Thu thập ký ức về những địa điểm không còn tồn tại của thành phố

CHIÊU VĂN 17/06/2017 04:06 GMT+7

TTCT - Một dự án mới ở Seattle (Mỹ) đang thu thập ký ức về những địa điểm không còn tồn tại trong thành phố.

Apphich cho dự án, với dòng khẩu hiệu “Tương lai nằm ở quá khứ” -theevegrey.com
Apphich cho dự án, với dòng khẩu hiệu “Tương lai nằm ở quá khứ” -theevegrey.com

Những năm vừa qua, Seattle đã trải qua một đợt bùng phát về tăng trưởng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, bởi sự phát triển mạnh của ngành công nghệ, với nhiều tập đoàn lớn đóng tại đây, trong khi hạn chế của thành phố về mặt địa lý do nằm ở vùng bờ biển là khó thể thay đổi.

Với những công việc được trả lương cao và nhiều thị dân giàu có đổ về, nhiều địa điểm công cộng hay các tòa nhà địa phương lâu đời hơn sẽ buộc phải thay thế bằng những công trình mới.

“Anh có biết chỗ đó đóng cửa rồi không?”

Hơn hai năm trước, gần như trong mọi cuộc nói chuyện, tôi đều nghe về những nơi chốn đang biến mất ở thành phố này - Jaimee Garbacik, biên tập viên của Ghosts of Seattle Past (Những bóng ma của quá khứ Seattle), một tuyển tập các bài luận văn, phỏng vấn, hình ảnh và tác phẩm đồ họa về những nơi chốn tại Seattle không còn tồn tại, nói - Mỗi lần tôi lên Facebook, mỗi lần tôi gặp một người bạn, tôi đều được nghe: Trời! Anh có biết chỗ đó đã đóng cửa rồi không?”.

Cuốn sách là một nỗ lực kéo dài nhiều năm. Ghosts ban đầu chỉ là một triển lãm nghệ thuật nhỏ, xuất phát từ một dự án vẽ bản đồ thành phố huy động tiền trên mạng, rồi trở thành một triển lãm lớn hơn và giờ là một đại dự án. Ghosts of Seattle Past, cả cuốn sách và dự án, đặt mục tiêu “lấp đầy khoảng trống ký ức” của thành phố này.

Trong đợt bùng nổ kinh tế mới, sự mở rộng tập hai của các công ty công nghệ, riêng Hãng Amazon thôi đã thuê thêm hàng nghìn nhân công mới. Với dân số chỉ 684.000 người, việc chào đón thêm khoảng 50.000 người mới, đều là dân có tiền làm cho các công ty công nghệ lớn ở hai quận của thành phố đã ngay lập tức làm tăng mạnh nhu cầu về nhà ở và hạ tầng. 

Cần cẩu xuất hiện khắp nơi - Garbacik nói - Thu nhập bình quân tăng lên, nhiều việc làm mới, và các công ty khởi nghiệp, các cửa hàng bán lẻ mới mọc lên mỗi ngày”.

Là một thành phố đang tăng trưởng và vẫn còn đi tìm kiếm bản sắc, Seattle giờ chứng kiến rất nhiều cộng đồng bị thay thế hoặc biến mất, với tốc độ quá nhanh. “Từng có một nhà hàng Eriteria ở quận trung tâm, nơi cộng đồng Đông Phi tụ họp và xem tin tức quốc tế cũng như tin tức về quê nhà họ. Giờ thì nó đã biến mất. Đó không chỉ là một nhà hàng, đó là một nơi tập hợp, là bản sắc của cộng đồng, giờ thì họ biến đi đâu?” - Garbacik đặt câu hỏi.

Với xuất thân từng làm trong lĩnh vực âm nhạc, là tình nguyện viên của một dự án không gian âm nhạc và nghệ thuật dành cho mọi lứa tuổi - dự án Vera, Garbacik có quan hệ rộng trong nhiều giới của thành phố, từ các nghệ sĩ, ủy viên hội đồng, cho tới chủ nhà hàng. “Về cơ bản những gì tôi làm là gửi đi thật nhiều thư điện tử và thực hiện các cuộc gọi cho mọi người tôi biết và hỏi họ xem có tòa nhà quan trọng nào trong thành phố biến mất mà tôi bỏ qua hay không” - ông nói.

Đối thoại để cùng gìn giữ

Ngoài cuốn sách, một ví dụ khác của dự án là Những không gian di sản Seattle, đặt tại Trung tâm Kiến trúc và thiết kế thành phố. Garbacik đã gọi cho một ủy viên hội đồng thành phố mà ông biết và quan tâm về các nơi chốn đang biến mất để tổ chức đối thoại giữa những nhà phát triển bất động sản, quan chức thành phố với cư dân, các nghệ sĩ, và những tổ chức cộng đồng như của Garbacik.

Ý tưởng là đối thoại về việc phát triển mới làm sao vẫn bảo tồn được ít nhiều những cái cũ, có khi chỉ là ở dạng một dự án tưởng niệm nho nhỏ.

Một câu chuyện hơi kỳ lạ, nhưng điển hình cho cách làm của họ, được kể lại trong cuốn sách. Đó là cuộc phỏng vấn với Janet Schuroll về địa điểm “số 3200, đường W Barton”. Schuroll viết cho dự án trên trang web của họ và nói địa điểm đó, vốn là một khu đầm lầy, là nơi em trai cô đã chết đuối.

Ban đầu, Garbacik không biết xử trí ra sao, nhưng ông vẫn tìm hiểu, và sau đó biết thêm rằng một cộng đồng chủ đất người Mỹ gốc Nhật khá lớn từng chăm sóc cho khu đất đó, để cung cấp nông sản cho khu chợ ngoài trời nổi tiếng của thành phố Pike Place Market.

Vào thời Thế chiến thứ hai khi những người gốc Nhật ở Mỹ bị truy bức và ngược đãi, khu đất biến thành một bãi đầm lầy không ai chăm sóc, là nơi em trai của Schuroll không may bỏ mạng. “Vậy là chúng ta có một câu chuyện không ngờ tới về bi kịch với cộng đồng gốc Nhật trong thành phố này trở về ám ảnh sức khỏe và sự an toàn của người dân đang sống ở đây” - Garbacik nói, và nó đã được ghi lại để nhắc nhở tất cả mọi người.

Qua những câu chuyện như thế, ông mong muốn Seattle không “đánh mất linh hồn” của nó, như một bài học nhãn tiền, theo Garbacik: “Thành thật mà nói, San Francisco đã chết. Không còn ai tới đó vì nghệ thuật và những hoài niệm. Seattle đang đi theo con đường đó, và nó diễn ra trên cả nước. Tôi đã nghe thấy câu chuyện tương tự tại Nashville. Vì thế, tôi tin rằng những gì chúng tôi đang làm không chỉ là câu chuyện của riêng Seattle”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận