Đi cùng con trên đường chông gai

NGUYỄN MẠNH HÀ 13/09/2016 04:09 GMT+7

TTCT - Để chủ động lộ diện trong đời sống xã hội, người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) phải vượt qua một số rào cản, mà trước tiên chính là gia đình. Thái độ của gia đình quyết định rất nhiều tới chất lượng sống của họ. Điều gì xảy ra khi các đấng sinh thành quyết định đồng hành cùng con mình?

Bố mẹ PFLAG đồng hành cùng con tại Viet Pride Hà Nội  -Ảnh: nhân vật cung cấp
Bố mẹ PFLAG đồng hành cùng con tại Viet Pride Hà Nội -Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Gay hay là chết?

Bạn không có lỗi khi sinh ra là đồng tính. Dĩ nhiên đó cũng không phải lỗi của mẹ bạn. Bạn không còn cách nào khác ngoài chấp nhận bản thân.

Nhưng mẹ bạn thường chỉ biết điều đó khi bạn đã lớn và hầu hết những người mẹ cảm thấy giống như bị lấy đi đứa con thân yêu, thay bằng một kẻ xa lạ nào đó. Bà đòi đứa con quen thuộc quay lại, vì đối với bà, đồng tính là một điều trái tự nhiên, một loại bệnh.

Bà sẵn sàng đưa bạn tới tất cả những nơi có thể chữa trị. Nếu vẫn ngoan cố, bạn chỉ còn hai cách: là đứa con đúng như hình dung và kỳ vọng của bà, hoặc ra khỏi nhà.

Đó là những gì đã xảy ra với Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1989. Hết cách trong việc thay đổi con trai, bà Đinh Thị Yến Ly - mẹ Khoa - đã gửi cho con một lá thư, ra điều kiện như trên. Một tuần sau, Khoa gửi cho mẹ một lá thư bốn trang.

Khoa viết: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết là mẹ khóc, con cũng đang khóc. Cuộc sống đầy rẫy sự bế tắc. Nếu con bị bại liệt thì mẹ cũng vẫn thương con, nếu con bị câm điếc thì mẹ vẫn thương con. Nhưng con là gay thì đó là một sự sỉ nhục cho cả dòng họ, một tên tội đồ.

Ước gì con chết ngay từ khi mới lọt lòng để mẹ không phải có đứa con như vậy, ước gì con là một người bình thường. Nhưng trớ trêu, tại sao con phải lọt vào 3% của dân số... Con đã gặp rất nhiều người giống con. Ai ai cũng có tâm sự như vậy.

Gia đình là nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời của chính họ. Bế tắc trong cuộc sống. Sự cô đơn trong trái tim và sự căm ghét, không chấp nhận của gia đình đã đẩy họ vào bước đường cùng... Tự tử, đó là cách đơn giản nhất để không còn đau khổ cũng như không còn làm cho gia đình cảm thấy bị sỉ nhục...

Con chỉ xin mẹ nếu như mẹ còn coi con là con của mẹ thì mẹ hãy chấp nhận con người này của con. Nếu mẹ không thể thì con van xin hãy cho con thêm một năm nữa để con tốt nghiệp ra trường. Sau lúc ấy, con sẽ đi khỏi đây mãi mãi để không phải là một nỗi ô nhục của mẹ.

Con sẽ làm việc để cố gắng báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Con sẽ đến nơi xa xôi và đó là hình phạt cao nhất. Bởi vì con sẽ khóc, khóc vì nhớ mẹ, khóc vì mình là kẻ đáng chết...”.

Khi hiểu con cũng đang vật lộn với chính mình khi là gay, bà Ly thay đổi suy nghĩ. Lá thư của Khoa đã kết thúc 5 năm căng thẳng đối đầu của hai mẹ con, từ khi bà Ly phát hiện cuốn nhật ký của Khoa khi học lớp 11.

Bà Ly tham gia PFLAG (Parents, Family and Friends of Gay and Lesbian - Hội phụ huynh và bạn bè của người đồng tính) năm 2013 và hai năm sau được bầu là chủ tịch hội. Nhưng không phải ai cũng có khả năng viết ra một lá thư như Khoa.

Duy, con trai bà Thủy (một thành viên gạo cội của PFLAG), năm lớp 11 đã phải vào bệnh viện tâm thần vì stress nặng. Khi đó chưa ai biết Duy đồng tính. Lần thứ hai cậu nhập viện khi vừa học cao học vừa phải làm hai công việc để trang trải vì bố mẹ không hỗ trợ.

Bà Thủy mất 10 năm mới có thể chấp nhận con. Nếu bà Ly chỉ biết đưa con đến các bác sĩ tâm lý thì bà Thủy mang con đến thầy cúng để trục cái vong nữ làm con bà “bị” gay ra ngoài.

Đó đều là những cái kết có hậu hiếm hoi của những hành trình quá dài, quá nhiều đau khổ và đầy rủi ro.

Bố mẹ hành động

PFLAG Việt Nam hiện có gần 70 thành viên chính thức ở 13 tỉnh thành, trong đó có hơn 20 thành viên thường xuyên tham gia tư vấn cho các gia đình có con là LGBT. Khoảng một năm nay, các ông bố mới xuất hiện trong PFLAG và hiện có 7 ông bố đang hoạt động hội lúc này.

Tháng 4-1972 ở Mỹ, vợ chồng bà giáo tiểu học Jeanne Manford đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi của bệnh viện thông báo con họ - một nhà hoạt động đồng tính - đã bị hành hung trong khi phát tờ rơi tại một hội nghị lớn của giới truyền thông tại New York, trong khi cảnh sát có mặt ở đó không phản ứng gì.

Bà Jeanne viết một lá thư phản đối thái độ của cảnh sát cho tờ New York Post. Trong những tuần sau đó, bà cùng chồng con trả lời phỏng vấn nhiều đài phát thanh truyền hình về sự việc. Ngày 25-6, bà tham gia tuần hành cùng con tại New York Pride, kêu gọi: “Bố mẹ của người đồng tính hãy đoàn kết lại để ủng hộ con cái của chúng ta”.

Những người đồng tính trẻ đến gặp bà để nhờ nói chuyện với phụ huynh của họ. Và bà trở thành người sáng lập hội phụ huynh đầu tiên của người đồng tính, mà theo bà là “cầu nối giữa cộng đồng đồng tính và cộng đồng dị tính”.

Năm 1981, PFLAG trở thành tổ chức toàn quốc tại Mỹ, tới nay có khoảng 500 chi hội. Tết năm kia, một cặp vợ chồng là thành viên của PFLAG Mỹ sang Việt Nam du lịch, biết ở Việt Nam cũng có PFLAG nên đã liên lạc với bà Ly.

Trong cuộc gặp, họ bày tỏ niềm trân trọng về sự xuất hiện của PFLAG Việt Nam. Họ đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về cách PFLAG Mỹ hoạt động, hỗ trợ các hội nhánh ở tiểu bang...

PFLAG tại Việt Nam do ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam) nhen nhóm từ năm 2011, chính thức ra mắt ngày 27-1-2015. Theo ông Trần Khắc Tùng - giám đốc ICS, khi giới LGBT được hỏi điều gì quan trọng nhất giúp họ vươn lên trong xã hội, câu trả lời phổ biến là: Sự ủng hộ của gia đình.

Ở Việt Nam, 95% người đồng tính từng trải qua cảm giác bị kỳ thị, đa số đến từ bạn bè và chính người thân trong gia đình - theo kết quả cuộc điều tra do ICS thực hiện năm 2015. “Vì thế việc PFLAG ra đời chính là mấu chốt giải quyết vấn đề bạo lực với LGBT và vừa là động lực để các bạn sống tốt hơn” - ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, sự phát triển của cộng đồng bố mẹ của người LGBT chậm hơn so với cộng đồng của con cái họ. Người đồng tính muốn công khai phải chịu áp lực như thế nào thì bố mẹ cũng phải chịu áp lực tương tự khi tuyên bố “con tôi đồng tính”.

“Người đồng tính có thời gian để cảm nhận và tìm hiểu về bản thân trong nhiều năm để thoát khỏi sự tự kỳ thị - ông Tùng phân tích - Còn bố mẹ họ khi biết tin con mình đồng tính chẳng khác nào bị quả bom rơi trúng đầu. Họ không có thời gian chuẩn bị.

Vì thế phản ứng đầu tiên là sốc và rồi sụp đổ toàn bộ kỳ vọng về con. Những căng thẳng đó họ quay lại trút lên đầu con”. Những phụ huynh mới biết con đồng tính cũng thường rơi vào cảm giác đơn độc, bất lực. Tình hình sẽ khác khi họ biết đến một cộng đồng của những người cùng cảnh.

PFLAG còn phát huy tiếng nói trong việc đấu tranh bảo vệ quyền cho người đồng tính. Mới đây, họ đóng góp vào việc xóa điều khoản cấm kết hôn đồng giới trong Luật hôn nhân gia đình và đấu tranh cho việc bổ sung điều khoản cho phép người chuyển giới được phẫu thuật tại Việt Nam trong Luật dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017).■

Các bậc cha mẹ đến với PFLAG hầu hết đều trải qua thời kỳ khủng hoảng và bầm dập do những hiểu biết sai lệch về con mình. Sau đó họ lần hồi tự vượt qua và trở thành tư vấn viên PFLAG giúp người khác không lặp lại vết xe đổ.

Bà Tiêu Hạnh Nhi (Bình Dương) không mấy khó khăn chấp nhận cô con gái tên Ái từ nhỏ đã có biểu hiện nam tính, dù mãi đến năm Ái 19 tuổi bà mới tìm kiếm trên mạng được một tài liệu nói về đồng tính.

Trong đó, bà bắt gặp ý kiến của một chuyên gia thần kinh tâm lý học cho rằng các năng khiếu cũng như xu hướng tính dục của con cái một phần do cha mẹ quyết định. “Tôi liên tưởng đến mình để tự xoa dịu” - bà nhớ lại. Cách đây 3 năm, Ái nói với mẹ về PFLAG ở TP.HCM. Bà Nhi từng dạy đại học và khi PFLAG ra mắt, bà được bầu vào ban điều hành hội.

Hè 2014, Đào - một thanh niên ở Nha Trang - gọi điện cho bà Nhi cầu cứu: “Mai mẹ con bắt con vô Sài Gòn khám bệnh”. Bà Lý, mẹ Đào, lo lắng về lối sống kỳ cục của con dù không biết con mình bị bệnh gì và khám ở đâu. Bà Nhi lên kế hoạch “giải cứu” Đào.

Hai bà mẹ gặp nhau ở trụ sở ICS tại TP.HCM - nơi “chứa chấp” PFLAG. Cuộc trò chuyện bắt đầu với những lời kể, tâm tình của hai bà mẹ về những đứa con mình, về cách các em đang chăm chỉ lao động và sống nghiêm túc ra sao, như Đào thường lái xe mấy chục cây số đi giao hàng cho vựa hải sản của nhà.

Sau 1 giờ 45 phút trò chuyện, tối hôm đó Đào tag bà Nhi vào một status trên Facebook: “Nhờ có mẹ mà nụ cười và hạnh phúc đã tràn ngập trong gia đình con, giống như hôm nay con được sinh ra lần nữa”.

Để làm công việc tư vấn, các PFLAG phải trải qua 4 tháng tập huấn (2-3 buổi/tuần) với chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy. Trong đó, “quản lý cảm xúc” là bài học quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, một ông bố ở Hà Nội khi mới đi làm tư vấn cứ kể lại chuyện của mình là lại không cầm được nước mắt.

Mặc dù hoạt động hội tích cực nhưng ngoài cộng đồng cũng không ai biết ông là bố của người đồng tính. Con còn chưa công khai thì bố cũng phải “kin kín” tí vậy.

Không phải buổi tư vấn nào cũng đem lại kết quả ngay. Bà Đinh Thị Yến Ly từng phải đầu hàng khi tư vấn cho bố của H.. Vừa bước vào, bà nhận được lời chào: “Tôi thấy chị cũng xinh xắn dễ thương đấy, nhưng sao cũng bất hạnh như tôi vậy?”.

Bố tư vấn cho bố là tiện nhất, nhưng tiếc là lúc bấy giờ thành viên PFLAG toàn là những người mẹ. Mẹ H. qua đời từ khi cậu còn nhỏ. Trong buổi gặp, bố H. liên tục phát ngôn tiêu cực, ngập tràn những mối lo lắng về tương lai của H.. Sau hai tiếng “thương lượng” không thành, H. xin phép đưa bố về. Nhưng ba năm sau gặp lại, H. khoe bố tuy chưa chấp nhận hẳn nhưng cũng không còn quá khó khăn với cậu nữa, cuộc sống của hai bố con đã dễ thở hơn.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận