Sống sao với một đô la mỗi ngày?

JIM COLTON 03/05/2017 21:05 GMT+7

TTCT - “Sự bất công trong điều kiện sống của con người chỉ có thể giảm bớt khi con người ở tất cả mọi nơi quan tâm tới điều đó”

Bà Renée C. Byer                   -Paul Kitagaki
Bà Renée C. Byer -Paul Kitagaki

Một đôla (*) - khoản tiền thật nhỏ mọn - là tất cả nguồn sống mỗi ngày của hơn 1 tỉ người trên hành tinh. 

Trong cuốn sách mới Sống với một đôla mỗi ngày (**), tác giả Thomas A. Nazario và nhiếp ảnh gia Renée C. Byer ghi lại cuộc khủng hoảng toàn cầu này với ngôn từ cẩn trọng và những bức ảnh sửng sốt, dẫn dắt ta đến tận cùng tâm hồn của những nhân vật qua đôi mắt họ.  

TTCT giới thiệu cuộc trò chuyện giữa zPhotoJournal với bà Byer mới đây.

Bà vừa cho ra mắt quyển sách Sống với một đôla mỗi ngày. Bà đã bắt đầu dự án này ra sao? Điều gì thu hút bà với câu chuyện này, những cảnh huống và con người mà bà đã chụp ảnh, có một, hai hình ảnh nào khiến bà đặc biệt xúc động không?

- Tổ chức phi lợi nhuận chống nghèo đói toàn cầu The Forgotten International tại San Francisco khi ấy đang tìm một phóng viên ảnh cho cuốn sách thể hiện nạn đói toàn cầu qua một khuôn mặt người và tôi đã nộp đơn.

Tôi đã mong được làm việc về vấn đề này từ chuyến đi đầu tiên của tôi tới Mali, châu Phi năm 2003. Khi ấy, tôi đi khắp thế giới để hoàn thành dự án thể hiện thực phẩm biến đổi gen qua khuôn mặt con người.

Bộ ảnh Hạt giống nghi ngờ đã đoạt Giải Harry Chapin cho hạng mục truyền thông về nạn đói trên thế giới năm 2005. Tôi đã gặp một cậu bé 2 tuổi giúp mẹ đốt củi làm than trong cái nóng hầm hập nghẹt thở.

Tôi theo họ về khu lán trại, nơi tay trại trưởng tuyên bố “Không làm việc, không được ăn”, và chụp ảnh đứa trẻ có đôi mắt nâu to tròn cầm những mẩu cơm bé xíu trong tay. Giờ tôi vẫn hình dung được khuôn mặt cậu bé và giọng nói của tay trại trưởng. Đó cũng là bước ngoặt với tôi trong vấn đề lao động trẻ em và nghèo đói cùng cực.

Vài năm sau, khi tôi đang dạy ở một lớp nhiếp ảnh miễn phí tại Siem Reap (Campuchia) thì một cậu bé ôm đứa em còi cọc trong tay lại gần tôi xin một đôla: “Một đôla thôi cô ơi, làm ơn, chỉ một đôla cho em cháu, làm ơn, làm ơn, làm ơn”.

Fati, 8 tuổi, làm việc cùng những đứa trẻ khác trong bãi rác điện tử đầy rẫy nguy hiểm tại Ghana, với hi vọng tìm được bất cứ thứ gì mà bé có thể đổi lấy vài xu sống sót qua ngày-Renée C. Byer
Fati, 8 tuổi, làm việc cùng những đứa trẻ khác trong bãi rác điện tử đầy rẫy nguy hiểm tại Ghana, với hi vọng tìm được bất cứ thứ gì mà bé có thể đổi lấy vài xu sống sót qua ngày-Renée C. Byer

Tôi vẫn còn nghe thấy lời cầu khẩn đó vang vọng trong tâm trí mình. Tôi chết lặng trước cậu bé và đưa cho cậu một đôla. Về sau tôi mới biết qua các tổ chức cứu trợ rằng những khoản tiền như thế cho người ngoài đường phố thường rơi vào túi những tay chăn dắt.

Đó là hai gương mặt ám ảnh tôi nên khi có cơ hội thực hiện quyển sách này, tôi biết mình đã làm điều đúng đắn. Tôi xin nghỉ ba tháng ở tờ Sacramento Bee để nghiên cứu, thực hiện bộ ảnh. Thời gian như thế vẫn chưa đủ, nên tôi sử dụng thêm ngày nghỉ phép trong vài năm trước đó để hoàn tất dự án.

Tôi vô cùng biết ơn David Griffin, chuyên môn và hướng dẫn của ông là tối quan trọng cho cuốn sách. Tôi gặp ông khi ông đang là giám đốc hình ảnh của National Geographic, sự cộng tác của ông trong vài năm qua là rất quan trọng, giúp những hình ảnh này có được sức mạnh biểu đạt lớn như thế.

Khi bạn nhận ra cứ sáu người trên thế giới thì một người sống trong nghèo đói cùng cực, đó là một con số gây choáng váng.

Những phụ nữ sống trong khu ổ chuột ở Dharamsala, India phải đi bộ xa để lấy nước sinh hoạt cho gia đình, sau một ngày làm việc cực nhọc-Renée C. Byer
Những phụ nữ sống trong khu ổ chuột ở Dharamsala, India phải đi bộ xa để lấy nước sinh hoạt cho gia đình, sau một ngày làm việc cực nhọc-Renée C. Byer

 Rồi bạn biết rằng mỗi ngày có 19.000 trẻ em chết vì những nguyên nhân có thể ngăn chặn được, thì con số đó là không thể tưởng tượng nổi. Thách thức với tôi là từ những con số thống kê đó kể các câu chuyện lôi kéo người đọc thông qua đôi mắt những nhân vật để tạo ra sự cảm thông sâu sắc hơn với những vấn đề và những khuôn mặt của nghèo đói cùng cực.

Không dễ làm được như thế, nhưng tôi tập trung vào việc nắm bắt tinh thần và cảm xúc của con người, để mọi người có thể mường tượng chính họ trong vai trò của những người mà tôi chụp như thể họ đã ở đó… và như thể đó là thực tế của chính họ.

Mỗi câu chuyện trong quyển sách đều rất đau buồn ở nhiều mức độ, nhưng vẫn luôn có hi vọng và những nguồn lực hướng dẫn chúng ta cách giúp đỡ họ.

Alvaro Kalancha Quispe, 9 tuổi, ở Bolivia, đi chăn gia súc mỗi ngày. Cả gia đình em, sau cái chết của người cha, kiếm được 200 đôla mỗi năm từ việc bán lông đàn gia súc này-Renée C. Byer
Alvaro Kalancha Quispe, 9 tuổi, ở Bolivia, đi chăn gia súc mỗi ngày. Cả gia đình em, sau cái chết của người cha, kiếm được 200 đôla mỗi năm từ việc bán lông đàn gia súc này-Renée C. Byer

Bà đã thực hiện nhiều câu chuyện trong nước. Câu chuyện này thì bà đi khắp thế giới. Liệu cách tư duy có khác khi thực hiện?

- Yếu tố lớn nhất khi di chuyển khắp nơi là bạn phải dựa vào người phiên dịch, các nhân viên xã hội, tài xế cùng sự hỗ trợ ở hiện trường và sẽ khó xây dựng quan hệ gần gũi với nhân vật hơn so với ở Mỹ.

Ngoài ra, tôi nghiện làm việc và có thể làm việc suốt 12 tiếng mà chỉ ăn vài thanh lương khô, nhưng đoàn của tôi không quen với cường độ làm việc như vậy, tôi phải điều chỉnh rất nhiều.

Tôi mang đồ ăn và nước uống cho mọi người để tránh tình trạng kiệt sức ở hiện trường. Khi đến một đất nước khác, tôi họp mặt cả đội và cho họ xem những tuyến ảnh tôi đã hoàn thành, để họ hiểu mức độ cùng chất lượng ảnh của câu chuyện kể mà tôi hi vọng đạt tới và cần những gì để đạt được điều đó.

Trước khi lên đường, bao giờ tôi cũng tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt từ các nhiếp ảnh gia từng làm việc ở những đất nước đó và thực hiện mọi nghiên cứu có thể về nền văn hóa địa phương.

Dĩ nhiên dù bạn có chuẩn bị bao nhiêu trước khi tới nơi, mọi thứ vẫn có thể hỏng bét… nên bạn phải có khả năng thích nghi cực cao và có thể thay đổi hoàn toàn kế hoạch. Tôi luôn phải làm như thế với dự án này.

Việc tìm kiếm câu chuyện đến với tôi một cách tự nhiên bởi tôi là nhà báo. Nhiều câu chuyện trong cuốn sách tôi tìm thấy khi đi trên đường và hỏi chuyện mọi người. Tôi hết sức tập trung vào việc để câu chuyện tự giãi bày và không làm ngắt quãng cuộc sống thường nhật của mọi người.

Mất hàng giờ và đôi khi là nhiều ngày để có được những bức ảnh, vì gần như mọi hình ảnh là thực tế cuộc sống chứ không phải là ảnh dàn xếp hay chân dung.

Cách tư duy của tôi là giống nhau dù làm việc trong hay ngoài nước: tập trung vào những khoảnh khắc thật của đời sống hằng ngày, để mọi người có thể liên hệ họ với những bức ảnh… ngay cả nếu chúng ta cách nhau cả một thế giới.

Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Sống với một đôla mỗi ngày"

Khi bà chụp những câu chuyện sâu sắc này, danh sách những điều cần đạt được của bà là gì? Bà có phương pháp hoặc thiết lập mục tiêu nào sẵn không, hay mỗi tình huống lại khác?

- Tất cả nằm ở việc để cho các câu chuyện tự bộc lộ và nắm bắt được các cung bậc cảm xúc tự nhiên. Nếu chú tâm đủ lâu vào câu chuyện, bạn sẽ đạt được các cung bậc đó, trong khi mọi người vẫn tiếp tục đời sống thường nhật của họ và mở trái tim họ ra với bạn.

Thông thường, tôi bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện để giành lấy sự tin tưởng từ nhân vật của mình. Về cơ bản, tôi sẽ giải thích rằng tôi muốn ghi lại cuộc sống hằng ngày của họ, dù tôi có phải làm gì.

Tôi xin họ một danh sách những việc họ làm trong ngày và đảm bảo với họ rằng ngay cả nếu tôi phải dậy lúc 5h sáng để chụp ảnh họ thì vẫn không sao.

Tôi cố gắng không mường tượng quá nhiều trong đầu. Tôi từng làm thế, nhưng rồi tôi phát hiện nhiều yếu tố bất ngờ bạn không thể lường trước.

Ví dụ khi đang chụp ảnh một cậu bé lục lọi thùng rác ở Ấn Độ, tôi hoàn toàn không biết rằng tôi sẽ xuất hiện trong căn nhà xập xệ của cậu bé, ngắm cậu chơi đùa vui vẻ với anh em trên giường ngủ. Đó là một khoảnh khắc bất chợt mà tôi không thể đoán trước, nhưng tối quan trọng để tạo ra bộ mặt con người để mọi người có thể liên hệ mình với cậu ấy, như thể đó là con của chính họ.

Bữa ăn tối của bé Mohamed Ag Ahmedou, 2 tuổi, sống trong một ngôi làng gần thành phố Lere (Mali)-Renée C. Byer
Bữa ăn tối của bé Mohamed Ag Ahmedou, 2 tuổi, sống trong một ngôi làng gần thành phố Lere (Mali)-Renée C. Byer

 Tôi luôn ngưỡng mộ những bức ảnh mang lại cảm nhận về “hi vọng” của bà, ngay cả khi đó là ảnh về thực tế nghiệt ngã. Phải chăng đấy là nét đặc trưng có ý thức trong tính cách và tác phẩm của bà?

- Tôi đã đề xuất dành một chương trong quyển sách về trẻ em chơi đùa và hi vọng. Tôi phát hiện trong khi dành thời gian với các nhân vật của tôi rằng tinh thần nhân bản vượt lên ngay cả trong những mất mát tồi tệ nhất.

Tôi đã yêu cầu cả nhóm dừng lại ở Ấn Độ để chụp ảnh một cô bé mù đi xe lăn xin tiền nuôi mẹ và em trai mình. Hầu hết mọi người sẽ chỉ lướt qua như thể cô bé không hề tồn tại.

Tôi đã chụp cuộc sống thường nhật của cô bé và không bao giờ tưởng tượng được rằng bức ảnh cuối cùng sẽ là cô bé và em trai mình vỗ tay, tươi cười và hát tặng tôi một bài. Một lần nữa, gia đình đó gần như chẳng có gì… nhưng lại mang tới cho tôi niềm vui tột cùng.

Một bức ảnh khác tôi chụp ở Ấn Độ là một cậu bé ngước nhìn đầy hi vọng khi cơm được phát tại một trường học dã chiến của tổ chức thiện nguyện Tong Len. Ở đó, họ cố gắng tạo đột phá khỏi chu kỳ đói nghèo bằng cách cung cấp thức ăn, giáo dục cơ bản, một trạm y tế lưu động và nơi tắm rửa cho tất cả trẻ em ở khu ổ chuột.

Đó là một ví dụ tuyệt vời trong việc giúp đỡ xây dựng tương lai cho những đứa trẻ trong cộng đồng của chúng với những nguồn lực sẵn có.

Tibetob Gmafu, 5 tuổi (trái), Bidimei Gmafu, 5 tuổi (giữa),  Dawuni Bisun, 7 tuổi (bên trên, phải) và Ninankor Gmafu, 6 tuổi ở một ngôi làng miền bắc Ghana, đang tránh mưa trong một ngôi nhà trong khi vẫn phải để mắt canh chừng đàn gia súc. Chúng chỉ ước ao được đến trường thay vì phải chăn gia súc hằng ngày-Renée C. Byer
Tibetob Gmafu, 5 tuổi (trái), Bidimei Gmafu, 5 tuổi (giữa), Dawuni Bisun, 7 tuổi (bên trên, phải) và Ninankor Gmafu, 6 tuổi ở một ngôi làng miền bắc Ghana, đang tránh mưa trong một ngôi nhà trong khi vẫn phải để mắt canh chừng đàn gia súc. Chúng chỉ ước ao được đến trường thay vì phải chăn gia súc hằng ngày-Renée C. Byer

 Bà sẽ đưa ra lời khuyên gì cho một phóng viên ảnh trẻ muốn theo đuổi một sự nghiệp trong thị trường ngày nay? Bà thấy lạc quan hay bi quan về tình trạng của ngành báo chí?

- Triết lý của tôi là đừng chờ đợi được phân công, hãy tự nghĩ ra ý tưởng của riêng bạn. Tìm một câu chuyện quan trọng với bạn và bắt tay vào làm.

Nếu có thể nảy ra ý tưởng và thích nghi được với thay đổi, bạn sẽ được các tổng biên tập tuyển dụng. Ngành báo chí đang tiến hóa và tôi không nghĩ có ai đó tiên đoán trước được điều gì, nhưng tôi tin rằng mọi người sẽ thích những bức ảnh kể lại một câu chuyện, có hồn và khuấy động cảm xúc.

Tôi cho rằng các tác phẩm nhiều ý nghĩa luôn có hi vọng. Thách thức là bạn sẽ xuất bản tác phẩm của mình trên nền tảng nào?

Nội dung là tối quan trọng, vì nếu bạn có nắm được tất cả các công nghệ thì kết quả cuối cùng vẫn chẳng đáng gì nếu không có nội dung. Tôi nghĩ nếu có nội dung tốt, làm chủ mọi công cụ và quyết đoán, bạn có thể trở thành một phóng viên ảnh thành công.

Nhưng tôi cũng nghĩ làm việc theo nhóm sẽ là chìa khóa cho tương lai của truyền thông đa phương tiện và bạn phải có quan hệ công việc tốt với đồng nghiệp của mình. Tôi lạc quan về tương lai!

 “…Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước sự duyên dáng, lòng bao dung, kiên trì và dũng cảm của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em cần cù đã cho phép tôi bước vào cuộc sống của họ, cuộc sống mà họ không được chọn và thường là không kiểm soát được. Cuộc đời tôi phong phú hơn nhờ có họ. Tôi hi vọng bạn sẽ nhìn thật sâu vào những bức ảnh này và để chúng thay đổi cuộc đời của cả bạn nữa”.

(bà Byer viết trong lời bạt cuối sách)

Vài năm nữa, khi người ta xem tác phẩm của bà, bà muốn họ nhớ điều gì nhất?

- Rằng Byer là một người kể chuyện tuyệt vời, người kết nối với nhân vật của bà ấy ở mức độ cá nhân với sự nhạy cảm và đồng cảm, người tạo ra tác phẩm nói lên một số vấn đề khẩn thiết nhất trong thời đại chúng ta. Qua mối liên kết chân thành ấy, ảnh của bà là chất xúc tác cho thay đổi.

Cuối cùng, viễn kiến tương lai của Renée C. Byer là gì? Bà có dự án nào sắp tới có thể chia sẻ không?

- Hiện tôi đang tìm tài trợ cho triển lãm một tuyển tập các tác phẩm từ cuốn sách Sống với một đôla mỗi ngày: Cuộc đời và khuôn mặt của những người nghèo trên thế giới, để đưa những bức ảnh này đến với những diễn đàn tốt nhất nhằm khuyến khích sự thay đổi.

Tôi cũng đang tập trung xây dựng một website. Tôi không nghĩ người ta nhận ra khối lượng công việc khổng lồ cần thực hiện sau khi chụp ảnh để nâng cao hiểu biết của dư luận và đưa chúng tới trước những người làm chính sách cùng những ai có thể giúp tạo ra sự khác biệt.

Chúng tôi có trách nhiệm theo đuổi các nhân vật của mình tới cùng vì chỉ chụp ảnh là không đủ. Tôi hi vọng rằng những bức ảnh này sẽ được trưng bày trong một triển lãm ở nhiều nơi và đưa lên mạng, nơi chúng có thể giáo dục và ảnh hưởng tới cả thế giới nhằm loại bỏ những đau thương với con người.

Đạt Lai Lạt Ma đã nói hay nhất khi viết lời tựa cho quyển sách: “Sự bất công trong điều kiện sống của con người chỉ có thể giảm bớt khi con người ở tất cả mọi nơi quan tâm tới điều đó”. ■

Erika Gonzales, 36 tuổi, cùng ba đứa con và cháu, đi bộ mỗi ngày để lượm phế liệu ở Lima (Peru)-Renée C. Byer
Erika Gonzales, 36 tuổi, cùng ba đứa con và cháu, đi bộ mỗi ngày để lượm phế liệu ở Lima (Peru)-Renée C. Byer

 Thủy Tiên lược dịch

(*): Cụm từ “Một đôla mỗi ngày” được WB sử dụng lần đầu năm 1990 để thiết lập chuẩn nghèo quốc tế. Năm 2008, WB nâng lên 1,25 đôla/ngày.

(**): Cuốn sách gồm 10 chương, cuối mỗi chương là thông tin “Phương thức hỗ trợ” cung cấp cho độc giả cơ hội giúp đỡ người khác với tên các tổ chức, địa chỉ, số điện thoại và trang web. Để thực hiện dự án này, bà Byer đã đi qua 4 châu lục. 

Renée C. Byer là phóng viên ảnh lâu năm cho tờ Sacramento Bee (từ năm 2003) với các tác phẩm tin tức địa phương, quốc gia và quốc tế. Tác phẩm của bà xuất hiện ở hàng chục ấn phẩm tin tức trên toàn thế giới dưới dạng báo, tạp chí và báo mạng: Paris Match, The New York Times Lens Blog, Newsweek AsiaEl Pais

Bà giảng dạy các khóa ngắn hạn trên toàn thế giới về sức mạnh kể chuyện của nhiếp ảnh, là giám khảo các cuộc thi nhiếp ảnh và nhận nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá. Bà đoạt giải Pulitzer ở hạng mục nhiếp ảnh phóng sự dài kỳ năm 2007 cho tác phẩm “Hành trình của một bà mẹ” đang được trưng bày tại Bảo tàng Newseum, Washington, DC (Mỹ).


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận