"Lưu vong thuế"

DUY VĂN 13/01/2013 19:01 GMT+7

TTCT - Không nghi ngờ gì, một trong những vấn đề sẽ còn được nhắc tới trong năm 2013 là chuyện “lưu vong thuế”, được tài tử Gerard Depardieu mở màn ầm ĩ...

Phóng to
Gerard Depardieu đóng vai Grigori Rasputin trong bộ phim truyền hình hợp tác Pháp - Nga cùng tên, sẽ ra mắt khán giả hai nước năm 2013 - Ảnh: RIA

Tin vui đầu năm 2013 ở Nga có lẽ là sự kiện “công dân Depardievsky” (tên Depardieu theo kiểu Nga do tờ Times đặt). Ngày 6-1, nam diễn viên này đã diện kiến Tổng thống V. Putin và nhận hộ chiếu Nga trong một chuyến đi đến Sochi.

Tin vui này của Nga hiển nhiên là... tin không vui của Pháp, nước mà nam diễn viên này vừa từ bỏ quốc tịch vì không chấp nhận mức thuế 75% đánh vào những công dân có thu nhập trên 1 triệu euro/năm. (Vẫn theo Times (1), năm 2012 nam diễn viên này đã phải đóng 85% thuế từ thu nhập 1,3 triệu euro của mình. Còn theo Itar Tass, trong 45 năm qua, ông Depardieu đã đóng tổng cộng 145 triệu euro tiền thuế).

Trong cái “thế giới phẳng” theo hình dung của Thomas Friedman nhưng vẫn chưa thật sự phẳng này, rõ ràng nước sẽ chảy vào chỗ trũng, “đất lành chim đậu”. Đất lành ở đây là mức thuế 13% của Nga. Trên Interfax, giám đốc Ngân hàng Dự trữ Nga German Gref đã bình luận nhân vụ “công dân Depardievsky” như sau:

“...Nếu các bộ ngành khác đạt thành tựu như trong chính sách thuế thì chắc người ta sẽ xếp hàng chờ nhận quốc tịch Nga”.

Nhưng với nước Nga, cái “được” còn nhiều hơn 13% thuế mà tài tử này sẽ đóng góp. Chỉ riêng nhận định về nước Nga mà Depardieu đưa ra những ngày qua đã bổ sung một góc nhìn khác, không giống hình ảnh nước Nga qua lăng kính của truyền thông phương Tây. Chỉ cần lên Google và gõ cái tên Putin sẽ thấy ngay hình ảnh “V. Putin bạo chúa” (xuất hiện nhiều hơn từ khi ông Putin nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ ba), “nước Nga thiếu dân chủ” (gắn với vụ nhóm Pussy Riot)...

Hình dung của Depardieu về nước Nga khác thế. Kênh 1 Đài truyền hình Nga ngày 3-1 công bố thư ngỏ của Depardieu gửi các nhà báo Nga (2). Trong thư, Depardieu không chỉ nói ông rất quý mến Tổng thống V. Putin, mà từ lâu đã “ngưỡng mộ văn hóa và cách suy nghĩ của người Nga. Cha tôi từng là một người cộng sản và nghe Đài Tiếng nói nước Nga. Đó cũng là một phần văn hóa của tôi... Tôi đã nói điều đó với Tổng thống Pháp François Hollande... Tôi đã nói với ông ấy rằng Nga là một đất nước dân chủ vĩ đại”...

Trong phần trình bày khá bay bổng tiếp theo đó, diễn viên này cho biết ông sẽ không chọn sống ở Matxcơva, mà sẽ sống ở miền quê: “Chỉ ở một đất nước vĩ đại như thế, người ta mới không bao giờ cô đơn. Bởi ở mỗi làng quê, mỗi phong cảnh đều mang đến cho ta hi vọng. Nước Nga không có những điều nhỏ nhặt, mà đầy những cảm xúc lớn. Và sau những cảm xúc đó che giấu một sự minh triết vĩ đại. Trong sự vĩ đại đó, tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn”.

Phóng to
Nam diễn viên Depardieu đã gặp Tổng thống Nga V. Putin (trái) và nhận hộ chiếu Nga tại Sochi ngày 6-1 - Ảnh: Vesti

Những lời tốt đẹp này hiển nhiên có giá trị nhiều lần hơn số tiền mà Nga đã phải bỏ ra đầu tư cho các kênh truyền thông phát ra nước ngoài, như Russia Today chẳng hạn. Nhà chính trị học Pavel Svyatenkov coi tác động của sự kiện Depardieu chọn sống ở Nga quảng bá cho nước này “chẳng khác nào một Olympic”. Giám đốc German Gref cũng nhận ra điều này: “Trường hợp Depardieu cho thấy sự ổn định chính trị, kinh tế tài chính là một nhân tố quan trọng trong chọn lựa không chỉ cho các nhà đầu tư, mà cả những nhà hoạt động chính trị và văn hóa”.

Tin hay không những lý do trên cho sự chọn lựa là quyền của mỗi người. (L'Express chẳng phải đã dán cho Depardieu nhãn hiệu “kẻ sẵn sàng làm tất cả để giàu có”?) (3). Nhưng Depardieu khá ý thức về nơi ông chọn lựa sẽ sống trong những ngày tới, khi thẳng thắn nhận định: “Tôi có quan hệ tốt với báo giới (Nga), dù nó khá buồn chán vì chỉ trình bày một loại tư tưởng”. Có lẽ với Depardieu, điều này vẫn còn hơn sống ở một “đất nước mà một thủ tướng có thể gọi công dân mình là một kẻ đáng thương” (Depardieu dẫn lời thủ tướng Pháp nói về mình khi biết quyết định từ bỏ đất Pháp của ông).

Công tâm mà nói, Depardieu không phải là trường hợp người Pháp đầu tiên “lưu vong thuế”. Trước ông đã có nhiều người giàu làm thế, nhưng vụ Depardieu lại ầm ĩ hơn vì xét về khía cạnh nào đó, ông là một “báu vật văn hóa” của Pháp (HTV9 đã gọi như thế trong bản tin sáng 7-1).

Người Pháp đã phải bỏ dự luật thuế 75% và đang tìm cách đánh thuế khác đỡ gây sốc hơn. Từ Mỹ, ông Obama cũng đang đau đầu về vấn đề thuế khóa sau khi vừa vặn thoát khỏi “vách đá tài chính”, nhưng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và nước Mỹ vẫn đang loay hoay chưa đưa ra được giải pháp dài hạn. Việc tận thu hoặc đánh thuế thật cao vào người giàu chắc chắn không phải là giải pháp bền vững khi bài học “công dân Depardievsky” đang nhãn tiền.

Điều này được Thomas Friedman mách nước trên New York Times ngày 6-1, khi cho rằng nhiệm vụ của một tổng thống không chỉ là đánh thuế các triệu phú, mà còn phải tạo ra nhiều triệu phú và tầng lớp trung lưu hơn nữa để mà đánh thuế. Nguyên văn của ông: “Tổng thống được bầu để làm cái bánh lớn thêm chứ không chỉ để chia lại chúng”.

Bằng không thì những cánh chim sẽ lại tìm đất lành để bay đi...

___________

(1): http://www.thetimes.co.uk/tto/news/world/europe/article3646843.ece
(2): http://www.1tv.ru/news/social/223344
(3): http://www.kommersant.ru/doc/2101146

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận