhiều... Là một điều đáng tiếc”, một tuyên bố cho thấy một khi Pháp dùng biện pháp quân sự thì phải có chiến tranh, nhưng đó là ý muốn của Pháp, không phải của Bác và nhân dân Việt Nam.

Lịch sử về sau đã diễn ra đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Với sức mạnh tập trung, nếu chúng tôi thắng được người Pháp thì đó là một thắng lợi vô cùng to lớn”.

Chú thích:

(1): Tướng Salan không ghi nơi gặp gỡ nhưng nhiều phần có lẽ là ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính phủ lâm thời tháng 2-1946.

(2): Do tình hình bất ổn, đây đó có những sự đụng độ giữa người Việt và người Pháp.

(3): Tám năm sau, tháng 5-1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, lời nói này của Bác Hồ thành sự thật.

(4): Tướng Salan ghi chi tiết này có lẽ cho rằng Bác Hồ sợ trước quân đội Pháp, nhưng chắc chắn về phía Bác Hồ thì biết rằng sẽ có đụng độ và đổ máu nên tỏ vẻ lo lắng.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận