Các đại thụ tài chính sẽ đi đâu?

THANH GƯƠNG (CHUYỂN NGỮ) 01/06/2017 17:06 GMT+7

Nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất hiện nay của London là “Brexit” có thể gây ra một làn sóng “tháo chạy” của các cơ sở kinh tế tài chính ra khỏi Vương quốc Anh. Ngày càng có nhiều tin đồn về việc các “đại thụ” tài chính đang sửa soạn vali để ra đi.

Hậu quả của Brexit và sự xuống dốc của đồng bảng Anh: Anh tăng giá sản phẩm nhập khẩu, nhất là các mặt hàng công nghệ -Reuters
Hậu quả của Brexit và sự xuống dốc của đồng bảng Anh: Anh tăng giá sản phẩm nhập khẩu, nhất là các mặt hàng công nghệ -Reuters

Cho đến vài tháng trước đây, ai cũng nghĩ London sẽ “rút dù” một cách thuận buồm xuôi gió, nhưng gần đây thì viễn cảnh một “Brexit gian nan vất vả” (Hard Brexit) đang ngày trở nên hiện thực. 

Chính vì vậy, các tập đoàn tài chính khổng lồ đang bắt đầu lên những phương án dự phòng để đối phó những tình huống “dầu sôi lửa bỏng”. Bởi trong trường hợp Chính phủ Anh không đạt được một thỏa hiệp cho quá trình Brexit trước khi hết hạn đàm phán (cuối năm 2019) thì đối với Vương quốc Anh, Liên hiệp châu Âu sẽ coi như trở thành “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không còn một quan hệ thông thương như trước, cũng có nghĩa London sẽ không còn có thể tiếp cận thị trường chung châu Âu như cũ. Toàn bộ guồng máy tài chính của London sẽ bị loại ra khỏi guồng máy kinh tế tài chính của châu Âu, các “đại thụ” tài chính ở London vì thế không muốn phải đứng trước những tình huống bất ngờ.

JPMorgan, Goldman Sachs, HSBC, UBS, Barclays, Deutsche Bank, Lloyd's, Citigroup..., tất cả những “đại thụ” của nền thị trường tài chính thế giới, vốn xưa nay đã đầu tư hàng tỉ đôla và tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho London, đang tìm cách chuẩn bị đón cơn bão “Hard Brexit”.

Câu hỏi được đặt ra là: Những tay khổng lồ đó đang di chuyển đi đâu? Một số ngân hàng đầu tư thì nói rằng họ sẽ chuyển dịch nhân viên sang các trụ sở nằm ở châu Âu (đất liền), một số khác thì tuyên bố sẽ mở ra các tổng hành dinh ở một quốc gia nào đó nằm trong Liên hiệp châu Âu để có thể tiếp tục “chân trong chân ngoài” với châu Âu.

Theo một số dự đoán thì có ba thành phố có thể “hưởng lộc” từ “Hard Brexit”: Milano (Ý), Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp). Tuy nhiên điều này không có nghĩa là “dòng chảy” tài chính, đầu tư và công ăn việc làm sẽ tự động chảy vào các thành phố này.

Trước đây London đã trở thành trung tâm đầu não tài chính châu Âu bởi vì ở đó có một môi trường kinh tế - sản xuất đặc biệt, quan trọng nhất là các luật lệ và nguyên tắc rất linh hoạt đối với các công ty, thêm vào đó là mức độ thuế khóa khá thấp đối với các tập đoàn siêu quốc gia.

Trong khi đó, Paris và nhất là Milano thường bị xem là những địa danh với cơn ác mộng trên lĩnh vực thuế khóa, cơ chế hành chính rườm rà, thủ tục kiện cáo phức tạp. Nếu các thành phố này, đặc biệt là Milano, không có những bước cải tiến quan trọng thì khó có thể thu hút được các doanh nghiệp và đầu tư “tháo chạy” này. Frankfurt, ngược lại, bị đánh giá là quá nhỏ để có thể thay thế vị trí của London.

“Hard Brexit” gây lo âu cho thành phố tài chính London

Thực ra, không ai dám chắc những hệ lụy xấu của Brexit chỉ là thứ tin đồn kiểu “chó sủa đồng hoang”, hoặc con chó ấy cũng dám cắn thật. Chỉ biết là trong thời gian gần đây, khi Thủ tướng Anh Theresa May bắt đầu “nổ máy” cho cỗ xe hiệp thương về quá trình Brexit, tất cả các tay khổng lồ của thị trường tài chính châu Âu vốn được “sinh đẻ” ở London đã tuyên bố về những kế hoạch di dời ra khỏi Anh, hay ít nhất là giảm bớt hoạt động ở Anh và tăng cường các hoạt động ở các địa bàn khác trong Liên hiệp châu Âu.

Nỗi lo sợ lớn nhất của các doanh nhân tài chính ở London là nếu “Hard Brexit” xảy ra, tức là sự “chia ly” của Anh với Liên hiệp châu Âu có thể diễn ra “bất ngờ một sớm một chiều”, London sẽ hoàn toàn bị “ngăn sông cấm chợ”, khó có thể tiếp cận thị trường chung châu Âu, nghĩa là những tay khổng lồ tài chính ở London sẽ mất giấy thông hành vào châu Âu, không còn có thể hoạt động ở các thị trường tài chính châu Âu nữa.

Thực ra người ta chỉ có thể biết là sẽ “Hard Brexit” hay không bằng những trải nghiệm thực tế mà rồi sẽ từ từ xảy ra. Theo lịch trình, nội trong cuối năm 2018, giữa Anh và Liên hiệp châu Âu phải cho ra đời một bản hiệp thương về một loạt các vấn đề kinh tế tài chính khác nhau, sau đó Quốc hội Anh phải có thì giờ để bỏ phiếu thông qua ký kết hiệp thương nói trên trong nội cuối năm 2019.

Và trong khi chờ đợi, các cơ sở tài chính khổng lồ đang trang bị cho chính mình những phao cứu cấp để phòng hờ bất trắc rủi ro của “Hard Brexit”.

Brexit
 

Các tay khổng lồ đang thu xếp hành trang

Theo các thống kê, có khoảng 5.500 công ty tài chính có trụ sở đặt tại London nhưng có hoạt động khắp các địa bàn trong Liên hiệp châu Âu với tổng số doanh thu khoảng 9 tỉ đôla.

Theo ước tính của Bruegel, một viện think-tank, ở London, ngành ngân hàng sẽ bị giảm khoảng 10.000 chỗ làm và trong lĩnh vực hoạt động tài chính, con số ấy lên đến 20.000.

Thí dụ, Tập đoàn JPMorgan đã bắt đầu kế hoạch di dời: trong những ngày qua, tập đoàn này tuyên bố đang thuyên chuyển hàng trăm nhân viên ngân hàng từ London đến Dublin, Frankfurt và Luxembourg.

Thậm chí, ngay từ khi điều khoản 50 của hiệp ước thành lập Liên hiệp châu Âu được nêu ra (điều khoản nói về trường hợp một quốc gia thành viên ra khỏi EU), Công ty Lloyd's đã lên kế hoạch B: mở ngay một chi nhánh lớn trong địa bàn Liên hiệp châu Âu để không bị hất ra khỏi thị trường chung châu Âu.

Kịch bản “Hard Brexit” cũng đang làm nao núng tập đoàn khổng lồ Goldman Sachs, với tuyên bố di dời nhân viên và đầu tư từ London sang các thành phố khác trong EU nội trong năm nay. Các thành phố mà Goldman Sachs đang nghiên cứu để lập căn cứ lâu dài ở châu Âu là Madrid, Milano, Paris và Frankfurt.

Các ngân hàng cũng không kém. Chủ tịch Ngân hàng HSBC vừa qua đã nói đến việc nghiên cứu khả năng dời khoảng 1.000 nhân viên sang Paris trong vòng hai năm tới. Thêm vào đó là sẽ có khoảng 4.000 chỗ làm của Deutsche Bank ở London sẽ bị đưa sang các thành phố khác ở châu Âu.

Song song đó lãnh đạo của Ngân hàng Barclays cho biết đã sẵn sàng kế hoạch di dời sang Berlin trong vòng sáu tháng tới. Sau cùng là Ngân hàng CNBC cũng tuyên bố sẽ di dời nhân viên. Tay khổng lồ UBS thì ngược lại, phê phán Chính phủ Anh đã không làm đúng mức để có thể giữ được thị trường tài chính của London.

Đi về đâu?

Trong khi các tập đoàn tài chính và ngân hàng đang thi nhau chống lại con ma “Hard Brexit”, cũng có những tiếng nói nhằm đánh tan sự lo âu về một viễn cảnh “tháo chạy tán loạn” của các tập đoàn kinh tế tài chính khỏi London để sang các thủ đô khác.

Theo Viện think-tank Adam Smith, dù viễn cảnh “Hard Brexit” có gây lo âu, nhưng trong trường hợp bị hất ra ngoài thị trường chung châu Âu cũng sẽ không xảy ra cảnh “tháo chạy ồ ạt” của các doanh nghiệp tài chính bởi chẳng có một thủ đô châu Âu nào có đủ khả năng về kích cỡ, về luật lệ thuế má và nguyên tắc hoạt động để chiếm được cái vương trượng do London để lại. Vì so với các thủ đô khác, London có những lợi thế lớn và hệ thống điều phối của Anh trong lĩnh vực tài chính rất hữu hiệu so với các thành phố khác ở châu Âu.

Frankfurt thì bị đánh giá là quá nhỏ. Paris thì bị các tập đoàn siêu quốc gia đánh giá là không có một cơ chế điều phối tốt trong lĩnh vực tài chính, và thêm vào đó là mức độ đánh thuế lại quá cao.

Milano cũng như Paris, nhưng bộ máy hành chính và thuế má cồng kềnh, gây nhiều ám ảnh với các tập đoàn siêu quốc gia. Milano có thể có cơ hội trở thành “thủ đô tài chính” của châu Âu với điều kiện thành phố này phải biết chọn đường đi nước bước đúng thời đúng lúc, chẳng hạn thị trường chứng khoán của Milano vốn do London kiểm soát, nghĩa là Milano cũng có đủ các “con bài” để thu hút được doanh nghiệp và đầu tư.

Nhưng theo ông Giuseppe Vegas - chủ tịch Consob, thị trường chứng khoán Milano, để có thể tận dụng được những thời cơ vừa kể, Chính phủ Ý cần hoạt động cùng lúc trên ba trận tuyến: thuế khóa, hành chính và công lý, đặc biệt là phải có những kế hoạch nhằm thu hút những ai đang xách vali rời London. Nhưng dựa theo các bài học trong quá khứ về khả năng đón bắt của lãnh đạo chính trị Ý, có thể tiên đoán được rằng cho dù có “tháo chạy toán loạn” đi nữa thì điểm đến cũng khó có thể là Milano.■

(*): Nguyên tác tiếng Ý: “Il tramonto della finanza UE: la Brexit sarà un disastro per la City di Londra, ma nessuno potrà prendere il suo posto” - Những lo âu khoắc khoải của thị trường tài chính châu Âu: Brexit có thể sẽ làm chảy máu London nhưng vai trò của nó cũng khó mà thay thế (của Marta Panicucci đăng trên International Business Times ngày 4-5-2017).


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận