Nhu cầu cô đơn

CHIÊU VĂN 16/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT - Trong một xã hội mà người trẻ ngày càng chịu nhiều áp lực, sự cạnh tranh ngày càng gắt gao, và công nghệ khiến con người ngày càng xa lánh nhau, sự cô đơn đôi khi trở thành một nhu cầu cấp thiết.

Những nhà hàng của thế hệ YOLO đang là xu hướng thời thượng tại Hàn Quốc.-Ảnh: qz.com
Những nhà hàng của thế hệ YOLO đang là xu hướng thời thượng tại Hàn Quốc.-Ảnh: qz.com

 

“Uống rượu một mình được chào đón ở đây” - tấm biển tại quán bar Gitteol (quận Hongdae, Seoul) viết. Quán này mở cửa sáu tháng trước, sau khi người chủ, Hongyang, một nữ họa sĩ 41 tuổi, nhận ra ngày càng có nhiều người Hàn Quốc có nhu cầu “độc ẩm” - uống rượu một mình.

Thật ra, người Hàn Quốc, nhất là người trẻ, không chỉ uống một mình, họ còn ăn một mình, đi du lịch một mình, và... làm đám cưới một mình.

Đó là sự chuyển biến rất lớn ở một quốc gia với truyền thống Khổng giáo nhấn mạnh vào tính tập thể, nhất là trong đời sống xã hội.

Thay đổi xảy ra khi người trẻ Hàn Quốc cảm thấy chán nản về tương lai: tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ là 11-12%, gấp 3 lần tỉ lệ trung bình; lương thấp; công việc cực kỳ căng thẳng; và nhất là áp lực lớn về sự thành đạt từ gia đình và xã hội.

Phải tuân theo quá nhiều chuẩn mực và khuôn phép, ngày càng nhiều người trẻ muốn có các khoảng thời gian và không gian riêng.

Dân kinh doanh đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu này và mở những địa điểm phục vụ riêng cho những kẻ độc hành.

Yuk Cheop Ban Sang, một nhà hàng thịt nướng ở gần trường đại học uy tín nhất Seoul, có một tấm biển liệt kê tám trình độ cô độc khi đi ăn: ăn mì ở cửa hàng tiện lợi là cấp thấp nhất, trong khi ăn thịt nướng kiểu Hàn Quốc - vốn là kiểu bữa ăn chỉ thích hợp cho nhóm - là đẳng cấp cao nhất.

Cuộc cách mạng chủ nghĩa cá nhân mới trong giới trẻ Hàn Quốc xuất phát từ phong cách sống YOLO, viết tắt của câu tiếng Anh “You only live once” (Bạn chỉ sống một lần), vốn là lời bài hát của nghệ sĩ nhạc rap người Canada Drake.

Thậm chí các ngân hàng còn phát hành cả thẻ tín dụng YOLO, mà người sở hữu được giảm giá ở các cửa hàng như cà phê Starbucks, rạp phim, cửa hàng tiện lợi...

“YOLO... nghĩa là bởi bạn chỉ sống một cuộc đời, bạn không nên sống vì người khác hay vì tương lai, mà hãy sống vì hiện tại” - Jeon Mi Young, giáo sư ở khoa khoa học tiêu dùng Đại học Quốc gia Seoul, giải thích trên truyền hình.

Từ góc độ lịch sử, giáo sư Jeon nói trong quá khứ, người Hàn Quốc tập trung tiết kiệm tiền bạc và nghĩ nhiều tới việc người khác đánh giá họ ra sao, nhưng với người trẻ bây giờ, “tiêu dùng là cảm xúc và sự thoải mái hơn là duy lý và nhìn nhận từ người khác”.

“Rất nhiều người Hàn Quốc cho tới tận gần đây không biết cách kháng cự lại sức ép xã hội của số đông” - Katharine Moon, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wellesley (Massachusetts, Mỹ) bình luận.

Dân Hàn Quốc nổi tiếng là nghiện việc và phải tuân thủ nhiều nguyên tắc thứ bậc xã hội sau giờ làm. “Ít có sự tôn trọng không gian và giá trị cá nhân. Đó là phần không hay của văn hóa Hàn Quốc” - Lee Ju Yeol, sinh viên năm ba ở Đại học Ajou, nói.

“Với người phương Tây, những tay leo núi hay đi bộ một mình là chuyện quen thuộc, nhưng với người Hàn Quốc, nếu làm thế họ sẽ bị coi là lập dị” - Michael Breen, tác giả cuốn Những người Hàn Quốc mới, đã có thời gian dài sống ở nước này, nói.

Sự thay đổi nhân khẩu học cũng có vai trò lớn. Theo thống kê chính thức, hộ gia đình một người hiện đang là hình thức áp đảo ở Hàn Quốc, chiếm tới 27% số hộ gia đình vào năm 2015, tương đương với ở Mỹ, và là một sự thay đổi mang tính đảo lộn tại một quốc gia mới một thập niên trước còn là các gia đình bốn người chiếm ưu thế, và vài thập niên trước nữa là tam đại đồng đường.

Nhiều thị dân hơn, kết hôn muộn hơn, phụ nữ tập trung vào sự nghiệp thay vì gia đình, tỉ lệ sinh quá thấp, tất cả đã khiến xã hội Hàn Quốc Âu hóa nhanh chóng.

Theo thống kê của chính quyền, các đám cưới chính thức ở Hàn Quốc đã giảm từ gần 330.000 vào năm 2011 xuống còn hơn 280.000 năm 2016, mức thấp nhất kể từ năm 1974.

Một số phụ nữ còn đưa ra tuyên ngôn dứt khoát hơn về lối sống YOLO với việc tổ chức “đám cưới một mình”: chụp ảnh cưới, làm lễ và mời bạn bè, nhận phong bì mừng cưới, nhưng chỉ thiếu mỗi chú rể.

“Tôi sẽ chưa kết hôn trong một thời gian nữa, nhưng muốn mặc váy cưới khi tôi vẫn còn trẻ - Yang Eun Joo, nhân viên 32 tuổi của Công ty LG Electronics, nói về đám cưới một mình của cô - Gia đình thì lúc nào cũng thúc giục, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ kết hôn”.

Tuy nhiên, những người thuộc thế hệ của tân Tổng thống Moon Jae In, 64 tuổi, không nghĩ đây là một khuynh hướng lành mạnh.

“Đi ăn một mình không chỉ cô đơn - ông Moon nói trên trang naver.com - Mà còn là thực đơn thiếu cân bằng, có hại cho sức khỏe của người trẻ”. Ông bày tỏ lo lắng về khuynh hướng này, và mong muốn người trẻ sống hợp quần hơn.

Nhưng rõ ràng, một chính trị gia 64 tuổi có vợ và hai con - một gia đình hoàn toàn truyền thống - sẽ khó mà thuyết phục được thế hệ YOLO, những kẻ không coi cô đơn là điều đáng ngại, mà là một nhu cầu thực sự.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận