“Nhà máy giáo dục giết chết tính sáng tạo”

LÊ QUANG 01/04/2017 01:03 GMT+7

TTCT- GS.TS Richard David Precht nổi tiếng từ tác phẩm Tôi là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu? (năm 2007), tác giả nhiều best-seller về tình yêu và đạo đức, còn là một thuyết trình viên nặng ký, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục. Hãy nghe ông chia sẻ về đề tài thú vị này.

Anna die Schule und der liebe Gott von Richard David Precht
Anna die Schule und der liebe Gott von Richard David Precht


Trong tác phẩm mới được dịch sang tiếng Việt có tên Vì sao con tôi không thích đến trường? (nguyên tác: Hệ thống giáo dục phản bội con cái chúng ta ra sao?), ông ông ​đòi nền giáo dục Đức làm một cuộc cách mạng triệt để. Nhật báo DIE ZEIT đã phỏng vấn ông về tác phẩm này.

Ông viết về các “Nhà máy giáo dục giết chết tính sáng tạo” và khuyên tầng lớp trung lưu, nếu được, không nên cho con học trường công. Liệu có cực đoan quá không?

- Tôi đã kinh qua hệ thống trường phổ thông ở Luxemburg với ba đứa con, hiện tại tôi quan sát con trai tôi đi học cấp I. Và tôi tự hỏi, làm sao có thể chấp nhận những gì đang diễn ra ở các tiết học. Mỗi ngày học trò học năm hay sáu môn hoàn toàn không liên quan đến nhau.

Chúng liên tục viết bài kiểm tra và sau đó được phép quên phần lớn những gì đã học. Tôi cho rằng những gì con cái chúng ta học ở trường và những gì chúng cần cho cuộc sống đang tách rời nhau mạnh nhất từ xưa đến nay.

Đức là một trong những quốc gia xuất khẩu đứng đầu thế giới, có tỉ lệ thanh niên thất nghiệp thuộc hàng thấp nhất thế giới, các tiến sĩ Đức được chào đón tại mọi trường đại học hàng đầu thế giới. Hệ thống giáo dục của chúng ta không thể tồi tệ như ông nghĩ.

- Thứ nhất, không có gì bảo đảm rằng mức sống ấy kéo dài mãi mãi. Thứ hai, tôi không muốn tính ra xem hệ thống giáo dục của chúng ta có thêm bao nhiêu nhà khoa học và kỹ sư tài giỏi, nếu học sinh của chúng ta được học theo định hướng bền vững.

Không thể chấp nhận được thực tế là hơn 90% những gì học ở trường bị quên đi sau vài năm.

...Hệ thống học đường Đức hôm nay còn thở hơi thở của thế kỷ 19 - hồi mà cá thể không được đề cao, tất cả cùng học một thứ trong thời gian nhất định. Tôi gọi đó là mô hình nhà máy.

Ông quảng bá “học kiểu mới”, cụ thể như thế nào?

- Trẻ con thích học, tất cả ai có con đều biết thế. Trẻ con học nói, học đi, cha mẹ không cần làm gì nhiều. Hầu hết trẻ con vui vẻ đi học những ngày đầu. Nhưng một thời gian sau chúng đánh mất tính tò mò và niềm vui học hỏi.

Tôi cho rằng nguyên nhân nằm trong mô hình dạy học kinh điển: người ta ít tự hỏi liệu trẻ con có nhìn thấy ý nghĩa gì trong mớ kiến thức mà chúng phải học. Trừ các ngoại lệ, vì sao một đứa trẻ 13 tuổi phải thích một công thức vật lý?

Vì sao nó phải biết một cụm trạng từ là gì? Có thể nó sẽ học cả hai, vì nó bị bắt buộc. Nhưng ít lâu sau là nó quên.

Ông có đề nghị gì thay thế?

- Khi đã xây dựng xong cơ sở, trường phải chuyển hướng dạy theo dự án. Xin lấy ví dụ về thời đại của Goethe.

Học sinh cùng đọc tác phẩm Faust với giáo viên môn tiếng Đức, giáo viên sử thuyết trình về nước Đức thời bấy giờ, giáo viên hóa kể về các thí nghiệm giả kim thuật và làm cả thí nghiệm với sắt và lưu huỳnh, còn các học sinh yêu sân khấu học diễn một cảnh trong tác phẩm. Ai học kiểu ấy, sẽ hiểu mối liên quan và ý nghĩa của những thứ mình học.

Căn cứ vào đâu mà ông tin là hệ thống của ông đưa đến thành tích cao hơn hệ thống kinh điển?

- Không chỉ mình tôi, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục tin rằng học từng môn kiểu truyền thống đã lỗi thời. Tôi lấy cơ sở minh chứng quan trọng nhất từ các kiến thức trong lĩnh vực tâm lý học phát triển, nghiên cứu phương pháp học tập và nghiên cứu não bộ, chỉ ra thế nào là học bền vững.

Tất nhiên cũng phải đổi mới cả đào tạo giáo viên. Ngay từ đầu, giáo viên phải làm việc theo nhóm, phải học cách truyền bá kiến thức theo dự án chứ không trong từng môn riêng biệt nữa, phải hướng dẫn mỗi cá nhân học sinh một khác. Phần Lan là một ví dụ thành công trong chuyển đổi hệ thống.

Không phải cuộc cách mạng nào cũng phải đầu rơi máu chảy. Với cuốn sách này tôi chỉ muốn thúc đẩy một phong trào tái cơ cấu học đường. Đó cũng là một ý tưởng mang tính cách mạng.

Cuộc cách mạng của ông tốn bao nhiêu tiền? Học theo dự án sẽ dẫn đến các nhóm rất nhỏ, hoặc ông muốn cứ bốn năm lại cho giáo viên thực tập nửa năm để thu thập kinh nghiệm mới, ví dụ sống với thổ dân Úc...

- Hiện đã có những tính toán cụ thể, nhà nước dôi ra bao nhiêu tiền nếu bỏ chế độ lưu ban cho học sinh hoặc bỏ tiền trợ cấp nuôi con cho những người có thu nhập cao, như tôi chẳng hạn. Xã hội Đức cũng có vô số người sẵn sàng hiến dâng thì giờ và kiến thức chuyên môn cho giáo dục, thậm chí miễn phí.

Tôi không rõ như vậy đã đủ chưa. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều: đất nước này đủ thịnh vượng để được hưởng một hệ thống giáo dục tốt hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận