CUỘC ĐUA MỚI CỦA CÔNG NGHỆ MÀN HÌNH

TỊNH ANH 16/06/2017 02:06 GMT+7

Khái niệm về màn hình co giãn được mà Samsung vừa giới thiệu một lần nữa cho thấy cuộc đua tìm kiếm thế hệ tiếp theo cho công nghệ màn hình chưa bao giờ thiếu những ý tưởng điên rồ.

Khi màn hình cong đã khá phổ biến với các sản phẩm tivi và smartphone, các nhà sản xuất đang theo đuổi tầm cao mới: màn hình có thể bẻ hoặc gấp, thậm chí giãn ra hay co lại mà vẫn thể hiện hình ảnh như thường.

Tại Display Week - nơi hội tụ các nhà sản xuất màn hình vừa kết thúc hôm 25-5, Samsung trình diễn sản phẩm mẫu của màn hình co giãn được (stretchable screen) với kích thước 9,1 inch. Người dùng có thể ấn màn hình cho lõm xuống hoặc lồi lên trong tầm 12mm và nó tự co trở lại vị trí cũ. Samsung đã sử dụng công nghệ silic đa tinh thể nhiệt độ thấp (LTPS) làm biến dạng các điểm ảnh cần thiết để co giãn màn hình.

Công nghệ màn hình không ngừng cải tiến
Công nghệ màn hình không ngừng cải tiến

Màn hình “trồi” lên

Dù chỉ là bản mẫu, màn hình của Samsung khiến giới công nghệ cực kỳ ấn tượng. Theo trang Mashable, với một màn hình có thể linh động về kích cỡ như vậy sẽ có nhiều ứng dụng hữu ích. “Với màn hình với kích thước gốc chỉ bằng một chiếc smartphone, ta có thể kéo dãn ra bằng cỡ một chiếc máy tính bảng để xem phim hay đọc sách điện tử” - Mashable viết.

Và cảnh tượng có trong phim viễn tưởng hoàn toàn có thể thành hiện thực: ta thấy một thứ hay ho trên điện thoại và mời mọi người cùng đến xem. Khi đám đông đã có mặt đầy đủ, chỉ việc kéo màn hình to ra để ai cũng thấy được! Game thủ trong tương lai có thể có thêm trải nghiệm mới: chơi đến cảnh hồi hộp, quái thú xuất hiện thì màn hình cũng lồi lên như thật hoặc lõm xuống để thể hiện cảnh nhân vật rơi xuống vực sâu.

Samsung hiện chưa có ý định thương mại hóa công nghệ màn hình co giãn này, và ta cũng vẫn chưa rõ thiết bị nào sẽ được trang bị màn hình “khoa học giả tưởng” này.

Càng to càng tốt

Tương lai của màn hình xếp ra xếp vào, co trên giãn dưới có vẻ hãy còn xa nhưng ở tương lai gần hơn, các đại gia công nghệ bận rộn với cuộc cạnh tranh khác: làm màn hình smartphone càng to càng tốt.

Samsung đã tự hào khoe màn hình thiết bị mới nhất của họ, Galaxy S8, là vô cực với tỉ lệ màn hình trên thân máy đạt đến 83% nhờ bỏ phím Home vật lý, “ăn gian” được phần diện tích sang hai viền dọc với công nghệ màn hình cong.

Nhưng Samsung đã gặp ngay đối thủ sừng sỏ. Andy Rubin, kỹ sư máy tính người Mỹ được xem là “cha đẻ” hệ điều hành Android, lập công ty riêng Essential và bất ngờ tung ra mẫu điện thoại cùng tên hồi cuối tháng 5 với tỉ lệ màn hình được các trang công nghệ gọi là “điên rồ”: màn hình chạy sát cả hai viền và kéo dài lên tận mép trên cùng, nơi các điện thoại khác dành để camera trước, microphone hay bộ nhận tín hiệu. Để làm được điều này, Essential thiết kế màn hình bao quanh camera thay vì đặt ngoài màn hình như thiết kế thông thường.

Tác giả Raymond Wong viết trên Mashable ngày 1-6 rằng thiết kế màn hình từ rìa trên đến rìa dưới này “là tương lai của màn hình điện thoại”, cho rằng Essential sẽ là áp lực để iPhone hay Samsung tìm cách áp dụng kiểu màn hình này cho các sản phẩm tiếp theo của họ.

Màn hình có thể đàn hồi
Màn hình có thể đàn hồi


Samsung được cho là đang nghiên cứu loại màn hình có thể bao quanh lấy thân điện thoại như ta bọc tờ giấy kính quanh một gói thuốc. Theo hồ sơ đăng ký của Samsung với Văn phòng bằng sáng chế (Mỹ), hai cạnh bên của điện thoại sẽ là xương sống - thanh công cụ để thao tác: nếu người dùng ấn vào biểu tượng và kéo về bên trái, thao tác sẽ được thực hiện ở mặt trước và ngược lại. ■

Cuộc chạy đua công nghệ màn hình còn ở chỗ tạo ra màn hình sáng hơn, thể hiện chân thật hơn nhưng ít tốn năng lượng hơn. Theo trang Digital Trends, Apple dự kiến chuyển từ màn hình OLED sang công nghệ micro LED cho các sản phẩm thế hệ kế tiếp. Năm 2014, Apple đã thâu tóm Luxvue, công ty chuyên phát triển công nghệ micro LED, được cho là sáng gấp 9 lần màn hình LED thông thường và lại ít tốn pin hơn. Đồng hồ thông minh Apple Watch được dự đoán là thiết bị đầu tiên được trang bị màn hình micro LED.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận