ISTARAVSHAN - BẢO TÀNG SỐNG BÍ HIỂM

TRẦN THÁI HOÃN 16/06/2017 02:06 GMT+7

“Trái tim bị đánh mất của châu Á” là hương danh lãng tử giang hồ mến đặt cho Trung Á, dựa theo tựa sách khá nổi tiếng The lost heart of Asia của tác giả Colin Thubron. Ngày lang bạt đến Tajikistan, tôi mới hiểu tại sao.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Trước khi lạc bước đến Istaravshan, Tajikistan, tôi chưa từng nghĩ trên bước đường lang bạt sẽ may mắn được đặt chân đến một miền đất xưa, lưu giữ được những nét văn hóa cổ quý giá đến như vậy. Dù nhiều khi không khỏi chùng lòng trước những tác động của thời gian thì ít, mà con người thì nhiều trên miền đất được nhiều ví von là bảo tàng sống quý giá của miền Trung Á còn khá nhiều bí hiểm này.

Pháo đài, thành xưa Mug Tepe trên đồi vắng-T.T.H.
Pháo đài, thành xưa Mug Tepe trên đồi vắng-T.T.H.

Một miền xưa quá xưa

Đến Istaravshan, ấn tượng đầu tiên là sự giao hòa nét xưa - mới. Cổ không ít mấy họa tiết, mới cũng không kiệm gì sắc màu, nhưng hòa nhau rất hợp. Còn thêm những tông màu mạnh vấn vương dấu ấn thời Xô viết nhấn nhá nét duyên cho miền xưa quá xưa này.

Tajikistan đã tổ chức lễ kỷ niệm mừng 2.500 tuổi cho thành phố Istaravshan từ năm 2002 nhưng theo các nhà khoa học, thành phố này còn già xưa hơn nữa. Được nhắc đến trong các thư tịch Ba Tư xưa, ghi chú của người Sogdian cổ... miền đất ôm ấp thành Cyropolis ngày cũ, Istaravshan bây giờ, đã chính thức được biết đến dưới thời hùng cứ của vị vua khai quốc của đế quốc Ba Tư thứ nhất - đại đế Cyrus ở thế kỷ 6 trước Công nguyên.

Bánh mì dẹt, kebab cừu, salad hành tây... - những món đặc trưng Trung Á và cụ ông Tajik hào sảng ngồi chung bàn-T.T.H.
Bánh mì dẹt, kebab cừu, salad hành tây... - những món đặc trưng Trung Á và cụ ông Tajik hào sảng ngồi chung bàn-T.T.H.

Ngày đó chưa đông đúc cư dân ở miền tiền đồn, chỉ có pháo đài Mug Tepe vững chắc được ông xây dựng để chống cự với các bộ tộc du mục, tiểu quốc vùng Caspian... tấn công, đánh phá. Dân cư kéo về nương náu bên pháo đài, thành Cyropolis thịnh vượng ra đời. Khi Con đường tơ lụa lừng danh hình thành, Cyropolis được xem là đô thị trung chuyển quan trọng vì vừa nằm trên cung đường chính xuyên đông tây và cũng là ngã rẽ sang các nhánh phụ chẻ đến cao nguyên Pamirs, xứ A Phú Hãn giàu có...

Ngôi pháo đài vững chắc dày ba lớp Mug Tepe 200 năm sau đó đã bao lần cản bước chiến chinh đoàn quân thiện chiến của Alexander Đại Đế vào thế kỷ 4 trước Công nguyên trước khi bị san thành bình địa, rồi được dựng xây lại. Istaravshan trở lại thời hoàng kim dưới triều đại Tajik đầu tiên Sanamid ở thế kỷ 9-10 Tây lịch, để rồi tiếp tục bị tấn công, giày xéo bởi vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn, hoàng đế Timur...

Quá nhiều truân chuyên ở miền đất địa thế hiểm yếu nhưng giàu có. Sử sách ghi nhận chỉ trong năm 1886 đã có đến 17 lần thay đổi chủ nhân của miền đất này, trong đó có người cầm quyền chưa được một tuần lễ!

Chợ Istaravshan cứ ngỡ như những phiên chợ Ba Tư huyền thoại, nhưng nào có khác chợ Việt-T.T.H.
Chợ Istaravshan cứ ngỡ như những phiên chợ Ba Tư huyền thoại, nhưng nào có khác chợ Việt-T.T.H.

Nhưng tài liệu cũng ghi chú rất rõ về sự thịnh vượng. Vào cuối thế kỷ 19 thời người Nga cai trị, thành Ura-Tyube - tên gọi bấy giờ, có đến 68 thánh đường Muslim, trường học tôn giáo, 16 caravan serai - khu nghỉ ngơi cho các đoàn thương nhân cùng lạc đà trên hành trình buôn bán đường dài băng sa mạc, nhiều khu chợ tấp nập đông đúc... Nhưng giờ đây đến Istaravshan mới thấy thấm làm sao những cảm khái của Bà Huyện Thanh Quan ngày nào trước những “đền cũ lâu đài bóng tịch dương”...

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Bâng khuâng hồn thu thảo...

Rất nhiều di tích nhưng cũng lắm cái bị đập đổ... Istaravshan giờ không dày đặc điện đài, nhà thờ như thuở huy hoàng. Tuy nhiên miền đất này vẫn được xem như bảo tàng sống của đất nước Tajikistan, vì chỉ qua những ít ỏi còn sót cũng thấy được tài hoa của người xưa và hào quang ngày cũ.

Nhưng rị mọ đến đây chỉ vì đọc được về dấu tích xưa nhất của miền đất này, tôi lang thang nhiều ở Mug Tepe. Ngay cả bữa chiều muộn đó không còn xe cộ ở cái xứ giờ vắng ngắt này, tôi cũng cố lội bộ lên pháo đài hơn 2.000 năm tuổi ngắm hoàng hôn rơi trên đồi xưa.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Nằm trên ngọn đồi ngoại vi phía bắc thành phố, Mug Tepe hiện tại là phiên bản dựng lại phần nhỏ của pháo đài kiên cố xưa, ít nhất ba lần bị san thành bình địa. Trên thực tế những bước tiến vũ bão của Alexander Đại Đế lừng lẫy đã bị chặn lại tại đây, dù ông nhiều lần dồn sức tấn công. Chỉ đến khi nhận được mật báo có điểm sơ hở ở hào nước quanh pháo đài, ông mới cho người lẻn vào trong mở cửa thành để quân lính kéo vào rồi đốt phá sạch mọi thứ sau đó. Một lần nữa vào năm 1220 bởi vó ngựa viễn chinh người Mông Cổ và một lần kế tiếp vào năm 1866 vì đại pháo của Sa hoàng.

Nói nào ngay, dù dấu vết của ngôi thành cổ, pháo đài xưa vẫn còn chút ít ở góc tây bắc, dù cổng thành được xây lại vẫn khá hùng tuấn và giữ được nhiều nét cũ..., tôi đến rồi quay lại Mug Tepe không vì chúng, mà vì muốn tò mò cái không khí hào hùng cũ.

Không chi tiết tinh xảo lấp lánh sắc màu như ở vài thánh đường Muslim cổ hiếm hoi còn sót trong phố, pháo đài thô màu bùn đất vẫn ánh lên những nét chăm chút tiểu tiết, khác hẳn nhiều tường thành đá tảng thô mộc.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Những đường cong mềm đặc trưng của nhà thờ Hồi giáo vẫn thấy ở đây. Trên tường thành cũng như chiếc cổng mềm mại nhấn nhá thêm với những tháp minaret cao vút thanh thoát giữa trời xanh hay ngay cả khi đêm xuống... Rờ rỡ dưới nắng trưa. Lung linh trong hoàng hôn ráng vàng và đêm thanh xanh ngắt trăng non. Nhớ hoài buổi đêm đó một mình lang thang thành vắng. Trăng non huyền hoặc nhấn nhá thêm nét mộng mị. Lồng lộng gió đêm xào xạc trên đất đồi khô lúp xúp cỏ, lô nhô những đụn gạch vỡ... rồi hun hút qua những khe hở tường thành, tháp canh, cổng...

Chia tay Mug Tepe khi đêm đã khá sâu, tôi về lại phố khuya u tịch Istaravshan. Lòng chùng sâu không chỉ vì biết ngày mai ra đi sẽ khó lắm một ngày về!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận