Chạy thận nhân tạo đã tiến bộ đến đâu?

LAN ANH 16/06/2017 03:06 GMT+7

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của thiết bị và sự nỗ lực của thầy thuốc, đã có những bệnh nhân suy thận sống gần 20 năm kể từ khi phát hiện bệnh. Trong thời gian qua, đã có 3 nữ bệnh nhân suy thận mãn ở bệnh viên Bạch Mai sinh con. Đây là điều khá hiếm hoi kể cả trên thế giới.

Ở hành lang khoa thận nhân tạo Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đang trưng bày một kỷ vật: thiết bị lọc máu điều trị suy thận mãn ở thời kỳ sơ khai nhất của khoa này.

Đây vốn là thiết bị được các thầy thuốc đầu tiên trong khoa xin được từ Thụy Điển. Hàng đã qua sử dụng. Chiếc máy lọc máu này đã được dùng bền bỉ và liên tục trong gần 25 năm, từ 1972 - 1996, cho nhiều thế hệ bệnh nhân suy thận mãn.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - trưởng khoa thận nhân tạo BV Bạch Mai, đã có rất nhiều cải tiến về thiết bị lọc máu thời gian qua, từ đó nâng chất lượng dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân suy thận mãn. Tuy nhiên, con người vẫn là khâu then chốt để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Cải thiện từng năm

Theo ông Dũng, thiết bị lọc máu sử dụng cho ca chạy thận nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam là loại máy AK 2 Gambro, có rất nhiều điểm khác với thiết bị hiện nay. Các thiết bị từ thời điểm khởi thủy của khoa sử dụng nhiều vật liệu inox, lúc sử dụng cần êkip lên tới 16 thành viên gồm nhóm các kỹ thuật viên, nhóm sinh hóa pha dịch, nhóm ngoại khoa, nội khoa...

Nhưng hiện nay số lượng nhân lực tham gia mỗi ca chạy đã giảm nhiều, do nhiều khâu trong quy trình có sự hỗ trợ của thiết bị.

“Càng ngày các thiết bị lọc máu chu kỳ càng hiện đại, hiện khoa chúng tôi có những thiết bị mới sản xuất đầu năm 2017. Những thiết bị mới này đều hiện đại, có loại thậm chí kỹ thuật viên của khoa cũng không thể can thiệp nếu có trục trặc, mà phải là kỹ sư của đơn vị bảo hành bảo trì mới có thể mở máy để sửa chữa. Các thiết bị đời mới này cũng có thể ngừng hoạt động ngay nếu có trục trặc ảnh hưởng tới người bệnh, như nếu lọt không khí vào thì máy ngưng chạy luôn” - ông Dũng cho biết.

Các thiết bị phụ trợ lọc thận cũng có quy trình vệ sinh phù hợp hơn, như quả lọc thận hiện đã được bổ sung loại quả “siêu lọc”. Dịch lọc thận cũng được pha bằng máy và khi có trục trặc máy sẽ cảnh báo ngay. Theo ông Dũng, hiện thiết bị pha dịch kiểu này đã được sử dụng ở hầu hết cơ sở lọc máu chu kỳ. Nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo là nước RO có chất lượng gần giống với nước cất.

Theo một kỹ thuật viên khoa thận nhân tạo BV Bạch Mai, so với hệ thống thiết bị cũ, khoảng 10 năm trở lại đây hệ thống máy lọc máu đã tiến bộ theo từng năm, ngày càng an toàn cho bệnh nhân. “Thiết bị mới có hệ thống cảm biến dò máu bằng siêu âm, cảm biến áp lực, cảm nhận nồng độ dịch với khoảng giới hạn rất nhỏ, với rất nhiều chỉ số máy có thể phát hiện như hàm lượng Clo, độ kiềm... Trong trường hợp có bất thường, kể cả ở khoảng giới hạn nhỏ, thiết bị cũng nhận ra ngay và dừng chạy” - kỹ thuật viên này cho biết.

Thiết bị mới khắc phục nhiều khiếm khuyết của thiết bị đời cũ. Một ví dụ nhỏ: trong thời gian chạy thận kéo dài 3,5-4 giờ/ca có thể bệnh nhân ngủ quên và bị tụt kim. Với các thiết bị cũ, phải sau 7-10 giây máy mới ngưng dẫn đến việc bệnh nhân bị mất máu. Nhưng với thiết bị ngày nay, ngay sau khi tụt kim máy sẽ ngưng chạy, bệnh nhân nếu có mất máu thì chỉ một lượng rất nhỏ.

Lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai -Lan Anh
Lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai -Lan Anh

Quan trọng là con người

Tính từ chiếc máy chạy thận sử dụng liên tục gần 25 năm kể trên, đến nay đã có nhiều đời máy mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn nhấn mạnh vai trò con người: “Tùy mức độ quản lý dẫn đến số lượng bệnh nhân có trục trặc trong ca chạy, ví dụ bệnh nhân có thể đồng loạt tăng huyết áp nếu nước sử dụng có nhiều canxi và magie. Hoặc bệnh nhân có thể rét run, sốt do nước không được lọc kỹ tạp chất trước khi sử dụng”.

Thông thường với những công việc quen thuộc, lặp đi lặp lại hằng ngày dễ xảy ra tình trạng chủ quan, quên một vài chi tiết trong quy trình. “Nhưng ở dịch vụ này thì không được phép quên, chỉ số nào phải kiểm tra hằng ngày, hằng tháng hay mỗi sáu tháng đều phải tuân thủ” - ông Dũng cho biết.

Trong cuộc làm việc với Sở Y tế và BV Đa khoa Hòa Bình về sự cố làm 8 bệnh nhân suy thận mãn gặp tai biến và tử vong vừa qua, bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu khoa thận nhân tạo ở BV Đa khoa Hòa Bình phải tìm ra lỗi đã xảy ra ở khâu nào, trong khi quy trình này đã vận hành 10 năm bình thường ■

Theo ông Hà Huy Thắng - giám đốc BV Thận Hà Nội, hiện toàn quốc có 22.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng lọc máu chu kỳ tại 108 cơ sở y tế có dịch vụ này trên toàn quốc. Bên cạnh phải gắn bó cuộc đời với thiết bị lọc máu, bệnh nhân suy thận mãn có thể có những biến chứng trong quá trình điều trị, như nổi những cục lớn trên tay ở những vị trí đường ra và đường vào khi lọc máu, gần những ngày có lịch chạy thận, các chỉ số xấu trong máu tăng khiến bệnh nhân rất mệt mỏi. Họ cũng phải kiêng nhiều loại trái cây, kiêng uống nhiều nước hoặc kiêng ăn mặn.

Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ tích cực của thiết bị và sự nỗ lực của thầy thuốc, đã có những bệnh nhân suy thận sống gần 20 năm kể từ khi phát hiện bệnh. Trong thời gian qua, đã có 3 nữ bệnh nhân suy thận mãn ở bệnh viên Bạch Mai sinh con. Đây là điều khá hiếm hoi kể cả trên thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận