Khi quốc gia xin lỗi

CHIÊU VĂN 05/05/2017 02:05 GMT+7

TTCT- Khi ứng viên số 1 cho ghế tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói “(chế độ thuộc địa) là một tội ác, tội ác chống lại loài người” ở Algeria mới đây, ông đã tiếp tục một trào lưu những lời xin lỗi ở cấp độ quốc gia đang ngày càng phổ biến trong thế kỷ 21.

Thủ tướng Đức Willy Brandt quỳ trước đài tưởng niệm cuộc nổi dậy Warsaw 1943 -Rare Historic Photos
Thủ tướng Đức Willy Brandt quỳ trước đài tưởng niệm cuộc nổi dậy Warsaw 1943 -Rare Historic Photos


Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng hành động của chúng ta có thể gây hại cho người khác. Trong đời sống cá nhân, chúng ta biết rằng sự lành mạnh và liêm chính trong các mối quan hệ là mong manh.

Khi xảy ra đổ vỡ, để có thể hàn gắn, người nào sai sẽ phải xin lỗi. Nhưng khi các quốc gia hành động sai trái thì sao? Liệu một lời xin lỗi như thế có ý nghĩa gì không và nếu có thì tại sao?

Thế nào là thật sự hối lỗi?

Chỉ nói miệng là không đủ. Để lời xin lỗi có tác dụng, kẻ làm sai phải thực sự hối lỗi, có hành động đền bù cho mất mát và cam kết không tái phạm.

Tuy nhiên, như triết gia Moses Maimonides đã nói 800 năm trước, một lời xin lỗi trước hết vẫn cần “do chính miệng kẻ làm sai nói ra, với sự hối hận thực sự từ trong tim”.

Liên Hiệp Quốc đã công nhận ý kiến của Maimonides rằng một sự hối lỗi thực sự của các quốc gia, với việc vi phạm lớn về nhân quyền hay tội ác chống lại loài người chẳng hạn, phải bao gồm sự đền bù, sự bảo đảm không tái phạm và một lời xin lỗi chính thức.

Tháng 5-2016, khi tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Hiroshima, đã xuất hiện tin đồn ông có thể nói lời xin lỗi đại diện cho nước Mỹ vì vụ bỏ bom hạt nhân xuống thành phố này vào cuối Thế chiến thứ hai.

Nhưng ông Obama đã không xin lỗi. Ông chỉ nói chuyến thăm của mình là “để tưởng nhớ những mất mát của Chiến tranh thế giới thứ hai và xác nhận lại tầm nhìn chung của chúng ta về một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Gần 30 năm trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật về các quyền tự do dân sự, trong đó xin lỗi và bồi thường cho những người Mỹ gốc Nhật đã bị giam cầm và ngược đãi trong thời chiến tranh.

Ký ban hành đạo luật, tổng thống Mỹ Ronald Reagan nói: “Chúng ta thừa nhận đã làm sai, chúng ta xác nhận lại cam kết của chúng ta rằng một quốc gia cũng phải chịu sự phán xử của luật pháp và công lý”.

Những người kế nhiệm Reagan, George H. W. Bush và Bill Clinton, còn gửi những bức thư xin lỗi cá nhân tới những người đã bị ngược đãi. Nhưng đó là những lời xin lỗi khá muộn.

Trong không khí bài ngoại sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, quân đội Mỹ đã đưa 120.000 người Nhật và người Mỹ gốc Nhật sinh sống ở đây vào các trại giam giữ và nhiều người bị nhốt không qua xét xử tới tận hết chiến tranh.

Nhiều quốc gia phải đối mặt với quá khứ còn kinh khủng hơn. Nước Đức suốt hơn 70 năm sau thời Hitler là như thế. Các chính trị gia Đức hiểu họ phải đối mặt với di sản của cuộc chiến nếu nước Đức muốn “tái hòa nhập” vào cộng đồng quốc tế.

Năm 1952, thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký sắc lệnh bồi thường cho Nhà nước Israel mới thành lập 3,5 tỉ mark. Sự hối cải được thể hiện đều đặn, liên tục và bởi cả hành động lẫn lời nói.

Năm 1970 chẳng hạn, thủ tướng Đức Willy Brandt đã nổi tiếng với bức ảnh ông quỳ trước đài tưởng niệm vụ nổi dậy Warsaw 1943 tại Ba Lan. Brandt sau này nói ông “làm điều mà người ta vẫn làm khi không lời lẽ nào có thể diễn tả được cảm giác ân hận”.

Năm 1995, Helmut Kohl, thủ tướng đầu tiên của nước Đức thống nhất, đã tìm ra được những lời đó. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz, Kohl nói những gì xảy ra ở đó “là chương đen tối và khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Đức...

Một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là truyền lại kiến thức này cho các thế hệ tương lai, để những trải nghiệm kinh hoàng của quá khứ không bao giờ lặp lại”.

Xin lỗi để thực sự hòa giải

Các nhà xã hội học đã nghiên cứu và thấy rằng hóa ra ở mức độ quốc gia, tính chất của lời xin lỗi không khác nhiều so với ở mức độ cá nhân.

Trong cuốn The Presentation of Self in Everyday Life (tạm dịch: Sự bộc lộ cái tôi trong đời sống thường nhật, 1959), nhà xã hội học Erving Goffman đã mô tả việc xin lỗi là tự phân tách mình làm hai: một người cũ có lỗi và một người mới lên án hành vi của quá khứ.

Kẻ xin lỗi trở thành người tốt hơn. Người nhận lời xin lỗi cũng thay đổi vì nhận được một cử chỉ tôn trọng đích thực. Danh dự được vãn hồi.

Tuy nhiên ở tầm mức quốc gia, sự nhất trí đôi khi không dễ đạt được. Đó là trường hợp của thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama.

Ông đã nói lời xin lỗi vì những gì chế độ quân phiệt Nhật gây ra thời thế chiến, nhưng tuyên bố của ông gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới bảo thủ trong nước, đến mức từ “xin lỗi” đã phải bị loại ra. Murayama, vì thế, chỉ nói về “sự đau buồn chân thành”, “những hoài niệm đau khổ” và “sự hối tiếc sâu sắc”.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, con người đã tỏ ra học được cách nhìn nhận lại lịch sử của mình tốt hơn và thông qua những lời xin lỗi, họ cố gắng đạt được sự hòa giải.

Các lãnh đạo quốc gia cũng không còn ngần ngại đối mặt với những sai lầm quá khứ, đối mặt với những cộng đồng từng phải hứng chịu nỗi đau của quá khứ, sửa chữa những sai lầm và ấn định các giá trị mới. Về mặt tâm lý lẫn thực tế, điều đó tốt cho tất cả.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận