Vận mệnh của những quả bí ngòi

NẮNG MAI 18/05/2017 13:05 GMT+7

Trang trại Lambert ở xã Montlivault của vùng Centre-Val de Loire, miền trung nước Pháp. Nơi đây là vựa bí ngòi của cả nước, mỗi năm xuất đi 3.000 tấn bí, 2.000 tấn hành, 250 tấn dâu tây cùng nhiều loại rau củ khác. Các lao động ở đây chủ yếu là người nhập cư.

 

Ai lấy quả bí ngòi của tôi?

Trên cánh đồng 220ha, ngoài hơn 10 lao động chính thức, trang trại này cần thêm hơn 100 lao động thời vụ. Di dân từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, những người nhập cư khác từ Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria... tới đây mỗi mùa hè và mùa thu để hái dâu tây và trồng hành, chăm sóc những cây bí ngòi.

“Các anh có giấy tờ không? - Mathieu Lambert, chủ trang trại, tiến lại hỏi từng người trước buổi làm đầu tiên của vụ thu hoạch - Ai chưa trình giấy tờ hợp pháp sẽ không làm việc”. Những người quản lý trang trại phải thận trọng với chuyện này bởi vì không có người gốc Pháp nào làm việc trong số đó, lơ mơ là cảnh sát tới hỏi như chơi.

Mathieu, tất nhiên, đã không bầu cho các ứng viên tổng thống đòi rút nước Pháp khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ala - lao động thời vụ ở đây, cũng vậy. “Tôi đến từ Belarus và xin quốc tịch Pháp từ một năm trước. Tôi đã chứng kiến những gì xảy đến với đất nước tôi sau khi Liên bang Xô viết tan rã. Chúng tôi không còn dùng chung đồng rúp và các thứ khác cũng tan rã như thế, chúng tôi nghèo đi sau đó”.

Ở đây, người ta phải chầu chực từ sáng tinh mơ hoặc trưa nắng gắt để giành phần làm từng luống rau củ. Hôm có việc và hôm không, không ai biết trước điều đó khi đứng chờ nhiều tiếng đồng hồ “xí chỗ” từng thửa ruộng mới chỉ cày xong. 9,76 euro/giờ là mức thu nhập nhận được trước thuế nếu đó là buổi làm tính giờ (đây là lương SMIC - mức lương tối thiểu của Pháp).

Dân Pháp vốn nổi tiếng “râler” (càu nhàu), khó có thể không đốt xe hơi và nghiền nát tất cả bí ngòi của ông chủ nếu phải đợi chờ như thế.

Phái bài ngoại cho rằng nước Pháp (hoặc là nước Anh) đã lãng phí tiền bạc cho ngân sách chung EU và cho các chương trình đón nhận người nhập cư. Họ quên bẵng những khoản nhận lại từ Bruxelles, trong đó 40% ngân sách EU là dành cho trợ cấp nông nghiệp, mà hai quốc gia nhận được nhiều nhất chính là Pháp và Anh (trong đó riêng phần hỗ trợ nông dân Pháp qua chính sách PAC - “Politique Agricole Commune”, tức Chính sách nông nghiệp chung EU - đã là 9 tỉ euro vào năm 2016, cùng năm này nước Pháp đóng góp tất tần tật cho EU chỉ 19 tỉ euro). Nhờ đó, một cân bí ngòi từ trang trại Lambert dừng lại ở mức giá 1-2 euro tại siêu thị Carrefour.

Lựa chọn của nước Pháp

Ngay cả trong trường hợp phái bài ngoại thắng cử, nước Pháp cũng không dễ dàng bị thay đổi. Tổng thống không phải là thủ lĩnh duy nhất của một đất nước theo tam quyền phân lập như Pháp - theo học thuyết của một người Pháp là Montesquieu.

Thêm vào đó, ngoài những phát ngôn rất dễ bị coi là phạm luật (các phát ngôn kỳ thị), kế hoạch của thủ lĩnh phe cực hữu Marine Le Pen thậm chí có cả các dự định bị cho là vi hiến, ví như đòi hạn chế việc nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình. Nếu được xác nhận là vi hiến, chúng sẽ bị chặn lại bởi Hội đồng Hiến pháp (một sản phẩm của nền Cộng hòa V, đây cũng là cơ quan giám sát tính hợp pháp của việc bầu cử tổng thống tại Pháp - bao gồm công bố ai sẽ là tổng thống).

Tóm lại chỉ là dân túy. Phái dân túy đã cho thấy dân túy cuối cùng sẽ chỉ có thể dừng lại ở lời nói. Nước Pháp đã lựa chọn phía ngược lại. Trong số 11 ứng viên tổng thống, ứng viên đắc cử là người - qua các phát ngôn - nắm rõ nhất đường đi nước bước của lề luật kinh doanh và hệ thống chính trị của Pháp cũng như của EU (không hề lạ bởi đây là một triệu phú tự thân, cũng từng là “một học viên xuất sắc” như nhận xét từ các “trường lớn” của Pháp như Học viện Chính trị Paris và Học viện Hành chính quốc gia nơi ông từng theo học).

Các thống kê (và cả thị trường chứng khoán) cũng ủng hộ ông này. Về ý nghĩ “những người nước ngoài ăn bánh mì của chúng ta”, báo cáo tháng 4-2015 của Viện thống kê INSEE chỉ ra rằng các hãng của Pháp đang thiếu hụt tới 1,7 triệu nhân viên, mà phải bó tay vì không tìm được người có chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết.

Hồi năm ngoái, nước Pháp cấp thẻ cư trú cho 230.000 người, như vậy so với tổng dân số 67 triệu người thì tỉ lệ nhập cư vào Pháp chỉ bằng phân nửa tỉ lệ nhập cư chung của các nước tham gia Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE).

Người ta có thể tỉnh táo khi đang sợ hãi? Quá lo sợ trước sức mạnh của phát xít Đức và tin đồn họ sẽ chế tạo được bom nguyên tử, các nhà khoa học châu Âu đã giúp người Mỹ tạo ra lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vào năm 1942. Chỉ ba năm sau đó, những trái bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống đất Nhật. Châu Âu từng hơn một lần hối hận như thế.

“Người Pháp có thể tỉnh táo khi họ đang sợ hãi?” - câu hỏi được đặt ra trong tháng 5, giữa lúc nước Pháp hoang mang trong mối lo khủng bố và suy thoái kinh tế kéo dài. Rất may là người Pháp đã tỉnh táo. Những quả bí ngòi xin cảm ơn!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận