Tai vạ từ thủy điện: Bài học cuối hay chưa?

TÔ VĂN TRƯỜNG 22/10/2016 21:10 GMT+7

TTCT - Thủy điện Hố Hô đã bắt ta chịu nhiều bài học đắt giá, không thể để năm nào mưa lũ về cũng đổ tại thiên tai.

Thủy điện Hố Hô xả lũ -Văn Định
Thủy điện Hố Hô xả lũ -Văn Định

Trong ký ức của người dân, trận lũ lịch sử, cơn “đại hồng thủy” đầu tháng 11-1999 đã tàn phá kinh hoàng khắp dải đất miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định, làm 595 người chết và thiệt hại gần 4.000 tỉ đồng.

Các cơn bão lớn Chanchu năm 2006, Xangsane năm 2007 và đặc biệt hai cơn bão lũ liên tiếp số 9 (Ketsana) và số 11 (Mirinae) năm 2009 gây tổn thất lớn về người và của.

Báo chí đã nói nhiều về sai lầm của công tác dự báo, việc phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, vận hành các nhà máy thủy điện... do chính con người gây ra cộng hưởng sự tàn phá ác liệt của nước.

Một khi tổn thất nhân mạng hàng trăm con người thì không thể chỉ nói một cách đơn giản là những bài học, mà phải nói đến trách nhiệm, lương tâm của mỗi con người, của cả bộ máy chính trị với các vấn đề hiện tại và tương lai của đất nước.

Soi chiếu vào thủy điện Hố Hô

Ở miền Trung, sông ngắn, dốc, hầu hết đập thủy điện không có dung tích phòng lũ cho hạ du, hoặc có nhưng rất ít, quy trình vận hành liên hồ chứa và công tác dự báo lưu lượng nước đến các hồ còn nhiều bất cập.

Theo giới chức địa phương, thủy điện Hố Hô xả lũ không đúng quy trình, khiến người dân hạ lưu chịu cảnh ngập nặng. Chủ đầu tư vẫn bào chữa: “Hồ thủy điện dung tích 38 triệu m3, nước đổ về thời điểm đó khoảng 1.800 m3/s, không xả thì lòng hồ tăng lên 7 triệu m3 nước, nguy cơ mất an toàn đập rất cao”.

Quy trình xả lũ của hồ thủy điện tùy theo từng loại công trình. Công trình là đập dâng thì nước về đến đâu xả đến đó. Loại công trình có dung tích phòng lũ thì trước khi lũ về phải đưa hồ về mực nước đón lũ (để tạo dung tích cắt lũ), giảm lũ cho hạ du.

Về nguyên lý, các nước tiên tiến trên thế giới cũng xây dựng quy trình xả lũ thủy điện, được tính toán bài bản, khoa học để quy định mực nước lũ thiết kế, mực nước lũ kiểm tra và dung tích chống lũ cho công trình. Đặc biệt, họ làm rất tốt công tác dự báo lũ đến, nên quy trình vận hành của nhà máy thủy điện rất hiệu quả.

Đập thủy điện Hố Hô nhỏ (dài 102m, rộng 5m) nhưng lại cao tới 50m. Đây không phải là lần đầu tiên an toàn của hồ thủy điện Hố Hô bị đe dọa. Năm 2010, trận lũ ngày 3-10 xảy ra khi lượng mưa thượng nguồn tương đương năm nay (2016), cửa van cống thoát nước không mở được do mất điện, dẫn tới mực nước hồ cao hơn 2m so với đỉnh đập (+72m) gây sạt lở nhà máy, ngập lụt diện rộng ở hạ du.

Năm 2013, nước lũ về nhanh, cả 3 cửa van đã được mở hoàn toàn vào lúc 15h ngày 2-10 khi mực nước trong lòng hồ đạt cao trình 65,35m và lưu lượng xả qua tràn là 1.400 m3/s.

Việc xả này giữ được an toàn đập và nhà máy nhưng khiến hàng trăm mét bờ kè bêtông dọc chân đập nhà máy (vừa được xây sau trận lũ lịch sử năm 2010) bị cuốn sập.

Đợt lũ 14-10-2016, lưu lượng về hồ ổn định ở mức 1.600 - 1.800 m3/s trong suốt 7 giờ, nếu không xả lũ mà chỉ tích nước thì chỉ sau khoảng 1 tiếng tiếp theo, hồ có nguy cơ bị tràn, sự cố như năm 2010 hoặc nhẹ hơn như năm 2013 có thể xảy ra.

Nếu không xả kịp, xảy ra vỡ đập, 38 triệu m3 nước còn lại trong lòng hồ đổ xuống sẽ càng gây thêm tai họa cho vùng hạ du.

Tuy nhiên, khiếm khuyết của việc vận hành thủy điện Hố Hô là rõ ràng. Trước hết, công tác dự báo quá kém nên đến 17h30 ngày 14-10, khi lũ về 1.700 m3/s mà hồ vẫn tích nước, đến 18h30 cùng ngày khi lũ về 1.843 m3/s (đỉnh lũ) thì hồ đã khá đầy nên không tích thêm được lũ bao nhiêu nữa, bắt buộc phải xả.

Nói cho rõ: mực nước hồ mới chỉ 67,8m, còn 2,2m nữa mới đầy mà đã xả nước vội, do sợ đe dọa an toàn công trình.

Từ các số liệu thông tin về việc xả nước thủy điện Hố Hô, đường diễn biến lưu lượng và mực nước đến hồ thấy rõ đường quá trình mực nước hồ sau khi đạt đỉnh lại đi xuống, trong khi lũ đang lên, minh chứng cho hồ rút nước từ bụng hồ xả thêm xuống hạ du ít nhất 5 triệu m3, làm gia tăng lũ ở hạ du. Báo cáo lại nói Q (lưu lượng) xả = Q đến, nếu vậy thì mực nước hồ phải không đổi mới chính xác. Đúng là “giấu đầu hở đuôi”.

Mực nước dâng bình thường của hồ là 70m nhưng chưa đạt tới mà đã xả, nhất là vào lúc 18h30, mực nước hồ mới đạt 67m đã xả khá lớn (Q xả = Q đến hồ, từ 18h30 - 3h ngày 15-10), lại đúng vào ban đêm, thông tin xả lũ đến với dân chậm nên dân không kịp trở tay.

Trong khi đó, cộng thêm lưu lượng xả qua máy phát điện (vì tổng lưu lượng xả lớn hơn Q đến hồ nên mực nước thượng lưu hồ từ 68m hạ xuống 64,6m lúc 3h ngày 15-10) đã làm gia tăng lũ hạ du. Nếu dự báo tốt lũ đến hồ, chắc chắn hồ sẽ dành được dung tích khoảng 6 triệu m3 để cắt đỉnh lũ, hỗ trợ cho hạ du và chỉ xả bằng lũ đến khi hồ đạt mực nước dâng bình thường 70m như trong thiết kế.

Những người chịu trách nhiệm cho thủy điện Hố Hô đã sai lầm, nhưng vẫn phải nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương và những người làm công tác phòng chống lụt bão, thiên tai.

Ở đây cần xét đến tính chủ động trong việc phòng chống lũ lụt, có phương án linh hoạt trong việc cảnh báo, trợ giúp người dân trong mọi tình huống bất thường của thiên tai, kể cả nhân tai như thủy điện xả lũ.

Hồ xả lưu lượng khoảng 1.800 m3/s chắc chắn phải được tính đến trong phương án đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ (năm 2013 đã xả 1.400 m3/s, năm 2010 lũ đã tràn qua đập thì lớn hơn mức này). Nếu không được tính đến thì đây là lỗi của người lập và người phê duyệt các phương án này.

Thiên tai và nhân tai

Thủy điện Hố Hô đã bắt ta chịu nhiều bài học đắt giá, không thể để năm nào mưa lũ về cũng đổ tại thiên tai.

Biện pháp cấp bách đối với miền Trung là rà soát lại quy hoạch hạ tầng cơ sở theo thứ tự ưu tiên là an toàn công trình, cắt giảm hoặc chống lũ cho hạ du, đảm bảo nhu cầu dùng nước tối thiểu cho hạ du và phát điện.

Thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân về quy trình, thời gian xả lũ là tối quan trọng.

Song song là loạt giải pháp kỹ thuật: nâng cao độ chính xác của công tác dự báo để các hồ chứa phải duy trì mực nước trước lũ (dung tích phòng lũ) trong một thời kỳ, tăng cường hệ thống quan trắc và chất lượng dự báo khí tượng thủy văn cho hồ, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa của các lưu vực sông và các giải pháp chủ động ứng phó thiên tai.

Thủy điện Hố Hô khá nhỏ (chỉ 14 MW), điều tiết lũ không được nhiều. Vậy nên cần phải xem xét lại cả chủ trương đầu tư cho một công trình lợi nhuận rất thấp (năm 2015, nhà máy này chỉ tạo ra sản lượng điện khoảng 25,5 triệu kWh và đem về doanh thu khoảng 41 tỉ đồng).

7 tháng đầu năm 2016, nhà máy thủy điện này đạt sản lượng điện 12 kWh, doanh thu 31 tỉ đồng, chỉ đóng góp cho ngân sách Hà Tĩnh khoảng 1,4 tỉ đồng tiền thuế môi trường rừng và tài nguyên nước, và khoảng 4,2 tỉ đồng thuế VAT đóng cho Quảng Bình (công trình thủy điện này nằm trên cả Hà Tĩnh và Quảng Bình).

Doanh thu và đóng thuế rất nhỏ nhoi, sản lượng điện đóng góp cũng rất nhỏ, nhưng nhà máy này không khác gì một “quả bom nước” trên đầu hơn nửa vạn dân (mới vận hành từ năm 2010, chính thức từ năm 2013 đến nay đã ít nhất 3 lần gặp vấn đề lớn).

Bên cạnh thủy điện, phát triển hạ tầng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tiêu thoát lũ. Với một dải đất hẹp và dốc như miền Trung, hệ thống đường Bắc Nam, kể cả đường bộ lẫn đường sắt lại trở thành một con đê ngăn không cho nước lũ tiêu thoát nhanh chóng theo địa hình tự nhiên.

Các cống thoát nước qua đường hay khẩu độ các cầu qua sông không đảm bảo được yêu cầu tiêu thoát nhanh chóng khi nước lũ tràn xuống. Các trận lũ năm 2009, 2010 hay năm 2013 cho thấy nhiều đoạn quốc lộ 1 có mức nước lũ trên và dưới tuyến đường này chênh lệch hàng mét nước.

Đó là chưa kể các cơ sở hạ tầng khác mọc lên rất nhiều, làm thay đổi tính chất tiêu thoát nước bề mặt, đặc biệt còn có nhiều công trình lấn chiếm hành lang thoát lũ, làm co hẹp các dòng sông, khiến cho cùng một cấp lưu lượng từ thượng lưu như trước kia thì nay mực nước hạ du bị tăng lên đáng kể.

Suy cho cùng, bất cứ sự cố hay thảm họa nào xảy ra gây tác hại lớn đến con người và môi trường sống, ngoài nguyên nhân thiên tai, còn do yếu tố nhân tai! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận