Đánh mất Nemo?

CHIÊU VĂN 16/06/2017 02:06 GMT+7

TTCT - Trên tất cả, Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu là hi vọng lớn nhất để bảo vệ đại dương và các nguồn lực của nó. Nhưng thật đáng tiếc vì chỉ có một điều khoản liên quan tới đại dương trong thỏa thuận này.


Con người đã thải một lượng đồ nhựa khổng lồ vào đại dương -inhabitat.com
Con người đã thải một lượng đồ nhựa khổng lồ vào đại dương -inhabitat.com

Trái đất thật ra đã được đặt tên không đúng. Biển chiếm gần 3/4 bề mặt hành tinh và sức khỏe của vùng bề mặt rộng lớn đó đang lâm nguy vì con người.

Năm đại dương lớn - Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Bắc Dương và Nam Băng Dương - chứa lượng nước nếu đặt lên diện tích nước Mỹ sẽ tạo ra một cột nước cao 132km. Đó cũng là nơi cung cấp cho 3 tỉ người 1/5 lượng protein (cá là nguồn protein lớn hơn thịt bò). 

Ngư nghiệp đảm bảo nguồn sống cho 1/10 dân số địa cầu. Hệ thống khí hậu và thời tiết cả địa cầu phụ thuộc lớn vào các hình mẫu khí hậu trên đại dương và những tương tác của nó với bầu khí quyển. Thật ra nếu trên hành tinh này có thứ gì đó thật sự quá lớn không thể đổ vỡ, đó chính là các đại dương.

3 khó khăn quản trị

Loài người từ lâu đã cho rằng quy mô của đại dương khiến họ có thể bỏ bất cứ thứ gì vào đó cũng được và lấy đi bất cứ thứ gì họ muốn từ đó. Thay đổi về nhiệt độ và hóa chất, đánh bắt cá thái quá và ô nhiễm đã gây quá nhiều sức ép lên các hệ sinh thái đại dương trong hàng thập niên. 

Các đại dương giữ lại hơn 9/10 lượng nhiệt tỏa ra trên Trái đất vì các khí gây hiệu ứng nhà kính. Kết quả là các rạn san hô bị tàn phá: giới khoa học ước tính chúng ta sẽ không còn san hô nữa tới năm 2050.

Tới giữa thế kỷ này, đại dương có thể chứa nhiều nhựa hơn là cá tính theo khối lượng. Trong khi đó, gần 90% các loại hải sản bị đánh bắt hiện nay đang bị khai thác với một tốc độ không bền vững. Đại dương nuôi sống con người. Con người đối xử lại với đại dương bằng sự vô ơn và tàn bạo.

Đó còn là sự hủy diệt chính mình nữa và có ba lý do chính cho điều đó. Thứ nhất là địa lý. Phần lớn đại dương ở chân trời xa xăm và sâu dưới lòng nước. Những tổn hại chúng ta gây ra cho đại dương, chúng ta chỉ trực tiếp thấy được ở vài nơi ít ỏi, rạn Đại san hô ở Úc chẳng hạn, hay những trang trại hàu ở bang Washington. Việc chỉ có một điều khoản liên quan tới đại dương trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tự nó nói lên nhiều điều.

Vấn đề thứ hai là quản trị. Đại dương là một chủ thể khó quản trị, khó thiết lập và thực thi luật lệ trên đó. Những vùng nước bên ngoài quyền tài phán quốc gia - vùng biển quốc tế - là tài sản chung của toàn cầu. 

Thiếu những quyền tư hữu được định nghĩa rõ ràng hay một cộng đồng bảo tồn gắn với các lợi ích, những cá nhân đơn lẻ - dù với tư cách cá nhân, công ty hay nhà nước - đều sẽ khai thác quá tay những nguồn lực và gây ô nhiễm tùy thích.

Cuối cùng, đại dương là nạn nhân của một quá trình biến đổi khí hậu lớn hơn. Việc thải khí nhà kính vào bầu khí quyển đang làm thay đổi môi trường biển mạnh mẽ. Các đại dương đã nóng lên 0,70C từ thế kỷ 19, các rạn san hô bị hủy hoại khiến nhiều tổ chức hữu cơ sống dựa vào đó phải di cư ra các vùng cực tìm kiếm khí hậu mát hơn. Khí CO2 tập trung trong nước khiến nước biển có độ axit cao hơn, gây hại cho rất nhiều sinh vật.

Con người, trong khi đó, vẫn chưa thoát ra khỏi chứng “mù về các đại dương”. Một số vấn đề đã được chú ý và giải quyết nhờ công nghệ mới, bao gồm cải tiến về năng lực vi tính, chụp ảnh vệ tinh và máy bay không người lái... Dưới đáy biển, công nghệ thủy âm (sonar) vẽ bản đồ đáy biển đã tiến bộ hơn nhiều. 

Trên mặt biển, những máy bay không người lái có thể tới được những nơi xa xôi, khí hậu khắc nghiệt nhanh hơn và với chi phí thấp hơn nhiều máy bay có người lái. Từ trên cao nữa, phép đo phóng xạ màu đại dương giúp chúng ta hiểu được loài phytoplankton, những tổ chức hữu cơ siêu nhỏ đóng vai trò then chốt ở dưới đáy của chuỗi thức ăn biển. Các vệ tinh nhỏ xíu, nặng 1-10kg, giúp giám sát việc đánh cá.

Sự minh bạch đang dần được cải thiện trong khó khăn thứ hai, vấn đề quản trị. Nhiều dữ liệu khoa học hơn đã cải thiện việc giám sát các hoạt động đánh bắt gây hại cho môi trường. Việc theo dõi những hoạt động khai khoáng ở đáy biển, thuộc chức phận của Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế ở những vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, cũng đã tốt hơn nhờ nhiều dữ liệu hơn.

Nhờ vào công nghệ, sự vĩ đại và xa xôi của đại dương không còn khủng khiếp như trước, nhưng nguồn thông tin dồi dào hơn chưa thể giải quyết vấn đề cơ bản của việc thực thi các quyền sở hữu và trách nhiệm ở vùng biển quốc tế. Sự hiệu quả cùng động cơ trong những chế tài và cả biện pháp khuyến khích vẫn là điều con người chưa thể nhất trí.

Trên hết, công tác đo đạc khí hậu tốt hơn không đủ để đưa ra một giải pháp dễ dàng hơn. Thỏa thuận Paris là hi vọng lớn nhất để bảo vệ đại dương và các nguồn lực của nó. Nhưng Mỹ đang đe dọa xóa mọi nỗ lực và ngay cả Thỏa thuận Paris vẫn quá ít ỏi trong việc ngăn chặn đại dương tiếp tục bị hủy diệt.

Tác phẩm “Đại dương nhựa” - nhại theo Sóng lừng ở Kanagawa - là bức họa giới thiệu triển lãm nghệ thuật Đại dương nhựa nhằm nâng cao nhận thức về ô nhiễm biển của Trung tâm nguồn nước, Đại học California, Irvine, Mỹ, tháng 1-2017 -uci.edu
Tác phẩm “Đại dương nhựa” - nhại theo Sóng lừng ở Kanagawa - là bức họa giới thiệu triển lãm nghệ thuật Đại dương nhựa nhằm nâng cao nhận thức về ô nhiễm biển của Trung tâm nguồn nước, Đại học California, Irvine, Mỹ, tháng 1-2017 -uci.edu

 Nền kinh tế xanh nước biển

Người ta đã nói rất nhiều tới nền kinh tế xanh lá cây (green economy), nhưng một khái niệm khá mới đã được nêu ra, bắt đầu từ báo The Economist, về một nền kinh tế xanh da trời (blue economy) nhắm tới việc khai thác biển bền vững. Biển cả sẽ là biên giới kinh tế mới của loài người, với một giai đoạn công nghiệp hóa mới, bắt đầu trở nên rõ ràng từ đầu thế kỷ 21. 

Đại dương đã là một đại công xưởng từ lâu: đóng tàu, dây cáp đáy biển, khai thác dầu và khí đốt, đánh cá, du lịch và nhiều nữa. Ngoại trừ ngành ngư nghiệp vốn phụ thuộc vào tài nguyên, kinh tế biển được dự đoán tăng trưởng cực mạnh trong những thập niên tới.

Vận tải biển chẳng hạn, theo một số ước tính, có thể tăng trưởng 2-3 lần vào năm 2030 so với hiện nay. Một ví dụ khác: khai thác dầu mỏ xa bờ có thể tăng từ 40% lên 50% tổng sản lượng dầu mỏ hiện tại.

Ở các cấp độ khu vực, kinh tế biển cũng ngày càng quan trọng. Ủy ban châu Âu (EC) đã xác định năm lĩnh vực trọng yếu của khu vực này là ngư nghiệp, du lịch ven biển, công nghệ sinh học biển, năng lượng từ đại dương và khai khoáng dưới đáy biển. 

Những ngành này có thể cung cấp 1,6 triệu việc làm mới cho EC tới năm 2020. Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và nhiều đảo quốc nhỏ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế biển trong mọi quyết sách vĩ mô.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của kinh tế biển vấp phải một vấn đề thực tế: thiếu cách đo đếm rõ ràng. Không phải nước nào cũng tính toán “GDP đại dương” của họ. Vì thế, ước tính dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế xanh nước biển là cực kỳ khó. 

WWF, một tổ chức môi trường, đưa ra một ước tính rất tương đối: trong năm 2015, tổng sản lượng kinh tế biển toàn cầu tương đương 2,5 nghìn tỉ USD. 

Trong một ước lượng khác còn tương đối hơn, WWF nói “tài sản” dưới đáy biển hiện có giá trị 24 nghìn tỉ USD (GDP của nền kinh tế Mỹ trong năm 2016 là hơn 18 nghìn tỉ USD). 

Nguồn tài nguyên đó đã bị con người khai thác tới đâu vẫn còn là một bí ẩn tri thức, theo báo cáo “Đánh giá nguồn lực biển toàn cầu” của Liên Hiệp Quốc được công bố lần đầu năm 2015.

Một cảnh báo khác là từ Cơ quan Biển châu Âu. Trong một báo cáo gần đây nói về “những rủi ro với nền kinh tế biển xanh”, cơ quan này nói các công nghệ mới đã khiến việc khai thác biển trở nên dễ dàng hơn nhiều, trong khi khoa học, những nhà hoạch định chính sách và quản trị không bắt kịp tốc độ đó. 

Nỗi sợ lớn nhất là hệ sinh thái biển xanh sẽ bị hủy hoại trước khi con người kịp hiểu ra, nhất là trong bối cảnh tranh chấp trên biển sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong thời gian tới.

Những nỗ lực chung

Sinh ra và lớn lên ở Fiji, giống như nhiều dân đảo, tôi hiểu đại dương là nguồn gốc tối thượng của sự sống - Peter Thomson, chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nói tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos 2017 - Khi còn trẻ, tôi đã chứng kiến tận mắt kỳ quan của biển khơi khi lặn xuống chỗ những rạn san hô, khi trong vài phút bạn bơi giữa hàng nghìn, hàng nghìn dạng sống sinh động và thay đổi liên tục. Nhưng tới tuổi trung niên của tôi, tôi chứng kiến tình trạng của những rạn san hô đó bị hủy hoại nghiêm trọng và ô nhiễm biển ngày càng gia tăng. Như nhiều người thuộc thế hệ của mình, tôi bắt đầu tự hỏi chúng ta đã làm gì với đại dương và phải làm gì để sửa chữa hành vi sai trái của mình”.

Thomson, với trải nghiệm trực tiếp đó, đã vận động quyết liệt để có điều khoản về đại dương trong Nghị trình phát triển bền vững 2030 được thông qua ở Liên Hiệp Quốc tháng 9-2015. 

Khoản 14 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của nghị trình này nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực đại dương bền vững, nhắc tới các vấn đề ô nhiễm biển, hệ sinh thái biển và bờ biển, khôi phục nguồn cá, loại bỏ những trợ cấp có hại với ngành ngư nghiệp, bảo tồn biển, axit hóa đại dương, thực thi luật quốc tế, cải thiện tri thức khoa học và hợp tác, tăng phúc lợi quốc tế cho các đảo quốc nhỏ và những nước kém phát triển nhất, cũng như bảo vệ ngư dân vừa và nhỏ.

Cũng trong một bài viết trên WEF, Thomson nhấn mạnh một nỗ lực chung phải bao gồm được “tất cả các bên có lợi ích liên quan” mà ông liệt kê là các chính quyền, Liên Hiệp Quốc, xã hội dân sự, tổ chức thiện nguyện, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng khoa học, các chuyên gia, lĩnh vực tư nhân và cộng đồng địa phương. 

Hội nghị đại dương thế giới cũng đã được thành lập, nhằm đóng vai trò cơ quan điều phối của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề biển.

Là người đã tham gia sâu sát mục tiêu số 14 và Hội nghị đại dương thế giới, tôi quyết tâm đạt được các mục tiêu đã đề ra - Thomson nói - Tổ chức này không thể đi vào lịch sử như một tổ chức chỉ nói mà không làm nữa, bởi hậu quả của điều đó sẽ rất khủng khiếp”. ■

Thay đổi cách cư xử với đại dương từ đất liền

Báo cáo “Nền kinh tế đồ nhựa mới: Tư duy lại tương lai của đồ nhựa” công bố năm 2016 cho biết chúng ta đang tạo ra lượng đồ nhựa gấp 20 lần so với năm 1964 và sẽ gần gấp 4 lần mức hiện giờ vào năm 2050, rất nhiều trong số đó bị thải ra biển. Để thay đổi, chúng ta cần cương quyết trong ba chiến lược cơ bản:

1. Cải thiện cách thiết kế và tái chế đồ nhựa. Hiện 30% đồ nhựa vẫn bị thải ra ngoài môi trường.

2. Với ít nhất 20% rác thải nhựa, việc tái sử dụng là hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế, với cơ hội trong lĩnh vực này có giá trị ước tính 9 tỉ USD.

3. Với 50% đồ nhựa còn lại, cần phải cải thiện năng lực và hiệu suất kinh tế của việc tái chế, khiến việc tái chế đồ nhựa có lợi về mặt kinh tế hơn đưa chúng ra bãi rác hay ra biển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận