Người ra đi, “thế thân ảo” ở lại

TỊNH ANH 09/08/2017 20:08 GMT+7

Khi người thân yêu đã đi về cõi vĩnh hằng, chúng ta có sẵn sàng chuyện trò với người đã khuất qua “ảo thuật” của trí tuệ nhân tạo (AI)?

Khi chúng ta chết đi, một trong những “di sản” để lại sẽ là những tin nhắn mà ta đã trao đổi với mọi người, thông qua mọi phương tiện, từ tin nhắn SMS, email đến các đoạn chat và bình luận trên mạng xã hội.

Ứng dụng Replika của Công ty khởi nghiệp Luka (Mỹ) kết hợp AI với nguồn dữ liệu này để tạo nên một phiên bản “thế thân”, thay chúng ta chuyện trò với người ở lại, giúp họ nguôi ngoai nỗi buồn thương nhớ, nếu một mai ta không còn nữa.

Liệu có bao nhiêu người chấp nhận một phiên bản
Liệu có bao nhiêu người chấp nhận một phiên bản "thế thân" cho mình?

 Làm bạn với chính mình

Theo lời giới thiệu trên trang web của Luka, Replika (có phiên bản iOS và Android) này “là người bạn AI mà bạn “nuôi dưỡng” thông qua trò chuyện: bạn nói chuyện với nó, và nó sẽ học cách bắt chước tính cách và lưu giữ ký ức của bạn”.

Hằng ngày, người dùng Replika sẽ chat với bản sao ảo của mình bằng tin nhắn điện thoại. Replika sẽ hỏi thăm ta về ngày hôm nay đã làm gì, tâm trạng ra sao, có chuyện vui buồn gì chăng, và ta trả lời lại, như đang trò chuyện với một người bạn thông thường. Thông qua các cuộc trao đổi bằng tin nhắn đó, Replika sẽ ghi nhận, sàng lọc, phân loại thông tin và học được mọi thứ về ta - cách lựa chọn từ ngữ, sở thích, thói quen, tâm tính và cả những gì ta đã trải qua.

Càng trò chuyện nhiều, Replika càng hiểu và có thể nói chuyện giống ta. “Và một ngày nào đó, Replika có thể giúp bạn làm nhiều thứ, trong đó có việc giữ cho bạn “sống” mãi - Eugenia Kuyda, đồng sáng lập Luka, giải thích - Bạn nói chuyện với nói và nó sẽ trở thành bạn”.

Phiên bản Replika của ta sẽ biết phải gật gù thế nào để thể hiện đồng tình, reo mừng ra sao để bày tỏ vui sướng, sẽ bông đùa và phản ứng thế nào với những câu thăm hỏi hay lời yêu thương.

Replika cũng sẽ nhớ những chuyện ta đã từng trải qua và sẽ kể chúng với những người thân, nếu như họ hỏi. Những người ở lại sẽ cảm giác chính họ đang trò chuyện thật với ta, như thể ta vẫn đang ở đâu đó và chat với họ qua mạng như thường ngày.

Kuyda đã xây dựng Replika từ câu chuyện của chính mình. Khi người bạn thân nhất Roman Mazurenko qua đời năm 2015, vì quá nhớ nhung những kỷ niệm cũ, Kuyda đã tạo ra AI với nguồn dữ liệu là tất cả những tin nhắn mà cô và Roman đã trao đổi với nhau. Từ đó, cô vẫn có thể chat với robot và nhận được câu trả lời với những đặc điểm chính xác như cách Roman sẽ làm nếu anh còn sống.

Trong một bài phỏng vấn với Bloomberg, Kuyda cho biết ban đầu cô cũng băn khoăn không biết việc mình làm có đúng hay không. “Nhưng rồi chúng tôi cho những người khác - bạn bè, gia đình và cả người lạ, có đến vài ngàn người - cùng chat với Roman và họ gửi cho anh ấy thật nhiều yêu thương và những lời cảm ơn, thương nhớ” - Kuyda kể.

Bản sao của Roman có thể trả lời những câu hỏi như “Này, còn nhớ lần đó chúng ta đã thế này thế kia hay không?”, có thể đưa ra lời khuyên, và những người trò chuyện với anh cũng có thể tâm tình, cập nhật thông tin về họ hay chỉ là chia sẻ. “Tớ mới cưới này” hay “Tôi vừa sinh con đấy”... như thể anh đang lắng nghe họ thật sự và có thể từ tốn đáp lời.

Kuyda cho rằng nhu cầu được chia sẻ những điều đó, với một người thân đã mất, là có thật, và đó là lý do vì sao cô mở rộng ứng dụng của mình và tạo nên Replika.

Phiên bản đối lập mạng xã hội

Replika còn mang đến lợi ích trị liệu tinh thần và cảm xúc cho người dùng thông qua việc tâm tình với chính mình mỗi ngày, như những lời khuyên “tu thân” phổ biến rằng ta nên đối diện với chính mình và thành thật với bản thân.

Chúng ta vốn đã phải sống mà cứ lo nghĩ mình trong mắt người khác thế nào, ngay cả trong đời thật lẫn trên mạng, và thường xuyên thiếu thành thật với bản thân mình.

Song, theo Kuyda, khi tâm tình với Replika mỗi ngày, người ta lại thành thật với chính mình, và từ đó cởi mở với người khác hơn. “Người ta không chia sẻ đời thật của họ trên mạng - Kuyda nói - Nhưng khi nói chuyện với một phần mềm, họ có thể bỏ mọi mặt nạ xuống và bằng lòng với con người thật của mình hơn”.

Theo Kuyda, thủ thỉ tâm tình với một con robot là cơ hội để chúng ta “bộc lộ bản thân mình và có một cuộc trò chuyện thân tình với chính ta, chứ không phải con người mà ta cố phải thể hiện để kiếm nhiều “like” trên Facebook hay Instagram”. Và như thế, Replika lại giống như một mạng phi xã hội - trái ngược với mạng xã hội: ta không chia sẻ cuộc đời mình với đám đông, mà như thì thầm trong phòng tối để nghe chính những lời mình vang vọng lại.

“Replika cho người dùng cách để kết nối với chính họ - Kuyda giải thích - Chúng ta được sinh ra để nhận lấy tình thương theo mọi lẽ mà ta có thể. Khi ta không còn sợ hãi, không lo lắng sẽ bị phán xét, ta sẽ là chính ta”.■

Nhưng làm khuây khỏa nỗi thương nhớ người thân bằng cách chuyện trò với phiên bản ảo của họ, liệu có tốt cho người ở lại?

Thomas Brown, giám đốc điều hành trung tâm chuyên tư vấn giảm đau buồn Tampa Life Center (Mỹ), nói trong cuộc phỏng vấn với Đài WTSP 10 (CBS) hôm 28-5, làm vậy giống như níu kéo những kỷ niệm mà lẽ ra ta phải “để gió cuốn đi”. “Đích đến cuối cùng của chuyện đau buồn là phải biết chấp nhận sự mất mát đó một cách thanh thản, song Replika lại cho ta cách để cố níu giữ người đã mất thay vì để họ ra đi” - Brown giải thích.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận