Kẹt giữa dòng xe Jakarta

HỒ ANH THÁI 16/09/2016 21:09 GMT+7

TTCT - Thủ đô Jakarta của Indonesia là nơi di chuyển bất tiện nhất thế giới. Đấy là kết luận của Công ty tư vấn Frost and Sullivan. Tôi từng tin rằng nạn tắc đường ở Hà Nội và Sài Gòn là tệ bậc nhất. Các thành phố lớn ở châu Âu nhiều khi người ta cũng mất bình tĩnh khi phải chen giữa dòng xe cộ quá dài. Nhưng đến Jakarta thì mới thấy tệ hơn.

Kẹt xe ở Jakarta, Indonesia -Reuters
Kẹt xe ở Jakarta, Indonesia -Reuters


Tất nhiên phải nói cho rõ: ở ta, tắc đường là do xe đông, nhiều loại phương tiện khác nhau, lại do ý thức con người, xe cứ quay ngang quay ngược, gây hỗn loạn. Còn tắc đường ở Jakarta chỉ là do lượng xe hơi quá đông, xe phải xếp hàng trước đèn giao thông chờ đến lượt. Chờ đến lượt một cách tương đối trật tự, không thấy cảnh vài chiếc ôtô quay ngang đầu gây tắc đường như ở ta.

Kết thúc tháng ăn chay Ramadan 2016, như thông lệ, người ta đổ về quê để ăn tết, và lại rơi vào cảnh tắc đường như mọi năm.

Một trận tắc nghẽn khủng khiếp kéo dài 72 tiếng đồng hồ, từ ngày 3-7 đến 5-7. Báo chí đưa tin số người chết 20-30-50 người. Cuối cùng, người phát ngôn Bộ Giao thông đưa ra con số chính thức là 12 người.

Phần lớn người chết là người già, người ốm, bị giam chặt giữa dòng xe cộ dài mấy chục cây số trong nắng nóng. Đoạn đường từ thủ đô Jakarta đến thành phố Brebes khoảng 300 cây số mà cùng lúc có 10.000 chiếc ôtô tràn vào, chưa kể xe máy.

Trước đó, vào dịp lễ Giáng sinh 2015, chúng tôi lái xe đi thăm cố đô Yogyakarta, nơi có Borobudur - ngôi chùa lớn nhất thế giới. Quãng đường 535km, bình thường chỉ đi mất nhiều nhất là 10 tiếng, rốt cuộc phải 24 tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Rời thủ đô Jakarta lúc 9g tối hôm trước mà 9g15 tối hôm sau mới đến được cố đô. Bò như rùa suốt một đêm, hơn bảy tiếng đồng hồ, sáng ra mới thấy chỉ đi được có... 100km. Xe cứ nhích lên được dăm ba mét lại dừng, nhích lên lại dừng. Xe phải xếp hàng dài hàng chục cây số trước các trạm thu phí.

Tội đồ là cái trạm thu phí

Đi nhiều rồi cũng hiểu ra: tội lỗi đầu tiên là những cái trạm thu phí. Đường đi ra khỏi thủ đô chỉ một quãng vài chục cây số mà đã có dăm ba trạm, hỏi làm sao không tắc đường. Bất cứ ai nhìn vào cũng thấy cần cải tiến việc thu phí. Bỏ bớt trạm thu phí đi.

Thu phí bằng cách bán vé tháng cho các chủ xe. Hoặc lập trạm thu phí điện tử tự động. Hoặc những lúc tắc đường thì mở cửa tháo khoán để giải phóng cho xe.

Từ năm 2011, người ta đã bắt đầu thí điểm đặt các trạm thu phí tự động ở năm thành phố lớn, nhưng chưa nhân rộng ra được vì khó khăn trong việc thu phí qua hệ thống thẻ ngân hàng và một số vấn đề tài chính. Một số quan chức còn nêu ý kiến miễn thu phí đường cao tốc để cho xe chạy thông suốt.

Ngay sau ba ngày tắc đường đáng ghê sợ, giám đốc thanh tra cảnh sát giao thông cam kết sẽ không thu phí một khi số lượng xe kéo dài đến 5km trước các trạm thu phí. Việc mở cửa tháo khoán như vậy gây thiệt hại cho các trạm thu phí, nhưng ông chủ tịch ủy ban giám sát hạ tầng và giao thông của hạ viện nêu mấy lý do phải mở barie:

1. Các nhà quản lý trạm thu phí đã cam kết bảo đảm thời gian đi lại cho mọi phương tiện. Tiêu chuẩn dịch vụ tối thiểu do chính phủ đề ra đối với đường thu phí là phải để cho xe di chuyển với tốc độ từ 40-60 km/h.

2. Theo quy định, thời gian làm thủ tục với mỗi xe đi qua trạm thu phí nhiều nhất là 5-9 giây, còn qua cổng thu phí tự động chỉ có 4 giây.

Ba người trong một xe

Jakarta có tổng diện tích nội ngoại thành là 17.132km2, gấp khoảng tám lần diện tích TP.HCM. Tổng dân số Jakarta là 12 triệu, nhưng một số tài liệu nói là 25 triệu, tính cả vùng phụ cận. Số liệu năm 2013 cho thấy cả đất nước có 76,4 triệu xe máy, riêng thủ đô Jakarta có khoảng 26,4 triệu xe.

Tổng lượng xe ôtô các loại năm 2013 là 94 triệu. Riêng ở Jakarta, tổng số xe các loại năm 2015 là 6,7 triệu. Chiều dài các đường phố Jakarta là 7.200km, mà độ dài cần thiết cho lượng xe hiện nay phải là 12.000km.

Sau một tháng thử nghiệm cấm xe máy trong các đường phố trung tâm thủ đô, từ tháng 2-2015 chính quyền Jakarta bắt đầu cấm xe máy trong các đường phố lớn. 1.700 cảnh sát, quân nhân, nhân viên giao thông được huy động để thực hiện lệnh cấm.

Tòa thị chính cung cấp thêm xe buýt, đồng thời dân chúng được động viên sử dụng đường sắt trên cao. Lượng xe máy giảm, đường phố có thoáng hơn chút ít, nhưng lượng xe ôtô thì vẫn rồng rắn nối đuôi nhau gây ùn tắc.

Chính quyền Jakarta còn có giải pháp khác để giảm lượng xe ra vào trung tâm thành phố: quy định “3 trong 1”. Mỗi xe ôtô muốn ra vào những đường phố lớn phải có ít nhất ba người trong xe.

Ít hơn ba người thì tất nhiên gần đến nơi là phải rẽ sang phố khác. Nhưng trời sinh hươu thì lại có ngay người vẽ đường cho hươu chạy. Trước những con đường vào phố chính sinh ra một dịch vụ mới.

Có những người sẵn sàng chui vào xe của bạn, giả vờ làm người nhà để cho đủ ba người mà đi vào trung tâm. Hết đoạn đường ấy, họ nhận tiền công từ chủ xe rồi ra khỏi xe bái bai tạm biệt, trước khi lại chui vào xe khác tiếp tục dịch vụ. Những người này được gọi là jockey. Họ có thể là người thất nghiệp, có thể là sinh viên kiếm thêm thu nhập.

Có người mang cả con nhỏ theo mà chỉ tính giá tiền một người ngồi xe. Có kẻ bế theo con hờ, lại còn cho uống thuốc ngủ, lăn lóc mê mệt để qua mắt cảnh sát. Những người này nếu bị cảnh sát bắt sẽ bị phạt giam vài tuần, phải ký vào biên bản cam kết không tái phạm.

Biện pháp “3 trong 1” được thực hiện bắt đầu từ năm 2003, đến giữa năm 2016 thì bỏ dần. Sau khi có lệnh bỏ, lượng xe ra vào các phố chính lại tăng lên, đoàn xe nối đuôi nhau trên đường lại dài thêm.

Lẻ ơi ở lại, chẵn đi nhé

Khi một đoàn Việt Nam đến thăm, thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama, được nghe nói về chương trình khắc phục tình trạng tắc nghẽn thông qua VOV giao thông ở Việt Nam, ông nói: “Ở Jakarta, lái xe không nghe đài, nhưng họ lại sử dụng hệ thống định vị GPS và dùng điện thoại thông minh. Chúng tôi thông báo cho họ về tình trạng tắc đường thông qua phương tiện ấy”.

Ông dẫn đoàn Việt Nam vào thăm phòng xử lý tắc nghẽn ngay trong tòa thị chính. Một màn hình rộng cùng lúc chia thành hàng chục ô hình, mỗi ô hình là một giao lộ, hễ có tắc nghẽn là trung tâm nhìn thấy ngay và lập tức xử lý thông tin, kịp thời báo cho người tham gia giao thông.

Ngay lúc ấy, tôi thầm nghĩ nhiều nỗ lực như thế, còn được kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, mà kết quả là vẫn chưa cải thiện được nạn tắc đường. Nhưng hiệu quả dù hạn chế vẫn không cản trở chính quyền thành phố tiếp tục tìm kiếm những biện pháp mới để khắc phục.

Lại qua một thời gian thí điểm, rồi bắt đầu từ ngày 30-8-2016, thành phố thực hiện việc cho xe ra vào trung tâm theo biển số chẵn - lẻ. Hôm nay xe số chẵn được vào trung tâm thì ngày mai nghỉ, mai sẽ là ngày của xe số lẻ. Đúng là giảm được lượng xe lưu thông trên đường vào giờ cao điểm. Giải pháp này trước mắt được coi là có hiệu quả hơn biện pháp “3 trong 1”.

Ước tính rằng chỉ vì giao thông tắc nghẽn mà mỗi năm riêng thủ đô Jakarta đã bị thiệt hại về kinh tế khoảng 3 tỉ đôla Mỹ. Đôi khi ta vẫn phải dựa vào những con số mà so sánh: vấn nạn giao thông như thế, mạng lưới Internet và điện thoại nhiều khi tắc nghẽn như thế, mà đất nước 255 triệu dân này vẫn có thu nhập quốc dân tính theo đầu người gần gấp đôi Việt Nam.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận